Trích Mémorial, mission de Quinhon, số 92, 10 Novembre 1912, tr. 100-105
|
Ngày lễ các Thánh Nam Nữ 1912
Giám mục ĐA-MI-A-NÔ gởi lời kính các Cha, thăm chức việc và giáo hữu đặng mọi sự lành, cùng đặng hay:
Vốn Ta gánh việc chăn chiên, thì hằng ước ao khao khát cho con chiên hiểu thông lẽ đạo; biết điều phong hoá; rõ chữ tam cang ngũ thường; nực mùi đạo hạnh, tấn tới đàng nhơn nẻo đức, hầu sau được lên Thiên đàng.
Mà cho được sự ấy, thì ta nghĩ có phương này rất tiện: là cho giáo nhơn thuộc chữ, hầu trước là học sách kinh, sách phần; sau là coi những sách giảng giải lẽ đạo, cùng các sách dạy về phong hoá điều hành.
Vì chưng: Nếu có thuộc kinh, thuộc phần, hiểu biết lẽ đạo, thì mới giữ đạo nên cho đặng rỗi linh hồn: lại nếu có nghe có biết những điều phong hoá, thì mới thông mới rõ cách ăn thói ở cho xứng bậc làm người có đạo.
Mà muốn học kinh, học thiên cùng lẽ đạo và điều phong hoá, thì phải học buổi còn nhỏ, mới thấm tháp và in vào lòng.
Vả sự dạy kinh dạy thiên, trước là chính bổn phận cha mẹ, sau hết là việc các Thầy, các Cha.
Nhưng vậy, nhiều cha mẹ ít lo dạy dỗ con, hoặc vì dốt nát, hoặc mắc trở việc làm ăn, nên chẳng dạy đặng bao nhiêu; còn phần biện giáo và các thầy các Cha, dầu có lo hết sức cũng chẳng đủ mọi điều và khắp mọi người; vì kẻ thì mắc đau, kẻ lại mắc ở xa xôi cách trở, kẻ mắc đói nghèo vv… ít đi nghe dạy cho chuyên được.
Lại dầu có nghe dạy được một lần, được xưng tội rước lễ vỡ lòng, khi về chẳng ai nhắc lại, thì lần hồi cũng quên, và chẳng có thế tiện mà đi nghe dạy lại.
Vậy có một phương rất tiện và thong thả, học mau, biết đủ, và có quên thì nó nhắc lại cho nhớ liền, là chính mình coi và học trong sách.
Thật cuốn sách là thầy rất thông, và rất hiền lành; lại hằng ở cùng mình luôn, sẵn lòng dạy hết mọi thứ người, dầu đứa chăn trâu bò cũng đành đi theo dạy dỗ cùng chuyện vãn với cả ngày; miễn là mở ra mà coi mà đọc thì xong.
Song muốn nhờ thầy quý báu dường ấy, thì cần phải biết chữ; bằng chẳng biết, ắt cũng như kẻ có thầy thông thái trong nhà, mà mình thì điếc đui chẳng nghe thấy đi gì, nên chẳng nhờ chi được.
Vả sách có hai thứ chữ, là chữ nho hoặc nôm, và chữ Quốc ngữ. Luận về chữ nho, thì tuy là tốt, song bất tiện nhiều bề; vì học lâu năm mà chưa thấy thông. Lại sách nho không nói về đạo Thiên Chúa là bao nhiêu; còn về đạo tự nhiên, có nói nhằm thì nói không rõ; và cũng dạy nhiều điều sai lầm; nên chữ nho, thì có ích cho kẻ làm việc phần đời, việc làng xóm mà thôi. Còn chữ nôm, cũng khó học cho mau thông, và nhiều chữ chẳng rành được; kẻ đọc thế nầy, người đọc cách khác.
Chí như chữ Quốc ngữ, thật là chữ của kẻ có đạo, vì các Cha xưa đã bày ra mà in các sách đạo, và các sách dạy về phong hoá. Chữ ấy vốn tiện mọi đàng, vì học mau thông, nói nhằm giọng trúng tiếng bổn quốc; dùng phần đạo phần đời cũng xong; dùng ghi sổ buôn bán, thơ từ, tin dây thép, đơn trạng v.v…
Bởi đó, bây giờ các tổng lý đua nhau lập trường dạy, lo học chữ Quốc ngữ khắp nơi. Nước Nhựt bổn đã bỏ chữ nho, và lập chữ Quốc ngữ theo tiếng nước ấy mà dùng; lại dần nước Đại minh là chính nơi dùng chữ nho, song rày đã muốn bỏ chữ ấy, và khỉ lập chữ Quốc ngữ cho tiện hơn.
Sau hết có lẽ nhà nước ta ít lâu nữa sẽ bỏ chữ nho, còn để nội chữ Quốc ngữ và Lang sa mà thôi, nên nếu giáo hữu chẳng lo học bây giờ, đến chừng ấy sẽ thua sút kẻ ngoại, thiệt hại, xấu hổ biết là dường nào!
Vậy suy bấy nhiêu lẽ ấy, thì ta nhứt định các điều sau nầy cho giáo nhơn đặng nhờ phần hồn phần xác.
1. Địa hạt nào đã lập trường dạy chữ Quốc ngữ rồi, thì Ta ban khen, vì đã có lòng lo việc rất có ích. Còn địa hạt nào chưa lập, thì phải lo lập cho có trường và thầy dậy chữ ấy; nếu có dạy chữ nho nữa, thì cũng được.
2. Lập trường ấy, hoặc tại nơi sở chính, hoặc nơi khác tuỳ tiện; thường thì phải lập nơi nào có các Cha ở; song nếu sở nào dầu chẳng có Cha ở, mà có lập trường riêng thì càng tốt.
3. Buộc hết thảy trẻ con trai có đạo phải tựu trường đã lập đó mà học chữ Quốc ngữ cho biết đọc sách cho xuôi. Còn các nhi nữ, không lẽ để thua nhi nam; nên cũng phải liệu thế mà học và đọc sách cho được, mới trọn bổn phận. Bắt đầu càng sớm, thì càng dễ, càng mau nhờ.
4. Hoặc con nhà nghèo khổ, không có đặng ăn học ít lâu, thì Cha sở và các chức việc họ cũng phải liệu thể nào, cho nó thuộc biết đủ đọc cho xuôi.
5. Nếu có tập viết, học toán, địa dư v.v… được, thì càng quý; song chẳng buộc.
6. Sở nào xa hoặc cách trở thế nào, nên trẻ đi chẳng được, thì chức việc sở ấy phải lựa đôi ba đứa sáng trí hơn, xin Cha Bổn sở cho nó tựu trường mà học cho thông biết đủ, đoạn chúng nó về dạy lại trẻ trong họ mình.
7. Ai đã biết chữ Quốc ngữ, mà muốn dạy riêng một ít đứa trong xóm mình, nhứt là mấy đứa nghèo nàn, cho thuộc và đọc sách xuôi, thì Cha sở sẽ thưởng kẻ ấy ít cuốn sách; lại mấy đứa ấy cũng được mỗi đứa mỗi cuốn. Nếu ai quyết dạy riêng làm vậy, thì cha Sở sẽ cho không cuốn vần để mà dạy.
8. Cha mẹ nào bởi tưng con, nên kiếm lẽ nọ chước kia mà không cho con đi học chữ Quốc ngữ, thì thật đáng trách đáng quở phạt nặng; những kẻ thể ấy hãy nghe lời ông Thánh Phaolô ra lý đoán rằng: “Kẻ nào chẳng biết lo cho con cái tôi tớ, thì ra như đã chối đạo, cùng ăn ở tệ lậu xấu hơn kẻ ngoại nữa”
9. Những đứa nào làm biếng, trớ trinh chẳng muốn học chữ Quốc ngữ, thì cha sở cùng chức việc phải quở nó cùng trừng trị cho đáng tội.
10. Cho đặng lập trường làm vậy, nhứt là cho đặng giúp con nhà nghèo học vừa đủ, thì cha sở được phép lấy của họ ít nhiều cho tiện việc.
11. Mỗi năm chức việc và cha Sở phải khai về trước học chữ Quốc ngữ đã lập trong địa hạt, cho ta rõ điều rất trọng này tấn phát thể nào.
Ấy vậy, các chức hãy rán công ra sức giúp Cha sở lập trường Quốc ngữ và lo cho tấn phát việc học hành. Còn kẻ làm cha mẹ hãy sẵn lòng cho con đi học, hầu sau nó nhờ phần hồn phần xác. Lại những người giàu có hãy vui lòng cúng thí đa thiểu (dâng cúng ít nhiều) mà giúp việc lập trường cùng nuôi thầy dạy. Phần các thầy các chú nhà trường đã về thế gian, thì hãy lãnh lấy việc dạy này; dầu có ăn lộc tháng, song vì lòng tốt có ý giúp anh em, thì cũng có công trọng trước mặt Chúa và đẹp lòng bề trên nữa.
Ta ban phép lành cho hết mọi người, và xin cầu nguyện cho ta cùng.
Nay kính thăm
Tại Làng Sông Toà, ngày lễ Các Thánh Nam Nữ năm 1912
+ Giám mục ĐAMIANÔ ký
Phải đọc thơ nầy trong ngày lễ Đ.C. Bà khỏi tội Tổ Tông tại nhà thờ chính, và cắt nghĩa cho giáo nhơn rõ. Lại mỗi năm khi Cha về làm phước sở nào, cũng phải đọc và cắt nghĩa lại cho mọi người nhớ đủ.
******
Ít điều riêng cho các Cha Sở
Vốn Cha suy biết cùng tin thật việc lập trường dạy Quốc ngữ là điều can hệ nhứt. Phần ta cũng quyết sự có lập hay là không, và lập rồi có thạnh hay là suy, vốn tại nơi Cha; hễ Cha sẵn lòng lo, thì sẽ nên việc chẳng sai.
Bởi đó, Cha hãy chịu khó trong việc trọng này, hầu con chiên Cha được nhờ, chớ nệ công lao tổn phí. Như Cha là Vicarius (cha phó), vốn thì cũng phải hiệp lực cùng Parocho (cha sở) mà lập tại sở chính trước đã: mà xong rồi Parochus cũng sẽ hết lòng giúp Cha lập tại sở mình thường ở. Hoặc có sức lập cả hai chỗ một lượt, càng hay.
Đã biết rằng: Việc không dễ đâu, vì vạn sự khởi đầu nan; nên cũng để thong thả tuỳ tiện, miễn là Cha khỉ sự cùng lo tới luôn theo sức.
Khi lập rồi, nếu Cha chưa kiếm ra thầy dạy, thì cũng được dùng thầy đang giúp địa phận, mà dạy dỗ ít lâu; song phải liệu kiếm thầy mà thế cho mau, kẻo bê việc khác.
Ta dạy đọc thơ chung nầy trong lúc làm phước các sở, âu là cho Cha nương đó mà giảng dạy, thôi thúc bổn đạo lo việc can hệ hữu ích ấy. Trong mấy sở nhỏ, thì Cha nói tóm tắt lại mà thôi thì cũng đủ.
Xin Cha hãy nhớ lại lời S. Pauli: Impendam et superimpendar pro animabus … (2 Corint. XII, 15)[1]
Vale in Domino[2]
X Damianus
Vicarius Apostolicus
[1] “Phần tôi, tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì linh hồn anh em.”
[2] Hoặc Vale in Domino Iesu Christo, công thức chào tạm biệt ở cuối thư trong tiếng Latinh: Chào thân ái trong Chúa (Giêsu Kitô)!
(WGP.Qui Nhơn 05.09.2015)