Ngày 17/09
Thánh Rôbertô Bellarminô sinh năm 1542 tại Montepulciano, miền Bắc nước Ý, trong một gia đình nghèo nhưng đạo hạnh. Từ nhỏ, ngài đã được học với các cha Dòng Tên, nên ngài đã biết và yêu mến Dòng từ sớm. Sau đó, ngài phải trải qua nhiều thử thách của gia đình mới được vào Dòng. Những năm tháng ngài sống trong Dòng với đầy tràn niềm vui. Nhưng sau này, vì vâng phục Đức Thánh Cha, ngài làm hồng y và lo những công việc của giáo triều Rôma. Ngài lúc nào cũng mang một tình yêu sâu đậm và nỗi nhớ khôn nguôi đối với Dòng Tên mà ngài coi như người mẹ hiền.
Dáng người thấp bé, nhưng ngài rất thông minh, nhanh nhẹn và hài hước. Ngài học giỏi, giảng hay, lại hiền hòa và bao dung, nên ở đâu ngài cũng được thương mến, làm gì ngài cũng thành công. Trong thời gian làm linh mục, ngài làm việc lâu nhất tạiHọc viện Rôma của Dòng Tên, từ giáo sư thần học đến linh hướng, rồi Viện trưởng. Năm 52 tuổi, ngài làm Giám tỉnh của Dòng Tên ở Napoli, miền Nam nước Ý. Dù ở cương vị nào, ngài cũng nhiệt tình và vui vẻ phục vụ. Năm 57 tuổi, sau 39 năm trong Dòng mà ngài thấy “không biết buồn là gì”, ngài được Đức Thánh Cha nâng lên hàng hồng y để phục vụ trong giáo triều Rôma cho tới chết, thời gian mà ngài cảm thấy “không biết vui là gì.”
Chúng ta biết là trong Dòng Tên, ngoài ba lời khấn như mọi dòng khác là khiết tịnh, thanh bần và tuân phục, còn có lời khấn thứ tư là tuân phục Đức Thánh Cha khi được trao một sứ mạng nhằm phục vụ Hội Thánh. Đồng thời trong Dòng cũng khấn không nhận các phẩm chức như giám mục hay hồng y, trừ khi Đức Thánh Cha buộc phải vâng lời. Theo giáo luật, người thuộc một dòng tu khi làm giám mục hay hồng y sẽ trực thuộc Đức Giáo Hoàng, không còn thuộc quyền bề trên nhà dòng nữa. Điều này, cũng có nghĩa là về tinh thần thì còn thuộc nhà dòng, nhưng trong thực tế không chung sống với anh em nữa. Thánh Bellarminô rơi đúng vào trường hợp này. Khi nhận mũ áo hồng y, ngài khóc nức nở và chỉ xin được trở lại sống với anh em trong Dòng.
Ngoài một thời gian làm Tổng Giám mục tại Capua, hầu hết những năm tháng còn lại, trong khi làm hồng y, ngài phục vụ trong các thánh bộ của giáo triều. Ngài phải nghiên cứu và cho ý kiến về những vấn đề lớn trong đời sống Hội Thánh vào một giai đoạn khó khăn và phức tạp, thí dụ quyền của Đức Thánh Cha trong lãnh vực chính trị, vụ án Galileo thời danh, tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, vấn đề giáo hội quốc gia tự trị. Đem hết tài năng và nghị lực để phục vụ Hội Thánh, với lòngtận tụy và khiêm tốn, với đời sống đơn sơ và khắc khổ, ngài được coi là ngọn đèn sáng cho giới trí thức, là tấm gương cho những người sống đời tận hiến.
Luôn ăn mặc và xử sự như một linh mục bình thường, khổ tâm trong dinh thự hồng y với những lễ nghi phiền phức, ngài chỉ thực sự thoải mái với bầu khí đơn sơ và ấm cúng trong Dòng. Những ngày cuối đời, được Đức Thánh Cha cho phép trở về nhà Dòng, ngài đã chọn sống trong nhà tập với các tập sinh là những người nhỏ nhất trong Dòng. Ngài từ chối mọi ưu đãi dành cho người lớn tuổi và có phẩm chức.
Ngài qua đời tại Rôma ngày 17.9.1621. Theo di chúc, ngài xin được chôn cất trong lễ phục của linh mục, và tổ chức lễ an táng đơn sơ như một người bé nhất trong Dòng. Tuy nhiên Đức Thánh Cha bắt phải cho ngài mặc phẩm phục hồng y và tổ chức đám tang thật long trọng. Thế là dù đã chết, ngài vẫn phải vâng lời! Ngài cho thấy được cả hai mặt của Dòng Tên: vừa là môn đệ của Chúa Giê-su nghèo khó và khiêm tốn, vừa là người con tận tụy và vâng lời Hội Thánh.
Ngài được Đức Thánh Cha Piô XI tuyên thánh năm 1930 và ban danh hiệu Tiến sĩ Hội Thánh năm 1931.
——————————————————–
Thánh Rôbertô Bellarminô sinh ngày 4 tháng 10 năm 1452 tại Montepulcianô. Cha Ngài là Vinconzo Bellarminô. Mẹ Ngài là Cynthia Cervini. Em Đức giáo hoàng Marcellô II. Ngay khi còn là một học sinh tại trường các cha dòng Tên. Ngài đã tỏ ra thông minh đặc biệt. Cha Ngài đã định cho Ngài theo học y khoa. Dầu vậy năm 1560, Ngài xin gia nhập dòng Tên và đã được cha mẹ ưng thuận.
Theo học triết tại Roma, Ngài đã tỏ ra là một học sinh nổi bật. Từ Roma Ngài đã được gởi đi dạy học trong các trường của dòng Tên trong 4 năm tại Florence và Modevi. Lúc này Ngài đã thông thạo tiếng Hy lạp và được chỉ định dạy cho các bạn cùng lớp. Dầu chưa làm linh mục, Ngài thường được mời đi giảng và được coi như là nhà giảng thuyết từ bẩm sinh. Ngài học thần học trước hết ở Padua, rồi sau ở Louvain và thụ phong linh mục tại đây năm 1570. Các bài giảng của Ngài tại Louvain mang lại thành công đăc biệt. Anh em Tin Lành tại Anh cũng tìm đến nghe Ngài và nhiều người đã trở lại. Với dáng nhỏ bé, Ngài thường đứng trên ghế đẩu từ bục giảng.
Là giáo sư thần học tại Louvain, Ngài rất mộ mến các tác phẩn của thánh Tôma. Trong các bài diễn thuyết, Ngài đã chống lại một cách hữu hiệu nhưng đầy tình thương với các giáo thuyết khơi nguồn cho thuyết Giansenisme sau này. Thánh Robertô cũng thúc đẩy các sinh viên học tiếng Do thái và đã soạn cho họ một cuốn văn phạm ngắn gọn. Ngài đọc nhiều về các giáo phụ và các văn sĩ khác trong Giáo hội, một nỗ lực còn ghi lại trong tác phẩm “về các văn sĩ trong Giáo hội” (xb năm 1623).
Sau thời kỳ ở Louvain, Ngài được trao phó thi hành một công việc khó khăn là làm giáo sư phụ trách các cuộc tranh luận tại Roma. Các cha dòng Tên đã tổ chức việc diễn giảng này nhằm trả lời bằng ngôn ngữ thời đại đối với các cuộc tấn công của anh em tin lành. Suốt 11 năm, thánh Robertô đã nỗ lực cho công cuộc này với sự thành công rực rỡ. Nhiều sinh viên của Ngài đã trở thành thừa sai tại Anh và tại Đức. Một số người đã đổ máu vì đức tin tại Anh.
Các bài diễn thuyết của Ngài được xuất bản lần đầu tại Ingolstudt, từ năm 1586 – 1593 dưới tựa đề “các cuộc tranh luận về đức tin công giáo chống lại các người theo lạc giáo thời nay”. Có 20 ấn bản khi Ngài còn sống và nhiều ấn bản sau này nữa. Đây là một công trình bảo vệ đức tin đầy đủ nhất của Giáo hội có được và suốt ba thế kỷ liền nó là áo giáp cho các nhà giảng thuyết và các văn sĩ.
Những trách vụ khác thánh Robertô đảm nhận thời kỳ này là tu chính tác phẩm chú giải của Salmeron, một bạn dòng, làm việc trong ủy ban tu chính nghi thức phụng vụ Roma và bản kinh thánh phổ thông. Ngài cũng góp phần lớn cho Đức Sixtô V trong việc ấn hành các tác phẩm của thánh Ambrosiô.
Với vai trò thần học gia của Đức Hồng y Goetni. Vị đặc sứ của Đức giáo hoàng tại Pháp năm 1589, thánh Robertô chứng tỏ rằng: Ngài là một nhà ngoại giao lẫn một học giả có khả năng. Việc đại diện tại Paris thật nặng nhọc. Nhưng thử thách lớn lao nhất lại đến từ một phía khác. Đức giáo hoàng Sixtô V quyết định đặt cuốn I trong bộ những cuộc tranh luận vào sổ sách bị cấm. Đức giáo hoàng không bằng lòng với chủ trương của thánh Robertô, cho rằng uy quyền của giáo hoàng trực tiếp trong các vấn đề vật chất, và nếu có thì chỉ qua uy tín tinh thần mà thôi. Chủ trương này đã trở nên thông thường trong Giáo hội ngày nay. Nhưng Đức Sixtô đã qua đời và Đấng kế vị Ngài đã rút lại quyết định. Dầu bị thử thách nhưng thánh Robertô đã góp phần vào ấn bản Kinh thánh thời Đức Sixtô và đã viết tựa cho ấn bản cũ được vạch ra với một tinh thần bác ái.
Thánh Robertô liên tiếp làm cha tinh thần và viện trưởng của học viện Roma, rồi làm bề trên tỉnh dòng Naples. Tại Roma Ngài hướng dẫn một thánh trẻ dòng Tên là Luy Gonzaga. Tại Naples, chính Ngài được một cha dòng Tên khác là thánh Bernadiô Realinô sau này gọi là thánh.
Bị ép buộc nhận chức Hồng y năm 1599, từ đó Ngài lo các việc cho toàn thể Hội Thánh, chẳng hạn như vụ án Galilêô và cuộc tranh luận về ơn thánh giữa các cha dòng Daminh và dòng Tên.
Ngài làm Tổng giám mục Capua trong ba năm, rồi chấm dứt những ngày hạnh phúc ấy vào năm 1605 khi Ngài được triệu về Roma và cầm viết bênh vực Giáo hội. Liên tiếp Ngài dàn xếp với Fra Sarpi miền Venice, với vua Giacôbê I nước Anh và với văn sĩ Pháp Guillaume Barchony.