Thân thế cuộc đời thánh Mônica
Gia đình của thánh nữ Mônica không có gì nổi bật trong làng. Cha mẹ ngài là những người bình dân nhưng đạo hạnh, hay thương người. Thánh nữ sinh năm 332, tại làng Sucara bên Phi Châu.
Ngay từ nhỏ, Mônica đã được hấp thụ truyền thống đạo đức, và một nền giáo dục có thể nói là “linh đạo tình yêu”. Những đặc tính như: nhân từ, hiền hậu, thương người là nét đẹp nơi gia đình của thánh nhân mà ngài được thừa hưởng.
Quả thật, tấm lòng quảng đại, yêu thương người nghèo dường như đã thường trực trong tâm hồn cô, khiến cô không thể ngồi yên và no bụng trong khi nhiều người chung quanh mình phải đói khát! Vì thế, mỗi bữa cơm Mônica thường dành ra một phần cho kẻ khó nghèo. Việc chia sẻ cho kẻ nghèo đã làm cho Mônica coi là niềm hạnh phúc của mình vì được diễm phúc đụng chạm, gặp gỡ trực tiếp Thiên Chúa ngang qua những người kém may mắn đó.
Một điểm đáng lưu ý khác nữa là Mônica thường xuyên ẩn mình nơi vắng vẻ để thân mật, cầu nguyện với Chúa lâu giờ.
Tuy nhiên, tưởng chừng một con người đạo hạnh như Mônica, ắt phải được tận hưởng một cuộc sống bình yên, hạnh phúc! Ai ngờ cô lại gặp phải cảnh éo le và truân chuyên quá đỗi!
Năm 22 tuổi, vì vâng lời cha mẹ, Mônica đã kết hôn với Patricius. Chồng cô thuộc dòng dõi quý tộc. Vì thuộc về thành phần giàu sang trong làng, nên ngay từ khi còn nhỏ, chàng Patricius đã được nuông chiều thái quá, dẫn đến tình trạng ngang tàng, hách dịch, nghiện rượu, tính tình nóng nảy và không chung thủy, độc ác và tàn nhẫn…. Ông luôn tỏ vẻ khó chịu mỗi khi thấy vợ làm từ thiện và cầu nguyện.
Hơn nữa, sẵn có lợi thế con nhà giàu, lại hơn tuổi của Mônica quá nhiều, nên Patricius thường xuyên thể hiện vai trò chủ – tôi đối với cô. Mặt khác, cô lại còn phải chịu cảnh hất hủi của mẹ chồng. Điều làm cho cô Mônica buồn nhất, đó là bà lại hùa theo con trai để bênh vực chủ trương không tôn giáo và đời sống phóng khoáng, tự do cho Patricius. Vì những lý do đó, cuộc sống gia đình của Mônica gặp rất nhiều khó khăn, đau khổ.
Thêm vào đó, sau khi sinh được Augustinô, người con trai đầu lòng, bà vui mừng phấn khởi, nhưng chẳng bao lâu, Augustinô buông theo lối sống của cha, nên cũng trở nên lêu lổng, phóng túng…
Nhưng khi gặp những nghịch cảnh ngập đầu, Mônica không hề oán trách, nhưng ngài đã tìm ra những liều thuốc giải độc tốt nhất cho linh hồn mẹ chồng, chồng và các con, đó là sự hy sinh, lời cầu nguyện liên lỷ, cộng thêm những đức tính tuyệt vời như lòng bác ái, tình yêu thương, tinh thần quả cảm, đức tính khiêm nhường, và vững tin vào Chúa. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi Mônica vẫn một lòng yêu mến, kính trọng chồng và mẹ chồng; lại luôn sống làm gương sáng cho các con; yêu thương giúp đỡ dân làng.
Vì vậy, mưa dầm thấm lâu. Thiên Chúa đã thưởng công Mônica, đó là mẹ chồng và Patricius đã xin Rửa Tội và tin theo Chúa. Còn Augustinô đã chia tay bè rối Manichê (Nhị Nguyên) là một tà thuyết chống lại Giáo Hội và đức tin của Công Giáo mà ông đã dồn toàn tâm toàn trí trong suốt chín năm trường. Sau đó ngài được Rửa Tội. Hai người con còn lại là Navigio và Perpetua cũng xin chịu phép Thanh Tẩy và gia nhập Giáo Hội Chúa. Sau này cả hai đã đi tu dòng.
Niềm vui tột cùng đó đã làm cho Mônica thốt lên với Augustinô trong những giây phút cuối đời: “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”.
Cuối năm 387, khi mẹ con đang chuẩn bị trở về quê hương là Phi Châu, thì Thiên Chúa đã gọi Mônica về với Ngài, hưởng thọ 56 tuổi. Thánh nữ được chôn cất tại Ostite và sau được dời về Rôma vào năm 1430.
Thánh nữ Mônica – Người mẹ vĩ đại trong âm thầm
Nếu xét về mức độ ăn chơi trác táng, đi theo tà thần, chơi bời lêu lổng thì chúng ta chắc chẳng ai có thể sánh được với thánh Augustinô. Chúng ta thử nghĩ xem nếu chúng ta chỉ bằng 1/10 giống thánh Augustino về điểm ăn chơi trác táng thế thì ai là người lo lắng cho chúng ta nhiều nhất? Bạn bè ư? Chú bác ư? Anh em ư? Người yêu ư?…Không! Theo quan điểm của tôi thì chắc chắn ko ngoài ai khác chính là bố mẹ.
Các bạn thử nghĩ đơn giản như sau: Giả dụ một người bạn thân của bạn dính vào ma túy xì ke, cờ bạc rượu chè đánh đập vợ con, các bạn ra sức khuyên bảo nhưng không được thì các bạn nghĩ sao? Chắc chắn một điều là: Một phần không nhỏ sẽ tẩy chay (không chơi nữa), còn lại thì thờ ơ coi nhưng không quen biết…
Còn đối với Mẹ Mônica thì sao? Thánh Augustinô của Mẹ không những thế mà còn đi theo tà thần (gia nhập tà giáo Manichê) Mẹ không những hết lòng khuyên nhủ, mà Mẹ luôn cầu nguyện trong âm thầm, lời nguyện của Mẹ vang tới tận trời xanh đã làm thức tỉnh một Thánh Augustinô tuyệt vời.
(Ảnh 2)
Khi còn nhỏ tôi được bố mẹ “chăm sóc” rất kỹ, nào là không được chơi game, chát chít (trên internet), không được xem phim nhiều (cảnh hôn nhau phải nhắm mắt vào…) phải đi nhà thờ mỗi tối, đọc kinh sáng tối.v.v… Nhưng khi bước chân vào cấp 3 thì tôi đã “bật” (cãi) lại bố mẹ nhiều hơn, nào là: “con lớn rồi”, “bố mẹ cổ lỗ sỹ quá”… rồi chạy theo lý tưởng nào là bạn bè là nhất, so hiểu mình thế, gì bảo cũng nghe…
Tôi có cậu em họ “tuổi teen” cứ bố mẹ nói sao cũng bỏ ngoài tai, suốt ngày mở miệng là: “Bạn bè em chúng nó tốt lắm, không tiếc em cái gì” thế mà ra đường bị tai nạn thập tử nhất sinh nằm trong bệnh viện cả mấy tháng trời mà chẳng thấy “thằng bạn tốt” nào của nó tới thăm gì cả! Chỉ thấy bố mẹ nó chẳng thấy vắng hôm nào.
Một số bạn trẻ hiện nay đang có những quan niệm khá nguy hiểm như: “sống vội vã”, “sống chỉ biết riêng mình” bỏ ngoài tai tất cả lời khuyên từ bố mẹ, nào là bố mẹ không hiểu cho con, “con chỉ có mình cô ấy thôi”, “không có cô ấy con không sống được”, “sướng khổ con chịu”…
Các bạn không biết đấy thôi, bạn bè,người yêu chỉ là tức thời, bạn bè có nhiều, tình yêu có thể là ngộ nhận, còn cha mẹ thì duy nhất chỉ có 1, người Việt ta có câu tục ngữ rất hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” chúng ta sướng cha mẹ chẳng được gì đâu nhưng cũng rất vui, còn chúng ta khổ phải chăng cha mẹ chúng ta vui được ư?
Thay cho lời kết, xin được nhắc lại lời của thánh nữ Mônica nói với thánh Augustinô một lần nữa “Con ơi, không gì trên thế gian này làm mẹ vui. Mẹ không biết có gì còn lại cho mẹ làm hoặc tại sao mẹ lại vẫn ở đây, mọi hy vọng trên thế gian này mẹ đã được mãn nguyện”.