Gilles Donada
Được chính Chúa Giêsu khởi xướng trong Tin Mừng, việc phân định “các dấu chỉ thời đại” là trách nhiệm của mọi Kitô hữu muốn đáp lại những khát vọng và mong đợi của người đương thời.
Đâu là nguồn gốc của kiểu nói này?
Kiểu nói này được rút ra từ các sách Tin Mừng. Được hỏi bởi những người Pharisêu và Sađốc, những người đòi hỏi một dấu lạ từ trời, Chúa Giêsu đáp: “Chiều đến, các ông nói: “Ráng vàng thì nắng”, rồi sớm mai, các ông nói: “Ráng trắng thì mưa”. Cảnh sắc bầu trời thì các ông biết cắt nghĩa, còn thời điềm thì các ông lại không cắt nghĩa nổi” (Mt 16, 2-3).
Nơi thánh Luca (12, 54-57), Chúa Giêsu lấy ví dụ đám mây kéo đến vào lúc mặt trời “lặn” báo mưa; hay gió nồm thổi báo hiệu “trời sẽ oi bức” đang đến. Và Ngài kết luận: “Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải?”.
Monique Baujard, nguyên giám đốc Văn phòng Gia đình và xã hội của HĐGM Pháp, cho biết: “Ngay từ đầu, ý tưởng này về một thực tại đòi hỏi nỗ lực giải thích từ phía con người, nhưng thành ngữ này từ lâu vẫn được liên kết với bối cảnh Thánh Kinh cụ thể này. Chính Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã đưa các dấu chỉ thời đại vào từ vựng của Huấn quyền”.
Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Công đồng Vatican II nói về điều đó như thế nào?
Chính với Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Công đồng Vatican II mà thành ngữ “các dấu chỉ thời đại”, dù được sử dụng cách minh nhiên hay không, đã mang một ý nghĩa sâu rộng chưa từng có. Được gợi hứng từ tác phẩm của thần học gia Marie-Dominique Chenu (1895-1990), nó thể hiện cái nhìn tích cực mà Giáo hội muốn nhìn về thế giới.
Thế giới này không bị giảm thiểu thành một cánh đồng đổ nát, của những bóng tối và tai họa, nơi sinh sống của ma quỷ. Chúa Giêsu Kitô đã đi vào lịch sử, Ngài đã đến cư ngụ nơi các thực tại nhân sinh. Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban tặng Con một của Ngài, để ai tin vào Người sẽ không bị hư mất, nhưng được sự sống đời đời” (Ga 3,16). Và chính trong thế giới này mà ngày nay chúng ta vẫn gặp Người, với điều kiện lắng nghe các biến cố của thế giới và Lời Chúa. Các bản văn của Công đồng đại ý nói: việc đọc “các dấu chỉ thời đại” bao hàm một sự phân định tập thể rồi một câu trả lời, một sự dấn thân của Giáo hội thông qua các thành viên của mình.
Monique Baujard nhấn mạnh: “Với việc đọc các dấu chỉ thời đại, Công đồng đưa Giáo hội ra khỏi cơ chế hoạt động theo chiều dọc nơi một số người nắm giữ kiến thức mà họ truyền đạt cho người khác. Điều này phù hợp với mong muốn của Đức Thánh Cha Gioan XXIII là Công đồng có một đặc tính mục vụ, nghĩa là Giáo hội ưu tư về việc tiếp nhận lời của mình. Việc loan báo Tin Mừng không chỉ là một vấn đề giáo huấn của Huấn quyền: nó nằm trong một mối tương quan, được tạo nên từ những trao đổi và đối thoại” với thế giới. Đức Thánh Cha Phaolô VI nhấn mạnh đến khía cạnh này trong thông điệp “Ecclesiam suam” (1964, số 67): “Giáo hội trở thành đối thoại, (…) Giáo hội trở thành cuộc nói chuyện”.
Điều gì đã xảy ra với thành ngữ này?
Nếu thành ngữ “các dấu chỉ thời đại” thường xuất hiện ít hơn, thì nó nuôi dưỡng học thuyết xã hội của Giáo hội. Thông điệp Pacem in terris (Gioan XXIII, 1963) đề cập vấn đề chiến tranh lạnh; Thông điệp Populorum progressio (Phaolô VI, 1967), vấn đề phát triển; Thông điệp Centesimus annus (Gioan-Phaolô II, 1991), các hậu quả của việc sụp đổ bức tường Berlin; Thông điệp Caritas in veritatis (Bênêđíctô XVI, 2009), vấn đề toàn cầu hóa; hay Thông điệp Laudato si’ (Phanxicô, 2015), vấn đề tính cấp bách của hệ sinh thái. Monique Baujard nhấn mạnh: “Mỗi lần, các Đức Giáo hoàng nêu lên các vấn đề mới mà sự tiến triển của xã hội làm nảy sinh liên quan đến việc tôn trọng nhân phẩm hay công ích”.
Cha Xavier Debilly, đặc trách chủng viện Truyền giáo Pháp, ghi nhận: thành ngữ này đã biết đến “một thành công lớn nơi các môi trường Giáo hội cởi mở đối thoại với thế giới và cộng tác chân thành với xã hội để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn, trung thành với sứ mạng nhận được từ Chúa Kitô”.
Tuy nhiên, như Cha cho thấy, các thần học gia gắn bó với chính sự cởi mở này đã chỉ ra “sự hàm hồ của kiểu nói”. Cha Paul Valadier, S.J., chất vấn: nếu Thiên Chúa nói qua các biến cố của thế giới, thì làm thế nào chắc chắn rằng việc chúng ta đọc chúng không phải là kết quả của những phóng chiếu hay những ý kiến cá nhân của chúng ta? Cha Claude Geffré, O.P., đặt vấn đề về lối tiếp cận dựa trên sự lạc quan hoàn toàn, vốn hình dung lịch sử nhân loại như một sự tiến bộ liên lỉ, có nguy cơ bỏ qua những điều được và mất đối với những người bị bỏ rơi và sự khốn khổ của thế giới.
Nói về “các dấu chỉ thời đại” vẫn còn thích đáng ngày nay không?
Đó là điều mà Đức Phanxicô bày tỏ khi ngài kêu gọi một Giáo hội “đi ra” hướng đến “các vùng ngoại vi địa lý và hiện sinh” của thời đại chúng ta; một Giáo hội hiệp hành, đối thoại đích thực và chân thành với thế giới, lắng nghe “tiếng kêu của trái đất và người nghèo”.
Cha Xavier Debilly nhấn mạnh: “Lịch sử, đối mặt với sự vô nghĩa của đau khổ và sự dữ, về cơ bản là bi kịch. Thiên Chúa đến trong sự bi kịch của cuộc sống của chúng ta không phải để rút chúng ta khỏi đó, nhưng để cư ngụ trong đó một cách huyền nhiệm và biến nó thành nơi gặp gỡ của chúng ta với Ngài”. Cha nói thêm, về cơ bản, chỉ có một dấu chỉ duy nhất “cho thời đại”: “Dưới chân thập giá và trước ngôi mộ trống, các chứng nhân của một Đấng Chịu Đóng Đinh-Phục Sinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không bỏ rơi ai trong cô đơn và cái chết”.
Cha Xavier Debilly (người thích nói về “những tiếng gọi của thời đại” hơn) nhấn mạnh: “Không có danh sách dứt khoát về các dấu chỉ thời đại”, hay đúng hơn những dấu chỉ này được phân định trong gia đình, giữa những người láng giềng, giữa các đồng nghiệp, trong cộng đoàn, ở giáo xứ hay giáo phận, càng gần càng tốt với các thực tại đời thường trong đó vang vọng những tác động của cuộc khủng hoảng xã hội, di cư, khí hậu; trong đó diễn tả những nhu cầu và mong đợi của những người mong manh nhất, của các phụ nữ, của nhóm thiểu số tính dục…Các công trường không hề thiếu.
————————
Công đồng Vatican II nói về các dấu chỉ thời đại:
Trích Hiến chế mục vụ Gaudium et spes về Giáo hội trong thế giới hôm nay (7/12/1965, số 4-1 và 11-1).
“Giáo Hội phải luôn tìm hiểu tường tận những dấu chỉ của thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin Mừng; như vậy Giáo Hội mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người về ý nghĩa cuộc sống hiện tại và mai sau, cũng như về mối tương quan giữa hai cuộc sống ấy. Do đó, cần phải nhận biết và thấu hiểu thế giới chúng ta đang sống, cũng như những mong chờ, những khát vọng và cả tính chất thường là bi thảm của nó …
Dân Thiên Chúa, nhờ đức tin, luôn xác tín rằng mình được hướng dẫn bởi Thần Khí của Chúa Kitô đang bao trùm cả trái đất, cố gắng phân định đâu là những dấu chỉ xác thực về sự hiện diện hoặc ý định của Thiên Chúa trong các biến cố, các nhu cầu và ước vọng mà họ đang dự phần cùng với những người đương thời. Thật vậy, đức tin lấy ánh sáng mới để chiếu soi mọi sự và biểu lộ ý định của Thiên Chúa về ơn gọi toàn vẹn của con người, và do đó hướng dẫn lý trí tìm tới những quyết định mang tính nhân bản tròn đầy”.
—————————
Ghi nhớ
Thành ngữ “các dấu chỉ thời đại” được Chúa Giêsu sử dụng trong Tin Mừng theo thánh Matthêu. Ngài khiển trách những người đương thời của mình không biết giải thích và đánh giá điều gì là thiết yếu.
Thành ngữ này đã được phổ biến bởi Đức Thánh Cha Gioan XXIII và Công đồng Vatican II. Ngài kêu gọi các Kitô hữu lắng nghe những mong đợi và khát vọng của thời đại chúng ta dưới ánh sáng của Lời Chúa.
Cho dù nó không được dùng cách minh nhiên, nhưng khái niệm này vẫn thấm nhuần toàn bộ học thuyết xã hội của Giáo hội và những can thiệp liên tiếp của các Giáo hoàng cho đến ngày nay.
Tý Linh
(theo Gilles Donada, nhật báo La Croix)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (10.03.2023)