Đức Phanxicô, người chống đường lối chính trị gò bó của Bắc Mỹ về di dân, ngài kết thúc chuyến đi Mêhicô bằng thánh lễ khổng lồ ở biên giới Mễ-Mỹ để cổ động cho “quyền của những người di dân”.
Chiều thứ tư 17-2, Đức Phanxicô kết thúc chuyến đi của mình ở sát biên giới Mỹ. Ngài dâng thánh lễ ở bàn thờ giữa trời, trước mặt đám đông khổng lồ chỉ cách không đầy một trăm mét hàng rào dây thép gai dọc sông Rio Grande hay Rio Bravo tùy bên này bên kia nước, giòng sông chia hai nước của thành phố Ciudad Juarez phía bắc Mêhicô. Một Thánh giá của người Di dân được dựng trên gò gần ranh giới, tại đây Đức Phanxicô đã đến cầu nguyện trước khi dâng thánh lễ, ngài chào người Mễ đến dự thánh lễ đàng sau hàng thép gai nhưng… phía bên kia Mỹ!
Một thánh lễ cho toàn thế giới về vấn đề người di dân
Vào phút chót, Đức Phanxicô đã thêm một đoạn trong bài giảng của mình, bài giảng đã được vỗ tay nhiệt liệt. “Không một biên giới nào có thể ngăn chúng ta chia sẻ tình lòng thương xót mà Chúa đã cho chúng ta”, đó là những lời cuối mà Đức Giáo hoàng nói lên để chống đường lối chính trị Bắc Mỹ – một vấn đề trọng đại trong mùa tranh cử của nước Mỹ-, nhằm siết chặt hơn biên giới này với Mêhicô và toàn Châu Mỹ La Tinh. Hiện nay có ba mươi triệu người Mêhicô sống ở Mỹ, không kể các quốc gia Châu Mỹ La Tinh khác.
Một tình huống siêu hiện thực cho một thánh lễ, nhưng tình huống được Đức Phanxicô mong muốn để nói lên sứ điệp về vấn đề di dân cho toàn thế giới. Như ngài đã nói ngay từ đầu trong triều giáo hoàng của mình, trong chuyến đi Lampedusa vùng Địa Trung Hải, chuyến đi đầu tiên ra khỏi ngoại thành Vatican sau khi được bầu chọn, tại đây ngài đã tố cáo “nạn dửng dưng toàn cầu” về vấn đề nóng bỏng này. Thêm nữa, tại Ciudad Juarez, thành phố biểu tượng cho vấn đề di dân của Châu Mỹ La Tinh hướng về nước Mỹ, đây là chiếc cầu biên giới mà Đức Phanxicô đã nghĩ để đi vào nước Mỹ… Nhưng cuối cùng ngài nghe lời các cố vấn và đã bỏ ý định này, một hành vi sẽ gây khiêu khích đối với Washington.
Tuy vậy, trong bài giảng cuối cùng của chuyến đi, Đức Phanxicô nói thẳng, chủ đề trọng tâm là lòng thương xót: “Lòng thương xót luôn thấm nhập vào sự dữ để biến đổi nó” và “đã đến lúc phải phản ứng, phải biến đổi, chỉnh đốn, thay đổi, hoán cải những gì đã làm hủy hoại dân tộc, đã làm thoái hóa nhân loại”.
Bình giải về tiên tri Giôna, Đức Phanxicô nhắc giáo dân phải biết khóc: “Khóc cho bất công, khóc cho áp bức. Đó là những giọt nước mắt có thể mở con đường để biến đổi, đó là những giọt nước mắt có thể làm dịu tâm hồn” và chỉnh đốn “thái độ cứng ngắt và nhất là dửng dưng trước sự đau khổ của người khác”, nước mắt có thể “làm vỡ ra để mở lòng ra với việc trở lại”.
“Đó là anh chị em chúng ta phải ra đi, phải bị đuổi vì nạn nghèo khổ, vì bạo lực, vì nạn buôn ma túy, vì tội ác có tổ chức… Một mạng lưới giăng ra để luôn thâu tóm và tiêu hủy những người nghèo nhất.”
Với cái nhìn này của Thánh Kinh, Đức Phanxicô áp dụng cho hoàn cảnh hiện nay: “Ở đây, tại Juárez, cũng như ở các vùng biên giới khác, hàng ngàn di dân Trung Mỹ tập trung ở đây, không kể đến rất nhiều người Mêhicô tìm cách “qua bên kia”. Một đoạn, một khúc của không biết bao nhiêu bất công: con người trở thành nô lệ, bị bắt, bị cưỡng bức; rất nhiều anh chị em chúng ta là đối tượng của nạn buôn người.”
Ngài nhận xét, người ta có thể ước lượng “cơn khủng hoảng” qua các “con số” nhưng chúng ta “muốn ước lượng qua từng tên, từng gia đình, từng cuộc đời”. Vì thế ngài biện hộ: “Đó là anh chị em chúng ta phải ra đi, phải bị đuổi vì nạn nghèo khổ, vì bạo lực, vì nạn buôn ma túy, vì tội ác có tổ chức… Một mạng lưới giăng ra để luôn thâu tóm và tiêu hủy những người nghèo nhất.” Không những họ đau khổ vì nghèo khổ nhưng hơn nữa, họ còn đau khổ vì các hình thức bạo lực này. Một bất công tận căn hóa nơi người trẻ, họ là “mồi của súng ống”, họ bị bức bách, bị đe dọa khi họ tìm cách đi ra khỏi vòng xoáy trôn ốc của bạo lực và của địa ngục ma túy. Và còn nói gì thêm khi có không biết bao nhiêu phụ nữ mà cuộc sống của họ đã bị tước đi!”
Các hiệp hội, những “ngôn sứ của lòng thương xót”
Và tiếng kêu của Đức Giáo hoàng: “Chúng ta xin Chúa cho chúng ta ơn hoán cải, ơn nước mắt, chúng ta xin ngài cho chúng ta mở lòng: Không còn người chết, không còn bóc lột! Lúc nào cũng có thể thay đổi được”.
Trong phần kết thúc, ngài khuyến khích công việc của tất cả các cơ quan giúp người di dân, đó là “dấu hiệu của ánh sáng”: “Tôi biết công việc của nhiều tổ chức xã hội dân sự đấu tranh cho quyền của người di dân. (…) Họ ở tuyến đầu, nhiều khi họ phải hy sinh cả mạng sống của mình. Qua cuộc đời của họ, họ là các ngôn sứ của lòng thương xót, họ là quả tim thông hiểu, là bàn chân vững chãi của Giáo hội, một Giáo hội lúc nào cũng giang tay ra và nâng đỡ.”
Mario Samaniego, 18 tuổi. Anh gốc Mễ, sống ở Mỹ phía bên kia sông, một phần gia đình anh chờ bên phía Mêhicô. Anh đến với gia đình để dự thánh lễ: “Đức Giáo hoàng giúp chúng tôi, ngài làm cho chúng tôi gần nhau trong khi nhiều gia đình Mễ đau khổ sống trong chia cắt. Chúng tôi hy vọng cuộc viếng thăm của ngài có thể dẫn đến việc cải cách các luật về di dân để được mềm dẽo hơn.”
(Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch, phanxico.vn 19.02.2016/
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, Ciudad Juarez, 2016-02-18)