Lễ Chúa Thăng Thiên
Phúc Âm Mc 16, 15-20
“Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. ”
Việc về trời hay lên trời của Chúa phục sinh không có nghĩa là một sự thay đổi nơi ở từ mặt đất để về một nơi nào đó ngoài trái đất, nhưng thăng thiên là một sự tôn vinh. Thăng Thiên là một cuộc gặp gỡ, đi vào thân tình với Thiên Chúa Cha, được tôn lên làm Chúa. Chúa Giêsu thành Nagiarét mặc xác phàm làm người, ngoại trừ tội lỗi, nay được tôn lên làm Đức Chúa, nghĩa là cùng được chia sẻ quyền thống trị với Đức Chúa Cha. Mầu nhiệm nằm ở đó, mới lạ ở chỗ đó.
Chính vì thế, nhân loại sẽ không còn ngỡ ngàng tưởng rằng chúa Giêsu được bốc đi, được đưa đi từ điểm này tới điểm nọ. Đức Giêsu Kitô đã đi tới cùng sự chọn lựa của Ngài như thánh Gioan nói:” Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”( Ga 1, 11 ). Chúa Giêsu đã đến thế gian rao giảng nước trời, loan báo Tin Mừng nhưng con người không chịu đón nhận và ngài chấp nhận cái ê chề của cái chết thập giá như một tội nhân dù rằng Ngài hoàn toàn vô tội: Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai (Eph 1, 22). Đức Kitô đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh và trao ban cho sự vinh quang viên mãn, tràn đầy (Eph 1, 23). Chúa về trời nghĩa là được tôn vinh, nên các tín hữu tiên khởi luôn tin tưởng Chúa phục sinh vẫn hiện diện với họ không những ở Giuđêa hay Galilêa mà Ngài ở khắp cùng trái đất, Ngài ở mọi nơi mọi chỗ, Ngài hiện diện trong Giáo Hội. Đoạn Tin Mừng của thánh Mác-cô ngay trong đoạn cuối đã xác nhận Chúa phục sinh luôn hiện diện, luôn có mặt dù rằng Ngài đã được đưa về trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha:” …Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cộng tác với họ, và dùng dấu lạ điềm thiêng mà xác nhận lời họ rao giảng” (Mc 16, 20).
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Thánh Kinh bằng tiếng Việt
Thánh Kinh bằng tiếng Anh