Người tín hữu trong cuộc hành trình tìm vào sự sống của Thiên Chúa, hình như bị đặt trước một khó khăn không thể vượt qua được: đó là chúng ta chỉ đặt chân vào điểm đến khi bước qua khỏi cõi đời này. Đất Hứa như mật hút trên con đường vừa quá ngắn vừa quá dài. Tuy nhiên, đã có một con người ngược xuôi trên con đường đó, đã có một con người vượt qua được bước tường âm u của sự chết, và băng mình vào cõi sống – con người đó là Đức Giêsu Kitô. Chỉ một mình Ngài biết đường và bảo đảm cho chúng ta khỏi lạc đường. Với Ngài, dù đang đi vào cõi chết, chúng ta thật sự đang vượt qua nó. Thánh Gioan Brito đã cảm thấy sâu sắc điều đó. Thật vậy, chỉ một mình Đức Kitô có sức mạnh đưa thánh nhân đặt chân vào cõi chết để tìm sự sống.
1. Công tử
Thánh Gioan Brito sinh ngày 1.3.1647 tại kinh thành Lisbon hoa lệ của đế quốc Bồ đào Nha thời thịnh vượng hạng nhất lịch sử. Gia đình Brito thuộc vào hạng giàu sang và danh giá nhất ở Bồ Đào Nha thời ấy. Khi Gioan Brito mới được 1 tuổi thì ông thân sinh từ giã quê hương đi nhận chức Toàn Quyền ở Brazil. Ông đi mà không bao giờ trở lại, vì chỉ 2 năm sau, ông qua đời tại đó. Gioan như vậy sống trọn những ngày thanh xuân với mẹ và các anh chị. Nhưng cũng không được trọn, vì mới 9 tuổi, thánh nhân đã được tuyển vào trường Quốc tử giám dành cho các hoàng tử và công tử nước Bồ Đào Nha. Ở đây, thánh nhân trở nên bạn thân của Thái tử người sau này sẽ lên ngôi nắm quyền cai trị toàn để quốc. Dù còn nhỏ, hình như thánh nhân đã biết xem thường vinh hoa của triều đình. Ăn mặc đơn giản, nói năng từ tốn, đi đứng nghiêm trang, thánh nhân được các bạn gọi đùa là “vị tử đạo”. Cậu công tử Gioan muốn chi được nấy. Bà công tước rất chiều con, và Thái tử rất quý mến bạn. Nhưng có một điều cả Bà công tước lẫn Thái tử đều không thể cho Gioan được, đó là sức khỏe. Năm 11 tuổi, thánh nhân ngã bệnh trầm trọng, tưởng chừng không thể nào qua khỏi. Bà công tước tha thiết cầu nguyện với thánh Phanxicô Xavier và hứa nếu Gioan khỏi bệnh thì bà sẽ cho Gioan ăn học như vị tông đồ phương Đông để suốt đời nhớ ơn. Lời ước nguyện của bà thành sự thật. Từ đó, ngay tại triều đình, công tử Gioan mang áo dài đen với thánh giá và tràng hạt như một thừa sai Dòng Tên. Biết đâu Gioan Brito lại chẳng phải là một Phanxicô Xavier thứ 2?
2. Ra đi
Vào lễ Giáng sinh năm 1662, sau mấy ngày cấm phòng, Gioan quyết định xin vào nhà Tập Dòng Tên. Lúc ấy thánh nhân mới được 15 tuổi rưỡi. Từ mấy năm nay, chàng công tử mang áo thừa sai này nghĩ nhiều về thánh Phanxico Xavier, về đời sống và hoạt động của ngài. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, Gioan muốn noi theo gương mẫu, muốn nên giống vị thánh tông đồ phương Đông trong cả cuộc sống, chớ không chỉ ở bộ áo. Thế là Gioan Brito đã đi xa hơn bà mẹ tưởng và bà phải đau lòng để cậu con út cưng ra đi.
Tuy nhiên bà mẹ đáng mến này còn phải tốn nhiều nước mắt hơn nữa khi Gioan yêu quý của bà bước chân xuống tàu đi Ấn Độ ngày 25.3.1673. Hơn 130 năm trước đây, vị tông đồ phương Đông – thánh Phanxicô Xavier cũng đã rời thành phố này để ra đi vì muốn tìm gặp Đức Kitô ở những chân trời xa lạ. Cũng chính những ước nguyện ấy nung nấu Gioan từ lâu. Bà công tước bị ám ảnh là sẽ không bao giờ nhìn lại được mặt con. Vì vào thời ấy, xuống tàu đi Ấn Độ là làm một cuộc mạo hiểm đầy gian nguy: đắm tàu, bệnh dịch, sống khổ cực, bị người địa phương đe dọa tính mạng .v.v… Nhưng Gioan đã biết rõ mình ước noi gương thánh Phanxicô Xavier, đáp lời mời gọi của Đức Kitô, tung mình vào những miền đất xa xôi, vì vinh danh Chúa, vì hạnh phúc anh em. Thánh nhân say sưa cầu nguyện, chăm chỉ học hành ráo riết chuẩn bị mình để trở thành sứ giả của Đức Kitô. Ở học viện, thánh nhân càng cảm thấy bị thiêu đốt vì lý tưởng ấy hơn. Đã nhiều lần, thánh nhân viết thư cho cha Tổng Quản ở Rôma để trình bày ý định. Năm 1669 thánh nhân viết: “Đêm nay con nóng lòng muốn được đi Ấn độ…”. Tuy nhiên thánh nhân còn phải chờ mấy năm nữa mới được toại nguyện, vì còn phải chờ lãnh sứ vụ linh mục. Trong thánh lễ đầu tiên, ngài đã dâng hiến cả cuộc đời cho Chúa và cho những anh em người Ấn Độ mà ngài chưa hề thấy.
Để được đi Ấn Độ, thánh nhân cũng phải phấn đấu thật nhiều. Bà Công tước thì hẳn nhiên không chấp nhận rồi, cả đến Hoàng đế và Sứ thần Tòa thánh cũng can thiệp để giữ ngài lại. Thánh nhân phải đích thân đi gặp và trình bày quyết định của mình, đỡ đòn cho cha Giám tỉnh. Rồi từ tốn, nhưng cũng hết sức cương quyết, thánh nhân đã vượt thắng mọi trở ngại. Cuối cùng, con người ý chí và kiên trì ấy đã hân hoan tìm theo con đường thánh Phanxicô Xavier đã đi xưa, bỏ lại sau lưng người thân, danh vọng và mọi thứ khác mà quê hương dành sẵn cho mình. Ngài đã phải lén lút xuống tàu để khỏi phải dự buổi tiễn đưa long trọng mà Hoàng đế dành cho ngài, cũng như để khỏi bịn rịn nước mắt bà mẹ hiền.
Hôm ấy có 2 đoàn truyền giáo xuống tàu, một đi Trung Hoa gồm 8 linh mục, một đi Ấn Độ gồm 7 linh mục, 9 học viên và 1 trợ sĩ. Chưa đầy 2 tháng trên tàu, trước khi tới Goa, đoàn truyền giáo đi Trung Hoa đã mất 7 linh mục, và chỉ còn lại một người duy nhất. Trong khi đó, đoàn đi Ấn độ may mắn hơn, cũng chỉ còn lại 4 linh mục và 4 học viên, vì 3 linh mục, 5 học viên và thầy trợ sĩ duy nhất đã bị bệnh dịch cướp mất, được anh em gởi xác lại trên đại dương. Như thế lo âu của bà Công tước không phải là vô căn cứ.
3. Đất hứa.
Vừa đặt chân đến Goa, việc đầu tiên của Gioan Britto là đến quỳ cầu nguyện trước mộ thánh Phanxicô Xavier. Từ đây 2 con người này đã gần nhau hơn bao giờ hết. Dầu sao, trước khi lao mình vào cách đồng truyền giáo, thánh nhân còn phải thanh toán cho xong giáo trình thần học, đồng thời vị sứ đồ cũng phải chuẩn bị hành trang bằng việc học tiếng nói và phong tục của dân chúng trong miền. Và năm 1675 vị linh mục 28 tuổi vào đến miền đất mong đợi có lẽ từ trong lòng mẹ: Miền Madura ở cực nam Ấn Độ.
Miền Madura nóng như thiêu đốt, nhưng đến mùa mưa lại là chỗ hoành hành của thủy thần. Ít có người phương Tây nào nghĩ đến việc sinh sống tại miền này. Tuy nhiên, miền Madura khó thương này còn nóng hổi kỷ niệm của vị đạo sĩ công giáo: Cha Rôbertô Nôbili. Đến Madura vào năm 1605, cha Nôbili đã thấy phải bắt đầu thí nghiệm một phương thức mới để loan báo Tin mừng cho anh em dân ngoại ở đây. Cha đã táo bạo học tiếng nói, phong tục, kinh điển của dân địa phương, rồi sống hoàn toàn như một đạo sĩ Bàlamôn, chỉ trừ những điều mê tín dị đoan. Từ đó bắt đầu xuất hiện một mẫu thừa sai mới: Tin Mừng nhập thể trong văn hóa Ấn Độ.
Chính cha Gioan Brito cũng hăng hái bước theo cha Nôbili trong công cuộc loan báo Tin Mừng cho người Ấn độ. Điều này không phải là dễ đối với nếp sống nhung lụa. Tuy nhiên, là con người đầy chí khí, cha Gioan chẳng bao lâu đã trở nên hoàn toàn Ấn đối với người Ấn, để Đức Kitô nên mọi sự trong mọi người. Ngồi xếp chân rất thành thạo trên mặt đất, nói tiếng Tamil, dùng tay mặt bốc cơm ăn, uống nước không ly, mặc quần áo khăn đai thùng thình, mang guốc gỗ, đeo vòng tai, để râu ria xồm xoàm, thánh nhân thật sự đã trở thành một người khác. Cả đến tên riêng, thánh nhân cũng đổi, từ nay ai cũng gọi ngài là Arulsnadaswamy, có nghĩa đơn giản là Gioan, Thiên Chúa-thi- ân. Nếu gặp thánh nhân bây giờ, chắc mẹ ngài cũng phải mất một thời gian lâu mới nhận ra người con yêu quý của mình.
4. Dấn thân.
Quên hẳn thân mình, cha Gioan Brito hoàn toàn thuộc về giáo đoàn và những anh em Ấn độ của ngài. Trong 12 năm từ năm 1675 đến 1687, ngài ngược xuôi khắp 5 tiểu quốc ở cực nam Ấn độ, nhiệt thành giảng Lời Chúa. Ngài làm quen với lối sống nhiệm nhặt, mỗi ngày ngày ăn một bữa, chỉ có rau và cơm, không bao giờ ăn thịt cá, không bao giờ uống rượu. Ngài làm quen với những khu rừng rậm, thú dữ đi lại tự do giữa ban ngày, những kẻ gian manh rình rập đó đây. Ngài làm quen với những địa danh tràng giang đại hải, đọc đứt hơi: Tiruvadaturrei, Sirukadambanur, hayVonkatammalpettai. Ngài làm quen với việc đi bộ vượt qua những quãng đường dài hàng trăm cây số. Tất cả những thứ ấy là quê hương ngài, là đất chảy sữa và mật của ngài.
Cũng như Phanxicô Xavier ngày xưa, Gioan Brito nóng lòng muốn đi xa hơn nữa, xa hơn nữa… chỗ nào ngài cũng cảm thấy thân thiết như nhà của mình, vì Đức Kitô đang muốn cắm lều tại đó. Táo bạo đến liều lĩnh, ngài đi khắp nơi, không biết sợ là gì. Rừng rậm, núi cao, sông dài cũng không thể làm cho thánh nhân chùn bước. Nhiều lần ngài đã cởi bỏ áo choàng để bơi qua sông vì không có đò. Lắm khi chính các anh em trong Dòng cũng phải khó chịu vì những cuộc phiêu lưu ấy. Nhưng không ai có thể nghi ngờ về đời sống thiêng liêng, đôi chân xả kỷ và một tấm lòng nhiệt thành tông đồ của ngài. Cha Giám tỉnh có lúc đã nghĩ tới phải trả thánh nhân về Rôma, vì thánh nhân đã tạo ra một lối sống không ai theo nổi nữa.
Nhưng so với những chống đối của người ngoài, thì những khó khăn với anh em chưa có gì đáng kể. Chính tai thánh nhân đã nghe những kẻ thù ghét người Công giáo nặng lời công kích và đe dọa mạng sống ngài. Một lần đang đêm, họ đến bao vây nhà thánh nhân ở và dẫn ngài đi. Họ đánh đập, hành hạ, xiềng xích và tống giam ngài. Nhưng sau đó họ phải tha, vì sợ viên tổng đốc quở phạt. Dầu sao, chính tay ngài cũng đã rửa tội cho hơn 16 ngàn người. Và những người Bàlamôn thấy rõ hiệu năng của con người gan lì ấy. Họ bảo nhau: “Bao lâu hắn còn sống, thì không gì có thể làm cho hắn dừng bước được.” Đã hẳn họ muốn thánh nhân cút đi cho rảnh mắt, hoặc là họ sẽ phải thủ tiêu ngài. Nhưng cũng như vị ngôn sứ làng Nazareth xưa, Arulsnadaswamy cứ miệt mài với Tin mừng, nên họ chỉ còn chờ dịp thuận tiện để ra tay.
5. Thoát tay thần chết.
Năm 1685, thánh nhân được bổ nhiệm làm bề trên miền Madura. Tưởng đâu ngài sẽ ở yên một chỗ, nào ngờ ngài thấy có trách nhiệm với từng anh em, với từng giáo điểm, nên ngài di chuyển nhiều hơn ai hết. Năm 1686, một hôm nghe tin có bách hại ở Narava, thánh nhân liền đến nơi để xem xét tình hình. Thấy ở đó gặp nhiều khó khăn, ngài quyết định ở lại để tiếp tay với anh em. Trong chưa đầy 2 tháng, ngài đã rửa tội cho hơn 2000 người. Nhưng viên quan chức ở đó hết chịu đựng nổi hoạt động của ngài. Ông sai lính đi bắt ngài, trói chặt, dẫn về bêu ở công trường. Rồi bọn lính được tự do hành hạ ngài. Họ đánh đập ngài nhừ tử, không chút xót thương. Họ cột chặt ngài rồi thả xuống ao, kéo lên thả xuống… cứ thế cho đến khi ngài ngất xỉu. Khi đã chán, họ lôi thánh nhân đến một tảng đá, xé quần áo ngài, dày đạp ngài, rồi bỏ mặc ngài nửa sống nửa chết giữa trời nắng như thiêu đốt. Mấy ngày sau, viên quan tuyên án tử hình, nhưng chưa kịp thi hành án lệnh, ông lại được lệnh của tiểu vương đòi phải trao nộp vị đạo sĩ công giáo cho nhà vua. Trước mặt tiểu vương, điều không ai ngờ là thánh nhân chỉ bị cấm giảng đạo trong tiểu vương quốc Marava, chứ không bị xử tử. Thoát tay thần chết, nhưng thánh nhân rã rời vì những trận hành hạ chí tử. Ngài trở về Goa để dưỡng bệnh. Ngay lúc đó, thánh nhân lại được ủy nhiệm thay mặt cho anh em dòng ở Ấn độ về dự hội nghị Tỉnh dòng Bồ đào nha sắp họp ở Lisbon.
Ở Bồ đào nha, ngài được đón tiếp như một ông hoàng, một vị anh hùng, và hơn thế nữa, như một vị thánh nhân, vì tin tức về đời sống và những thành quả tông đồ cũng như lần tử đạo hụt vừa qua đã lan truyền trên miệng mọi người. Thánh nhân muốn tiếp tục cuộc sống của một thừa sai ngay tại quê nhà. Nhưng Hoàng đế đã ép ngài vào cung điện, và sống thân thiết với nhau như thời niên thiếu. Cả nhà Vua lẫn bà công tước đều tìm hết cách để giữ ngài ở lại Bồ đào nha. Dầu sao, không ai lay chuyển ý chí sắt đá của con người đã vào sinh ra tử ấy. Trong một lá thư gửi cho người anh, thánh nhân viết: “Quê em ở trên trời và em chỉ dừng chân ở đó”.Hoàng đế vì tình bạn, cũng như vì kính mến đã đề nghị thánh nhân nhận chức Tổng Giám mục. Nhưng thánh nhân trả lời: “Không bao giờ tôi chịu đổi triều thiên tử đạo lấy chiếc mũ Giám mục”. Ngày 7.4.1670, một lần nữa ngài giã từ gia đình, bè bạn và cả cuộc sống để trở về với đất Ấn độ huyền bí và nhiều quyến rũ.
Vừa đặt chân lại Madura, thánh nhân liền bắt tay vào việc cũ. Vẫn một chí khí hào hùng ấy, vẫn một lòng kiên trì như xưa. Ngài đặt địa sở ngay trong tiểu vương quốc Madura, nơi ngài bị cấm giảng đạo. Được tin thánh nhân đã trở về, vị tiểu vương tức giận quyết chí lần này không tha nữa. Về thánh nhân, chưa đầy 2 năm, ngài đã rửa tội được cho hơn 8000 nguời. Trong số những tân tòng có một người thuộc hoàng tộc. Ông này đã được ngài chữa cho khỏi bệnh và sau đó đã xin lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhưng ông có nhiều thê thiếp. Trước khi rửa tội ông đã bỏ tất cả, chỉ trừ một bà vợ chính thức. Trong số những bà vợ thất sủng, lại có một người cháu ruột của vị tiểu vương. Bà này oán hận thánh nhân và tìm cách trả thù. Bà chỉ cần mất mấy giọt nước mắt là đã làm cho vị tiểu vương quyết định ra tay.
6. Hồn thiềng lâng lâng
Muốn bắt cha Arulsnadaswamy là việc quá dễ dàng, vì thánh nhân trả bao giờ chốn tránh cả. Ngài bị kéo lên xe ngựa về kinh đô, bị tống ngục, rồi bị hành hạ và bị đưa ra tòa xét xử. Dĩ nhiên là họ phán quyết ngài có tội và kết án tử hình ngài. Vị tiểu vương khôn ngoan không muốn nhúng tay vào việc đổ máu một vị thừa sai Bồ đào nha, sợ bị thực dân trả thù. Ông ra lệnh áp giải vị đạo sĩ công giáo này đi đày. Nhưng ai cũng biết rằng nhà vua muốn ném đá giấu tay thôi.
Thật vậy cha Arulsnadaswamy được dẫn đến nơi người em trai của vị tiểu vương ở, ông này hiểu nay ý anh mình. Một đám đông tín hữu cũng như người ngoại đến xem cuộc hành hình. Thánh nhân quỳ xuống, mắt đăm đăm nhìn lên trời. Ngài lập lại lời kinh dâng hiến cuộc đời cho người Ấn độ thân yêu, rồi ôm hôn thắm thiết anh đao phủ. Sau khi trút hơi thở cuối cùng dưới lưỡi gươm. Xác thánh nhân bị bêu để cho thú dữ đến ăn. Nhưng một số tín hữu đã liều lĩnh đến cướp xác ngài đem về Goa chôn cạnh thánh Phanxicô Xavier. Hôm ấy là ngày 4.2.1693, thánh nhân được suýt soát 46 tuổi.
Thế là ước nguyện của Gioan Brito đã thành tựu. Muốn theo gương thánh Phanxicô Xavier để sống cho người Ấn độ, Gioan Brito đã nếm cuộc đời của một sứ đồ. Hơn nữa, ngài đã nếm cả cái chết của một chứng nhân như vị ngôn sứ làng Nazaret khi xưa. Và nay, nằm bên cạnh thánh Phanxico Xavier, chắc ngài đã thấy rõ ý nghĩa tên mình đã chọn: Arulsnadaswamy, Thiên-Chúa-tri-ân. Ngài thực sự đã là khí cụ của Chúa thi ân cho anh em Ấn độ thân yêu. Nhưng người được thi ân hơn ai hết, lại chính là ngài. Gioan Brito muốn theo gương thánh Phanxicô Xavier thì nay lại trở nên một mẫu gương mới cho sứ đồ. Cha Tổng Quyền Ledokoski đã gọi ngài là“mẫu mực cho mọi sứ giả của Đức Kitô nơi dân ngoại”. Vì noi gương Đức Kitô, ngài đã nhập thể trong dân tộc Ấn độ và làm cho tin mừng thấm nhập và cách sống và văn hóa của người địa phương. Mãi mãi thánh nhân sẽ còn là một lời mời gọi của Đức Kitô đối với những ai đang ao ước sống triệt để Tin Mừng cứu độ.
Cha Gioan de Britô được Đức Giáo Hoàng Piô XII tôn phong hiển thánh năm 1947.