Edith Stein, một nữ tu Camêlô thánh thiện, một triết gia uyên thâm và một văn sĩ sáng giá, không những ngài có ảnh hưởng lớn ở thời ấy mà ngày nay, ảnh hưởng ấy đang lan tràn trong giới triết gia và trí thức ở Ðức cũng như trên toàn thế giới. Ngài là nguồn cảm hứng cho tất cả những ai coi Thánh Giá là di sản, và cuộc đời ngài được dâng hiến cho sự đau khổ và bách hại của dân tộc Do Thái.
Sinh ngày 12 tháng Mười 1891 trong một gia đình Do Thái ở Breslau, nước Ðức, ngay từ nhỏ Edith Stein đã chứng tỏ năng lực học hỏi lạ thường, và vào lúc bắt đầu Thế Chiến I, ngài đã học xong triết và ngữ văn tại đại học Breslau và Goettingen.
Sau cuộc chiến, ngài tiếp tục cao học tại Ðại Học Freiburg và lấy bằng tiến sĩ ưu hạng về triết. Sau đó ngài là giáo sư phụ tá và là cộng tác viên của Giáo Sư Husserl, cha đẻ của hiện tượng học và cũng là người có ảnh hưởng lớn đến tư duy của thánh nữ.
Trong tất cả các ngành học hỏi, Edith Stein không chỉ tìm kiếm chân lý mà còn đi tìm chính Chân Lý và ngài đã tìm thấy ở Giáo Hội Công Giáo sau khi đọc tự truyện của Thánh Têrêsa Avila. Edith Stein được rửa tội vào ngày đầu năm 1922.
Sau khi trở lại đạo, Edith dùng toàn thời giờ để dạy học, diễn thuyết, viết lách và dịch sách, và không bao lâu ngài trở nên một triết gia và tác giả nổi tiếng, nhưng điều ngài khao khát là cuộc sống cô độc và tịnh niệm của dòng Camêlô, là nơi ngài tận hiến cho Thiên Chúa và người dân của ngài. Trước khi Ðức Quốc Xã bách hại người Do Thái khiến ngài phải ngưng mọi hoạt động thì cha linh hướng đã đồng ý để ngài gia nhập dòng Camêlô Hèn Mọn ở Cologne-Lindenthal vào tháng Mười năm 1933. Vào tháng Tư năm kế tiếp, ngài được mặc áo dòng và lấy tên là “Têrêsa Bênêđícta của Thánh Giá.” Vào Chúa Nhật Phục Sinh năm 1935, ngài khấn trọn.
Khi sự bách hại người Do Thái gia tăng mãnh liệt và điên cuồng, Sơ Têrêsa Bênêđícta nhận thấy sự nguy hiểm khi có mặt tại nhà dòng Camêlô ở Cologne, và ngài đã xin phép bề trên để di chuyển đến một tu viện ở ngoại quốc. Vào đêm 31 tháng Mười Hai 1938, ngài bí mật vượt biên giới đến Hòa Lan là nơi ngài được tiếp đón một cách nồng nhiệt vào dòng Camêlô ở Echt. Ở đây ngài sáng tác văn bản sau cùng là Thánh Giá Học.
Chính Thánh Giá của ngài thì ngay ở trước mặt, vì lúc ấy Ðức Quốc Xã đã xâm lăng Hòa Lan, và khi các giám mục Hòa Lan công bố lá thư mục vụ phản đối việc trục xuất người Do Thái và đuổi các học sinh Do Thái ra khỏi trường Công Giáo, thì Ðức Quốc Xã ra lệnh bắt giữ mọi người Công Giáo thuộc gốc Do Thái ở Hòa Lan. Sơ Têrêsa Bênêđícta bị bắt vào ngày 2 tháng Tám 1942, và được chở đến trại tử thần Auschwitz. Ngài chết trong phòng hơi ngạt ở Auschwitz ngày 9 tháng Tám 1942.
Vào ngày 1 tháng Năm 1987, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong chân phước cho Sơ Têrêsa Bênêđícta, và sau cùng sơ được phong thánh ngày 11 tháng Mười 1998.
Lời Bàn
Các sáng tác của Sơ Têrêsa Bênêđícta có đến 17 tập, phần lớn đã được dịch sang Anh ngữ. Là một phụ nữ chính trực, ngài theo đuổi chân lý mà bất cứ đâu chân lý đưa đẩy đến. Sơ Josephine Koeppel, O.C.D., người đã dịch vài cuốn sách của Sơ Têrêsa Bênêđícta, nhận xét tổng quát về vị thánh này như sau, ngài “học biết cách sống trong bàn tay Thiên Chúa.”
Lời trích
Trong bài giảng lễ phong thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Vì Edith Stein là người Do Thái nên cùng với người chị là Rosa và những người Công Giáo cũng như Do Thái khác bị đưa từ Hòa Lan đến trại tập trung Auschwitz, là nơi ngài chết vì hơi ngạt. Ngày nay, chúng ta tưởng nhớ ngài với lòng tôn trọng sâu xa. Một vài ngày trước khi bị trục xuất, người phụ nữ đạo đức này đã gạt bỏ vấn đề được cứu nguy: ‘Ðừng làm như vậy! Tại sao tôi phải được miễn trừ? Không đúng sao khi tôi chẳng được ích gì từ bí tích Rửa Tội? Nếu tôi không thể chia sẻ số phận với anh chị em của tôi, đời sống của tôi chắc chắn bị tiêu diệt’.”
Với những người trẻ có mặt trong buổi lễ, đức giáo hoàng nói: “Cuộc đời các con không phải là một chuỗi không cùng của những cánh cửa mở! Hãy lắng nghe tâm hồn mình! Ðừng dừng ở ngoài mặt nhưng đi sâu vào tâm điểm của mọi sự! Và khi đến giờ, hãy có can đảm quyết định! Thiên Chúa chờ đợi các con phó thác sự tự do của mình trong bàn tay nhân ái của Người.”