Nhà thơ nổi tiếng người Anh, Alexander Pope nói: “Nhân vô thập toàn, Hãy tha thứ và Chúa sẽ thương xót thứ tha.”
Câu này thật đúng, nhưng khó thực hiện biết bao! Để lòng oán giận quả là tình trạng nô lệ nội tâm. Trong khi, tha thứ là thực sự theo gương Chúa Giêsu, mà cũng là giải thoát khỏi sự giam cầm chính bản thân mình!
Chúa Giêsu thường dùng các từ ngữ rõ ràng khẳng định lại bổn phận trên hết, không thể thiếu là tha thứ cho kẻ xúc phạm, làm tổn thương chúng ta, cầu nguyện cho kẻ thù và làm điều tốt cho người làm khổ chúng ta! Một lần nữa, nói dễ thì hơn làm! Thật ra, không có ơn Chúa, chúng ta không sao có thể và vượt xa khỏi khả năng tự nhiên của chúng ta có thể tha thứ cho người làm tổn thương mình, cũng như yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù. Tóm lại, chúng ta cần có ân sủng để tha thứ cho kẻ thù của mình.
Chúa Giêsu là mẫu gương trên hết cho chúng ta, hoàn toàn trong mọi sự chúng ta nói, chúng ta làm và ngay cả lúc chúng ta suy nghĩ trong đời sống hằng ngày! Thật vậy Người đã nói rõ: “Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” Trước tiên, Chúa Giêsu bắt đầu bằng cách thực hiện và sau đó Người mới rao giảng. Thực hiện trước, rồi nói sau!
Lời dạy của Chúa về sự tha thứ đòi hỏi rất khắt khe, Người đã sống trọn hảo điều ấy trong mỗi giai đoạn và mỗi lúc của cuộc đời trần thế của Người.
Những lời dạy nào của Chúa Giêsu về lòng thương xót và sự tha thứ? Hãy suy gẫm ít phút! “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em Ðấng nhân từ.” Để trả lời cho sự sẵn sàng quảng đại tha thứ bảy lần của Thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã tăng gấp bội lần lên: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Đây là lời nói cường điệu để Chúa nhấn mạnh đến bổn phận luôn luôn phải tha thứ, không có giới hạn hoặc do dự!
Rồi sau này, Chúa Giêsu đã ám chỉ đến việc dâng Lễ hoặc Phụng vụ. Người nói nếu khi anh đến nhà thờ để dâng lễ, mà biết có người anh em đang có chuyện bất bình với mình, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Nói cách khác, để xứng đáng cử hành Phụng vụ chúng ta phải cố gắng làm hòa với các anh chị em mình, không còn để lòng tức giận và oán ghét bất cứ ai.
Kinh Lạy Cha, là lời cầu nguyện tuyệt vời nhất trên đời này, Chúa Giêsu đã đưa ra một mệnh lệnh rất quan trọng sau: “Xin tha cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Nói cách khác, sự tha thứ của Thiên Chúa cho chúng ta và của chúng ta với tha nhân là con đường hai chiều . Nếu chúng ta muốn nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa, thì nhất thiết chúng ta cũng phải tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình!
Cuối cùng, chứng từ hùng hồn nhất về sự tha thứ của Chúa đối với tất cả nhân loại và từng cá nhân chúng ta là khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá sau khi bị đánh đòn, bị đội mão gai, bị nhổ nước bọt và bị nhạo báng, bị những người thân cận của Người lãng quên, xa lánh. Câu trả lời của Người như thế nào khi đang chịu đau khổ treo trên thập giá? Đây là những lời của chúa Giêsu: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.”
Sau đây là năm gợi ý vắn tắt và cụ thể giúp chúng ta trên con đường dẫn đến sự tha thứ và lòng thương xót!
1. XIN ƠN. Tha thứ cho kẻ thù, cầu nguyện và yêu thương họ vượt quá khả năng nơi bản chất con người sa ngã của chúng ta. Chúng ta rất cần có được tràn đầy ân sủng của Chúa. Thánh Augustinô nói rằng tất cả chúng ta đều là những kẻ ăn xin trước mặt Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải cầu xin ơn Chúa để có thể tha thứ khi nỗ lực thực hiện điều này. Thiên Chúa sẽ không từ chối chúng ta lời cầu xin ấy và ban cho ân sủng quan trọng này!
2. MAU MẮN THA THỨ. Khi chúng ta bị xúc phạm, ma quỷ thường xúi giục ngay chúng ta nuôi ý nghĩ trả thù trong đầu. Những ý nghĩ hận thù như vậy có thể dễ dàng biểu lộ ra bên ngoài: “Trả thù!” “Dạy cho nó một bài học” “Lấy gậy nó đập lưng nó.” “Mắt đền mắt, răng đền răng” Cuối cùng, “Lần này đừng để nó thoát.” Theo nghĩa nào đó, chúng ta có thể cảm thấy như một vị giảng đạo Tin lành có lần đã nói một cách súc tích như sau: “Chúng ta muốn tha thứ nhưng chỉ sau khi chúng ta nhìn thấy người ấy quằn quại như một con sâu trong tro nóng, ít nhất là một lúc.” Tất cả ý tưởng và cảm nghĩ này hoàn toàn trái nghịch với lời dạy của Đấng Cứu Thế Đầy Lòng Thương Xót và chúng ta phải cưỡng lại và từ chối ngay khi nhận ra điều ấy. Vì vậy, nếu chúng ta đáp lại ân sủng của Lòng Thương Xót Chúa và tha thứ ngay thì sẽ có một cơ hội rất tốt để chế ngự được chính mình! Tóm lại, hãy loại bỏ ngay những ý nghĩ hận thù và thậm chí hãy mau tha thứ!
3. LÒNG KHIÊM NHƯỜNG. Một vũ khí tinh thần hiệu quả khác mà chúng ta có trong tay là sự khiêm nhường. Như thế nào? Bằng cách sau: Nếu rất khó tha thứ và gần như không thể, thì hãy nhớ tới tội lỗi xấu xa và đáng xấu hổ nhất của mình mà Thiên Chúa đã tha thứ ngay khi cầu xin lòng thương xót và tha thứ của Người. Rất có thể điều người khác xúc phạm đến mình chẳng đáng kể so với tội lỗi còn thậm tệ hoặc đáng xấu hổ hơn của mình. Lòng khiêm nhường như vậy có thể cho thấy là một khí cụ rất tác dụng để mở lòng thương xót và tha thứ!
4. LÒNG THƯƠNG XÓT LÀ CON ĐƯỜNG HAI CHIỀU! Kế đến, hãy nhớ rằng nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là con đường cụt, mà là con đường hai chiều! Điều này có nghĩa gì? Chúa Giêsu nói: “Hãy thương xót như Cha anh em trên Trời là Đấng đầy lòng thương xót… và tha thứ … ” Vì vậy, nếu chúng ta muốn trải nghiệm lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa trong cuộc sống, chúng ta cũng phải mở rộng vòng tay tha thứ cho những người đã xúc phạm đến mình. Trong kinh Lạy Cha cũng dạy ta bài học tương tự: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.” Thánh nữ Faustina Kowalska trong “Nhật Ký Lòng Thương Xót Chúa Nơi Linh Hồn Tôi” khẳng định rõ ràng là thuộc tính hay đặc tính cao cả vô cùng nơi Thiên Chúa là Lòng Thương Xót vô biên. Là những người theo Chúa Giêsu, các môn đệ của Người, Đấng Cứu Độ Đầy Lòng Thương Xót, chúng ta phải thực thi nhân đức cao cả nhưng đòi hỏi rất khắt khe này. Lòng thương xót là tình yêu của Thiên Chúa tha thứ cho các tội nhân. Chúng ta quyết tâm tha thứ cho kẻ thù là một dấu chỉ rõ ràng về sự chế ngự được bản thân mình nhờ vào ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta!
5. CHÚA GIÊSU ĐỔ MÁU TRÊN THÁNH GIÁ. Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá, mỗi giọt Bảo Huyết Chúa Kitô rơi xuống để cứu cả nhân loại, nhưng đặc biệt là cứu lấy linh hồn bất tử của chính ta có thể là động lực thúc đẩy có sức thuyết phục nhất khiến chúng ta phải tha thứ cho những ai xúc phạm, làm tổn thương, đây là sự chiêm ngắm thầm lặng nhưng quan trọng. Sau khi bị xúc phạm và ta có thể chưa sẵn sàng tha thứ, hãy ngước mắt lên để chiêm ngắm Chúa Giêsu đang bị treo trên thánh giá. Nhớ những gì Người đã trải qua: đổ mồ hôi máu, bị đánh đòn tại dinh Philatô, chịu đội mão gai, bị Phêrô chối, bị Giuđa phản bội, bị kết án hoàn toàn vô tội, bị đóng đinh vào thập giá và từng giọt Bảo Huyết của Người rơi xuống. Lời nào quan trọng nhất được Chúa Giêsu thốt ra từ Trái Tim Cực Thánh của Người? Hãy chiêm ngắm và cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết những gì họ làm!” Suy niệm những lời này, cùng chiêm ngắm cuộc Khổ nạn Đau thương của Người, đang bị treo trên thánh giá và Bảo Huyết Cực trọng của Chúa đổ ra, phải là khí cụ hiệu quả nhất, như chiếc búa để khai phá trái tim chai đá không muốn tha thứ!
Sau cùng, xin Đức Mẹ Sầu Bi, Mẹ của lòng thương xót, ban ơn tha thứ. Không ai phải chịu đựng đau khổ nhiều hơn Mẹ Maria – ngoài Chúa Giêsu! Nhưng, khi Mẹ biết được tin và chứng kiến Người Con duy nhất của mình chịu đau khổ và chịu chết trên thánh giá, bị ngược đãi tàn nhẫn, Mẹ đã tha thứ từ thẳm sâu nơi Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cho chúng con được ơn biết tha thứ, xin thương xót chúng con, để chúng con xứng đáng được gọi là con Chúa, Cha chúng con, là anh em của Chúa Giêsu Kitô, và là bạn hữu của Chúa Thánh Thần khi nay và đời đời chẳng cùng! Amen.
Cts.sss chuyển ngữ từ fredbroom.blogspot.com