Tết nói chuyện Dê

 

Dê Ơi Là Dê

 Kính gởi quý vị để hưởng thức truyện DÊ ƠI LÀ DÊ của NV Phan Hạnh nhân dịp Tết Ất Mùi sắp đến. 

 Cứ đến năm thuộc con giáp nào, các tay ngứa ngáy viết lách lại cố đi tìm những chuyện liên quan đến con giáp đó để nói. Nhưng nói riết rồi cũng hết, chẳng lẽ xào đi xào lại hoài những điều đã cũ và hầu như ai cũng đã đều biết. Thiệt khổ ghê. Năm ngoái gặp con ngựa cũng đỡ vì ngựa đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người hơn, gắn bó với tiến trình lịch sử nhân loại hơn nên có nhiều chuyện để viết hơn. Còn năm Ất Mùi này có gì về con dê để nói? Đối với dân Mít ta, nó chỉ nổi tiếng qua khả năng giao phối siêu đẳng của nó. Chính vì vậy mà giới đàn ông dê tôn nó làm sư phụ hay ông thầy, thiếu điều gọi nó là vua Minh Mạng.

 

Giáo sư tiến sĩ tâm lý học Steve Bearman ở Đại học California, Santa Cruz giải thích lý do tại sao đàn ông luôn bị tình dục ám ảnh. Ông nói tình dục thực sự là một nguồn tiềm năng của tình yêu và niềm vui, sự thân mật, sự hấp dẫn, và vẻ đẹp. Quan hệ tình dục đáp ứng được những nhu cầu này, mà nhu cầu chỉ được thực hiện bằng cách làm sao cho dương lực của người đàn ông trở nên mạnh mẽ. Đàn ông xem tình dục là con đường dẫn tới sự thân mật thực sự, sự gần gũi hoàn chỉnh để công khai hóa tình yêu, mang lại niềm vui và mong muốn, sức sống và sự phấn khích. Khi họ yêu, họ muốn thể hiện nó qua ngã tình dục. Đây là lý do tại sao những người đàn ông thường bị ám ảnh với tình dục. Nó nhanh chóng trở nên gây nghiện đối với hầu hết nam giới.

 

Ông nói dương lực là do lượng hormone và kích thích tố nam testosterone có nhiều trong cơ thể. Mà như chúng ta biết, tất cả thành chất trong cơ thể đều do thực phẩm hoặc dược phẩm chúng ta dùng, đúng với câu ăn gì bổ nấy (you are what you eat). Thịt dê có chứa các hợp chất tương tự như hormone sinh dục nam, đặc biệt trong thực phẩm chế biến từ dái dê. Do đó, chuyện thịt dê tăng khả năng tình dục của nam giới thì cũng được các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định có phần đúng. Dùng nhiều thực dược phẩm có chất kích thích thì sung và nghĩ đến chuyện tình dục là phải rồi. Theo Bearman, trung bình người đàn ông nghĩ đến chuyện tình dục khoảng 19 lần mỗi ngày. Để giải tỏa sự đòi hỏi, họ phải tán tỉnh, ve vản đối tượng của họ giống như một con dê đực nên họ bị gọi là dê xồm, bất chấp họ có để râu dê như ông tướng Nguyễn Khánh hay không.

 Chỉ cần nhìn thấy một phụ nữ trẻ đẹp có vài đường nét khiêu gợi như một cặp chân dài, giọng thỏ thẻ ngọt ngào quyến rũ, một mùi nước hoa nồng nàn, mái tóc dài dịu dàng cũng đủ để kích thích họ nghĩ về tình dục. Đối với họ, khả năng tình dục được họ xem là bản lĩnh đàn ông và là một niềm tự hào thầm kín. Bị giảm hay mất năng lực này sẽ giáng một đòn nặng vào lòng tự tôn của họ, ngay cả khi không nói ra thì không ai biết, nhiều quý ông vẫn cảm thấy bị mất mặt. Thế là họ tìm đủ mọi cách để tăng cường khả năng trận mạc giường chiếu. Họ chiếu cố đến dê, nhất là bộ phận chiến lược của nó: pín dê và dái dê. Ngay cả cà tím, chỉ vì hình thù nó trông giống dái dê, cũng được phe đàn ông ưa thích, nếu dái dê nấu lẩu với cà dái dê thì càng tốt.

 

Tái dê chấm với tương bần
Ăn vào nó cứ bần bần như dê
Đêm về vợ lại tỉ tê
Tối mai ta lại tái dê tương bần.

 Bài “Ăn thịt dê có bổ dương không?” của tác giả Minh Châu có đoạn “Nghe mấy tay nhậu kháo nhau về những món ăn từ dê, chỉ cần ăn thử một lần là trong người sẽ nóng lên rạo rực bừng bừng… Ai mà chẳng khoái. Nhất là quý ông lại thường rất quan tâm đến việc chọn thực phẩm có dính dáng đến chuyện ấy. Để đáp ứng nhu cầu cho quý ông, các quán chuyên thịt dê ở nước ta mọc lên ngày càng nhiều có dấu hiệu ngày càng đắt hàng hơn. Họ chế biến thịt dê thành đủ món hấp dẫn. Nhà hàng nào cũng quảng cáo về công dụng của thịt dê, coi đó như là cứu tinh của đàn ông.”

 Khi nhắc đến món thịt dê, đặc biệt là dái dê, họ nghĩ ngay đến hành quân trên giường vì họ nghĩ món ăn đó có tác dụng bổ dương tráng khí. Chuyện đó đúng hay không, thực sự người viết không biết. Người viết nghe nói đến cả đống những món dê; tuy chưa ăn nhưng người viết nghĩ chắc cũng ngon. Vậy mà chẳng hiểu sao cả nhà người viết kể từ thời ông bà đến cha mẹ đến vợ con cũng chẳng ai nấu các món này cả.

 Những người thuộc trường phái đi Nga (đa nghi) đưa ra nghi vấn việc ăn các món ăn từ dê -đặc biệt là tinh hoàn dê hay ngẩu pín dê– có thực sự bổ cho cậu nhỏ hay không. Chưa chắc, vì chưa được chứng minh một cách khoa học. Sự cho rằng ăn gì bổ ấy chỉ là sự suy luận theo kiểu người Tàu, báo hại tê giác thiếu điều bị diệt chủng. Cái gì tốt cho con dê chưa chắc đã tốt cho con người. Việc cơ thể có hấp thụ hay chuyển hoá các hormone đó hay không chưa có công trình nghiên cứu nào xác nhận.

Ấy vậy mà tại Mỹ, một bác sĩ đã từng dám ghép dái dê cho người đó bạn ạ. Bạn không nghe lầm đâu. Đây là một câu chuyện có thật đó, có tài liệu lưu giữ lại rất đầy đủ chi tiết. Nó từng được cho là câu chuyện hấp dẫn nhất trên nước Mỹ trong thế kỷ trước.

 Đó là bác sĩ John Richard Brinkley, sinh ngày 8 tháng 7 năm 1885 tại vùng núi Great Smoky Mountains thuộc quận hạt Jackson, tiểu bang North Carolina trong một gia đình nghèo. Năm 17 tuổi, Brinkly vào văn phòng Viện Trưởng Trường Đại Học Y Khoa Johns Hopkins và nói chàng muốn học để trở thành bác sĩ. Viện trưởng nhìn cậu thiếu niên, không lấy gì làm tin tưởng, khuyên cậu ta nên quay về quê là hơn.

Trong suốt 15 năm, Brinkley đeo đuổi mộng bác sĩ, theo học Trường Cao Đẳng Y Khoa Bennett Medical College ở Chicago, Illinois. Năm 1905, Brinkley lại theo học một trường y không chính thống dạy trị liệu bằng phương pháp tự nhiên và dược thảo tên là Eclectic Medical University ở thành phố Kansas, bang Kansas. Năm 1017, Brinkley tốt nghiệp, tìm việc, và nhận lời về làm bác sĩ cho bệnh xá thị trấn Milford, tiểu bang Kansas thay thế cho một bác sĩ về hưu. Dù Milford chỉ là một thị trấn nhỏ với độ vài trăm dân cư, nhưng bác sĩ Brinkley quyết định chọn nơi này để khởi nghiệp.

 Brinkley giành được cảm tình dân cư địa phương ngay lập tức do ông trả lương nhân viên hậu hỉ, tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế địa phương và chịu khó đến tận nhà bệnh nhân trong trận đại dịch cúm năm 1918 ở Mỹ. Vết nhơ tai tiếng lang băm trước đó của Brinkley dần dần mờ xóa. Công lao chữa lành các nạn nhân cúm và sự đối xử tận tâm của ông với họ đã gây được tiếng vang tích cực. Nhưng chính vụ cấy tinh hoàn dê cho chàng nông dân Bill Stittsworth mới đưa bác sĩ Brinkley lên đài danh vọng và nổi tiếng như cồn.

 

Một ngày đẹp trời nọ Stittsworth đến xin khám bệnh, bác sĩ Brinkley vui vẻ hỏi “Tôi có thể giúp gì cho ông không?” Stittsworth ngượng ngùng kể “Bác sĩ ơi, tôi bị chứng bịnh thằng lớn nói, thằng nhỏ không nghe” và hỏi có thể nào bác sĩ Brinkley chữa giúp cho bệnh bất lực sinh lý này hay không. Brinkley giải thích rằng bất chấp mọi tiến bộ y học gần đây vẫn chưa tìm ra phương cách chữa trị chứng bất lực. Stittsworth thất vọng thở dài. Tình cờ khi nhìn ra cửa sổ, chàng nông dân nhìn thấy một con dê đực đang hành sự mạnh mẽ trên một con dê cái. Chàng ta buộc miệng đùa: “Phải chi tôi có một cặp tinh hoàn như con dê kia hả bác sĩ?” Cả hai người, bệnh nhân và bác sĩ, cùng cười lên với ý tưởng ngộ nghĩnh đó. Thế rồi chàng nông dân can đảm gợi ý: “Hay là bác sĩ cứ thử cấy cho tôi cặp hòn của con dê xem sao. Chắc cũng dễ giống như tôi ghép táo ngọt với táo chua vậy thôi mà.”

 

 

Quá đỗi kinh ngạc, Brinkley chống chế, ai lại đi làm chuyện điên rồ ấy bao giờ! Cấy tinh hoàn dê cho người để chữa bệnh bất lực? Phi đạo đức quá!

 

Chàng nông dân cố năn nỉ: “Vâng, thưa bác sĩ, tôi biết. Nhưng điều gì cũng không thể tồi tệ hơn cặp ngọc hành vô dụng này. Bác sĩ chỉ thí nghiệm một lần thôi. Nếu nó không hiệu quả, tôi thề là tôi sẽ không tiết lộ với ai.”

 Ông bác sĩ nghe xuôi tai và nghĩ thôi thì cứ giúp cho gã một lần. Sau đó cuộc giải phẫu được thực hiện với giá 150 đô. Rồi vợ Stittsworth có bầu, sinh ra một bé trai khỏe mạnh. Stittsworth đặt tên con là Billy, trong tiếng Anh có nghĩa là con dê đực. Sau này, Billy kể với phóng viên của tờ báo The Kansas City Star rằng thực ra chính bác sĩ Brinkley đã đề nghị cấy tinh hoàn dê miễn phí để thí nghiệm.

 

Stittsworth hớn hở đến phòng mạch vừa hát ư ử bài “Và con chim đã vui trở lại”, bác sĩ Brinkley mừng vô kể; ông không ngờ chuyện kỳ cục này lại có hiệu quả. Ông không thể che giấu một thành quả y khoa táo bạo như thế này. Ông nhận ra rằng ông phải công bố cho cả thế giới biết về phép lạ chữa bệnh này. Tuy nó chỉ là một phát hiện khá tình cờ nhưng nó đã chứng minh thành công với bệnh nhân bất lực do ông giải phẫu.

 Khi các bác sĩ chính thống thách thức và nhất định cho rằng cách chữa trị đó không thể nào hữu hiệu, Brinkley nói, “Bằng chứng là kết quả sờ sờ đây này! Thật quá đơn giản! Quý vị chỉ cần hỏi bệnh nhân của tôi thì biết ngay!”

 Tiếng lành đồn xa, tại bệnh xá Milford loại “walk-in clinic” không cần lấy hẹn trước, nhiều bệnh nhân đàn ông sồn sồn hơn đến gặp bác sĩ Brinkley với hy vọng khôi phục lại dương lực và khả năng truyền giống thông qua việc cấy ghép tuyến tinh hoàn dê. Bấy giờ bác sĩ Brinkley đã tăng giá mỗi ca giải phẫu lên thành US$750.00, tương đương với cả chục ngàn đô theo thời giá bây giờ.

 Brinkley cấy ghép tinh hoàn dê cho tổng cộng 34 thân chủ, trong đó có một thẩm phán, một ông hội đồng thành phố, và một viện trưởng Đại học Luật Khoa Chicago, tất cả đều có sự theo dõi của báo chí. Sự chú ý của công chúng càng lớn, công việc kinh doanh cấy tuyến dê của ông tại Milford càng tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh hơn.

 Thật ra trước đó, một số bác sĩ khác cũng đã từng thử nghiệm cấy ghép tuyến rồi, trong đó có bác sĩ Serge Voronoff, người đầu tiên trở nên nổi tiếng ghép tinh hoàn khỉ cho người. Năm 1920 Voronoff chứng minh kỹ thuật của ông tại một bệnh viện ở Chicago trước sự chứng kiến của một số đồng nghiệp.

 

Năm 1922, Brinkley đã đến Los Angeles theo lời mời của Harry Chandler, chủ nhiệm của tờ Los Angeles Times. Chandler thách thức Brinkley hãy cấy ghép tinh hoàn dê cho một trong những biên tập viên của tờ báo. Chandler tuyên bố nếu cuộc giải phẫu thành công, ông sẽ tuyên dương Brinkley là “bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng nhất ở Mỹ”. Và nếu cuộc giải phẫu thất bại, ông sẽ xem mình như là thứ đồ chết tiệt.

 

Tiểu bang California không công nhận giấy phép hành nghề bác sĩ của Brinkley (do Trường Đại học Y Khoa Chiết Trung Kansas chuẩn cấp), nhưng Chandler đã khéo léo chạy chọt được cái giấy phép hành nghề tạm có hiệu lực trong 30 ngày cho Brinkley. Cuộc giải phẫu được đánh giá là một thành công, và Brinkley đã nhận được sự chú ý như đã hứa qua một bài báo của Chandler. Điều này khiến cho Brinkley có thêm nhiều khách hàng mới, trong đó có một số ngôi sao điện ảnh Hollywood.

 Brinkley rất muốn dời phòng mạch về vùng Los Angeles vì bệnh nhân toàn thuộc hạng giàu có tiếng tăm. Nhưng hy vọng của Brinkley đã tiêu tan khi Ủy Ban Y Tế California thẳng thừng từ chối cấp cho ông giấy phép vĩnh viễn hành nghề y vì tìm thấy sơ yếu lý lịch của ông “đầy dẫy những dối trá và sai biệt”. Brinkley trở lại Kansas không hề nản chí và bắt đầu mở rộng phòng mạch của ông tại Milford.

 

Chuyện gì đến sẽ đến. Sau đó, do tham việc -hay đúng hơn là tham tiền và danh vọng-, Brinkley bận rộn hơn, căng thẳng hơn, gấp gáp cẩu thả hơn, phải dựa vào men rượu. May mắn không thể đến mãi cho một bác sĩ không có học khoa giải phẫu đàng hoàng như Brinkley, một số vụ nhiễm trùng và cơ thể con người nhất định từ chối không chịu nhận tuyến sinh dục lạ đã xảy ra đưa đến cái chết của bệnh nhân. Trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 1941, Brinkley đã bị kiện hơn một chục lần vì giải phẫu sai quấy làm chết bệnh nhân. Brinkley bị tước bằng hành nghề bác sĩ, nhảy qua kinh doanh trong vài lãnh vực khác, trong đó làm đài phát thanh, bị xử thua trong nhiều vụ kiện và thân bại danh liệt.

 

Ông tuyên bố phá sản vào năm 1941. Ngày 26 Tháng 5 năm 1942, Brinkley ngã ra chết vì biến chứng nghẽn mạch máu trong lúc những vụ kiện còn chờ đưa ra xét xử. Trong gần 57 năm của cuộc đời, Brinkley đã đạt được sự giàu có, quyền lực, và danh vọng. Tuy nhiên, điều mà ông mong mỏi nhất là sự kính trọng lại lảng tránh ông đến cùng. Cho dù ông thực sự tin tưởng vào hiệu quả của phương pháp chữa trị bệnh bất lực một cách quái gỡ đi ngược lại với qui luật của Hiệp Hội Y Học Hoa Kỳ (AMA), người đời sau thường nghĩ đến ông như là một lang băm điên rồ không hơn không kém.

 

Kể từ khi Brinkley chết rồi cho đến nay không còn bác sĩ nào dám cấy dái dê cho người nữa. Những ai muốn tăng cường khả năng tình dục đành trở về với các món ăn lẩu dê, dê nướng ngũ vị hương, dê xào lăn, dê xào sa tế, dê hấp cách thủy, gan dê hầm, tiết canh dê, dê con quay, rượu tiết dê, dê nấu rựa mận, xáo măng, sườn dê nướng, ngọc dương hầm thuốc Bắc, chân móng dê hầm thuốc, tái dê, dê tiềm thuốc Bắc… Nếu sợ ăn thịt dê nhiều lâu ngày cũng sẽ hôi như dê thì bạn chịu khó xin toa bác sĩ mua các loại thuốc trợ dương Viagra, Levitra, Cialis, Soma, Propecia, Acomplia, Xenical xài đỡ nhé.

 

Chúc bạn một năm Ất Mùi thật sung

 

Google

 là loài động vật nhai lại, chân có móng thuộc họBovidae.[1] Chúng là loài gia súc được nuôi để lấy thịt dê và sữa dê. Đây là giống gia súc có khả năng sinh sản cao, cho nhiều thịt, mắn đẻ, và là một đối tượng của việc chăn nuôi gia súc lấy sữa. Dê sinh sống ở khắp nơi, từ những vùng nóng như châu Phi đến những vùng lạnh như châu Âu, từ vùng đồng bằng cho đến vùng đồi núi.

 

Trong văn hóa

Họa phẩm về thần dê và các thần nữ

Trong văn hóa, dê là biểu hiện cho thói dâm đãng vì khả năng động dụng của dê, cũng như tiếng kêu be, be như một tiếng cười ngặt nghẽo và dâm dật. Dê còn là vật tế thần, vật hi sinh ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Trong văn hóa phương Đông dê là một trong 12con giáp, đại biểu cho địa chi (Mùi), và cũng nằm trong tam sinh lục súc (三牲六畜), trong văn hóa phương Tây, dê nằm trong 12 cung Hoàng đạo với hình tượngMa Kết, dê còn xuất hiện trong thần thoại Hy Lạp, Bắc Âu và đặc biệt là trong Kitô giáo với hình tượng con dê gánh tội (oan dương).

Dê là một trong những thần vật được người Ai Cậpsùng bái vì sự đóng góp quan trọng của dê đối với đời sống con người. Một số dân tộc khác lại dùng dê làm vật tế thần. Người Ai Cập dùng dê dâng cho các ác thần để thay thế cho con người. Vào thời cổ La Mã, trong lễ hội Lupercalia cử hành vào ngày 15 tháng Giêng đầu năm, các thầy tế dâng lên thần linh một con dê và một con chó để cầu cho mưa thuận gió hòa và mọi người được sạch tội. Da dê sau đó được chia ra từng mảnh nhỏ để các chàng trai mang trong mình như lá bùa giúp mùa màng tươi tốt. Phụ nữ La Mãcũng tìm đủ cách để chạm được tay vào miếng da dê tế thần vì họ tin tưởng rằng làm như vậy sẽ sinh nở dễ dàng hơn. Vì vậy, sau hội Lupercania, nhiều đôi trai gái nên duyên nhờ miếng da dê.

Trong Thiên Chúa Giáo, hình ảnh con chiên, con dê rất gần gũi với người Do Thái từ mấy ngàn năm nay. Đứcchúa Giêsu chào đời trong máng cỏ tại một hang có nhiều dê, chiên, lừa… thở hơi ấm. Ngoài ra, hình ảnh con chiên, con dê hy sinh, nhận lãnh làm của đền tội cho dân Do Thái không một lời than van thực ra là hình ảnh của chúa Giêsu gánh nhận trên vai mọi tội lỗi của nhân loại, như lời tiên tri Isaia đã nói trước 700 năm: “Người đã gánh mọi tội ác, mọi yếu đuối trên mình”. Cũng chính vì sự so sánh này mà hàng ngày các giáo dân thường cầu nguyện “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng tôi…”

Lục Súc Tranh Công

(dê, gà, chó heo, ngựa, trâu)

 

“Dê với ngựa cũng là giống thú,

Chăn đồng chăn, nuôi cũng đồng nuôi,

Dê, người cho ăn nhảy chơi bời,

Ngựa, người bắt kỵ biều, luân tế.

Gẫm giống chi hữu đầu vô vĩ,

Hình con con, bụng lớn ;

Cáng náng như đứa có hạ nang,

Sớn sác tợ con chàng kẻ cướp.

Nghề tế kiệu coi đà xấu vóc,

Việc cày bừa nhắm bóng cũng ươn;

Hễ thấy người thấp thoáng đôi bên,

Liền há miệng kêu la: bé hé”.

 

Dê nghe ngựa nói dê quá tệ,

Liền chạy ra vác mặt, vênh râu;

Dê nói rằng: “Ta đọ với nhau,

Thử anh lớn hay là tôi lớn.

Anh đã từng vào dinh, ra trấn,

Sá chi tôi tiểu thú quê mùa ?

Mạnh thì lo việc nước, việc vua.

Song chớ khá cậy tài, cậy tướng,

Ai có tài, chủ ban chủ thưởng,

Ai không công, tay làm hàm nhai,

Chẳng dám ăn lúa má, môn khoai;

Không hề phạm đậu mè, hoa quả.

Khuyên khuyên chớ nói ngang nói ngửa,

Bớt bớt, đừng ỷ thế, cậy tài,

Ai chẳng biết đuôi ngựa thì dài,

Dài thì để xua mòng, đuổi muỗi;

Vốn như đây đuôi tuy vắn vỏi,

Đây cũng không mượn ngựa nối thêm.

Ngàn dặm trường, mặt ngựa khoe êm.

Ba gò sỏi, dê đà xong việc.

Việc dê thì dê biết,

Việc ngựa thì ngựa hay

Bừa cày, có thú bừa cày,

Kiệu tế, có muông kiệu tế,

Dê vốn thật thuộc về việc lễ,

Để hòng khi về hạng tư văn;

Để dành khi tế thánh, tế thần,

Lại có thủa kỳ yên, kỳ phước.

Hễ có việc, lấy dê làm trước,

Dê dâng vào người mới lạy sau.

Ngựa tuy rằng hình tượng lớn cao,

Tam sanh lễ, ai dùng đến ngựa ?

Dầu đến việc làm đình, làm chợ,

Cũng lấy dê trảm thảo, bồi cơ;

Nhẫn đến ngày mạng tướng xuất sư,

Cũng lấy dê khấn cầu tổ đạo.

Lễ cốc sóc thánh nhân còn bảo:

Tử Cống sao dê sống bỏ đi ?

Ngựa nói ngang mà chẳng biết suy,

Dê nào có thiếu chi công trạng ?

Nói cho xứng đáng,

Há dễ cơ cầu,

Dê tuy rằng vô vĩ, vô đầu

Quan phong Trường tu chủ bộ

Hèn như dê mà dám đọ

Tiện như dê, quí bất khả ngôn.

Ngựa rằng: Ngựa ở chốn quyền môn,

Phong cho ngựa chức chi nói thử ?

Thưa chủ nghiệm việc dê với ngựa,

Cân mà coi, ai trọng, ai khinh ?”

Ngựa nghe qua tỏ đặng sự tình,

Dê rằng: bé, ai hay chức lớn ?

Dê nói lại tài dê cũng rắn,

Ngựa thưa qua, sức ngựa thêm rồng:

Chủ phê cho lưỡng bạn tương đồng,

Chắp sự giả các tư kỳ sự.

Lời tự thuận hai đàng xong xả,

Dê phát ngôn, bèn trở nại gà:

“Nuôi chúng tôi lợi nước lợi nhà,

Nuôi giống gà thật vô ơn ngãi.

Thấy chủ vãi đám ngò, vạc cải

Túc nhau bươi chếch gốc, trốc cây.

Thấy người trồng đám đậu, vồng khoai,

Rủ nhau vầy nát bông, nát lá.

Rất đến đỗi thấy nhà lợp rạ,

Kéo nhau lên vậy vã tâng bầng.

Cho ăn rồi quẹt mỏ sấp lưng

Trời chưa tối, đà lo việc ngủ.

Ba cái rác nằm không yên chỗ,

Mấy bụi rau nào để bén dây

Cả ngày thôi những khuấy, những rầy,

Nuôi giống ấy làm chi vô lối ?”

 

Sữa dê có thật sự tốt cho trẻ?

Con bị nhẹ cân, hay táo bón, không ít các bà mẹ nhận được lời khuyên nên cho con dùng thử sữa dê. Thực tế sữa dê có tốt cho trẻ không? Dưới đây là những thông tin đã được các nhà khoa học nghiên cứu, chứng minh. 

Dễ tiêu hóa và không gây dị ứng

Sữa dê khác với sữa truyền thống nhờ khả năng dễ tiêu hóa, không gây dị ứng và khả năng đệm cao hơn nên rất có ý nghĩa về mặt y học, điều trị bệnh đối với những người bị dị ứng và rối loạn dạ dày – ruột, những người cần các sản phẩm sữa thay thế. 

Trong sữa dê có sẵn gốc đường oligosaccharides (một prebiotic được tìm thấy trong sữa mẹ) còn được gọi là chất xơ hoà tan giúp hạn chế táo bón, kích thích tăng sinh hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Các nhà nghiên cứu cho rằng “sữa dê có thể được coi là thực phẩm chức năng tự nhiên và cần được người dân đẩy mạnh sử dụng thường xuyên, đặc biệt những người bị dị ứng hoặc không dung nạp với sữa truyền thống, kém hấp thu, mức cholesterol cao, thiếu máu, loãng xương hoặc kéo dài điều trị bổ sung sắt.”

Giàu chất béo có giá trị dinh dưỡng cao 

Sữa dê giàu Omega 6 (ARA, linoleic ) cần thiết cho quá trình hoàn thiện não bộ của trẻ nhỏ. Tỷ lệ cao các axit béo chuỗi ngắn và chuỗi trung bình (MCT) có khả năng chuyển hóa và cung cấp năng lượng nhanh. Sữa dê ít cholestetol – tốt cho sức khỏe tim mạch

Giàu canxi

So với các loại sữa khác, sữa dê phong phú khoáng chất, can-xi, giúp xương chắc khỏe, làm tăng tỷ trọng xương. Đặc biệt canxi và sắt trong sữa dê ít tương tác ức chế hấp thu lẫn nhau.

tạp chí dinh dưỡng lâm sàng của Mỹ (AJCN) nghiên cứu thử nghiệm và công bố: Đối với các bé gái tuổi teen, giai đoạn dậy thì dùng sữa dê được xem là tối ưu, bởi canxi có trong sữa dê giúp xương phát triển tốt hơn so với các nguồn canxi khác. 

Trong một nghiên cứu của giáo sư Margarita Sansschez Campos đại học Granada, 2007 cho biết: Đối với trẻ nhỏ sữa dê giúp cải thiện đáng kể cân nặng, tầm vóc, khoáng hóa xương, mật độ xương, ngăn ngừa bệnh thiếu máu và khử khoáng xương, giúp tiêu hóa tốt và tăng khả năng trao đổi chất của các khoáng chất như sắt, phospho, canxi, magie.

Năm 2011, nhóm nghiên cứu AGR 206 tại Đại học Granada dưới sự chỉ dẫn của giáo sư Margarita Sánchez Campos, đã chứng minh rằng: Sử dụng thường xuyên sữa dê giúp cho những người bị thiếu máu do thiếu sắt được cải thiện phục hồi, vì nó giúp tăng cường việc sử dụng các nguồn dinh dưỡng từ sắt và tăng cường sự tái sinh của hemoglobin. 

Hiện tại Việt Nam có khá nhiều dòng sản phẩm sữa dê như sữa dê Nga, sữa dê Hà Lan, sữa dê Pháp, sữa dê Newzealand, sữa dê Dairygoat… Một hộp sữa dê 400g nhập khẩu có giá từ 360 – 600 nghìn đồng; hộp 900g có giá từ 550 – 1.200 nghìn đồng.

Sữa dê Dairygoat có giá từ 273 nghìn/lon 400g và 516 nghìn đồng/lon 900g. Hãng Dairygoat có thêm các sản phẩm sữa đặc biệt dành cho trẻ biếng ăn, nhẹ cân, suy dinh dưỡng và trẻ có vấn đề về tiêu hóa.

Các bậc phụ huynh khi lựa chọn sữa cho con nên lưu tâm tới nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng hấp thu của trẻ và túi tiền của mẹ vì không hẳn sữa đắt đã là sữa tốt.

Con dê trong thơ ca

16:34 | 06/05/2009

VIỆT CHUNGTrong 12 con giáp, con dê (Mùi còn gọi là Vị) là con vật đứng vào hàng thứ 8, trước khỉ và sau ngựa. Dê tên chữ là Dương. Dê vốn là con vật miền núi, được thuần hoá nên có thể nuôi trong nhà. Hình ảnh con dê gây được những ấn tượng với người đời một cách khó quên. Đặc biệt của loài dê là dê đực hoặc dê cái đều có râu và có sừng, bản chất hiền lành và tràn đầy sinh lực.

Ai sinh vào năm dê đều mang tuổi Mùi. Đây là hình ảnh một cụ dê:
              Tuổi Mùi là con dê chà
              Có sừng, có gạc, râu ra um sùm.
                                  
(Vè 12 con giáp)

Tuổi Mùi là tuổi tốt, dù mang tiếng là dê, nhưng dê dựng vợ, gả chồng theo các ông thầy lý số. Do đó, tuổi Mùi ai cũng thích, nhưng tánh dê thì không ưa:
              Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi
              Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân.
                                  
(Ca dao)

Người ta ăn thịt dê quanh năm, nhưng tết đến xuân về, món dê cũng được chọn là một thực đơn quí. Thịt dê làm được nhiều món ngon và bổ không thua gì thịt bò, thịt heo.
Tuy đứng sau con ngựa, nhưng con dê cũng biểu tượng sự sung túc, mang nhiều sức sống sung mãn, đem lại cho người đời sự ấm no, hạnh phúc:
              Năm Ngọ, mã đáo thành công
              Năm Mùi, dê béo, rượu nồng phủ phê
                                  
(Vè miền quê)

Dê béo là dê thịt ngon nhất, một món ăn khá hấp dẫn được kể một trong ba cái thú vị mà con người ca ngợi, không ai là không thèm khi nói đến. Tuy nó thiên về vật chất quá, nhưng cũng là người trần mắt thịt, chớ có ai là Tiên, là Phật đâu:
              Thế gian, ba sự khôn chừa
              Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ.
                                  
(Ca dao)

Người ta cũng thường liên hệ giữa con dê và người có máu dê. Bà con thường chỉ trích và cảnh cáo những kẻ già đa tình hay sàm sỡ một cách bừa bãi, có ngày gặp tai nạn:
              Dê sồm ăn lá khổ qua
              Ăn nhiều sâu rọm, chết cha dê xồm.
                                  
(Vè)

Thói dê của bọn tình ái lung tung hoang tàng bị người đời nguyền rủa khá nặng nề.
              Phụng hoàng đậu nhánh sa kê
              Ông thần không vật mấy thằng dê cho rồi.
                                  
(Ca dao)

Dê nuôi để ăn thịt và lấy sữa. Ngoài ra, người ta còn dùng dê để kéo xe thay cho ngựa và trâu bò. Dê kéo xe, thì những ai đọc tập thơ “Cung oán ngâm khúc” của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, đều nhớ đến những câu:
              Phải duyên hương lửa cùng nhau
              Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào…
                                  
(Cung oán ngâm khúc)

Do điển tích vua Tấn Võ đế (Trung Quốc) thường dùng xe dê kéo đi mỗi đêm trong cung cấm, hễ dê dừng ở cửa phòng cung phi nào tức đêm ấy nhà vua sẽ ngủ với cung phi đó. Nên hàng trăm cung phi mỗi đêm tìm lá dâu non (loại dê háu ăn) đặt trước cửa phòng để xe dê dừng lại. Nhưng không được vua đến tìm thú vui, thì người cung nữ cảm thấy cô đơn lạnh lẽo:
              Thâm khuê vắng ngắt như tờ
              Cửa châu gió lọt rèm ngà sương gieo.
              Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
              Dấu dương xa (xe dê) đám cỏ quanh co.
                                  
(Cung oán ngâm khúc)

Trong thơ “Lục Vân Tiên”, cụ Nguyễn Đình Chiểu có tả lúc nàng Kiều Nguyệt Nga trên đường quanh co, khúc khuỷu đến phủ đường của Kiều công:
              Trải qua dấu thỏ đường dê
              Chim kêu, vượn hú bốn bề núi cao.
                                  
(Lục Vân Tiên)

Đoạn quan trạng Lục Vân Tiên “vinh qui bái tổ” gặp lại Nguyệt Nga, giữa lúc mọi người tổ chức vui mừng hạnh phúc của đôi trai tài gái sắc, thì lúc đó bộ mặt của Bùi Kiệm đã từng “dê” Nguyệt Nga, trở thành trơ trẽn:
              Còn người Bùi Kiệm máu dê
              Ngồi chai bộ mặt như giề thịt trâu.
                                  
(Lục Vân Tiên)

Trong dân gian, từ dê đã biến dạng thành de. Chữ de gốc từ dê mà thôi. Nó làm cho ngôn ngữ thêm vô cùng phong phú, trữ tình:
              Bắp non mà nướng lửa lò
              Đố ai de được con đò Thủ Thiêm.
                                  
(Ca dao)

De tức là gần gũi o bế, tạo hiểu biết kích thích cho nhau. Dê là thuộc tính của đàn ông, trái lại đàn bà cũng biết dê đấy chứ, nhưng không bạo dạn như đàn ông.Chữ de vào ca dao, nó khá hay vừa tượng hình, vừa tượng thanh, đầy sức quyến rũ:
              Cam sành lột vỏ còn the
              Thấy em còn nhỏ anh de để dành.
                                  
(Ca dao)

Bản chất của cam sành là ngon ngọt, là bổ dưỡng, chất quí trên đời. Còn chữ “de để dành” có duyên không chê vào đâu được!
Dê con trông rất dễ thương, thường chạy giỡn hồn nhiên, nhưng nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã một lần chê lũ dê này:
              Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
              Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa.

Trong nghề điêu khắc, ca dao thợ mộc cũng có chỗ đứng của con dê, vì con dê là một trong ba con vật “tam sinh” (bò, heo, dê) trong các lễ hội được dùng để tế thần:
              Bốn cửa anh chạm bốn dê
              Bốn con dê đực chầu về tổ tông.
                                  
(Ca dao)

Trong các trò chơi dân gian dịp tết, có trò chơi “bịt mắt bắt dê” hào hứng, sôi nổi. Đối với trẻ con, trò chơi này là thú vui hồn nhiên, nhưng đối với các cô cậu thanh niên, thiếu nữ là một dịp để tiếp cận đụng chạm vui đùa với nhau.
              Giả vờ bịt mắt bắt dê
              Để cho cô cậu dễ bề… với nhau
                                  
(Vè)

Con dê suốt đời mang tiếng xấu một cách oan uổng, khi mọi cái xấu xa của người đời đổ trút lên đầu dê. Trong đó, có sự đồng hoá con dê với bọn thực dân cướp nước:
              Này anh chị em lao khổ
              Nông nỗi này ai tỏ chăng ai
              Đã non tám chục năm rồi
              Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê.
                                  
(Bài ca cách mạng)

Khi Nam Kỳ mất vào tay giặc, cũng có tác giả làm bài thơ “Con dê” nhằm chỉ trích bọn tiểu nhân làm tay sai cho giặc. Bởi nặng đầu óc nô lệ, nên chúng cam lòng cúi đầu để mặc tình giặc thao túng:
              Giống nai sao lại tiếng bê hê
              Đứng lại mà coi vốn thiệt dê
              Đực cái cũng râu không hổ thẹn
              Vợ chồng một mặt hết khen chê
              Sớm phơi bốn móng sân Tô Vũ
              Chiều gác đôi sừng cửa Lý Hề
              Bởi nó sợ trâu kia dớn dác
              Cam lòng chịu buộc lịnh vua Tề

Trong lúc đó, hầu hết sĩ phu đều giữ vững lòng thuỷ chung đối với quê hương Tổ quốc. Có người đã làm bài thơ “Tô Vũ” để gởi gắm tâm sự trung thành của mình:
              Ngàn dặm Trường An mặt luống băng
              Đoạn sầu căn dặn nỗi tằn mằn
              Khôn đem tóc bạc thay đầu ác (1)
              Dễ khiến lòng son đổi miệng lằn
              Đêm lạnh ngù cờ sương lợt đợt
              Ngày chiều dải mão (2) gió xung xăng
              Muôn dê bao sá loài Hồ lỗ (3)
              Một tưởng hàng vương, một nghiến răng

Tô Vũ là tôi trung của nhà Hán (Trung Quốc) đi sứ mang đất Hung Nô, bị chúa Hung Nô là Thuyền Vu giữ không cho về, dụ dỗ Tô Vũ đầu hàng nhưng không được. Thuyền Vu nổi giận đem Tô Vũ bỏ vào hang núi cho chết đói, nhờ uống sương đọng trên ngù cờ mà vẫn sống. Cuối cùng đẩy Tô Vũ đi Bắc Hải chăn dê, hẹn rằng khi nào dê đực đẻ thì mới tha về nước. Sau, nhà Hán đánh bại Hung Nô, Tô Vũ mới được tha về.

Còn Bá Lý Hề là tướng nước Ngu (Trung Quốc). Nước Ngu bị Tấn cướp, Bá Lý Hề lưu lạc sang nước Sở làm kẻ chăn dê. Vua nước Tần là Mục Công biết Bá Lý Hề là người tài giỏi, sai người mang 5 bộ da dê chuộc về làm tướng quốc. Sau, Bá lý Hề giúp Mục Công dựng nghiệp lớn.

Khi Bá Lý Hề lên đường lập công danh, người vợ nghèo đưa tiễn, đến lúc làm tướng quốc mải say mê công danh quên người vợ nghèo. Nàng lên đường đi tìm chồng. Nhân Bá Lý Hề bày tiệc có ca nữ múa hầu, nàng liền cải trang làm một ca nữ vào trước tiệc ôm đàn hát một khúc:
        Bá Lý Hề năm bộ da dê
        Nhớ ngày chàng ra đi, giết con gà mái ấp, thổi nồi cơm gạo vàng.
        Chừ nay được giàu sang, quên ta sao?

Bá Lý Hề nghe câu hát ngạc nhiên nhìn kỹ thì nhận ra là người vợ thuở hàn vi, hai vợ chồng lại đoàn tụ.
“Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo kể tội bọn sứ giả nhà Nguyên (Trung Quốc) sang nước ta hống hách, có đoạn:
              Cú diều uốn lưỡi thấp cao
              Bẻ bai triều bệ xiết bao nhục nhằn
              Tuồng dê chó tưởng rằng đắc thế
              Chốn triều đình ngạo nghễ vương công
                                         
(Hịch tướng sĩ)

Con dê trong thơ ca mang nhiều tiếng xấu do người đời gán cho một cách vô tội vạ, vì con vật và con người khác nhau. Con vật vô tri sống theo dục tính, còn con người có lý trí sống theo đạo đức. Lấy hình tượng con vật mà nói về con người hoặc ngược lại, chỉ là một lối ẩn dụ.
Con dê vốn ngoan ngoãn, hiền lành, có sức sống mãnh liệt sung mãn. Thịt ngon, sữa tốt. Thật ra, con dê dễ thương hơn là đáng ghét như con người đã có thành kiến từ lâu trong dân gian.

Năm Dê (Mùi) mà lại dê đáng quý (Quý Mùi) tượng trưng cho sự sung sức, nhất định sẽ là năm sung túc, dân giàu nước mạnh, Tổ quốc quang vinh.
Vĩnh Long, Xuân Quý Mùi 2003

V.C
(168/02-03)

————–
(1) Đầu con quạ. Ý nói không thể lấy tóc bạc mà đổi đầu óc đen tối như con quạ được.
(2) Tô vũ đội mũ mặc áo theo y phục nhà Hán, không chịu dùng y phục của Hung Nô.
(3) Hồ Lỗ: giặc rợ Hồ. Hung Nô tức Hồ Lỗ.

 

Xe Dê Tấn Vũ

(Kiến Thức Ngày Nay, Xuân Ất Mùi 2015, trang 59)

 

Tấn Vũ đế muốn chọn con gái đẹp khắp nước vào hậu cung làm phi tần, do vậy ông ta ra lệnh : cấm dân chúng tiến hành hôn lễ, dựng vợ gả chồng. Nhà ai có ý định giấu con gái hoặc kháng lệnh sẽ bị phạt. Tần Vũ Đế còn băt buộc những con gái của các vị đại quan trong triều cũng phải vào cung ứng tuyển.

Qua nhiều đợt tuyển chọn, số lượng mỹ nhân trong hậu cung đã nhanh chóng tăng tới 5000 người. Sau khi đánh thắng quân Ngô, Tần Vũ Đế ra lệnh đưa tất cả mỹ nữ trong cung của Ngô Vương (Tôn Hạo), khoảng hơn 5000 người vào hậu cung của mình. Như vậy số lượng mỹ nữ trong hậu cung của T6a2n Vũ Đế lên đến hơn một vạn người.

Vì mỗi đêm chỉ mây mưa với một mỹ nữ, nên Tần Vũ Đế nghĩ ra một cách : dùng xe có dê kéo (dương xa) đi khắp hậu cung, hễ dê dừng ở cử phòng cung phi nào thì cung phi ấy được chọn, và nhà vua ngủ với cung phi đó.

Vì vậy các cung phi cho tìm lá tre (trắc diệp), vẩy nước muối vào lá tre và đặt trước cửa để thu hút dê tới dùng ở cửa phòng mình, nhằm đạt được sự sủng ái của nhà vua. Do đó xe dê còn được gọi là “trúc diệp dương xa”.

Trog điển cố văn học, có thuyết cho rằng : cac mỹ nữ đã dùng lá dâu non đặt trước cửa phòng vào mỗi đếm để xe dê dừng lại.

Có truyền thuyế kể rằng : Tần Thủy Hoàng thôn tính 6 nước, thống nhất thiên hạ, đã thu tập tất cả bảo vật, mỹ nhân của 6 nước, đem về Hàm Dương, với số lượng vô kể. Vua cho lập Tam Cung Lục Viện vơi trên một vạn mỹ nữ.

Mỗi đêm Tần Thủy Hoàng ngồi xe dê đi khắp hậu cung, mặc cho nó kéo tới phòng mỹ nữ nào thì ngủ qua đêm với người đó. Cô nàng Tăng Diệp xuất thần nhà nông, đã từng biết những con dê rất thích ăn lá và hoa so đũa, nên nàng đem rải tới cửa phòng mình. Dê gặp món khoái khẩu. Ấn Độ xem hoa so đũa như một “hoa thiêng Silva”, tượng trưng cho cơ quan sinh dục nam nữ.

 

Biểu Tượng Dê

(Kiến Thức Thời Nay Xuân Ất Mùi 2015, trang 86)

 

Thần thoại Hy Lạp xem dê là một trong 12 biểu tượng của Cung Hoàn Đạo, cung “Ma Kết”.

Dê cái là hình ảnh đáng kính trọng các huyền thoại Phương Tây, là nghĩa mẫu của thần Zeus, là bóng dáng con người gian nan vượt núi trèo non, đeo đuổi cuộc sống và lý tưởng.

Dê đực biểu tượng cho năng lực sinh sản, sức sống, dục tình và phồn thực. Dê đực dành hiến tế thần Dionysos. Nó là con vật hiến sinh, được vị thần này chọn.

Trong Văn Hóa Đông Phương, dê là con vật được xếp vào “tam sinh” (dê, lợn bò), ba thứ lễ vật được  đặc biệt để cầu cúng tế thánh thần. Dê được xếp vào “lục súc’, 6 con vật nuôi được trọng dụng nhất : dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu.

Tiếng Việt có ba từ được dùng liên quan đến dê :dê, dương, mùi.

Dê : máu dê, thói dê, dê cụ, dê già, dê xồm, râu dê, thả dê, treo đầu dê bán thịt chó, cà kê dê ngỗng.

 

Bịt Mắt Bắt Dê

(KTTN,Xuân Ất Mùi 2015, trang 150)

 

Dê là loại ít gần gũi nhất trong lục súc. Thế mà lại là con vật được dùng thành trò chơi. Tại sao ? Vì dê là loài vật có tính khí hiền lành, ưa chạy nhảy và hiếu động. Chúng khá linh động và di chyển nhanh khi kiếm ăn..

Chọn dê tham gia vào trò chơi đuổi bắt là phù hợp ; chiều cao vừa tầm tay, khó bắt vì nhút nhát, chạy nhảy linh hoạt hấp dẫn

 

Dê Trong Văn Chương Người Việt

(KTNN, Số Tất Niên 2014, trang 42)

 

Tuổi mùi là con dê chà

Có sừng có gạc, râu ria lòm xòm

 

Dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi

Đến cửa nhà trời

Lạy cậu lạy mợ

Cho cháu về quê

Cho dê đi học

Cho cóc ở nhà

Cho gà bới bếp

Ngồi xếp xuống đây

 

Máu bò cũng như tiết dê

 

Buồn ngủ buồn nghê

Bán bò tậu ruộng mua dê về cày

Đồn rằng dê đực khỏe thay

Bắt ách lên cày nó lại phá ngang.

 

Giầu nuôi chó

Khó nuôi dê

Không nghề nuôi ngỗng.

 

Thế gian ba sự khôn chưa

Rượu nồng dê béo

Gái vừa dương tơ

 

Cưới em tám vạn trâu bò

Bẩy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm

 

Dê vốn thật thuộc loài tế lễ

Để hòng khi tế thánh tế thần

Hễ có việc lấy dê làm trước

Dê dâng vào, người mới lạy sau

 

Ông già ông đội nón cời

Ông dê con gái ông Trời đánh cho

Dê xồm ăn trái khổ qua

Ăn nhằm đậu đũa chết cha  dê xốm

 

Phượng hoàng đậu nhánh sakê

Ông thần không vật

Mấy thằng dê cho rồi

 

Bươm bướm mà đậu cành bông

Đã dê con chị lại bồng con em

 

Người ta tuổi ngọ tuổi mùi

Riêng tôi ngậm ngùi tuổi thân

 

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa

Dê con buồn sừng húc rào thưa

(Hồ Xuân Hương)

 

Con người Bùi Kiệm máu dê

Ngồi trơ bộ mặt như dề thịt trâu

(Nguyễn Đình Chiểu)

 

Truyện Cổ Tich

 

Dê mẹ và Dê con

Dê mẹ dặn con:

– Con ở nhà cho ngoan! Mẹ đi ra đồng ăn cỏ tươi để có nhiều sữa ngọt cho con bú. Ai gọi cũng đừng mở cửa nhé! Nếu không chó Sói vào ăn thịt con đấy!

Dê con vâng lời mẹ và hỏi thêm:

– Thế mẹ về làm thế nào mà con biết mà mở cửa?

Dê mẹ khen con thông minh và dặn con:

– Lúc nào về, mẹ gọi cửa thì mẹ sẽ nói:

  “Dê con ngoan ngoãn                        

  Mau mở cửa ra

  Mẹ đã về nhà

  Cho các con bú”

 

Thế là con mở cửa cho mẹ.

Nhưng con chó Sói hung ác nấp gần đó đã nghe tiếng Dê mẹ dặn Dê con như thế rồi. Dê mẹ vừa đi khuất, Sói chạy lại gọi cửa:          

“Dê con ngoan ngoãn

Mau mở cửa ra

Mẹ đã về nhà

Cho các con bú”

Dê con ở trong nhà, nghe tiếng gõ cửa vội vàng chạy ra. Nghe đúng câu mẹ dặn. Dê con định mở cửa, nhưng thấy tiếng gọi ồm ồm, không phải tiếng mẹ. Dê con bèn nghĩ ra một kế và bảo:

– Mẹ đấy ư? Sao hôm nay tiếng mẹ lại ồm ồm thế?

Con Sói sợ bị lộ nhưng vẫn khôn ngoan trả lời:

– Mẹ ra đồng bị cảm gió nên khản tiếng đấy!

Dê con vẫn còn ngại:

– Mọi lần mẹ về thì mẹ thò chân qua khe cửa cơ mà. Chân của mẹ thon thon, con nhìn thấy là biết ngay!

Sói lại tìm cách chống chế:

– Mẹ giẫm phải gai, chân sưng vù lên, thò vào khe cửa không vừa nữa. Con mở cửa cho mẹ vào đi!

Dê con cúi sát xuống đất nhìn qua khe cửa. Dê con thấy cái chân lem luốc đen sì. Dê con nói:

– Thôi anh Sói ơi! Chính anh rồi!Anh cút đi kẻo mẹ tôi về húc cho anh vỡ bụng ra đấy! Chân anh đen sì thế kia kìa! Ai còn lạ gì nữa!

Bị lộ Sói vội vàng bỏ đi. Nhưng nó vẫn tìm cách lừa Dê con. Nó chạy ngay đến cửa hàng bánh. Chờ lúc người làm bánh đi vắng, Sói vội cho chân vào thùng bột, bột dính đến đầu gối.

Xong xuôi, Sói chạy về gọi Dê con:

                   Dê con ngoan ngoãn

                   Mau mở cửa ra

                   Mẹ đã về nhà

                   Cho các con bú

Dê con chạy vội ra ngó qua khe cửa, lần này nó thấy rõ ràng bốn chân trắng. Thôi đích là mẹ nó đã về! Nhưng cái mũi thính của nó lại ngửi thấy mùi gì hôi hôi chứ không phải là thơm như mùi sữa của mẹ nó. Dê con ngần ngại, khe khẽ bắc ghế nghếch cổ nhìn qua khe tường ra ngoài. Nó thấy 2 cái tai lem luốc và nhọn hoắt. Thôi đúng là tai Sói rồi. Dê con gọi Sói và bảo:

– Tai anh đen và nhọn, chẳng giống tai mẹ tôi đâu! Anh Sói hung ác ơi, anh cút ngay đi kẻo mẹ tôi về, mẹ tôi lại húc cho anh vỡ bụng đấy! Sừng mẹ tôi nhọn lắm!

Sói bị lộ vội vàng bỏ chạy. Nó cố hết sức tìm cách giấu đôi tai lem luốc và nhọn hoắt mà không được. Nó chưa dám quay trở lại thì Dê mẹ đã về và gọi cửa:

                   Dê con ngoan ngoãn

                   Mau mở cửa ra

                   Mẹ đã về nhà

                   Cho các con bú

Dê con nghe đúng tiếng mẹ. Nó cúi nhìn qua khe cửa, đúng là chân mẹ. Nó trèo lên nhìn qua khe tường, đúng là tai mẹ. Nó mở ngay cửa cho mẹ vào. Nó kể chuyện con chó Sói đến lừa cho Dê mẹ nghe. Dê mẹ ôm con vào lòng, khen con giỏi và can đảm. Dê mẹ cho con bú một bữa sữa thơm và ngọt.

 

Dê đen và Dê trắng

Một hôm, Dê trắng đi tìm cái ăn và uống nước suối như mọi khi. Dê đang mải mê ngặm cỏ, bất chợt một con Sói ở đâu nhảy xổ ra. Sói quát hỏi:
– Dê kia! mày đi đâu? 
Dê trắng sợ rúm cả người, lắp bắp: 
– Dạ, dạ, tôi đi tìm… tìm cỏ non và…và uống nước suối ạ!
Sói lại quát hỏi: 
– Mày có gì ở chân? 
– Dạ, dạ, chân của tôi có móng ạ…ạ!
– Trên đầu mày có gì? 
– Dạ, dạ, trên đầu tôi có đôi sừng mới nhú…
Sói càng quát to hơn: 
– Trái tim mày thế nào? 
– Ôi, ôi, trái…trái tim tôi đang run sợ…sợ…
– Hahaha…
Sói cười vang rồi ăn thịt chú Dê trắng tội nghiệp

Dê đen cũng đi tới khu rừng để ăn cỏ non và uống nước suối. Đang tha thẩn ngặm cỏ, chợt Sói xuất hiện, nó quát hỏi: 
– Dê kia, mày đi đâu?
Dê đen nhìn con Sói từ đầu tới chân rồi nghểnh cổ trả lời: 
– Tao đi tìm kẻ nào thích gây sự đây!
Sói bị bất ngờ, nó hỏi tiếp: 
– Thế dưới chân mày có gì?
– Chân thép của tao có móng bằng đồng.
– Thế…thế…trên đầu mày có gì?
– Trên đầu của tao có đôi sừng bằng kim cương!
Sói sợ lắm rồi, nhưng vẫn cố vớt vát: 
– Mày…mày…trái tim mày thế nào? 
Dê đen dõng dạc trả lời: 
– Trái tim thép của tao bảo tao rằng: hãy cắm đôi sừng kim cương vào đầu Sói. Nào, Sói hãy lại đây.

Ôi trời, sợ quá, con Sói ba chân bốn cẳng chạy biến vào rừng, từ đó không ai trông thấy nó lởn vởn ở khu rừng đó nữa.

 

Lấy chồng dê

 

Xưa ở một miền gần biển, có đôi vợ chồng tuổi cũng đã khá cao mà vẫn mãi chưa có một mụn con. Nghĩ tới cảnh hiu quạnh lúc về già, hai vợ chồng ngày ngày đều khấn trời, cầu phật ao ước một đứa con để dựa dẫm lúc tuổi già.

Thế rồi, người vợ bỗng nhiên có mang, trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai người vợ đã không sinh ra một đứa con mà lại sinh ra một cái bọc, mở bọc ra thì trong bọc là một con dê đực. Người chồng thấy vậy nên rất thất vọng vì tưởng chừng như chắc chắn đã có một đứa con mà bấy lâu ao ước nhưng cuối cùng lại thất vọng, ông bảo người vợ đem ném con dê vừa mới sinh ra xuống sông cho khuất mắt. Người vợ không nỡ tâm nên khuyên nhủ chồng là cứ giữ lại để nuôi.

Vì quá phiền não buồn lòng nên người chồng đã ngã bệnh nặng và qua đời. Đứa con dê thì mau ăn và rất nhanh lớn, rất giỏi chăn lợn, trông gà, giúp đỡ làm những việc vặt trong gia đình giúp mẹ nên người mẹ phần não cũng khuây khỏa hơn.

Có một hôm dê đi chơi về, dê đặt đầu vào lòng mẹ và nói:

– Mẹ à!, con thấy phú ông ở làng bên có ba cô con gái rất xinh đẹp, mẹ đi dạm hỏi cho con một cô !

Người mẹ nghe con mình nói vậy cười to và bảo:

– Mày đúng là đứa không biết thân biết phận. Con gái phú ông thì xinh đẹp, nhà thì lại giàu có, ai đời ông ấy lại gả con gái mình cho một đứa con trai giống dê như mày cơ chứ!

Nhưng dê nằng nặc nhất quyết bắt mẹ đem trầu cau sang nhà phú ông để hỏi vợ cho bằng được. Người mẹ thấy đứa con nài nỉ quá nên đành lòng chiều con liều đi một chuyến đến nhà phú ông xem sao. Gặp phú ông, bà chần chừ ngần ngại mãi, về sau bà mới dám ngỏ lời hỏi xin cưới một cô con gái cho đứa con dê của mình. Vừa nghe bà nói vậy thì phú ông đã nổi giận lôi đình, quát mắng và đuổi bà đi:

– Con mụ này có câm ngay không! Mụ trông thế mà dám láo! Dám vác cái mặt mo sang đây để dặm hỏi đứa con gái cành vàng lá ngọc của ta cho đứa con người chả giống người mà lại giống dê của mụ à? Mụ hãy xéo ngay khỏi nhà ta!

Trước khi đi thì dê cũng đã dặn kĩ mẹ rằng:

– Con biết chắc khi mẹ ngỏ lời thì phú ông sẽ nổi giận và quát tháo, nhưng mẹ hãy cứ bình tĩnh nhẫn nhục mà ngồi lại cho con.

Đúng như theo lời của dê dặn từ trước, người mẹ đã cố gắng ngồi lại mặc dù phú ông rất nổi giận. Cuối cùng phú ông bất đắc dĩ bảo:

Ngày xưa có một chú dê con đang nhú sừng nghĩ rằng mình đã lớn và có thể tự lo cho mình được. Thế nên vào một buổi chiều, khi đàn dê từ đồng cỏ bắt đầu quay về chuồng thì dê mẹ gọi, nhưng dê con chẳng thèm nghe và cứ kiếm cỏ non gặm tiếp. Lát sau, khi nó ngẩng đầu lên thì đàn dê đã về hết.

Nó chỉ còn lại một mình. Mặt trời đang lặn xuống. Các bóng cây đổ dài trên mặt đất. Một cơn gió nhẹ lạnh run lướt qua đồng cỏ rít lên những tiếng động đáng sợ. Dê con rùng mình sợ hãi khi nghĩ đến tên Cáo khủng khiếp. Nó bắt đầu chạy lung tung khắp cánh đồng, kêu be be mẹ ơi mẹ. Nhưng mới được một tí, tên Cáo bỗng xuất hiện, gần một bụi cây!

Dê con biết là mình chẳng còn nhiều hy vọng gì nữa.

“Cháu xin ông, ông Cáo,” dê con run rẩy nói, “cháu biết là ông sẽ ăn thịt cháu. Nhưng trước khi ăn, xin ông hãy thổi kèn lên giúp cháu, vì cháu muốn được nhảy múa cho vui vẻ trước khi chết.”

Cáo thấy trước khi ăn được nghe nhạc chút ít cũng thích thú, nên nó liền lấy kèn thổi cho Dê Con nhảy múa tưng bừng.

Trong lúc đó, đàn dê đang trên đường từ từ trở về chuồng. Trong buổi chiều im ắng tiếng kèn của Cáo được gió thổi đi xa. Mấy chú chó chăn dê vểnh tai lắng nghe. Chúng liền nhận ra bài Cáo vẫn thường hát trước khi ăn, chỉ một thoáng, chúng đã phóng như bay trở lại cánh đồng cỏ. Cáo đột ngột ngừng thổi, và bỏ chạy, nhưng không còn kịp nữa vì lũ chó đã đến gần, nó bèn trách mình sao ngu ngốc đi thổi kèn để làm vui lòng dê, thay vì cứ để tâm đến cái công việc sát sinh của mình.

 

Tuổi Mùi

 

Tuổi Mùi là con dê chà,

 

Có sừng có gạc, râu ria um tùm!

 

Bản chất

 

Một người sinh vào năm Mùi được nhắc đến nhiều ở khía cạnh nghệ thuật với tài năng tuyệt vời trong những nỗ lực sáng tạo. Người tuổi Mùi có mắt thẩm mỹ và có năng khiếu về thời trang. Đồng thời họ cũng là người chu đáo.

 

Họ luôn cẩn thận để không làm tổn thương bất kỳ ai, và nếu phải làm thế thì họ cũng sẽ giải quyết lại tình huống đó. Trên hết, người sinh năm Mùi là người được bạn bè ngưỡng mộ và dễ hòa đồng.

 

Những người tuổi Mùi thích tận hưởng cảm giác thoải mái khi có những người bạn thân thiết và các mối quan hệ thân thiện trong công việc.

 

Mặc dù không phải sinh ra để làm lãnh đạo nhưng họ có những ý kiến thông minh và tinh thần sẵn sàng sẻ chia, góp phần vào sự thành công cho tập thể – đây là điều khiến họ trở nên một thành viên tuyệt vời của nhóm.

 

Người tuổi Mùi sẽ luôn luôn tìm kiếm sự đồng thuận, đặc biệt là từ những người mà họ tôn trọng. Suốt cuộc đời mình, họ sẽ cần được thúc bách liên tục và cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía gia đình và bạn bè.

 

Nếu bạn sinh vào những năm dưới đây thì bạn là người tuổi Mùi.

 

Năm Mùi: 1919, 1931, 1943, 1955, 1967, 1979, 1991, 2003

 

Sức Khỏe

 

Nhìn chung, người sinh năm Mùi có xu hướng ít gặp các vấn đề về sức khỏe, có lẽ bởi vì họ là người hiền lành. Họ có thể có vẻ bề ngoài mong manh, nhưng đừng để điều đó đánh lừa bạn, họ là tuýp người tiêu biểu cho sự khỏe mạnh.

 

Tuy nhiên, nỗi buồn sẽ làm những người tuổi Mùi thấy suy sụp. Khi họ vui vẻ thì họ khỏe mạnh, nhưng khi họ buồn thì họ sẽ lâm bệnh ngay.

 

 Sự nghiệp

 

Đối với những người tuổi Mùi thì quyền lực và địa vị không quan trọng. Họ thích là một phần của tập thể hơn, nhưng sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo nếu được yêu cầu trực tiếp.

 

Tuy nhiên, họ lại chẳng bao giờ xung phong làm thế. Loại công việc có thể phát huy tính sáng tạo sẽ đem lại thành công cho những người tuổi Mùi.

 

Tình duyên

Những người tuổi Mùi là người kín đáo, vì thế việc hiểu được họ xem như là một thách thức. Họ sẽ là người quyết định xem họ sẽ chia sẻ cuộc sống cá nhân với ai và khi nào.

 

Những người sinh năm Mùi có rất ít bạn thân nhưng sẽ hết lòng vì những người bạn đó

 

Hạp tuổi

Người tuổi Mùi hạp với tuổi Mão, tuổi Hợi và tuổi Ngọ.

Lm. Jos. Nguyễn Trung Thành sưu tầm