Tên gọi nhà thờ Đức Bà từ bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình

Đến ngày 16-2-1959, tượng Đức Mẹ Hòa Bình mới được dựng trên bệ đá cũ vẫn để trống từ năm 1945.

conggiaonhathoducba01.jpg
Nhiều sự kiện quan trọng của Sài Gòn từng được diễn ra ở nhà thờ này – Ảnh Nguyễn Công Thành

Năm 1903, chính quyền Pháp đã cho dựng tượng đồng Pineau de Béhaine, còn gọi là giám mục D’Adran mà người Việt quen với tên Bá Đa Lộc, người đã dẫn hoàng tử Cảnh, con vua Gia Long, sang Pháp cầu viện năm 1786 và cũng là người đưa hoàng tử Cảnh vào đạo Công giáo.

 

Dựng trên bệ đá cũ

Bức tượng này nhằm ca ngợi công lao nước Đại Pháp đối với Việt Nam. Tượng gồm một bệ đá hoa cương màu đỏ hình trụ cao khoảng 2,5m, bên trên là Bá Đa Lộc tay trái dắt hoàng tử Cảnh được đúc bằng đồng ở Pháp.

Sau khi dựng tượng, người Sài Gòn gọi là tượng “hai hình” để phân biệt với tượng “một hình” là tượng của đô đốc Regault de Genouilly, người chỉ huy cuộc tấn công và đánh chiếm Sài Gòn năm 1859 tại công trường Mê Linh (chỗ hiện nay dựng tượng đức Trần Hưng Đạo).

Năm 1945, tượng Bá Đa Lộc bị nhân dân Sài Gòn coi như là một biểu tượng “bán nước” nên đã phá bỏ nhưng bệ tượng vẫn còn đó.

Năm 1959, linh mục Phạm Văn Thiên, cai quản Giáo xứ Sài Gòn đi dự lễ hội Thánh Mẫu ở Vatican, đã đặt một tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng đá cẩm thạch quý.

Ngày 16-2-1959, tượng Đức Mẹ Hòa Bình được dựng trên bệ đá cũ vẫn để trống từ năm 1945 và dâng tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình.

Linh mục Phạm Văn Thiên đã viết câu “Xin đức Mẹ cho Việt Nam được hòa bình”. Ngày hôm sau, Hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu đã làm phép bức tượng vào buổi chiều 17-2-1959.

Do bức tượng này mà từ đó nhà thờ có tên gọi là nhà thờ Đức Bà.

 

Chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng

Tượng do nhà điêu khắc G.Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được khắc trên tà áo dưới chân, phía bên trái bức tượng.

Tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt, vẫn còn những vết điêu khắc thô.

nhathoducbaducme03.jpg

Tượng cao 4,6m, nặng 5,8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý – Ảnh: Nguyễn Công Thành

Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hòa bình.

Vương cung Thánh đường là một tước hiệu giáo hoàng ban cho một số nhà thờ đặc biệt. Có hai loại vương cung thánh đường: đại và tiểu vương cung thánh đường.Trong Giáo hội Công giáo hiện nay, chỉ có bốn đại vương cung thánh đường. Tất cả đều ở tại Roma. Đó là các nhà thờ thánh Gioan Latêranô, nhà thờ thánh Phêrô ở Vatican, nhà thờ thánh Phaolô ngoại thành và nhà thờ Đức Bà Cả.

Các tiểu vương cung thánh đường thì nhiều và không chỉ có tại Roma mà còn có ở các nơi khác nữa. Riêng tại Roma, có 11 tiểu vương cung thánh đường. Tước hiệu này cũng được ban cho một số nhà thờ ngoài Roma.

Tại Việt Nam, có hai nhà thờ được nâng lên hàng vương cung thánh đường nhân dịp thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam vào năm 1960.

Đó là nhà thờ Đức Bà Sài Gòn và nhà thờ Đức Mẹ La Vang. Ngoài ra, đền thánh Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Nhai, Giáo phận Bùi Chu cũng được nâng lên hàng vương cung thánh đường hồi tháng 8-2008.

Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (hiện nay đầu con rắn bị bể mất hàm trên). Trên bệ đá, phía trước tượng người ta gắn một bảng đồng với hàng chữ Latin: REGINA PACIS – OPRA PRONOBIS – XVII. II. MCMLIX Nghĩa là: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH – CẦU CHO CHÚNG TÔI – 17.2.1959.

Phía dưới bệ đá, người ta đã khoét một cái hốc chỗ giáp với chân tượng Đức Mẹ, trong đó có một chiếc hộp bằng bạc chứa những lời kinh cầu nguyện cho hòa bình của Việt Nam và thế giới.

Những lời cầu nguyện đó được viết lên trên những lá mỏng bằng những chất liệu khác nhau như bằng vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da và đồng, được gởi tới từ nhiều miền của Việt Nam, kể cả từ một số vùng từ miền Bắc.

Ngày 5-12-1959, tòa thánh đã cho phép làm lễ “xức dầu”, tôn phong nhà thờ Chánh tòa Sài Gòn lên hàng Vương cung Thánh Đường (basilique).

Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung Thánh đường Đức Bà Sài Gòn.

Năm 1960, tòa thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa tổng giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của vị tổng giám mục Sài Gòn cho đến ngày nay.

Nhiều sự kiện quan trọng của Sài Gòn từng được diễn ra ở nhà thờ này. Ông Trương Vĩnh Ký, một trong những người Việt, khi mất đã được đưa từ nhà ra làm lễ tại nhà thờ trước khi mang về nhà chôn cất.

Năm 1946, chính phủ Nam kỳ tự trị do Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng đã làm lễ ra mắt ở trước nhà thờ.

Bốn lần trùng tu

Theo thông báo của Tòa tổng giám mục Sài Gòn, cuối năm nay nhà thờ Đức Bà sẽ đóng cửa để trùng tu. Từ khi xây dựng tới nay, đây là lần trùng tu thứ tư của ngôi nhà thờ này.

Lần trùng tu đầu tiên cũng chính là lần xây dựng thêm tháp chuông nhà thờ này vào năm 1895. Do ban đầu nhà thờ được xây dựng “khá giống” nhà thờ Đức Bà Paris nên đã có nhiều ý kiến cho rằng “cần có nét riêng” của nhà thờ Sài Gòn so với nhiều nhà thờ Đức Bà trên thế giới.

nha-tho-paris-sai-gon.jpg
Nhà thờ Đức Bà Paris ở Nice và Sài Gòn

Vậy là nhà thờ đã được trùng tu. Ban đầu là xây thêm tháp chuông không có vách bọc bên ngoài. Rồi thêm vách bọc của tháp chuông. Đây là lần trùng tu lớn nhưng không công bố rộng rãi nên ít được lịch sử ghi nhận.

Lần trùng tu thứ hai vào năm 1903, năm dựng tượng Bá Đa Lộc. Lần này mặt tiền nhà thờ được tôn tạo, có vườn hoa, có tượng. Và lần trùng tu thứ ba chính là lần dựng tượng Đức Bà năm 1959.

Như vậy, lần trùng tu năm 2015 khi nhà thờ bước vào tuổi 135 là lần trùng tu thứ tư và là lần trùng tu lớn nhứt, được công bố chính thức. Trong thời gian trùng tu, nhà thờ vẫn hoạt động bình thường.

Theo linh mục Hồ Văn Xuân, trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà, sau 135 năm, thời gian đã khiến nhà thờ “xuống cấp nghiêm trọng”.

Nhà thờ sẽ thay khoảng 50.000 miếng ngói mà theo gợi ý của Sở VH-TT thì nên đặt ngói nguyên thủy ở Marseille, Pháp. Đây là loại ngói đầu tiên lợp nhà thờ.

Đồng thời nhà thờ thay một phần lớn kính màu, loại kính được đặt riêng không thể mua ở cửa hàng nào được.

Linh mục Xuân cũng than phiền việc vô ý thức của một số người trong việc viết, vẽ trên tường nhà thờ khiến gạch có thể bị hư hỏng và mất đi sự tôn nghiêm.

Qua những lần trung tu, nhà thờ Đức Bà đã bị đổi thay như thế nào, các vật liệu xây dựng được sử dụng ra sao? Và trong lần trung tu sắp đến, nhà thờ Đức Bà có những đổi thay ra sao? Mời bạn đọc tiếp trong các bài tiếp theo

(TRẦN NHẬT VY, tuoitre.vn 24.10.2015)