
Công nghệ kỹ thuật (technology), trong đó có mạng Internet, đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Xu hướng phát triển công nghệ ngày càng mạnh mẽ đến mức nhiều người không thể làm việc và sinh hoạt bình thường nếu thiếu nó. Công nghệ hiện đại đang chi phối và tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống. Giáo hội xem media-truyền thông (ít nhiều liên quan đến công nghệ) như là một món quà của Thiên Chúa. Nhờ công nghệ kỹ thuật, mọi người có thể đoàn kết trong tình huynh đệ và cùng cộng tác với kế hoạch cứu rỗi của Ngài, phù hợp với ý định quan phòng của Thiên Chúa.
Gần đây, Giáo hội thường xuyên đưa ra những chỉ dẫn để chúng ta sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Lý do là khi phát triển công nghệ luôn ẩn chứa những nguy cơ, chẳng hạn trong địa hạt truyền thông có những thông tin giả mạo, gây hoang mang và chia rẽ. Có lần Thượng Hội đồng Giám mục (19/10/2023) đã đặt vấn đề về sứ mạng kỹ thuật số trong phiên họp mở rộng lần thứ VIII. Trong đó, theo lời Đức Hồng y Tagle tại Lisbon, Giáo hội ngày càng nhận thức rằng sứ mạng kỹ thuật số không chỉ đơn thuần là một công cụ để loan báo Tin mừng, mà còn là: “một không gian, một lãnh thổ… một thế giới mới đối với Giáo hội hiệp thông và sứ vụ”.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta lược lại vài tài liệu quan trọng của Giáo hội:
1. Những tài liệu sơ khởi
Thông điệp quan trọng đầu tiên của Đức Giáo hoàng Lêô XIII, Tân Sự – Rerum Novarum (1891), đã đề cập đến công nghệ như một yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc của xã hội và giai cấp công nhân. Ảnh hưởng này có thể vi phạm các quy tắc của công lý và hòa bình, bởi những người nắm công nghệ có thể thống trị và kiểm soát nhiều người. Trong tình hình này, đạo đức xã hội có thể bị ảnh hưởng xấu. Mặc dù công nghệ có thể bị lạm dụng với những mục đích xấu, nhưng điều này không làm mất đi giá trị tích cực của nó. Đức Giáo hoàng Lêô XIII, thay vì lên án công nghệ, ngài đã kêu gọi xây dựng các dự luật và phát triển một hệ thống lao động công bằng. Nhờ đó, công nghệ được sử dụng cho các lợi ích chung. Đức Giáo hoàng nhìn nhận công nghệ như một công cụ có tiềm năng lớn để cải thiện đời sống con người, nếu được điều hướng theo tinh thần công bằng và bác ái.
Thông điệp Quadragesimo Anno (1931) Đức Giáo hoàng Piô XI ban hành nhân dịp kỷ niệm 40 năm Thông điệp Rerum Novarum, trong bối cảnh mới thời hậu thế chiến thứ nhất và trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong đó, Giáo hội tái khẳng định nguyên tắc công bằng xã hội mà Rerum Novarum đã nêu, đặc biệt là quyền lợi và phẩm giá của người lao động, quyền tư hữu, và vai trò của nhà nước trong bảo vệ công ích. Thật thú vị khi tài liệu này cũng đề xuất trật tự xã hội mới dựa trên tinh thần Kitô giáo, nhấn mạnh đến “tính bổ trợ” (principle of subsidiarity), nghĩa là các tổ chức xã hội nhỏ hơn cần được hỗ trợ để tự lo công việc của mình, thay vì bị thay thế bởi các cơ quan lớn hơn hoặc nhà nước.
Sau những bước nền tảng như thế, 30 năm sau, Giáo hội một lần nữa đề nghị xem khoa học và công nghệ như một hình thức thuận lợi cho việc phát triển kinh tế và ổn định đời sống. Một mặt, hệ thống luật pháp được cải thiện để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Mặt khác, với tư cách là Mẹ và Thầy (Mater et Magistra-1961) Giáo hội đề xuất một sự lựa chọn tầm mức quốc gia về công nghệ không chỉ trong công nghiệp, mà còn trong nông nghiệp và dịch vụ. Các văn kiện tiếp tục ủng hộ ổn định toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là giúp nông dân thừa hưởng thành quả của công nghệ và sức lao động của chính họ.
Để đạt được hòa bình trên trái đất, Giáo hội đã nhìn thấy vai trò của công nghệ trong việc khôi phục sự cân bằng của các quốc gia. Ngay từ đầu thông điệp Pacem In Terris -1963, Đức Gioan XXIII đã nhắc lại tầm quan trọng của công nghệ kỹ thuật. Ngài viết:
“Hòa bình trên thế giới, tức nguồn ước vọng sâu xa của con người trong mọi thời đại, chỉ có thể xây đắp, kiện toàn, một khi người ta triệt để tôn trọng cái trật tự mà Chúa đã thiết lập. Khoa học tân tiến, và cả những phát minh của kỹ thuật đều minh chứng rằng: trong các động vật, cũng như trong các tiềm lực của vũ trụ, đều hiện hành một trật tự lạ lùng. Sự cao cả của con người là ở chỗ biết khám phá ra trật tự ấy, biết tạo nên những khí cụ thích nghi để chinh phục những tiềm lực thiên nhiên này, và biến cải nó thành hữu ích.” (Pacem In Terris số 1).
Với ý nghĩa trên, công nghệ như một cơ hội, một phương tiện để mọi người cùng nhau lập lại trật tự theo ý muốn của Thiên Chúa. Cũng trong số đầu tiên, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Điều mà những tiến bộ của khoa học và những phát minh kỹ thuật minh chứng trước hết, chính là Thiên Chúa vô cùng cao cả” (x. Pacem In Terris số 1). Do đó, phải thừa nhận rằng các hướng dẫn của Giáo hội đã ảnh hưởng cách hiệu quả không chỉ đến sự hoàn thiện của luật dân sự, mà còn cả cuộc sống, và đặc biệt là giáo dục. Từ đây, sự phát triển của khoa học công nghệ được ứng dụng rộng rãi hơn, nhiều phát minh giúp con người phát triển. Tất nhiên, chính Giáo hội khuyến khích mọi người tham gia vào nghiên cứu và khoa học để cải tiến công nghệ. Trong đó, các giá trị Tin mừng: bình đẳng, công ích, công lý cần được nhấn mạnh trong quá trình phát triển công nghệ.
2. Công đồng Vatican II
Công đồng Vatican II (1962-1965) đã mở ra một viễn cảnh mới cho tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả công nghệ. Tài liệu liên quan đến chủ đề này có thể kể đến: Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng) -1965. Trong đó, Giáo hội cho thấy công nghệ (lúc đó, bây giờ và tương lai) thu hút tất cả các quốc gia và mọi dân tộc. Hơn nữa, sự phát triển này đang làm thay đổi tư duy, văn hóa và đời sống trí tuệ của người dân. Đặc biệt trong sự phát triển của khoa học công nghệ, con người muốn chinh phục không chỉ dưới mặt đất, mà cả các hành tinh ngoài trái đất. Chẳng hạn: “Ngành kỹ thuật phát triển đến mức đang làm thay đổi cả bộ mặt trái đất và đã tiến đến việc chinh phục không gian” (Gaudium et Spes số 5). Theo đó, Giáo hội có lý do để nói điều này, vì nhiều chủ nghĩa cực đoan hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ.
Hai năm sau, Đức Phaolô VI trong Populorum Progressio-1967, cảnh báo về những mối đe dọa trực tiếp do sự phát triển của công nghệ kỹ thuật: “Cuộc xung đột giữa nền văn minh truyền thống và hiện đại. Ai hoặc quốc gia nào không thích ứng với sự phát triển của công nghệ sẽ bị loại trừ hoặc bỏ rơi.” (Populorum Progressio số 10). Trong khi đó, xung đột đã nảy sinh giữa xã hội và lợi ích nhóm. Kết quả là sự gián đoạn của hệ thống xã hội. Một giải pháp cho vấn đề này là quay trở lại mục đích của công nghệ: để phục vụ con người. Trong tài liệu này, cụm từ “tiến bộ” (progress), “phát triển” (development) không có nghĩa là bỏ mọi người lại phía sau. Thay vào đó, tiến bộ cũng có nghĩa là phát triển xã hội.
Trong đó, tiếp bước Đức Giáo hoàng Lêô XIII, Đức Phaolô VI nhìn nhận một thứ “tự do kinh tế” phóng túng đã dẫn đưa tới một lối độc tài mà Đức Piô XI đã tố cáo đúng lý như cha đẻ của “đế quốc tiền bạc quốc tế”. Thực tế cho thấy đã thấy một chế độ độc tài, được hướng dẫn bởi sự phát triển của công nghệ. Điều này cần phải được nhận ra và loại bỏ. Nếu không, kinh tế và công nghệ sẽ mất hoàn toàn ý nghĩa của chúng, nếu không vì lợi ích của con người. Theo đó Đức Phaolô VI đòi hỏi: “Lập pháp phải được phát huy theo chiều hướng bảo vệ ơn gọi riêng của họ; mặt khác đồng thời công nhận sự độc lập của họ như những nhân vị, công nhận quyền bình đẳng về quyền được tham dự vào đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội.” (Octogesima Adveniens số 13).
Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng quan tâm đến công nghệ kỹ thuật. Ví dụ, ngài viết Thông điệp Laborem Exercens-1981, đánh dấu 90 năm ra đời của Rerum Novarum. Thông điệp này chỉ ra mối quan hệ giữa công việc và kỹ thuật, trong đó công nghệ là một công cụ. Tại thời điểm quan trọng này, sự tham gia của công nghệ có thể được nhìn thấy trong tất cả các lĩnh vực. Trong những hoàn cảnh này, Giáo hội nhìn nhận được tính hai mặt của công nghệ: công nghệ vừa là đồng minh vừa là kẻ thù. Là đồng minh, khi công nghệ giúp con người sáng tạo, nó tạo ra rất nhiều của cải vật chất để phục vụ cộng đồng. Là kẻ thù, khi công nghệ có thể thay thế sức lao động của con người, cướp đi nguồn sáng tạo (kể cả tại các nước phát triển), nhiều người mất việc làm, lao động ở nước nghèo. Nhiều nơi, máy móc được tôn vinh hơn con người! Trong bối cảnh “tôn thờ” công nghệ, vấn đề đạo đức xã hội có thể bị phớt lờ, bỏ qua.
Có thể nói, các Giáo hoàng kêu gọi chúng ta trở về với Thiên Chúa để tái khám phá các giá trị cốt lõi của con người trong mọi lĩnh vực, bao gồm công việc, văn hóa và công nghệ. Chỉ khi đặt Thiên Chúa và phẩm giá con người làm trọng tâm, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng công nghệ và phát triển đều mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, đồng thời ngăn chặn tình trạng loại trừ và bất công xã hội. Việc “trở về với Thiên Chúa” trong bối cảnh này không phải là từ bỏ công nghệ, mà là tìm ra cách sử dụng công nghệ phục vụ con người và tôn trọng phẩm giá của mọi người, thay vì để công nghệ chi phối và loại bỏ những cá nhân yếu thế.
Trong Thông điệp Centesimus Annus-1991, Giáo hội đã chỉ ra mối nguy hiểm của sự thống trị này: “Cuộc chạy đua vũ trang điên cuồng đã ngốn hết những tài nguyên cần thiết cho sự phát triển các nền kinh tế trong nước và cho việc giúp đỡ các quốc gia cùng khổ nhất. Tiến bộ khoa học và kỹ thuật đáng lẽ phải góp phần vào việc làm cho con người sống hạnh phúc hơn, lại biến thành công cụ chiến tranh”. Theo đó, một trong những giá trị mà Giáo hội đã đòi hỏi nơi các quốc gia trong Rerum Novarum là tôn trọng phẩm giá và quyền của con người, vốn là “quyền tự nhiên của con người”.
3. Khởi đầu Thiên niên kỷ thứ III
Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, công nghệ kỹ thuật phát triển không tưởng! Trước làn sóng này, Giáo hội tiếp tục mời gọi chúng ta nhìn công nghệ kỹ thuật như là món quà, nhưng tuyệt đối không lạm dụng chúng để loại bỏ những gì là nhân bản và thánh thiêng.
Năm 2009, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI ra thông điệp Caritas In Veritate. Cụ thể, ngài viết: “Những xã hội phát triển về kỹ thuật không được phép coi sự phát triển kỹ thuật của nước mình như một thứ đẳng cấp cao về mặt văn hóa, nhưng đúng hơn họ phải tái khám phá những đức tính đôi khi đã bị quên lãng, đã làm cho họ phát triển theo dòng lịch sử. Các xã hội trên đường phát triển phải trung thành với những gì thật nhân bản trong truyền thống của họ, tránh cơn cám dỗ tôn sùng chủ thuyết cơ giới của nền văn minh kỹ thuật toàn cầu” (CV số 59). Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI tiếp tục thúc đẩy sự phát triển con người toàn diện, nghĩa là dựa vào tình yêu đích thực. Giống như các vị tiền nhiệm của mình, Đức Bênêđictô XVI tiếp tục nhấn mạnh: “Nếu chỉ phát triển về mặt kinh tế và kỹ thuật thì không đủ. Sự phát triển cần phải đích thực và toàn diện” (CV số 23). Trong đó vấn đề tiến bộ công nghệ khi đó cũng ảnh hưởng đến môi trường sống của con người. Việc lạm dụng công nghệ trong tiêu thụ năng lượng và khai thác tài nguyên thiên nhiên không chỉ gây hại cho các nước nghèo mà còn khiến môi trường ngày càng ô nhiễm. (CV số 48).
Vì lý do trên, vấn đề bảo vệ môi trường được đặt ra như là trách nhiệm của mọi quốc gia. Trách nhiệm này phải được hướng dẫn bởi tình yêu và sự thật. Năm 2015, Đức Giáo hoàng Phanxicô ra thông điệp Laudato Si’. Trong đó ngài đề nghị mọi người, mọi quốc gia, phải có trách nhiệm đối với thiên nhiên: bảo vệ, trân trọng và sử dụng nó đúng cách. Đặc biệt, ngài khuyến khích các công nghệ kỹ thuật để bảo vệ môi trường. Điều này có nghĩa là trong công nghệ, sự thống trị của tinh thần đối với vật chất được thể hiện và xác nhận. Theo đó, công nghệ là một phát minh của con người, một món quà để giúp con người tiếp tục sáng tạo thế giới theo ý muốn của Thiên Chúa: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (St 1,10). Đức Giáo hoàng phản đối việc lạm dụng công nghệ kỹ thuật để khai thác vô tội vạ những nguồn tài nguyên của trái đất, hoặc sử dụng công nghệ kỹ thuật hướng đến việc thống trị kinh tế và chính trị là đi ngược lại ý định của Thiên Chúa. Tóm lại, “những tiến triển siêu đẳng về mặt khoa học, những kỹ thuật đầy kinh ngạc, sự phát triển diệu kỳ của nền kinh tế, nếu như chúng không đi kèm theo sự phát triển xã hội và luân lý đích thực, sẽ chống lại loài người.”
Nói cách khác, Đức Phanxicô cảnh báo về “The technocratic paradigm – mô hình kỹ trị”, vốn coi công nghệ như giải pháp tối ưu cho mọi vấn đề. Điều này dễ dẫn đến việc khai thác thiên nhiên và con người một cách vô trách nhiệm. Ngài nhấn mạnh rằng công nghệ không phải là trung lập và cần được định hướng bởi đạo đức và lợi ích chung. Chẳng hạn, ngài viết:
“Sự giải thoát khỏi mô hình kỹ trị ưu thắng trên thực tế đã xảy ra trong vài cơ hội, tỉ như khi nhiều cộng đồng các nhà sản xuất nhỏ chọn những hệ thống sản xuất ít ô nhiễm hơn bằng cách ủng hộ một kiểu sống, kiểu hạnh phúc và kiểu đồng cư không theo chủ nghĩa tiêu thụ; hoặc khi kỹ thuật được ưu tiên hướng đến cách giải quyết các vấn đề cụ thể của những kẻ khác, với niềm đam mê giúp họ sống với phẩm giá nhiều hơn và đau khổ ít hơn; cũng như khi ý hướng sáng tạo cái đẹp và việc chiêm ngắm nó đi đến chỗ vượt qua quyền lực đối tượng hóa để thành một kiểu cứu thoát được thực hiện trong cái đẹp và trong con người chiêm ngắm cái đẹp” (Laudato Si’, số 112).
Có lẽ những cảnh giác trên đây ngày càng rõ nét hơn trong kỷ nguyên về trí tuệ nhân tạo (AI). Vì AI là chủ đề còn rất mới, nên Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng thận trọng cho rằng AI như một công cụ mạnh mẽ có thể mang lại lợi ích lớn lao nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng. Trong đó, vấn đề quy định đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu, nhằm đảm bảo AI phải phục vụ hòa bình và công lý. Tránh việc sử dụng AI vào mục đích quân sự hoặc kiểm soát xã hội. Chẳng hạn: “Trí tuệ nhân tạo phải phục vụ tiềm năng tốt nhất và những khát vọng cao nhất của con người chứ không phải để con người cạnh tranh với chúng” – Ngài nói trong Thông điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 57, ngày 1 tháng 1 năm 2024.
Nửa năm sau, tại Hội nghị G7 năm 2024, Đức Phanxicô diễn giải AI với “mô hình kỹ trị”, trong đó khả năng của con người có thể bị đe dọa. “Chúng ta không thể cho phép một công cụ mạnh mẽ và không thể thiếu như trí tuệ nhân tạo củng cố một mô hình như vậy, mà đúng hơn, chúng ta phải biến trí tuệ nhân tạo thành một bức tường chống lại sự mở rộng của mô hình ấy.” Ngài nhấn mạnh rằng AI nên được phát triển và sử dụng để phục vụ con người, không thay thế con người, và cần có sự giám sát đạo đức chặt chẽ. Một khi AI bị trật hướng, “chúng ta sẽ đẩy nhân loại vào một tương lai vô vọng nếu chúng ta tước đi khả năng đưa ra quyết định về bản thân và cuộc sống của con người, bằng cách khiến họ phải phụ thuộc vào sự lựa chọn của máy móc”– Ngài nói trong Hội nghị G7, ngày 14 tháng 6 năm 2024.
Sau đó, Bộ Giáo lý Đức tin và Văn hóa cũng đề đưa ra một tài liệu về AI: “Antiqua et Nova”, (tháng 1 năm 2025). Cho tới lúc này, đây là tài liệu phân tích tương đối sâu sắc về mối quan hệ giữa AI và trí tuệ con người. Tài liệu tiếp tục cảnh báo về những nguy cơ như mất việc làm do tự động hóa, sự suy giảm kỹ năng tư duy phản biện ở học sinh, và việc sử dụng AI trong vũ khí tự động. Tài liệu này kêu gọi phát triển AI theo hướng bổ sung cho trí tuệ con người, chứ không thay thế (x. Antiqua et Nova, số 6). Tài liệu kết luận rằng: “Các tín hữu có thể hành động như những tác nhân luân lý, có khả năng sử dụng công nghệ này để thăng tiến một cái nhìn đích thực về con người và xã hội. Điều này cần được thực hiện với sự hiểu biết rằng tiến bộ công nghệ là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho công trình tạo dựng, một hoạt động mà chúng ta được mời gọi hướng về Mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, trong hành trình không ngừng tìm kiếm Chân lý và Thiện hảo” (Antiqua et Nova, số 117).
Tạm kết
Mỗi tài liệu trên đây phác họa những nét phong phú của công nghệ mà chúng ta không có giờ đi vào chi tiết. Chúng ra lược qua vài nét căn bản như thế để thấy Giáo hội luôn đồng hành với con người, kể cả trong lãnh vực công nghệ kỹ thuật. Trong khi chúng ta ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, cũng cần nhớ rằng các nguyên tắc và giá trị đạo đức của Giáo hội vẫn luôn là kim chỉ nam cho mọi quyết định của chúng ta. Giáo hội luôn bảo vệ phẩm giá con người, nhất là trong lãnh vực công nghệ kỹ thuật, AI. Dưới triều đại Đức Giáo hoàng Lêô XIV có lẽ cũng thế, như chính lời giải thích của ngài:
“Chính tôi cũng cảm thấy được mời gọi tiếp nối con đường đó. Tôi đã chọn tước hiệu Lêô XIV. Có nhiều lý do khác nhau cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu là vì Đức Giáo hoàng Lêô XIII, trong Thông điệp lịch sử Rerum Novarum, đã đề cập đến vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên. Ngày nay, Giáo hội tiếp tục trao ban cho mọi người kho tàng giáo huấn xã hội của mình để đáp lại một cuộc cách mạng công nghiệp khác, cùng với những phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Những điều này đang đặt ra những thách đố mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động.”
Chúng ta cùng cầu nguyện cho tân Giáo hoàng trong đường hướng mục vụ này!
Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ
Để lại một phản hồi