Theo Ký Giả Edward Pentin, thông tín viên kỳ cựu tại Vatican của tờ National Catholic Register, cho đến nay, có ít nhất sáu nhóm trong Giáo Hội Công Giáo công khai lên tiếng yêu cầu Đức Phanxicô minh xác một số vấn đề liên quan tới mục vụ hôn nhân và gia đình đã được đề ra dưới triều giáo hoàng của ngài, nhất là trong tông huấn Niềm Vui Yêu Thương mà tiếng Latinh gọi là Amoris Laetitia. Nhưng cho tới nay, ngài không trả lời, ít nhất một cách trực tiếp.
Sáu yêu cầu minh xác
Tháng Chín năm 2015, trước ngày khai mạc Thượng Hội Đồng thứ hai về gia đình, một kiến nghị gồm tới 800,000 chữ ký của các cá nhân và hiệp hội khắp thế giới, trong đó có 202 giáo phẩm đã trình lên Đức Phanxicô, kêu gọi ngài tuyên bố rõ ràng giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân và gia đình. Các người ký tên, thuộc 178 quốc gia, tỏ ý quan ngại trước sự “hỗn độn phổ biến” phát sinh từ việc có thể có sự mở cửa dẫn tới lạc giáo tại thượng hội đồng trước đó.
Tháng Bẩy năm 2016, một nhóm 45 học giả Công Giáo, giáo phẩm và giáo sĩ gửi một thư kêu gọi tới Hồng Y Đoàn yêu cầu các ngài thỉnh cầu Đức Phanxicô “từ bỏ” điều họ coi là “các mệnh đề sai lạc” chứa trong Amoris Laetitia. Họ viết rằng tông huấn này chứa “một số phát biểu có thể bị hiểu theo nghĩa trái ngược với tín lý và luân lý Công Giáo”.
Ngày 19 tháng Chín năm 2016, 4 vị Hồng Y Carlo Caffarra, Walter Brandmüller, Raymond Burke, và Joachim Meisner trình lên Đức Phanxicô các câu hỏi (dubia) của họ nhằm có được sự soi sáng và giải quyết sự hỗn độn trước nhiều lối giải thích khác nhau của một số giám mục và hội đồng giám mục về một số đoạn gây tranh cãi của tông huấn. Đức Phanxicô không cho biết đã nhận được các câu hỏi này và không trả lời yêu cầu của bốn vị muốn được triều kiến ngài.
Tháng Hai năm 2017, các hiệp hội đại diện cho hàng ngàn linh mục trên thế giới ra một tuyên ngôn cho rằng việc minh xác Amoris Laetitia “rõ ràng là cần thiết” khi có những lối giải thích khác nhau “rất phổ biến” về nó. Tuyên ngôn này cám ơn bốn vị Hồng Y để đệ nạp các câu hỏi.
Tháng Tư năm 2017, 6 học giả giáo dân từ nhiều nơi trên thế giới đã tổ chức một hội nghị tại Rôma trong đó họ lưu ý các đoạn gây tranh cãi trong Amoris Laetitia và cho biết hàng ngũ giáo dân rất đỗi lo âu và bất an đối với văn kiện giáo hoàng này và các giải thích trái ngược nhau về nó.
Và gần đây nhất, ngày 11 tháng 8, 40 học giả giáo sĩ và giáo dân thuộc 20 quốc gia khác nhau trên thế giới, đã đệ lên Đức Phanxicô không phải “dubia” (câu hỏi) nữa mà là “correctio” (sửa sai) đàng hoàng, dù họ có thêm chữ “filialis” (con thảo) ở đàng trước. Nghe thì dữ dằn, nhưng họ vẫn không bác bỏ tư cách giáo hoàng của Đức Phanxicô, chỉ xin ngài chính thức bác bỏ các điểm lạc đạo được họ nêu ra từ Amoris Laetitia. Như thường lệ, ngài không phúc đáp là đã nhận được “correctio”, và dĩ nhiên, từ khước trả lời. Nên các tác giả đã cho công bố “correctio” vào ngày 25 tháng Chín.
Theo hãng tin A.P., trước đó mấy ngày, tức ngày 22 tháng Chín, số người tham gia “correctio” đã lên tới 62, và 72 tiếng đồng hồ sau khi công bố, con số này đã tăng tới 142.
Rục rịch
Tuy trong số 142 người nói trên không có vị Hồng Y nào, nhưng động thái của nhóm này đang gây được chú ý đáng kể. Thực vậy, theo tin của ANSA/EPA ngày 28 tháng Chín, Đức Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, nói rằng “điều quan trọng là phải đối thoại ngay bên trong Giáo Hội” để trả lời lá thư của các người Công Giáo bảo thủ tố cáo Đức Phanxicô tội lạc giáo. Lên tiếng bên lề một hội nghị về các Kitô Hữu Iraq do ACS tổ chức (ACS là một cơ quan vô vị lợi quốc tế do Tòa Thánh bảo trợ chuyên giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới), Đức Hồng Y Parolin cho rằng “Những người không đồng ý đã phát biểu sự bất đồng của họ, nhưng về các vấn đề này, chúng ta phải lý luận, cố gắng hiểu nhau”.
Còn Đức Hồng Y Muller, cựu bộ trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, trong một cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng Chín vừa qua của tờ National Catholic Register, thì cho rằng để đánh tan sự căng thẳng hiện nay, Đức Phanxicô nên đề cử một nhóm Hồng Y để tranh luận với các người phê bình ngài. Ngài đáng được tôn kính, nhưng những người này cũng đáng được trả lời một cách thuyết phục.
Đức Hồng Y cho rằng Giáo Hội cần “đối thoại và tin tưởng nhau nhiều hơn” thay vì “đa cực hóa và bút chiến”. Vả lại, “Ta phải tránh ly giáo và phân cách mới ra khỏi Giáo Hội Công Giáo duy nhất, một giáo hội mà nguyên tắc và nền tảng vĩnh viễn xây dựng sự hợp nhất và hiệp thông trong Chúa Giêsu Kitô là vị giáo hoàng đương nhiệm, tức Đức Phanxicô, và mọi giám mục hiệp thông trọn vẹn với ngài”.
Lý do im lặng
Cho đến nay, vẫn chưa có trả lời chính thức. Trước thái độ này, ít nhất có hai tác giả đặt câu hỏi: tại sao Đức Phanxicô không trả lời.
Tác giả thứ nhất là Phil Lawler, một ký giả thuộc phe bảo thủ, ngầm cho thấy Đức Phanxicô có trả lời, nhưng trả lời gián tiếp, qua các đại diện (surrogates) của ngài.
Trên CatholicCulture.org ngày 28 tháng Chín, Lawler viết: theo các các đại diện này, Đức Giáo Hoàng không bó buộc phải trả lời. Điều này đúng, không có điều nào trong giáo luật buộc Đức Giáo Hoàng phải trả lời thư từ. Có điều, lý lẽ này không thích đáng đối với một vị giáo hoàng chuyên cổ vũ đối thoại, đồng hành…
Andrea Tornielli, môt đại diện khác, thì cho rằng việc tố cáo một vị giáo hoàng lạc giáo không có gì mới mẻ hết, cả đức Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô XVI đều từng bị tố cáo là lạc giáo. Nhưng theo Lawler, những kẻ ấy chỉ là những tay mơ, không có tư cách hay ít nhất không trung thành với Giáo Hội, không hẳn là tín hữu Công Giáo chính thống. Không thể so sánh những người này với các thần học gia cỡ Josef Seifert, Germain Grisez và John Finnis, ấy là chưa kể các vị Hồng Y như Burke, Meisner, Caffara và Brandmüller.
Massimo Faggioli, một người đang nhanh chóng trở thành một “đại diện” của Đức Phanxicô, thì cho rằng rất nhiều loại thư từ đến Vatican bị liệt vào loại non esse respondendum (không phải trả lời) vì “quá phức tạp, quá gây tranh cãi, không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng”. Nhưng các câu hỏi do 4 vị Hồng Y nêu ra có chi là quá phức tạp. quá gây tranh cãi đến không thể trả lời CÓ hay KHÔNG? Hơn nữa, vị giáo hoàng đương nhiệm có bao giờ ngại tranh cãi đâu!
Tác giả thứ hai là linh mục Dwight Longenecker, một cựu mục sư Anh Giáo. Cha cho rằng sự im lặng của Đức Phanxicô gây nhiều ngạc nhiên, vì theo Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của ngài, Đức Phanxicô luôn hoan nghinh các lời phê bình chỉ trích.
Tuy nhiên, theo Cha, phần lớn những người ngạc nhiên như trên đã không hiểu luồng tư tưởng nằm ở bên dưới sự im lặng này đó là luồng tư tưởng phê phán điều họ gọi là “đức tin phát biểu thành điều” (propositional faith), có thể dịch gọn gàng hơn là đức tin tín điều.
Đức tin tín điều là đức tin đặt cơ sở trên các mệnh đề và định nghĩa thuận lý, nghĩa là dựa vào sách vở có thẩm quyền, một tuyên tín (creed), một sách giáo lý, một nền thần học tín lý có hệ thống, và một luật lệ tôn giáo đã định hình. Những người thích đức tin tín điều muốn có sự chắc chắn và rõ ràng.
Còn những người phê phán đức tin tín điều thì tin rằng các mệnh đề, các tín điều chỉ là một cái khung hay cấu trúc của niềm tin, trong khi cảm nghiệm đức tin, tuy phức tạp hơn nhiều, nhưng cũng hứng thú và hiện thực hơn rất nhiều. Họ phê phán những người thích đức tin tín điều là cứng ngắc, vụ luật hoặc biệt phái! Họ thích nhấn mạnh tới việc “gặp gỡ Chúa Kitô” một cách chủ quan hơn. Họ vận động người ta không tranh luận về tín lý hay giáo luật, trái lại xắn tay áo lên hành động và lăn xả vào việc làm của Thiên Chúa trong thế gian.
Các người phê phán đức tin tín điều cũng cho rằng đức tin này có tính chia rẽ. Nếu việc gặp gỡ với Chúa Kitô được nhấn mạnh chứ không phải các công thức thành điều của tín lý và luân lý, thì ta sẽ nối kết tốt hơn với các Kitô Hữu không Công Giáo và những người có thiện chí ở bên ngoài Kitô Giáo. Nói cách khác,”tín lý chia rẽ” nhưng nếu tập chú vào kinh nghiệm tôn giáo, ta sẽ có cơ hội nhiều hơn tìm được cơ sở chung.
Họ cũng cho rằng đức tin phát biểu thành điều, do từ bản chất, vốn gắn liền với các yếu tố lịch sử và triết học của thời đại và nền văn hóa trong đó các mệnh đề này được lên khuôn. Họ cho rằng, thần học của Thánh Tôma Aquinô, chẳng hạn, rất hợp với Âu Châu thế kỷ 13 nhưng nó khá lủng củng đối với nền văn hóa hoàn cầu thay đổi như chong chóng của thế kỷ 21. Một đức tin ít nhấn mạnh tới tín điều dễ thích ứng và uyển chuyển hơn.
Cha Longnecker nhận định rằng: đọc Tin Mừng, ta khó có thể bất đồng với những người phê phán đức tin tín điều. Vì dù gì, địch thủ của Chúa Giêsu vẫn là những người tôn giáo đầy tính cứng ngắc, vụ luật, hay lên án và bám vào luật lệ cũng như các truyền thống do con người tạo ra. Người là Đấng, nói theo lối nói của Đức Phanxicô, luôn “gây lộn xộn” (making a mess), bất chấp các kỹ thuật vụ luật, gặp gỡ người ta ở chính chỗ của họ và đem đến cho họ sự hàn gắn, cảm thương và tha thứ.
Thành thử, Đức Phanxicô không trả lời các người phê phán vì ngài không thích thứ đức tin phát biểu thành điều. Ngài muốn người Công Giáo vượt lên trên các kỹ thuật, các chi tiết tín lý và các trói buộc của luật lệ để sống thực cuộc sống Công Giáo giống Chúa Giêsu nhiều hơn: dành chỗ cho những rắc rối và mơ hồ của đời thực, gặp gỡ những con người thực đang đối phó với những quyết định khó khăn nhưng vẫn cố gắng xích lại gần Thiên Chúa trong khi rón rén lách qua các luật lệ khắt khe của Giáo Hội.
Nói cách khác, theo cha Longnecker, Đức Phanxicô không trả lời vì ngài không muốn rơi vào trò chơi của những người phê phán ngài. Ngài không muốn bị lôi vào các luận điểm vụ luật của họ; thay vào đó, ngài muốn tiếp tục thách thức họ. Ngài muốn chúng ta sống với những hàm hồ và tiếp diễn công trình phức tạp đem Chúa Giêsu đến cho những người đang chơi vơi với một cuộc sống đôi khi rối bời.
Cây nho và giàn cây nho
Tuy nhiên, cũng theo Cha Longnecker, luận điểm nào cũng luôn có mặt bên kia và vì thế cân bằng là điều nên có. Vì cá tính, một số con chiên của Đức Phanxicô cần sự chắc chắn, sự an tâm và sự rõ ràng trong giáo huấn. Thay vì đẩy họ qua bên lề, ngài nên cung cấp cho họ sự rõ ràng trong giáo huấn trong khi vẫn thách thức họ đừng chỉ dựa vào các mệnh đề đã thành tín điều mà thôi và tìm cách ẩn mình phía sau sự an toàn biểu kiến của các mệnh đề tín lý và “giáo huấn luân lý rõ ràng”.
Dĩ nhiên, Đức Giáo Hoàng cần phải biểu lộ đường lối phục vụ thế giới của Chúa Giêsu, nhưng nhiệm vụ của ngài cũng có phần phải xác định và bênh vực đức tin và đối với người Công Giáo, một phần trong cảm nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô là việc xác định một cách rõ ràng và không hàm hồ đức tin và nền luân lý có tính lịch sử.
Đức Phanxicô rất thích phê phán các người Công Giáo cứng ngắc và cố kết với phương thức vụ luật, nhưng theo Cha Longnecker, những người này rất ít. Đại đa số người Công Giáo là những người bình thường, không đần độn dù không thông thạo thần học. Họ hiểu việc cần có giáo huấn rõ ràng về tín lý và luân lý, nhưng họ cũng hiểu cuộc sống là phức tạp và công việc của Giáo Hội là phục vụ tình yêu Chúa Kitô trong các tình thế phức tạp ấy.
Riêng bản thân mình, Cha Longnecker cho rằng cha hiểu việc cần phải “gặp gỡ Chúa Kitô”, trái với việc chỉ dựa vào đức tin tín điều. Nhưng cha tin rằng thiếu các khẳng định rõ ràng của các mệnh đề đức tin, việc gặp gỡ Chúa Kitô không hơn không kém chỉ là một cảm nghiệm chủ quan.
Cả hai thứ trên đều cần giống như cây nho và giàn cây nho. Cây nho mới là điều đáng kể. Nó là hồng phúc sống động, phát triển và sinh hoa trái. Nhưng nó cần giàn để phát triển, để vươn lên lấy ánh mặt trời mà sinh hoa sinh trái. Cây nho là đức tin, là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, là cảm nghiệm và mạo hiểm thực chất của việc sống cuộc sống Kitô hữu. Chiếc giàn là các mệnh đề tín lý và luân lý để nâng cây nho lên; muốn nâng được cây nho, nó cần được bảo trì và sửa chữa liên tục.
Vũ Văn An (VCN)