Tại Sao Chúa Giêsu Nhận Phép Rửa Của Thánh Gioan?

Hỏi : xin cha gải thich lý do Chúa Giê su chịu phép rửa tại sông Jordan.

jesus_baptism.jpg

Trả lời:  

Tại sao Chúa lại nhận phép Rửa này của Thánh Gioan Tẩy Giả ?

Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần biết  thêm là  Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm phép rửa cho dân tại sông Jordan như một hình thức công khai sám hối để xin  tha mọi tội lỗi.   Như vậy Chúa Giê su có tội gì mà phải sám hối ?

Chắc chắn Chúa không hề có tội gì khiến Người  phải công khai sám hối bằng cách nhận phép rửa của thánh Gioan.

Chúa không có tội, không cần sám hối,  nhưng đã xin Gioan làm phép  rửa  vì theo lời tuyên xưng của Gioan về Chúa với các môn đệ ông thì : “ Đây  là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” ( Ga 1: 30).

Là chiên Thiên Chúa Đấng xóa tội trần gian có  nghĩa là Chúa đến trần gian để “ hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người”( Mt 20: 28)  

Đây là sứ mệnh Chúa Cha đã trao phó cho Người  thi hành để cứu chuộc cho  toàn thể nhân  loại  khỏi phải phạt và chết đời đời vì tội.

Và để thi hành sứ mệnh ấy , trước hết, Chúa Giêsu đã  tự  hạ  mình xuống  làm người có tội  để sám hối thay cho cả loài người  tội  lỗi  đang  cần sám hối để được tha thứ.  Và đó là lý do tại sao Chúa đã xin Gioan làm phép rửa cho Chúa tại sông Jordan,  nơi  Gioan đang làm phép rửa cho dân chúng để giúp họ sám hối xin tha tội lỗi. Trong dịp này  dân chúng đã được nghe tiếng Chúa Cha phán từ trời cao về Chúa Giêsu như sau: “Đây là Con ta yêu dấu,Ta hài lòng về Người.” ( Mt 3: 17)

Chúa Thánh Thần  cũng xuất  hiện trong hình chim bồ câu đậu xuống trên Chúa Giêsu  khi Chúa bước  ra  khỏi  nước sông. Như vậy, đây là lần đầu tiên, Ba Ngôi Thiên Chúa được tỏ bày cho con người.

Sau khi nhận phép rửa của Gioan, Chúa đã  đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho dân Do Thái trước tiên, và sau này -qua các Tông Đồ- Tin Mừng ấy cũng được rao giảng cho mọi người ở khắp mọi nơi, không phân biệt chủng tộc, văn hoá và ngôn ngữ,.

Mở đầu cho sứ vụ rao giảng này, Chúa Giêsu  cũng đã kêu gọi dân chúng đến nghe Người  giảng  dạy là “ hay sám hối và tin vào Tin Mừng.” ( Mc 1 : 15)

Sám hối để nhận biết tội mình đã phạm để xin Chúa tha thứ vì Chúa rất yêu thương  kẻ có tôi biết ăn năn thống hối để xin tha tội. Chúa đến trần gian cũng vì  mục đích đi tìm kẻ có tội để tha thứ, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” Như Thánh Phaolô đã quả quyết.( 1 Tm 2 : 4)

Cho mục đich cứu cho con người khỏi phải chết đời đời vì tội, cuối cùng Chúa Kitô đã vui lòng chịu mọi khốn khó , xỉ nhục bởi tay người Do Thái không tin Chúa là Đấng Thiên Sai đến trần gian để cứu rỗi mọi người. Vì thế, họ đã  bắt bớ,đánh đập Chúa và bắt Người vác thập gia để  bị đóng danh và chết thê thảm trên đó  để đền tội thay cho cả loài người đáng phải phạt vì tội .Như vậy, qua khổ hình thập giá, chết và sống lại, Chúa Kitô đã hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc nhân loại mà Chúa Cha đã trao phó cho Người,

Chúa hoàn tất,  nhưng ai muốn hưởng công nghiệp cứu chuộc này thì phải chứng tỏ thiện chí muốn sống theo đường lối của Chúa, thể hiện qua quyết tâm từ bỏ tội lối đến từ ma quỷ và thế  gian là những kẻ thù không muốn cho ta được phần rỗi để vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa sau khi kết thúc hành trình con người trên trần thế này.

Cụ thể, nhân lễ Chúa chịu phép rửa của  Thánh Gioan  hôm nay, mọi người tín hữu chúng ta  cũng được nhắc nhở  để nhớ lại Phép rửa mà chúng ta đã lãnh nhận  khi còn bé., hay người tân tòng ngày nay. Phép rửa này khác với phép rửa của Thanh Gioan ở điểm quan trong sau đây :

Phép rửa của Gioan là hình thức sám hối để xin tha tội, trong khi Phép rửa mà ta lãnh nhận khi còn bé  là bí tích ban sự sống mà chính Chúa Giê su đã thiết lập để tái sinh con người trong sự sống mới , trở nên tạo vật mới để hy vọng được vào Nước Trời mai sau

Chúa  Giêsu đã nói rõ về lợi ích của Bí Tích Thánh Tẩy hay Rửa tội như sau:

Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được tái sinh bởi nươc và Thần khí.( Ga 3: 5)

Nơi khác Chúa còn nói rõ hơn là : Ai  tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu rỗi.Còn Ai không tin  sẽ  bị  luận phạt. ( Mc 16: 16)

Khi ta được Rửa tội, cha mẹ và người đỡ đầu đâ thay mặt con mình để  cam kết những điều như sau:

-Từ bỏ tội lỗi và những quyến rũ bất chính

– từ bỏ ma quỉ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi

– Tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, tin kính Chúa Giêsu Kitô, tin kính Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo,tin các Thánh thông công,, tin Phép tha tôi, tin xác loài người sẽ sống lại , tin  có sự sống đời đời.

Đó là những lời hứa ( baptismal promises) mà cha mẹ và người đỡ đầu đã long trọng cam kết  thay mặt cho con mình  khi được rửa tội. Những cam kết trên đây phải được thi hành khi trẻ lớn lên thành người lớn có đủ trí năng suy nghĩ và hành động. Đó là tất cả người tín hữu chúng ta đang sống đức tin trong Giáo Hội hiện nay.

Nhưng Phép rửa chỉ có giá trị cứu rỗi khi ta thi  hành những lời cam kết trên đây mà thôi,

Nghĩa là những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội  Khi còn bé ,hay người tân tòng mới xin theo Đạo, thì phải thi hành những lới hứa hay cam kết mà cha mẹ và người đỡ đầu đã hứa thay  cho mình khi được rửa tội. Nếu không thi hành thì bí tích Rửa tỗi sẽ trở thành vô ích cho người đó.  

Cụ thể, cam  kết  tin và yêu mến Chúa thì phải thể hiện  bằng hành động cụ thể  là tuân giữ các Điều Răn của Chúa,  tham dự Thánh Lễ các ngày Chúa Nhật và Lễ Trọng,  rước Mình Thánh Chúa và năng xưng tội để luôn sống trong thân tình với Chúa. Nghĩa là nếu  nói tin có Chúa mà không bao giờ đọc kinh, cầu nguyện, tuân giữ Mười Điều Răn,  và  lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và hòa giải thì đó là đức tin chết như Thánh Giacôbê Tông Đồ đã dạy.

Lại nữa, tin có Chúa mà  vẫn  đi xem bói toán , tin phong thủy, kiêng số 13, tin số 9 thì  lại  trái nghịch  hay mâu thuẫn với  niềm tin có Chúa là Đấng uy quyền làm chủ vận mạng của con người và của  vũ trụ, vạn vật.

Mặt khác, cam kết từ bỏ ma quỉ  và mọi sự sang trọng, vui thú mà chúng tinh quái bày vẽ ra  để cám dỗ con người , thì không  được  ham  mê cờ bạc,  ham mê  tiền của, ngoại tình , thay chồng đổi vợ, ăn chơi sa đọa  và dâm ô đồi trụy  là những  tội lỗi làm xa cách  con người với THiên Chúa  là Đấng trọn tốt trọn lành.

Tóm lại, được rửa tội và có đức tin nhưng không thực hành những cam kết khi được rửa tội, không sống đức tin cách cụ thể thì vẫn không có hy vọng được cứu rỗi nhờ công nghiệp của Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao Chúa đã nói với các môn đệ xưa như sau:

 “ Không phải bất cứ ai thưa với Thầy Lậy Chúa ! , lậy Chúa ! là được vào Nước Trời cả đâu, mà chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên Trời  mới được vào mà thôi,” ( Mt 7:21)

Nói khác đi, không phải cứ được rửa tội, cứ nói tôi tin Chúa Kitô,  là được cứu rỗi để vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc  đời đời với Chúa. Rửa tội chỉ là bước đầu cần thiết cho việc cứu rỗi mà thôi. Bước tiếp theo quan trọng hơn, đó là thi hành những điều cam kết khi được rửa tội. Nếu không thi hành những lới hứa hay cam kết này  thì Phép Rửa sẽ thành vô ích cho những ai đã lãnh nhận khi còn bé, nhưng nay đang sống trái nghich với những lời đã  hứa khi được rửa tội.

Cứ nhìn vào thực tế con người đang sống hiện này thì đủ  thấy rõ  điều này :

Thử hỏi những kẻ đang làm những sự dữ như bọn quá khich Hồi giáo ( ISIS) đang giết hại các Kitô hữu thiểu số bên Trung Đông, cùng bọn  giết người, giết thai nhi , giết trẻ nữ ở  Trung cộng và Ấn đô,  nhất là bọn  buôn bán hay bắt cóc phụ nữ và trẻ nữ để bán cho bọn ma  cô tú bà hành nghề mãi dâm và ấu đâm rất khốn nạn, thì làm sao  những kẻ  này  có thể được cứu rỗi nếu chúng không mau kip từ bỏ những việc làm tội lỗi đó  và ăn năn sám hối kip thời để  được  tha thứ?.

Trong số những kẻ làm những sự dữ trên,  có thể có những kẻ đã được rửa tôi khi còn bé, nhưng nay lai sống vô luân vô đạo như vậy thì  Phép Rửa có ích lợi  gì cho chúng ? . Chắn chắn là không .

Tóm lại, Phép Rửa là một bí tích rất quan trọng mà Chúa Giêsu đã thiết lập để cứu chuộc con người. Nhưng được rửa tội  và có đức tin thì phải  sống  những đời hỏi của Phép Rửa và  nội dung của đức tin là mến Chúa ,yêu người, yêu sự thiện hảo, công bình và nhân ái, cùng xa tránh mọi tội lỗi.

Nếu không thì Phép Rửa và đức tin sẽ thành vô ích cùng với hy vọng được cứu rỗi để vào Nước Trời hưởng hạnh phúc vinh cửu với Chúa, sau khi kết thúc hành trình con người trên trần thế này.

Nguyện xin Chúa Giêsu Kitô, Đấng  đã hạ mình nhận phép rửa sám hối của Thánh Gioan,  giúp chúng ta thi hành những cam kết khi được rửa tội để bí tích này thực sự trở nên phương tiện cứu rỗi  hữu hiệu cho mọi người tín hữu chúng ta.Amen

  1.  Phanxicô Xaviê  Ngô Tôn Huấn