Có nhiều lý do cho việc một Kitô hữu nên đọc Cựu ước. Lý do đơn giản nhất đã được tuyên bố từ 1.500 năm trước bởi thánh Giêrônimô, một học giả Kinh thánh xa xưa, bằng câu nói từng được trích dẫn hàng nghìn lần: “Không biết Kinh thánh là không biết Chúa Kitô”. Nếu thánh Giêrônimô sử dụng lối diễn tả tích cực hơn, hẳn ngài đã nói: “Nếu bạn thật sự muốn biết Đức Kitô, hãy đọc Kinh thánh, không chỉ Tân ước nhưng còn cả Cựu ước nữa”.
Chính Chúa chúng ta từng tuyên bố: “Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Ngài cũng phán với chúng ta: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4; Đnl 8,3). Chính trong Kinh thánh – Cựu ước và Tân ước – chúng ta tìm thấy những lời phán ra “từ chính miệng Thiên Chúa”.
Do vậy, chúng ta đọc Kinh thánh để biết Đức Kitô và qua Ngài để biết Chúa Cha. Chúng ta đoan chắc rằng Kinh thánh sẽ dạy chúng ta biết Đức Kitô và Chúa Cha, bởi vì chúng ta cũng đoan chắc, điều Chúa đã nói với con người, rằng “lòng có đầy thì miệng mới nói ra”, cũng đúng với chính Thiên Chúa. Những Kitô hữu tận tâm từ hàng thế kỷ đã đọc Kinh thánh, bởi vì, không những do lòng sùng mộ và tôn kính đối với Tác giả Thánh, mà còn vì việc tin chắc rằng, thông qua Lời Thiên Chúa, họ có thể tìm thấy sự hiểu biết và tình yêu mến Ngài.
Chẳng có vấn đề gì lớn đặt ra liên quan đến lợi ích của việc đọc Tân ước. Ý thức chung lôi kéo việc đọc các sách Phúc Âm, Tông đồ Công vụ, các thư của Thánh Phaolô, và sách Khải huyền vì chúng hoàn toàn đặt Đức Kitô vào trung tâm điểm. Điều tương tự không xảy ra đối với Cựu ước. Cảm thức chung có khuynh hướng im lặng khi muốn nói với một Kitô hữu bình thường rằng anh ta nên đọc Cựu ước.
Không khó để nhận ra nguyên nhân của điều này. Cựu ước nói về Israel. Đó là một cuốn sách “Dothái” và “xưa cũ”. Người ta có ấn tượng rằng nó đã bị “cái mới” vượt qua và làm cho lỗi thời. Người ta dễ dàng quên rằng chính Thiên Chúa, Đấng linh hứng cho Tân ước, cũng chính Ngài đã linh hứng cho Cựu ước. Hơn hết, người ta quên rằng Cựu ước liên quan mật thiết với Tân ước. Người ta có khuynh hướng nghĩ về hai Giao ước như hai cuốn sách khác nhau hơn là khởi đầu và kết thúc của chính một cuốc sách. Có lẽ đây là điểm mà cảm thức chung bỏ lỡ nhiều nhất, nhưng cũng chính là điểm dễ dàng bù đắp nhất.
Ý thức chung chỉ ra rằng, một cuốn sách cần được đọc như một tổng thể. Kinh thánh là một tổng thể. Cựu ước và Tân ước là những phần của một tổng thể. Toàn bộ Kinh thánh có một tác giả duy nhất là Thiên Chúa. Do đó, để hiểu Kinh thánh, người ta phải nhìn nó như là một cuốn sách xuyên xuốt từ khởi đầu cho đến kết thúc, từ Sáng thế cho đến Khải huyền, bởi một Tác giả Thánh, Đấng cùng một lúc thấu rõ mọi sự xảy ra trước mắt Ngài – lời hứa cứu độ trong St 3,15, việc thành toàn lời hứa ấy trên đồi Canvê; vương quốc thần quyền được thiết lập trên núi Sinai năm 1250 B.C., Giáo hội được thành lập vào lễ Ngũ tuần năm 30 A.D.; Đất hứa dành sẵn cho dâng Israel, cho dân Thiên Chúa, phúc kiến dành trước cho dân Thiên Chúa trên thiên đàng.
Nói tóm lại, Cựu ước và Tân ước phải được xem như những phần của một cuốn sách duy nhất, cũng là những phần của một lịch sử cứu độ duy nhất. Không có Tân ước, Cựu ước là câu chuyện không hồi kết, một bí ẩn không lời giải. Không có cựu ước, Tân ước thành ra không đầy đủ. Chỉ có một sự hiểu biết thấu đáo về Cựu ước, Tân ước mới được hiểu trọn vẹn. Chỉ có nhận thức rằng Tân ước là đỉnh điểm của tình yêu Thiên Chúa nơi Cựu ước thì câu chuyện về lời mời gọi thuở ban đầu của Tình yêu mới đạt tới cao trào, trân trọng và đáng quý.
Một lẽ hiển nhiên
Kitô hữu phải đọc Cựu ước vì các tác giả Tân ước xem đó là lẽ hiển nhiên. Kinh Thánh giống như một kim tự tháp được xây dựng theo từng cấp độ mà chóp đỉnh của nó chính là Tân ước. Mỗi tác giả kế tiếp sáng tác dựa trên những tác phẩm của các tác giả đã được linh hứng đi trước. Mỗi tầng lớp tác giả Cựu ước chỉ có thể được đánh giá đầy đủ và đồng cảm nếu người đọc tiếp cận với vị thế của họ. Điều này muốn nói rằng, nhờ việc đọc chăm chỉ, chúng ta sẽ có được sự hiểu biết các cuốn sách đã được viết ra trước đây, là những cuốn sách được các tác giả mới thấu triệt.
Điều này không chỉ đúng với các tác giả nối tiếp của Cựu ước, nhưng còn đúng cho cả các tác giả Tân ước. Một sự thật mà chúng ta thường lãng quên đó là đối với các Thánh sử và thánh Phaolô, Cựu ước cũng là Kinh thánh! Lúc ấy, cuốn Tân ước chưa xuất hiện. Các tác giả được linh hứng, những người viết Tân ước, lớn lên cùng với Cựu ước, là Kinh thánh của họ. Cách thức suy tư, viết lách, thậm chí là tư tưởng thần học của họ phần lớn đều đến từ Cựu ước.
Khi bàn về giáo huấn của Môsê, họ cũng đặt hàm ý về điều đã được nói đến trong các sách Cựu ước như Sáng thế, Xuất hành, Lêvi, Dân số và Đệ nhị luật. Khi thảo luận về các Ngôn sứ, họ đương nhiên cho rằng người đọc của mình đã nghiên cứu về Isaia, Giêrêmia, Êdêkiel, Đaniel và các ngôn sứ nhỏ. Họ không giải thích những ám chỉ của mình đối với những sự kiện lớn lao của lịch sử cứu độ, bởi vì họ cho rằng độc giả của mình đã quen thuộc với những tác phẩm lịch sử vĩ đại của Cựu ước – bộ Ngũ thư, lịch sử của Đệ nhị luật, Sử biên niên, và các sách Macabê.
Chúa chúng ta đã phán: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Nhưng Ngài đến để kiện toàn điều gì? Chẳng có lời giải đáp cho câu hỏi trên trừ khi chúng ta đọc Cựu ước. Philip LaGrange, một học giả lớn của dòng Đaminh, từng nói nhiều năm trước: “Kinh thánh là bản chú giải tuyệt vời nhất cho Kinh thánh”. Chẳng có lựa chọn nào khác cho một Kitô hữu muốn hiểu biết về Tân ước và Chúa Giêsu. Anh ta phải đọc Cựu ước. Nếu không, anh ta sẽ hiểu gì về điều Chúa nói liên quan đến “sự hoàn thành”, hay đôi khi Ngài nhắc đến Môsê, Đavít, Đấng Mêsia, các Ngôn sứ, Con Người, Chiên Thiên Chúa, Đền thờ, chức Tư tế, Luật “cũ” và Luật “mới”, Giao ước “cũ” và Giao ước “mới”? Hầu hết những điều Chúa nói và giảng dạy sẽ trở nên rõ ràng đối mới một thính giả đã thấm nhuần Cựu ước.
Bối cảnh văn hóa
Đâu là bối cảnh văn hóa của Tân ước? Tân ước được viết bằng tiếng Hylạp. Tuy nhiên những người viết ra đại đa số là người Dothái – những người mà văn hóa và não trạng của họ là của Môsê, Isaia và tác giả của sách Gióp, chứ không phải văn hóa và não trạng của Plato hay Cicero, Aristote hay Caesar. Một sự hiểu biết về Cựu ước sẽ bảo vệ các Kitô hữu đương đại khỏi sai lầm nghiêm trọng trong việc đọc Tân ước như thể đó là một bản văn Hylạp hay thuộc về nền văn minh Hylạp cổ.
Dĩ nhiên sự khác biệt là rất lớn. Khi Chúa Giêsu nói “Cha của Ta”, khi Ngài thúc giục chúng ta cầu nguyện với “Cha của chúng ta”, Ngài có ý nói về Đấng đã mặc khải chính mình trong Cựu ước cho các Tổ phụ, các Ngôn sứ và dân tộc Israel với tư cách là Thiên Chúa có ngôi vị, đầy tự do, cụ thể và rõ ràng. Chẳng có gì là tự nhiên, mang màu sắc Hylạp hay duy lý liên quan đến “Cha của chúng ta” khi Ngài mặc khải chính mình trong Cựu ước. Ngài là chính sự tương phản với các vị thần được con người tạo ra của ngoại giáo và văn hóa Hylạp. Ngài là vị Thiên Chúa có ngôi vị, sống động, yêu thương, trao đổi và hành động – vị Thiên Chúa gặp gỡ mỗi người người chúng ta như Chúa Giêsu gặp gỡ chúng ta – diện đối diện.
Sự khác biệt dễ nhận thấy một cách cụ thể khi tiếp cận lề luật. Ngày nay, khi việc hợp lý hóa luật pháp hầu giúp con người đưa ra quy chuẩn cho hành vi họ làm trở thành xu hướng chung, thì thật là một cú sốc đối với chương trình cứu độ khi nhận ra rằng Tân ước mang theo cả sự xác tín của Cựu ước, rằng luật lệ là điều được ban ra bởi Đấng Lập pháp Thần linh chứ không chỉ là sự suy diễn tự nhiên và lý tính từ các quy luật tự nhiên theo khuynh hướng mà con người tỏ lộ. Trong Cựu ước, khi Chúa Cha phán “Ngươi không được…” và trong Tân ước, khi Chúa Giêsu phán “Còn Ta, Ta bảo các ngươi…”, không có một phép suy luận hợp lý nào ủng hộ cho hai câu nói ấy, nhưng đó là một thẩm quyền hiển nhiên, cốt yếu và cá nhân của chính Thiên Chúa. Người ta nhận ra rằng, khi Thiên Chúa phán, con người phải tuân phục. Ngài không hề đưa ra một vấn đề triết lý.
Lịch sử Cứu độ
Lịch sử Cứu độ là câu chuyện về những can thiệp của Thiên Chúa trong dòng lịch sử để mặc khải và đưa ra chương trình của Ngài hầu cứu độ nhân loại. Cựu ước làm cho các Kitô hữu ý thức về vị trí của mình trong chương trình này và đem lại cho họ một nhãn quan cho quá khứ cùng một tầm nhìn cho tương lai. Gibbon[1] đã viết cuốn “Sự Suy tàn và Sụp đổ của Đế quốc Rôma”, một đế quốc kéo dài nhiều thời kỳ từ triều đại Caesar Augustus cho đến khi Constantinople thất thủ vào năm 1453. Lịch sử của Giáo hội bắt đầu với Abraham vào năm 1900 B.C. và sẽ tiếp tục mãi cho đến ngày hoàn tất của thế giới!
Các Kitô hữu đọc Cựu ước với sự sáng suốt không thể không nhận ra rằng họ đang đọc về lịch sử của những bậc tổ tiên thiêng liêng của mình và thực sự cũng là lịch sử ân sủng của Thiên Chúa – câu chuyện về những lần can thiệp của Thiên Chúa từ xa xưa để đưa dân vào mối tương quan trọn vẹn với chính Ngài, một lịch sử của tình yêu Thiên Chúa đang tiếp diễn hầu thành toàn cho tất cả các Kitô hữu ngày nay và thậm chí cho toàn bộ nhân loại.
Các tác giả Tân ước rất ý thức về lịch sử độc nhất này. Như Bernard Anderson[2] phát biểu: “Bằng nhiều cách khác nhau, Giáo hội thời Tân ước tìm cách bày tỏ sự xác tín rằng Thiên Chúa, Đấng đã hiện diện trong ngôi vị của Đức Giêsu Kitô, cũng chính là Thiên Chúa, Đấng đã hiện hiện trong những hiện thực cụ thể của dân Israel. Vì Thiên Chúa được biết đến trong và qua toàn bộ lịch sử, một lịch sử được thành toàn nơi Đức Giêsu Kitô, các Kitô hữu chân nhận rằng Thiên Chúa của Cựu ước chính là Thiên Chúa của chúng ta và rằng câu chuyện về cuộc đời của dân Israel, theo một nghĩa sâu xa, cũng chính là câu chuyện về cuộc đời của chúng ta”.
Giá trị tự thân của Cựu ước
Để lượng định giá trị tự thân của Cựu ước, người ta chỉ cần suy nghĩ về các vị thánh mà đời sống tâm linh của họ được dưỡng nuôi bằng nội dung của nó – Đức Mẹ, thánh Giuse, thánh Phaolô, các Thánh sử và tất cả các thánh của thời Tân ước. Người ta chỉ cần suy nghĩ về việc Trẻ Giêsu thảo luận về Cựu ước trong Đền thờ khi “đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”.
Ở bất kỳ thời đại nào, những con người của Thiên Chúa như Abraham, Môsê, Đavít, Isaia và Giêrêmia luôn là hình mẫu phi thường cho đời sống tâm linh. Người ta không thể tiếp xúc với họ trong Cựu ước mà không tiếp xúc với Thiên Chúa. Các Thánh vịnh, theo sự đồng thuận của các nhà phê bình trong nhiều thế kỷ, là “những bài thơ tôn giáo vĩ đại nhất từng được viết”. Cho đến ngày nay, chúng là những lời kinh nguyện được cầu nguyện rộng rãi nhất trên thế giới.
Các sách Khôn ngoan không còn là những sách bán chạy nhất như trước kia; nhưng vào thời Giáo hội sơ khai, sách Huấn ca đã được phổ biến rộng rãi để hướng dẫn các tu sĩ nhiều đến mức nó được gọi là “Liber Ecclesiasticus”, nghĩa là “Sách của Giáo hội”. Các độc giả ở mọi thời đều thu lượm được những lợi ích to lớn từ các sách Khôn ngoan khác như sách Gióp, Châm ngôn, Giảng viên, Khôn ngoan, và Diễm ca. Sách Gióp đã được trình diễn trên sân khấu đương đại với ít nhất ba phiên bản khác nhau trong mười năm qua[3]!
Ngài Walter Scott[4], trong những giờ phút cuối đời trên giường bệnh, đã truyền người hầu và bảo: “Đưa cho tôi cuốn sách”. Khi người hầu hỏi “sách nào?”, Scott trả lời rằng “Sách, Kinh Thánh”. Như một tác phẩm văn chương thuần túy, Kinh thánh là “Sách”, một tác phẩm kinh điển của thế giới. Nhưng còn hơn thế, đó là Lời của Thiên Chúa – cuốn Sách duy nhất, trong vô vàn những cuốn sách đã được xuất bản qua mọi thời đại, có thể tuyên bố rằng chính Thiên Chúa là tác giả của nó. “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”!
————–
[1] Edward Gibbon (1737-1794), một sử gia và nghị sĩ người Anh.
[2] Bernard W. Anderson (1916-2007), một học giả có nhiều công trình nghiên cứu về Cựu ước.
[3] Tính vào thời điểm năm 1966.
[4] Walter Scott (1771-1832), một tiểu thuyết gia và thi hào lỗi lạc người Scotland.
Peter Ellis, “Why Read the Old Testament?”, in Liguorian, Vol. 54, No. 6, June-1966, p. 18-22.
Father Peter Ellis, C.SS.R.
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
(gpquinhon.org 07.08.2020)