« Chia sẻ hay cho kẻ túng thiếu, đồng ý vì đây là điều thiết thực. Thế còn việc tự tước đi khỏi mình của ăn thì điều đó có thực sự hữu ích không? Tại sao các Kitô hữu lại gắn bó một cách mật thiết với việc ăn chay? ».
Trong tất cả những kinh nghiệm to lớn của tôn giáo, chay tịnh chiếm một vị trí quan trọng. Cựu Ước xếp ăn chay vào số những nền tảng tu đức học của Israel : « Cầu nguyện và chay tịnh, bố thí và công bình có giá trị hơn là giầu có và bất công ». Ăn chay được coi là một thái độ của đức tin, của sự khiêm nhường, của sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Người ta nại đến ăn chay là để chuẩn bị gặp gỡ Thiên Chúa ; trước khi đối diện với một nhiệm vụ khó khăn hay để nài xin sự tha thứ về một lầm lỗi, để lột tả sự buồn phiền về một điều rủi ro xảy ra trong gia đình hay đất nước. Tuy nhiên chay tịnh không thể tách rời cầu nguyện và công bình và nhất là cần phải quay về việc sám hối tận tâm can. Thiếu điều này, theo như lời cảnh báo của các tiên tri, nó sẽ chẳng có nghĩa lý gì.
Được thúc đẩy bởi Thánh Thần, Đức Giêsu, trước khi thi hành sứ vụ công khai, đã ăn chay bốn mươi đêm ngày, trong niềm phó thác tin tưởng vào kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa Cha. Ngài đã đưa ra những chỉ dẫn chính xác cho các môn đệ để cho việc thực hành chay tịnh không bị lệch lạc rơi vào phô trương và giả hình.
Trung thành với truyền thống Kinh Thánh, các giáo phụ đã đặt để chay tịnh ở một địa vị danh dự. Theo các ngài, việc thực hành này giúp con người dễ dàng mở ra với một thứ lương thực khác, đó là Lời Chúa và chu toàn thánh ý Ngài. Ngoài ra, nó còn có mối liên hệ chặt chẽ với cầu nguyện. Chay tịnh giúp củng cố nhân đức thêm mạnh mẽ, đồng thời cũng gợi lên lòng thương xót Chúa, nhất là cầu khẩn ơn phù trợ từ nơi Thiên Chúa, và dẫn đến sự sám hối từ trong tâm hồn. Chính từ quan điểm kép này – nài xin ân sủng Đấng Tối cao và sự hoán cải nội tâm – mà cần phải đón nhận lời mời gọi ăn chay. Trong thực tế, trước những tình thế bi kịch mà nhân loại phải đối diện, nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, thì không thể thấy được một giải pháp.
Thực hành chay tịnh thường được quay về quá khứ, hiện tại và tương lai :
– Quá khứ với tư cách là nhận biết những lỗi lầm xúc phạm đến Thiên Chúa và tha nhân, mà mỗi người chúng ta đã mắc phải.
– Hiện tại, để học cách mở rộng tầm nhìn về phía người khác và về thực tại chung quanh ta.
– Tương lai, để đón nhận trong tâm hồn chúng ta những thực tại thiên giới, để đổi mới, nhờ ân huệ do lòng thương xót của Thiên Chúa, sự hiệp thông với tất cả nhân loại, vạn vật, bằng cách ý thức vai trò trách nhiệm của mỗi chúng ta trong vận mệnh lịch sử.
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng