Dịp sáng mùa xuân đẹp trời nào đó, ta hãy nhìn một tổ ong làm việc.
Đàn ong vỡ tổ rộn ràng. Ong bay đi đâu ? Đi tìm hoa quanh vùng để hút nhụy làm mật. Ong sống bằng hoa của đồng nội, của rừng rú. Như ong phải đi tìm hoa và hút nhụy hoa để sống, người Công Giáo chúng ta cũng phải đi tìm Hoa Giêsu Thánh Thể để sống, để hoạt động.
Đối với chúng ta, Chúa Giêsu Thánh Thể nói lên tất cả, tóm lại tất cả, chứa đựng tất cả, cắt ngghĩa tất cả. Chúng ta sống bằng Chúa Giêsu Thánh Thể, và như vậy là đủ cho chúng ta rồi, vì chúng ta đã đạt được lý tưởng trên mọi lý tưởng. Trong Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta tìm được tất cả: tìm được ánh sáng, tìm được sức mạnh, tìm được an ủi, tìm được trong sạch, tìm được tình yêu, sống thánh thiện, sống quên mình, sống vui tươi hớn hở.
Chúa Giêsu Kitô hiện diện thật sự trong Phép Thánh Thể là tín điều tuyệt vời nhất, hấp dẫn nhất, huy hoàng nhất của đức tin kitô hữu của chúng ta. Mặc dầu đã trở về với Đức Chúa Cha, nhưng Chúa Giêsu vẫn không muốn từ bỏ chúng ta. Vì thế, trong một tấm bánh nhỏ, Ngài trở nên Người Bạn Đường của chúng ta suốt đời. Như một vị thánh kia, chúng ta hãy nói với Chúa Giêsu Thánh Thể: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin hãy đi chung với con, Chúa đi đâu, con cũng muốn đi đến đó”. Và và mỗi người chúng ta hãy thêm: “Và con đi đâu, xin Chúa cũng đi với con vì con luôn mang Chúa sống động trong lòng con, trong trí con, trong lời nói và trong hành động của con ”.
I. Mầu Nhiệm Đức Tin
Mầu Nhiệm Thánh Thể là trung tâm, là chóp đỉnh của đời sống đức tin kitôhữu. Như con người sống nhờ có trung tâm tim, nhờ có chóp đỉnh đầu, người kitô hữu sống được đời đức tin là nhờ có Tim Thánh Thể, nhờ có Đầu Thánh Thể.
Phép Thánh Thể bắt buộc chúng ta phải có một đức tin thật sâu xa vì đây là Mầu Nhiệm vượt quá mọi hiểu biết của con người, vượt quá mọi hiểu biết của các thánh, vượt quá mọi hiểu biết của các thiên thần: Mầu Nhiệm Thánh Thể nằm trong Quỹ Đạo vô cùng sâu thẳm của Mầu Nhiệm Ba Ngôi, Mầu Nhiệm mà không một loài thụ tạo nào hiểu được. Đức tin đã là mầu nhiệm, nhưng đây, Phép Thánh Thể còn là Mầu Nhiệm của Đức Tin !
Phép Thánh Thể là một mầu nhiệm vượt quá mọi sự hiểu biết của mọi loài thọ tạo, vì thế, phép Thánh Thể bắt buộc chúng ta phải có một đức tin thật sâu xa thế nào ?
1). Phải tin thật những lời Chúa Giêsu đã hứa về phép Thánh Thể.
“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông nầy có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Chúa Giêsu nói với họ: ” Thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh nầy, sẽ được sống muôn đời.” (Ga 6,51-58)
2). Phải tin thật Chúa Giêsu đã thật sự lập Phép Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly tức là Chúa Giêsu đã biến bánh và rượu trở thành Thịt và Máu của Ngài để làm của ăn nuôi sống thế gian: “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
3). Phải tin thật Chúa Giêsu đã ban quyền cho các Tông Đồ cử hành Phép Thánh Thể: “Các con hãy làm việc nầy, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).
4). Phải tin thật Chúa Giêsu đã truyền cho các Tông Đồ cử hành Phép Thánh Thể qua mọi thời đại, cho tới khi Ngài lại đến trong vinh quang: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1 Cr 11, 26).
5). Phải tin thật Chúa Giêsu có mặt thật sự dưới hai hình thức bánh rượu sau khi linh mục truyền phép, nghĩa là chính Mình và Máu Chúa Giêsu, sau khi linh mục đọc lời Truyền Phép (chứ không còn bánh và rượu nữa), và Mình và Máu Chúa Giêsu gồm Thân Xác Phục Sinh của Ngài, Linh Hồn của Ngài và Bản Tính Thiên Chúa của Ngài.
Trên trời, dưới đất, không có phép lạ nào cao cả cho bằng phép lạ Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể: chỉ phán một lời, tức thì bánh và rượu trở nên Mình thật Máu thật của Chúa, để làm của ăn ban sự sống đời đời cho chúng ta.
Thiên Chúa toàn năng, làm gì cũng được, nhưng làm một cái gì lạ lùng hơn Phép Thánh Thể, thì xem ra Thiên Chúa không làm nữa!
Khi nói đến Phép Rửa Tội, Phép Giải Tội, Phép Thêm Sức, Phép Hôn Phối, Phép Truyền Chức Thánh, Phép Xức Dầu Bệnh Nhân, Giáo Hội dùng danh từ: Đây là các Phép Bí Tích. Nhưng khi nói đến phép Thánh Thể, Giáo Hội dùng những danh từ đặc biệt: đây là Phép Bí Tích Cực Trọng, đây là Phép Bí Tích Cực Linh, đây là Phép Bí Tích Cực Thánh.
Lý do là vì sự Chúa Giêsu ngự thật trong phép Thánh Thể là trung tâm điểm của đời sống Giáo Hội, là trung tâm điểm của đời sống kitô hữu của chúng ta: chúng ta được chịu phép Rửa Tội là để sau nầy có thể tiến lên bàn thánh rước Chúa Giêsu vào lòng, Đấng dạy chúng ta biết Chúa là Cha của chúng ta; chúng ta được chịu phép Giải Tội là để là để dẹp tan những ngăn trở làm chúng ta không thể lên rước Chúa được; chúng ta được chịu phép Thêm Sức là để can đảm mạnh mẽ mà xưng đức tin vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Thánh-Thể; chúng ta chịu phép Hôn Phối là để tăng gia số người ngồi vào bàn tiệc Chúa Giêsu Thánh Thể, tăng gia số người làm linh mục để cử hành thánh lể ngợi khen Chúa Giêsu Thánh Thể, tăng gia số người dâng mình cho Chúa để chăm sóc Nhà Chúa Giêsu Thánh Thể ngự, để gìn giữ Mình Thánh Chúa, để thờ lạy, ngợi khen, đền tội và cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể thay cho người khác; chúng ta chịu phép Truyền Chức thánh là để truyền phép ThánhThể, để ban phát Chúa Giêsu Thánh Thể cho các tín hữu; chúng ta chịu phép Xức Dầu Bệnh Nhân là để loại bỏ những trở ngại cuối cùng, hầu được chắc chắn được về trời sau khi chết mà kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể đời đời.
Phép Thánh Thể là phép bí tích cực trọng, cực linh, cực thánh ! Đây là mầu nhiệm đức tin như chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ. Chúng ta phải có đức tin thật sâu, thật mạnh, mới tin được Chúa Giêsu đang ngự thật trong phép Thánh Thể.
Chính vì thiếu một đức tin sâu mạnh như thế, nên có người trong chúng ta không quý trọng Nhà Thờ là nơi Chúa Giêsu Thánh Thể ngự, không siêng năng đến Nhà Thờ để viếng thăm Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta trong phép Thánh Thể, không quý trọng việc lành đạo đức quan trọng nhất trên đời nầy là đi tham dự thánh lễ, không ân cần dọn mình sốt sắng để lên rước Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn mọi ơn mọi phước.
II. Tiệc Thánh Thể
Cử hành phép Thánh Thể là thể hiện lại cách nhiệm tích tất cả những gì đã xảy ra trong Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu: mục đích của Bữa Tiệc Ly: tôn thờ Đức Chúa Cha, cảm tạ Đức Chúa Cha, cầu xin Đức Chúa Cha, đền tội thay cho loài người chúng ta trước tòa Đức Chúa Cha; hiệu quả của Bữa Tiệc Ly: hiến dâng lên Đức Chúa Cha Con Chiên tinh tuyền để đền tội cho loài người chúng ta và để đem lại Ơn Cứu Độ cho loài người chúng ta; nội dung của Bữa Tiệc Ly: Chúa Giêsu hiến thân làm của ăn nuôi sống loài người chúng ta vì Mình và Máu Ngài hiện diện thật sự dưới hình bánh và hình rượu sau khi truyền phép .
Thánh Thể là một Bữa Tiệc. Chúa Giêsu nói rõ: “Thịt Ta thật là của ăn!”
Mình Thánh Chúa là của ăn lạ lùng nhất, quý báu nhất, tuyệt vời nhất, ăn vào thì được sống đời đời. Than ôi, của ăn ở đời nầy đâu có được như vậy: muốn ăn cho được, chúng ta phải rửa, phải vo, phải giết, phải nấu, phải hâm lại vì bị siu, bị thối, bị hư. Thế mà nhiều khi chúng ta quá lo lắng tìm của ăn đời nầy, mà lơ là việc tìm của ăn đời đời.
Chúa Giêsu lập phép Thánh Thể không phải để cho các thánh thiên thần và các thánh nam nữ ở trên trời, nhưng lập phép Thánh Thể cho chúng ta đang ở trên trần gian nầy để nuôi dưỡng chúng ta, để ban sức mạnh cho chúng ta. Chính vì thế mà Chúa Giêsu thúc giục đến ăn Ngài: “Các con cầm lấy mà ăn!” (Mt 26,26). Chính vì thế mà Chúa Giêsu dọa: “Nếu các ông không ăn Thịt và uống Máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,52). Chính vì thế mà Chúa Giêsu treo phần thưởng: “Ai ăn bánhnầy, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,58).
Thánh Thể là một bữa tiệc đích thực: ăn Chúa Giêsu thật!
Thánh Thể là một bữa tiệc thánh: tiệc do Đấng Chí Thánh, là Con Thiên Chúa, thiết lập; tiệc dọn của ăn của uống hoàn toàn thánh (Mình và Máu Thánh Chúa); tiệc mừng Biến Cố vô cùng thánh (Ơn Cứu Độ)
Thánh Thể là một bữa tiệc ban sự sống: sự sống đời đời, sự sống siêu nhiên của chính Thiên Chúa. Vì thế, Thánh Thể là một bữa tiệc biến đổi lạ lùng: thân xác ta trở nên giống Thân Xác của Chúa Giêsu; linh hồn ta mang những tâm tình của Chúa Giêsu; đời sống của Chúa Giêsu trở thành đời sống của ta, đời sống của ta trở thành đời sống của Chúa Giêsu; Chúa Giêsu ở trong ta, ta ở trong Chúa Giêsu; Chúa Giêsu làm một với ta, ta làm một với Chúa Giêsu. Châm ngôn sống của chúng ta sau khi dự Tiệc Thánh Thể là: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Thánh Thể là một bữa tiệc cần thiết. Điều cần nhất cho chúng ta, là được Ơn Cứu Độ để rỗi linh hồn (Được lời cả thế gian nầy, mà mất linh hồn, nào được ích chi!). Mà Tiệc Thánh Thể là chính Ơn Cứu Độ, chính Nguồn Cứu Độ vì Thánh Thể chính là Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, ai không dự Bàn Tiệc Thánh Thể thì không được Ơn Cứu Rỗi để được sống muôn đời.
III. Tiệc Vượt Qua
Biến cố Vượt Qua của dân Do Thái: Trong đêm giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của dân Ai Cập, Thiên Chúa truyền cho mỗi nhà Do Thái phải giết một con chiên không có tỳ vết để thịt, thì ăn với bánh không men và rau đắng, còn máu thì bôi trên cửa nhà. Trong đêm khủng khiếp nầy, thiên thần của Chúa thấy nhà nào có máu chiên bôi trên cửa, là dấu hiệu nhà dân Do Thái, thì vượt qua, không vào; còn thấy nhà nào không có máu chiên bôi trên cửa, là dấu hiệu nhà dân Ai Cập, thì xông vào giết tất cả các con đầu lòng, từ con đầu lòng của người, đến con đầu lòng của súc vật (x. Xh 12,1-13). Sau biến cố Vượt Qua khủng khiếp của đêm đó, vua Pharao mới nhượng bộ, để cho dân Do Thái được tự do ra đi khỏi nước Ai Cập (x. Xh 12,12,31-33). Thiên Chúa đã truyền cho dân Do-Thái hằng năm tưởng nhớ biến cố trọng đại nầy (x. Xh 12,14).
Trung thành với lệnh truyền của Thiên Chúa, hằng năm dân Do Thái tưởng nhớ lại biến cố nầy bằng một bữa tiệc, Bữa Tiệc Vượt Qua.
Tiệc Vượt Qua và Tiệc Thánh Thể: Tiệc Vượt Qua (con chiên vẹn sạch, vô tì vết của dân Do Thái được sát tế), Tiệc Thánh Thể (Con Chiên vẹn sạch, vô tì vết của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu Kitô, được sất tế); Tiệc Vượt Qua (máu con chiên loài vật cứu sống các con đầu lòng Do Thái ), Tiệc Thánh Thể (máu Con Chiên Thiên Chúa đem lại sự sống đời đời cho mọi người); Tiệc Vượt Qua (thịt chiên loài vật được đem ra cho mọi người trong gia đình Do Thái ăn để có sức mà lên đường để sống đời tự do), Tiệc Thánh Thể (Thịt Con Chiên Thiên Chúa trở nên của ăn cho toàn thể nhân loại để có sức mà đời sống đời đời do Chúa Giêsu ban); Tiệc Vượt Qua (giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của dân Ai Cập để họ được tự do tiến về Đất Hứa dưới đất ), Tiệc Thánh Thể (giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi và của sự chết để nhân loại được tự do tiến về Đất Hứa trên trời).
IV. Tiệc Cưới
Chúa mời đến dự Tiệc Cưới (Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa – trong dụ ngôn Tiệc Cưới : vua sai gia nhân đi mời …)
Chúa dạy phải mang y phục lễ cưới khi tham dự Tiệc Thánh Thể (Mặc y phục lễ cưới để vào dự Tiệc Cưới (dọn mình xa, dọn mình gần, giữ chay, có ý ngay lành, sạch tội trọng); Mang một tâm hồn xứng đáng: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén nầy, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh và uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu của Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén nầy. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11,26-29).
V. Tiệc Ly
Cách đây hai ngàn năm, trong một đêm thứ năm tại “một căn phòng rộng rãi trên lầu” (Lc 22,12), mà sau nầy được gọi là Nhà Tiệc Ly, trước khi ra đi chịu chết, Chúa Giêsu đã lập Phép Bí Tích Thánh Thể để nói lên tình yêu vô bờ vô bến của Ngài đối với loài người chúng ta: “Trước lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế hian, và Người vẫn yêu thương họ đến cùng ” (Ga 13,1).
Khi chia ly ra đi, nào ai trong chúng ta lại không muốn thấy xung quanh mình toàn những người thân yêu mà thôi. Chúa Giêsu, trong giờ chia ly vĩnh biệt, cũng chỉ muốn quy tụ quanh mình những môn đệ thân thiết nhất mà thôi.
Khi chia ly ra đi, nào ai trong chúng ta lại không muốn có một nơi kín đáo để tâm sự với những người thân yêu. Chúa Giêsu, trong giờ chia ly vĩnh biệt, cũng đã chọn một căn phòng kín đáo trên lầu để thổ lộ tâm tình với các môn đệ thân yêu.
Khi chia ly ra đi, nào ai trong chúng ta lại không muốn tỏ ra thật hiệp nhất với những người mình thân yêu sắp xa cách, nên thế nào cũng mời họ ăn một bữa ăn thân mật, và đem ra đãi món ăn quý báu nhất. Chúa Giêsu, trong giờ chia ly vĩnh biệt, cũng mời các môn đệ ăn một bữa ăn cuối cùng với Ngài, và đãi họ món ăn quý báu nhất trên trời dưới đất, là Mình và Máu Thánh Ngài.
Khi chia ly ra đi, ai lại không muốn nói rõ sự thật một lần cuối cùng cho những người thân nghe biết, vì không còn hy vọng gặp nhau lại trong một dịp nào khác nữa. Chúa Giêsu, trong giờ chia ly vĩnh biệt, nói rõ những điều bí nhiệm thâm sâu nhất về Thiên Chúa: Ngài là Con của Thiên Chúa, Thiên Chúa là Cha Ngài và cũng là Cha của chúng ta, Ngài về lại với Cha Ngài, Ngài sẽ sai Chúa Thánh Thần Ngôi Ba đến với những ai tin Ngài (x. Ga 13,31-38 ; 14,1-31 ; 15,1-27 ; 16,1-33 ; 17,1-26 ).
Khi chia ly ra đi, ai lại không dùng dằng, nói tới nói lui, ngập ngập ngừng ngừng, lặp đi lặp lại: “Thôi, đừng buồn nữa! Thôi, đừng khóc nhé! Rồi chúng ta có ngày sẽ gặp lại nhau!”. Chúa Giêsu, trong giờ chia ly vĩnh biệt, cũng dùng dằng, cũng ngập ngừng, cũng nói lui nói tới, cũng lặp đi lặp lại: “Các con đừng buồn! … Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại! … Một chút nữa, các con sẽ không thấy Thầy! … Một chút nữa, các con sẽ lại thấy Thầy! ….”
Khi chia ly ra đi, người ta những kỷ vật để nhớ nhau … ( ảnh chụp, khăn tay, khăn quàng, …), những kỷ vật mà sau một thời gian, chúng ta phải vất đi, phải đốt đi vì không còn dùng được nữa… Chúa Giêsu, trong giờ chia ly vĩnh biệt, để lại cho chúng ta một kỷ vật vô cùng quý giá, không bao giờ mất thời gian tính, không bao giờ tàn phai, đó là Mình và Máu Thánh của Ngài.
Trong đêm chia ly Thứ Năm vĩnh biệt nầy, Chúa Giêsu đã làm một việc vô cùng phép tắc và cảm động không bút nào tả nổi, là đem tình thương vô biên của Ngài để thắng hận thù điên cuồng của loài người, bằng cách lập Phép Thánh Thể để ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Thật vậy, trong đêm chia ly ra đi chịu chết, đêm mà loài người đầy hận thù tức tối, quyết xô đẩy, quyết tiêu diệt Chúa Giêsu ra khỏi trần gian, thì Chúa Giêsu, với tình yêu thương lạ lùng, đã chiến thắng lòng hận thù của loài người bằng cách lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người bội bạc chúng ta cho đến tận thế.
Thật vậy, trong đêm chia ly ra đi chịu chết, đêm mà loài người điên cuồng, với bất cứ giá nào, quyết tẩy chay cho kỳ được tên phạm thượng và loạn tặc Giêsu ra khỏi cuộc sống trần gian, thì Chúa Giêsu, đầy lòng nhân từ tha thứ, tuy để cho loài người hả cơn giận giết chết Ngài, nhưng với một sự trả thù lạ lùng, Ngài đã lập Phép Thánh Thể để ở lại với loài người bội bạc, để tiếp tục yêu thương loài người bội bạc, để tha thứ loài người bội bạc, để thưởng loài người bội bạc, để nâng đỡ loài người bội bạc trong mọi hoàn cảnh, trong mọi thời gian.
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể ở gần chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu lại ở ngay trong chính lòng chúng ta.
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể vào thăm nhà chúng ta như khi xưa Ngài đã từng đên thăm nhà ông Giakêu, nhà các chị em ông Ladarô, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu lại ngự đến ngay trong thân xác chúng ta, ngay trong linh hồn chúng ta.
Để ở lại với loài người bội bạc chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể đến thăm chúng ta một lần trong đời, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi! Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hằng ngày ngự đến với chúng ta trong khi chúng ta tham dự thánh lễ, và có ngày, Ngài ngự đến với chúng ta hai lần khi chúng ta tham dự hai thánh lễ trong một ngày.
Để ở lại với loài người chúng ta, Chúa Giêsu đã có thể hẹn gặp chúng ta một nơi nào đó, và như thế, cũng quá hạnh phúc cho chúng ta rồi, nên dù chổ đó xa xôi cách trở khó khăn đến đâu mặc lòng, chúng ta cũng cố gắng tìm đủ cách để đến gặp Chúa cho kỳ được, dù tốn kếm đến đâu đi nữa. Nhưng không, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu hẹn gặp chúng ta nơi Nhà Thờ là nơi chúng ta dễ đến nhất, có khi đó là nơi gần chúng ta nhất.
Ôi, trong phép Thánh Thể, Chúa Giêsu yêu thương chúng ta là dường nào! Ngày đêm, Ngài mời chúng ta đến với Ngài để ăn Ngài cho được mạnh sức, để viếng thăm Ngài cho được Ngài an ủi.
Vô cùng hạnh phúc vì được Rước Chúa Giêsu Thánh Thể!
Nếu đặt câu hỏi: Hạnh phúc nhất của chúng ta trên đời nầy là gì?, thì chúng ta trả lời ngay: đó là được rước Chúa Giêsu vào lòng mình!
Khi được Chúa Giêsu ngự vào lòng mình, chúng ta nên giống Đức Mẹ ngày xưa được mang Chúa trong mình; chúng ta giống như một máng cỏ sống động có Chúa Giêsu nằm trong đó; như nhà ở Nadarét có Chúa Giêsu trú ngụ; như Nhà Tạm có Chúa Giêsu ẩn mình; như thiên đàng có Chúa Giêsu ngự.
Vô cùng hạnh phúc vì được Viếng Thăm Chúa Giêsu Thánh Thể!
Không những được Chúa Giêsu ngự vào lòng mình, chúng ta còn được nhiều dịp đến thăm viếng Chúa Giêsu đang ngự trong Nhà Tạm của nhà thờ chúng ta, như các Mục Tử và Ba Vua ngày xưa.
Khi đến thăm viếng Chúa Giêsu ngự trong Nhà Tạm, chúng ta được Chúa Giêsu biến đổi một cách lạ lùng: buồn phiền, chúng ta trở nên vui vẻ; yếu đuối, chúng ta trở nên mạnh mẽ; nghèo hèn, chúng ta trở nên giàu sang; đói khát, chúng ta trở nên no thỏa; ngu dốt, chúng ta trở nên thông minh; thấp kém, chúng ta trở nên cao cả; tội lỗi, chúng ta trở nên thánh thiện.
Từ Nhà Tạm trong Nhà Thờ, Chúa Giêsu hằng tha thiết kêu mời chúng ta: “Hỡi tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 12,28).
Khi chết rồi, chúng ta mới biết mình đã sống khôn ngoan hay đã sống dại dột: khôn ngoan, vì khi còn sống, chúng ta biết chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể; dại dột, vì khi còn sống, chúng ta lơ là, không chạy đến với Chúa Giêsu ThánhThể. Thánh Gioan Vianê kể: Tôi nằm mơ, thấy Chúa cho tôi xuống hỏa ngục để phỏng vấn những người khốn nạn đời đời ở đây. Họ đồng thanh nói : Vì khi sống, chúng tôi quá dại dột, không chịu chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể.
Phép Thánh Thể là ân huệ vô cùng cao quý!
Phép Thánh Thể là ân huệ vô cùng cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho loài người: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).
Phép Thánh Thể là ân huệ vô cùng cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13); “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ nữa …, nhưng Thầy gọi các con là bạn hữu …” (Ga 15,15).
Chúng ta đáp lại ân huệ vô cùng cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta – Phép Thánh Thể – bằng cách đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm và làm chóp đỉnh cho đời sống chúng ta, nghĩa là cho những tư tưởng chúng ta suy nghĩ, cho những lời chúng ta nói, cho những việc chúng ta làm.
Chúng ta đáp lại ân huệ vô cùng cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta – Phép Thánh Thể – bằng cách số cuộc đời Thánh Thể, nghĩa là như Chúa Giêsu hiến trọn cuộc sống của Ngài cho chúng ta, chúng ta cũng hiến trọn cuộc sống của chúng ta cho Chúa Giêsu Thánh Thể, và hiến trọn cuộc sống của chúng ta cho tha nhân, vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể.
Chúng ta hãy Sống Đời Thánh Thể!
Gặp ai hỏi mình đang làm gì, thánh Phanxicô Salêxiô luôn trả lời: “Tôi đang dọn mình dâng Thánh Lễ”. Tôi là tín hữu, tuy không dâng Thánh Lễ được như các vị đã chịu Phép Bí Tích Truyền Chức Thánh, nhưng tôi trả lời: “Tôi đang dọn mình rước Chúa Giêsu Thánh Thể”.
Mẹ Bề Trên Gertrude chú trọng tất cả đời sống nội tâm của mình vào Chúa Giêsu Thánh Thể. Bà viết: “Bây giờ, tôi sống đời Thánh Thể, một đời sống thật sống động, do Chúa Giêsu luôn luôn làm cho tôi trở nên trọn lành, còn tôi thì hoàn toàn kết chặt với Chúa, biến tan trong tình yêu …. Như thế, tôi luôn sống trong sự cầu nguyện, luôn sống trước mặt Chúa. Đạt đến đời sống nầy cũng khá dễ dàng. Đó chính là sự thánh thiện”.
Thánh Foulcauld, trong vùng sâu hút của sa mạc Sahara, thức những đêm dài để thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể trong căn phòng nhỏ bé của mình.
Thánh Gérard Majella, vì luật dòng nên phải thôi chầu Chúa Giêsu Thánh Thể, nhưng khi ra về, cứ ngoái lui, ngoái lui nhìn Nhà Tạm.
Nữ tu Marie Eustella, biệt danh là thiên thần của Phép Thánh Thể, khi nào rãnh được đôi chút thời giờ, thì đi viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.
Nữ tu Aimeé de Jésus, thuộc Dòng Kín Paris, tâm sự: “Khi nào có thể được, tôi đều làm các việc thiêng liêng trước Mình Thánh Chúa”.
Một thanh niên thợ kia, mỗi lần đi ngang qua Nhà Thờ, luôn nhớ chào Chúa Giêsu Thợ Mộc thành Nadarét đang ngự trong Nhà Tạm.
Đức Hồng Y Richard, khi đi trên xe lửa, nhìn thấy tháp chuông nào thì cũng cúi đầu hoặc quỳ xuống viếng Chúa Giêsu Thánh Thể.
Thánh nữ Catarina thành Siêna luôn rạng rỡ và vui vẻ giống như một vị hôn thê trẻ, khi thì cầu nguyện, khi thì ca hát. Trong quả tim và trên môi miệng, bà chỉ có Chúa Giêsu. Khi đi đường, bà đi bên cạnh Chúa Giêsu. Đôi mắt bà chỉ tìm Chúa Giêsu. Bà chỉ để ý đến những gì có thể đưa bà đến với Chúa Giêsu mà thôi.
Một chị kia sống đời tội lỗi, nhưng sau, trở lại và đi tu. Mỗi ngày, chị định cho mình tìm cách gặp Chúa Giêsu Thánh Thể hai mươi lần. Khi tay chân nhớp vì khi đang mắc công việc, chị không dám vào Nhà Thờ, chỉ đứng ngoài, nhìn qua lỗ khóa, và nói vào Nhà Thờ: “Lạy Chúa Giêsu, con thấy Chúa rõ ràng, con yêu mến Chúa! “.
Các linh mục già yếu về Nhà Chung, các tu sĩ già yếu về Nhà Dòng, không hoạt động gì được như trước, chỉ sống trước Mình Thánh Chúa, chỉ biết chầu Chúa Giêsu Thánh Thể. Ai dám bảo là những năm âm thầm bên cạnh Chúa Giêsu Thánh Thể nầy lại có ít kết quả hơn những năm các vị hoạt động trong những giáo xứ nầy, giáo xứ nọ, trong những sở này, sở kia?
Thánh Louis de Gonzage bị bề trên dòng cấm không cho tự ý vào Nhà Thờ để viếng Chúa Giêsu Thánh Thể. Lý do là vì mỗi khi ngài vào Nhà Thờ, thì ngài mắc trít lại đó, ngây ngất quên hết, ở lâu mấy cũng được, vì ngài quá yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Các thầy khác trong dòng phải đến lôi ngài ra. Mặc dầu được lệnh bề trên mới vào Nhà Thờ, nhưng mỗi khi đi ngang qua gần Nhà Thờ, ngài như bị Chúa Giêsu Thánh Thể lôi kéo vào; ngài phải chạy trốn mau cho qua khỏi Nhà Thờ vì nhớ mình phải vâng lệnh bề trên. Và trong khi đi trốn xa Nhà Thờ, ngài than thở với Chúa Giêsu Thánh Thể: “Lạy Chúa, xin đừng giữ con lại.”.
Thánh Philiphê Nêri luôn vui vẻ và tìm cách cười đùa, nhưng khi ngài dâng Thánh Lễ, thì ngài vô cùng nghiêm trang. Và mỗi lần ngài đọc lời truyền phép xong, thì thầy giúp lễ bỏ đi ra ngoài hơn một tiếng đồng hồ, đợi ngài hết ngất trí xong, thì vào giúap lễ lại…
Đức Giám Mục Gay vạch chương trình mục vụ của ngài: “Tất cả niềm an ủi của tôi, tất cả lời cầu nguyện của tôi, tất cả mọi mơ ước của tôi, tất cả chương trình của tôi, là : GIÊSU ! TẤT CẢ GIÊSU ! CHỈ CÓ GIÊSU!”
Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang