Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần XIX Mùa Thường Niên

TUẦN XIX MÙA THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN – Năm B
Ga 6,41-51

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống.
Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
(Ga 6,51)

Kính thưa anh chị em.

Chúng ta còn tiếp tục suy niệm về bài giảng Bánh hằng sống thêm hai tuần nữa, nhưng cho dù có suy nghĩ thêm thì vấn đề cũng chẳng vì thế mà hết khó khăn. Xin Chúa mở lòng mở trí cho chúng ta để chúng ta hiểu được một phần nào Lời của Người.

Bây giờ chúng ta đi thẳng vào chủ đề.

1. Đức Giêsu vừa long trọng khẳng định: “Tôi là bánh từ trời xuống”.

Ngày xưa Thiên Chúa đã ban cho Dân Do thái “bánh bởi trời”. Bánh ấy có tên là Manna. Theo Chúa Giêsu thì Manna chỉ là của ăn tạm bợ, mau hư nát. “Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết”. Manna chỉ là hình bóng cho một thứ lương thực khác mà Thiên Chúa sẽ ban cho loài người. Chúa Giêsu gọi lương thực đó là “Bánh trường sinh”. Bánh trường sinh là một thứ lương thực duy nhất có khả năng làm cho lòng người được no đầy phỉ chí. Bánh đó trổi vượt và kỳ diệu hơn Manna xưa rất nhiều. “Tôi là bánh trường sinh… là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”

Tất cả những lời đó được nói ra với một sự quả quyết sắt đá xem chừng như không có gì làm thay đổi được. Nó đòi hỏi người nghe phải xác định một thái độ. Xem chừng như Chúa Giêsu không còn chờ đợi thêm nữa. Đã đến lúc trắng phải ra trắng đen phải ra đen.

Và quả đúng như thế. Người Do thái đã bắt đầu không còn cảm tình với Chúa nữa. Họ xầm xì về những gì Chúa nói. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Chúa với họ trước đây bây giờ không còn. Nó đã bắt đầu trở nên mỗi ngày một xấu đi để rồi từ sự ngộ nhận này đến sự ngộ nhận khác người ta đã bắt đầu đi tới thái độ không chịu hiểu và sau đó là chống đối. Sự thay đổi và chống đối càng ngày càng trở nên quyết liệt.

Mặc kệ cho những lời xầm xí phản đối, Chúa Giêsu đã không nhường bước. Không những không nhẹ giọng, Ngài còn lên tiếng mạnh mẽ và quả quyết rằng Ngài từ Thiên Chúa mà đến, – rằng chỉ mình Ngài là người đã thấy Chúa Cha. Tin Đức Kitô là tuyên xưng Ngài có nguồn gốc từ trời, không căn cứ vào những vẻ bề ngoài, không nệ thuộc vào những gì ta biết được về liên hệ gia đình và xã hội của Ngài. Tin chính là khởi đầu đi từ dấu chỉ để học cho biết cách nhận ra và hết lòng tin cậy vào Đấng Chúa Cha sai đến… Và đó hẳn không phải là chuyện con người có thể một mình mà làm được. Nhưng chỉ có những ai được Chúa Cha lôi kéo mời đến được với Đức Kitô mà  thôi: “Chẳng ai đến được với Tôi, nếu không được Chúa Cha, là Đấng đã sai Tôi, lôi kéo người ấy…”.

Sau đó dựa vào những lời hứa và hình ảnh đã được tiên báo trong Cựu ước, Đức Giêsu còn tuyên bố rằng những lời hứa và hình ảnh ấy nay đang ứng nghiệm nơi chính bản thân Ngài.

Isaia xưa đã loan báo rằng Thiên Chúa sẽ tỏ mình ra cho toàn thể dân Người: “Mọi người sẽ được chính Thiên Chúa dạy dỗ” (Is 54,13 và 11,8 hoặc Giê 31,34). Đức Giêsu khẳng định chính bây giờ là lúc lời hứa ấy được ứng nghiệm. Ngài còn nói với họ: Chính bây giờ là lúc Chúa Cha kêu gọi các ông và lôi kéo các ông đấy, bởi lẽ lời dạy của tôi là lời dạy của Chúa Cha; Người mà các ông chỉ muốn coi là “Con ông Giuse” lại chính là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa đã được các ngôn sứ loan báo từ trước.

Manna, lương thực lạ lùng thật, nhưng chỉ là tạm bợ, không thể giữ cho lớp người ở sa mạc khỏi phải chết. Còn Đức Giêsu, bởi Thiên Chúa mà đến, mới thực là “Bánh hằng sống”, Bánh đem lại phúc trường sinh: “Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết”.

Ở câu 51: “Bánh tôi sẽ tặng ban, chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”,với những lời này Đức Giêsu đã muốn loan báo trước về cái chết của Ngài như một ân huệ, một ân huệ nguồn sống. Đây là câu chuyện chuyển tiếp qua phần hai củadiễn từ về Bánh hằng sống chúng ta sẽ đọc vào Chúa Nhật tới.

2. Kính thưa anh chị em. Đó là nội dung những gì tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay. Rất căng nhưng cũng rất sòng phẳng để từ đó chúng ta phải có một thái độ rõ ràng đối với Chúa. Chúa không thích thái độ nửa chừng mà “Nóng thì ra nóng, lạnh thì ra lạnh, hâm hâm nguội nguội ta sẽ mửa ngươi ra”

Ferdowsi (925–1020), thi sĩ người Ba tư sống vào thế kỷ 11 có kể một câu chuyện: Một quốc vương nọ phải đi qua sa mạc để đến một ốc đảo. Cùng đi với ông là một đoàn tùy tùng rất đông. Họ mang theo vô số bạc vàng của cải. Dọc đường, một con lạc đà bỗng ngã quị. Và từ trên lưng nó, một dòng thác vàng bạc châu báu chảy xuống cát. Tức khắc người ta thấy ngay được sự tham muốn đến tột độ bừng lên trong những con mắt của những người đi theo hộ giá nhà vua.

Bằng một cử chỉ rất vương giả, quốc vương nói với những người tùy tùng:

– Các khanh hãy tự do nhặt lấy những thứ đó. Trẫm tặng cho các khanh tất cả. Các khanh cũng được tự do đi tiếp với trẫm hoặc lựa chọn con đường khác mà quay về.

Nói xong, ông tiếp tục lên đường không một chút do dự. Ông nghĩ, tất cả sẽ dừng lại để nhặt cho đến viên kim cương cuối cùng.

Đang đi bỗng ông nghe thấy có tiếng chân theo sau mình. Quay lại, và ông nhận ra đó người hầu cận được tiếng là trung thành nhất. Ông hỏi:

– Sao nhà ngươi không ở lại nhặt vàng bạc trẫm đã ban tặng? Ngươi không biết rằng với số vốn ấy ngươi sẽ trở nên giàu sang ư?

Người hầu cận trung thành trả lời:

– Tâu bệ hạ, ngài là vua. Đối với hạ thần, bệ hạ là kho tàng quí giá nhất. Bệ hạ là tất cả của thần.

Chúng ta hãy lặp lại một lời tương tự như thế đối với Chúa đi các bạn. “Lạy Chúa, đối với con, Chúa là kho tàng quí giá nhất vì Chúa là Thiên Chúa. Vâng Chúa là tất cả của con”

Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm thấy
đời sống thật nặng nề ;
có những lúc con muốn buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ;
có những khoảng thời gian dài,
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa
để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa
để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa
để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,
con thấy mình cần Chúa
trong mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước gì ai gặp con
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.


THỨ HAI TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
Mt 17, 22- 27

“Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu;
 con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra:
 anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy,
nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
(Mt 17,27)

 

1. Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến cuộc thương khó của Chúa Giêsu và vấn đề thuế thân.

Đây là lần thứ hai Chúa Giêsu loan báo cuộc tử nạn sắp đến của Ngài với các môn đệ, nhưng với chi tiết rõ ràng hơn lần trước: Con người sẽ bị nộp vào tay người đời…. và Matthêô thêm: “Các môn đệ buồn lắm.” (Mt 14,23)

Chúng ta có cảm tưởng Chúa Giêsu đang tập cho các môn đệ làm quen phần nào với cuộc Thương khó sắp đến của Ngài, để tránh cho các ông cú “sốc” quá lớn, có thể đưa đến thất vọng chăng. Đồng thời, việc Chúa loan báo trước như vậy là để cho các môn đệ biết, cuộc thương khó của Ngài nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Tin Mừng ghi: “Các môn đệ buồn lắm!” (Mt 14,23).

2. Buồn cũng như vui, là thành phần của cuộc sống. Và thường buồn rồi mới vui. Cũng như mưa xong, trời lại nắng. Cuộc sống thường thêu dệt bằng những buồn vui, vui buồn là sợi ngang chỉ dọc dệt nên tấm thảm cuộc đời.

Chính Chúa Giêsu cũng sẽ phải trải qua nỗi buồn chưa từng có trên đời: buồn đến nỗi mồ hôi máu chảy ra tại núi Cây Dầu. Buồn vui là qui luật của cuộc đời. Điều quan trọng là người Kitô hữu biết thánh hóa những niềm vui nỗi buồn đó.

Lạy Chúa, con xin tạ ơn Chúa,
Vì Chúa đã ban cho con,
Một con đường để con đi về phía trước,
Lòng vững tin Chân Hạnh Phúc ở cuối trời
Một cuộc đời để con nếm buồn vui,
Và sẽ hiểu: buồn vui cũng chỉ là tương đối.
Một người bạn để con chìa tay với,
Mà không mong chỉ giữ mãi cho riêng mình
Một tình yêu để tim con rạo rực,
Nhận rất nhiều, rồi thao thức đem cho
Một ước mơ để con chờ con đợi,
Khi đêm qua, rồi Ngày Mới bắt đầu…

3. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ.

Theo Luật thì mọi người đàn ông Do Thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestine, đều phải nộp cho Đền thờ hàng năm một món tiền thuế là hai đồng “drachme”, tương đương với giá trị hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt Qua.

Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này hay không?

Trước hết, Chúa Giêsu đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó Ngài mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.

Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn: Các bậc vua chúa thường không thu thuế con cái họ mà chỉ thu thế các thần dân khác: “Vậy, con cái thì được miễn” (Mt 17,26): Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa trên nguyên tắc thì Ngài được miễn.

Nhưng thực tế thì có khác:”Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”.(Mt 17,26)

Chúa làm thế để làm gì? Thưa để tránh gương xấu.

Lý do là vì gương xấu luôn để lại trong cuộc sống những điều rất đau lòng.

Trong tác phẩm có tựa đề là “Phúc” người ta đọc được câu chuyện này: Một cha sở kia ở miền núi, mỗi ngày trước khi lên giường ngủ, ngài thường quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa gần nhà và cầu nguyện cho những người ở đó. Ngài tin rằng, những lời cầu nguyện như thế sẽ làm yên lòng những nấm mộ chập chờn trong bóng tối với những cây Thánh Giá lô nhô trong nghĩa địa. Ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm kia, ngài nghe thấy có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Trong bóng tối, ngài thấy một hình người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ trộm chăng? Một tên điên chăng? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một gốc cây, ngài thấy rõ có một người lạ mặt đến quỳ trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết: “Cha ơi, cha có tha cho con không? Cha nói đi! cha nói đi”.

Cha sở nhìn kỹ và nhận ra đó là một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền muộn quá đến chết đi. Ngài rón rén đến gần, đặt tay trên vai người đó và nói:

– Ồ con, con còn bị cắn rứt không thể nào ngủ được sao?

Người bốn đạo khiếp sợ quá, nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói:

– Thưa cha, con không được bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.

– Con biết con đã xử tệ với cha con, con cái của con cũng sẽ xử tệ với con như vậy. Ngày mai, con hãy đem con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm nữa.

10 năm sau, người bổn đạo đó chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ, con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa.

Cha sở buồn rầu thốt lên một lời:

– Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ quên chuyện này. (Trích “Phúc”)


THỨ BA TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
Mt 18,1-5.10.12-14

Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến,
đặt vào giữa các ông và bảo:
“Thầy bảo thật anh em :
nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
(Mt 18,2-3)

Tin Mừng Matthêô hôm nay được trích từ bài gảng dài của Chúa Giêsu. Trong bài giảng này Chúa nói về những đức tính của người môn đệ trong đời sống cộng đoàn.Đức tính đầu tiên mà người môn đệ phải có. Đó là sự đơn sơ của tuổi thơ.

Có lần, mẹ Têrêsa Calcutta nhắc lại Lời Chúa: “Nếu bạn không trở nên như trẻ nhỏ, bạn sẽ không thể vào được Nước Trời”.(Mt 18,3) Rồi mẹ tự hỏi: “Vậy thực tế trẻ thơ là gì? Đó là có một trái tim ngây thơ, một tâm hồn vô tội, một tâm hồn chứa đựng Chúa Giêsu.”

Một tiểu thuyết gia nọ cũng đã đưa ra nhận định: “Khi người lớn chúng ta không còn giữ được mối liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền”. Thái độ trẻ nhỏ khâm phục trước vũ trụ thiên nhiên, sẽ nhắc nhớ cho chúng ta về sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa tạo thành. Thái độđáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương, nhắc cho chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa và cuối cùng là lòng tin tưởng của trẻ nhỏ, sẽ giúp cho chúng ta nhận ra lòng tin tưởng mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời là lòng tin như thế nào.

Hôm ấy, trong lúc các bạn trẻ cùng tuổi với Becco cắp sách đến trường thì Becco lại trốn học. Becco chạy lên một ngọn đồi, với chiếc bong bóng màu hồng ở trong tay. Tới đỉnh đồi, Becco ngồi xuống, cẩn thận cột vào chiếc bong bóng một bức thư, mà tối hôm trước em đã ngồi viết thật nắn nót. Em viết:

“Chúa ôi, vài tuần nữa nhà con có thêm một em bé. Gia đình con đã có 6 anh chị em rồi. Cha mẹ con nghèo lắm, nhà cửa lại chật hẹp. Lần này con không xin Chúa điều gì cho con đâu, mà con chỉ xin Chúa cho đứa em sắp được sinh ra của con một ít tã lót. Nhà con ở làng Aconi, miền Nam Italia. Tên con là Becco, cha con là Petro Becco”.

Cột bức thư vào chiếc bong bóng xong, Becco thả tay ra cho chiếc bong bóng bay lên trời. Như một con chim vừa mới xổ lồng, chiếc bong bóng màu hồng đã bay lên cao và nổi bật trên nền trời xanh vào buổi sáng hôm ấy. Becco đứng đó, mắt đăm đăm dõi theo chiếc bong bóng, mỗi lúc một cao hơn và xa hơn, rồi cuối cùng, nó đã lẩn khuất vào trong mây. Mãi đến lúc đó, Becco mới chịu quay trở về nhà.

Những ngày sau khi đã thả chiếc bong bóng bay màu hồng, có mang theo bức thư gởi cho Chúa, đó là những ngày vô cùng hồi hộp đối với Becco.

Sau những ngày nặng nề vì quá hồi hộp, một hôm, đang lúc Becco chơi với bọn trẻ con trong xóm, thì thấy người giao bưu phẩm vác một thùng đồ vào nhà em. Becco vội vã chạy về. Em nghe ba em đang nói với nhân viên bưu điện rằng:

– Ông lầm rồi. Tôi có quen ai ở đây đâu.

Nhân viên bưu điện nói:

– Thùng đồ này ghi tên và địa chỉ của ông. Vậy không phải của ông thì là của ai? Ông cứ nhận đi cho mau việc của tôi. Tôi còn phải đi nhiều nơi khác nữa.

Thế nhưng, ba Becco vẫn không chịu nhận. Thấy hai người cứ nói qua nói lại mãi, Becco nói chêm vào:

– Thì ba cứ mở ra xem thử, nếu không phải của mình thì gói lại rồi trả chứ có sao đâu?

Thế là thùng đồ được mở ra. Trong thùng toàn là những đồ cho trẻ con sơ sinh: nào là tã lót, nào là những chiếc áo nhỏ xíu, những cuốn băng rốn…. Người gởi cũng không quên gởi thêm 2 hộp phấn cho em bé.

Nhìn thấy những món đồ trên, mắt Becco sáng rực lên. Em nói với ba em:

– Thùng đồ này là của nhà mình đó ba.

Nói xong em bỏ nhà, chạy ngay lên ngọn đồi mà mấy ngày hôm trước em đã lên để thả chiếc bong bóng bay màu hồng. Tới nơi em ngước mắt lên trời, miệng thì thầm trong hơi thở hổn hển rằng:

– Chúa ôi, con cám ơn Chúa lắm, con đã nhận được thùng đồ Chúa gởi rồi.

Vâng! Đơn sơ, thành thật, khiêm tốn, trong sạch, đó là những đức tính nổi bật nơi các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu gọi những đức tính này là những đức tính của người công dân Nước Trời.

Vì thế để trả lời cho câu hỏi của các Tông Đồ rằng: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời”, Chúa Giêsu đã gọi một trẻ nhỏ đến rồi đặt em giữa các ông và nói:

“Ai không trở nên giống như em nhỏ này thì sẽ không được vào Nước Trời”.(Mt 18,3)

Rồi Chúa nói tiếp:”Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời”.(Mt 18,4)

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
để dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.

Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. (Rabboni)


THỨ TƯ TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
Mt 18,15-20

Nếu ở dưới đất,
hai người trong anh em
hợp lời cầu xin bất cứ điều gì,
thì Cha Thầy,

Đấng ngự trên trời,
sẽ ban cho”
(Mt 18,19)

Chúa Giêsu dạy thêm hai điều nữa về nếp sống cộng đoàn:

1. Để mất một phần tử trong cộng đoàn là một nỗi đau rất lớn. Bởi đó Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kiên nhẫn.

Trong quyển sách nói về truyền thống của các vị ẩn tu có thuật lại câu chuyện như sau:

Ngày kia, khi đức giám mục Amôlas đến thăm mục vụ một làng nọ, dân chúng đã bày tỏ với ngài lòng bất mãn tột độ của họ đối với một vị ẩn tu trên núi, vì ông ta đem theo một phụ nữ để chung sống.

Từ dạo ấy, vị ẩn tu không ngớt là đối tượng để dân làng đàm tiếu, chỉ trích và lên án.

Thấy giám mục Amôlas đến, họ xúm lại vây quanh ngài và nói:

– Hôm nay, ngài đã đến đây thì ngài phải chấm dứt ngay lập tức tình trạng sa đọa bê bối gây nhiều gương mù gương xấu của vị ẩn tu trên núi kia.

Sau khi nghe những lời kết án gay gắt của dân làng, giám mục Amôlas quyết định leo lên núi. Ngài đi đầu, dân làng lũ lượt nối gót theo sau.

Vị ẩn tu thấy đám đông kéo đến túp lều của mình, ông hoảng sợ và cấp tốc bảo người phụ nữ chui vào trốn trong một chiếc thùng rỗng.

Đức giám mục là người đầu tiên đến, và cũng là người đầu tiên bước chân vào túp lều. Ngài đưa mắt nhìn chung quanh và hiểu ngay tình hình. Ung dung, ngài đi thẳng đến ngồi trên chiếc thùng gỗ để nghỉ chân. Rồi bình thản khoác tay gọi dân làng vào mà bảo:

– Vào đây. Các ngươi hãy vào mà lục xét kỹ xem trong túp lều có người phụ nữ nào không.

Họ tìm khắp nơi nhưng không thấy bóng dáng người đàn bà đâu cả. Thấy tình thế đã dịu, đức giám mục mới nói:

– Bây giờ các ngươi phải quỳ xuống xin lỗi Thiên Chúa vì đã nói xấu vị ẩn tu này vô cớ.

Và sau đó, khi mọi người đã lục tục kéo nhau xuống núi, đức giám mục Amôlas mới tiến gần vị ẩn tu nắm chặt hai bàn tay của ông, đưa mắt nhân từ nhưng cương nghị nhìn sâu vào đôi mắt của ông và chậm rãi nói:

– Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn đấy.

Hai thái độ khác nhau đối với một người lẫm lỗi giữa dân làng và giám mục Amôlas có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn giáo huấn của Chúa Giêsu về việc sửa chữa lỗi lầm của nhau.

Ngược lại, với phản ứng của dân làng, Đức giám mục Amôlas đã cố gắng áp dụng lời khuyên của Chúa Giêsu, tìm cách đem vấn đề đã được mọi người bàn tán trở thành một vấn đề cá nhân làm cho việc nói chuyện được dễ hơn.

Tiếp đến, ngài đã không sửa lỗi ông như một người có thẩm quyền nhưng dùng thẩm quyền để bảo vệ, và sau đó khuyên nhủ như một người anh em.

Và sau cùng, ngài đã không cấu kết với đám đông để khinh thường và lên án vị ẩn tu đó, nhưng không quên, qua một lời khuyên nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn: “Hỡi người anh em, hãy cẩn thận giữ mình kẻo mất linh hồn”.

2. Chúa dạy những người trong hội đoàn phải “hiệp lời cầu xin” (Mt 18,19). Chúa nói khi chúng ta hiệp lời cầu xin thì có Chúa ở giữa. Như thế, những giây phút cầu nguyện chung là những giây phút rất êm đềm hạnh phúc.

Trong một túp lều tranh lụp xụp tại một xóm nghèo thuộc vùng ngoại ô của thành phố Bombay, một người đàn bà đáng thương phải sống những ngày hẩm hiu với đàn con thơ dại.

Chồng bà là một người cha gia đình tục tằn thô bạo, chỉ biết ăn chơi nhậu nhoẹt và cờ bạc, không thiết chi đến gia đình. Ông vắng nhà suốt ngày. Các con của ông chỉ thấy ông trở về mỗi buổi tối trong cơn say mèm hoặc trong trận lôi đình đập đánh, chửi rủa.

Những lúc như thế, bà vợ chỉ biết đem các con giấu đi để bảo toàn tính mạng cho chúng. Ngày ngày bà cực nhọc vá may, hoặc vất vả giặt giũ từ nhà này sang nhà khác để kiếm tiền nuôi con.

Trong thinh lặng, bà nhẫn nhục cam chịu mọi bạc bẽo và những trận đòn oan ức của người chồng.

Rồi vào một buổi tối kia chồng của chị trở về nhà muộn hơn thường lệ, nhưng tỉnh táo và ít say hơn. Vừa bước tới hiên nhà ông nghe có tiếng thì thầm từ trong túp lều vọng ra. Một nỗi nghi ngờ xâm chiếm tâm hồn ông. Máu ghen bừng bừng nổi dậy và ông tự nhủ: “Thật vô phúc cho kẻ nào rơi vào tay ta”.

Ông dừng lại trước cửa và áp sát tai vào vách, trố mắt nhìn qua khe lá hở. Quanh ngọn đèn dầu leo lét, ông thấy các con nhỏ quây quần bên cạnh vợ ông. Ông nghe rõ tiếng bà nói với các con:

– Các con hãy đọc thêm một kinh lạy cha để cầu nguyện cho người cha tốt lành của các con.

Trước khung cảnh đầm ấm tình mẫu tử đó, bỗng chốc lửa hung hăng trong trái tim ông như tắt ngụm. Tâm hồn cứng cỏi của ông trở nên như sáp ong mềm ra trước hơi nóng. Mắt ông như bừng sáng sau một cơn mê ngủ dài.


THỨ NĂM TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
Mt 18,21-19,1

“Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời
cũng sẽ đối xử với anh em như thế,
nếu mỗi người trong anh em

không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
(Mt 18,35)

 

1. Cuộc sống cộng đoàn cũng có nhiều va chạm, nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học về sự tha thứ:

Muốn thuyết phục chúng ta tha thứ cho nhau, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn hai con nợ để vạch cho chúng ta thấy việc ta tha thứ cho người khác là rất có lợi vì ta sẽ được Thiên Chúa tha thứ cho ta nhiều hơn. Tính ra những lỗi lầm người khác xúc phạm đến ta đâu có là bao so với những lỗi ta xúc phạm đến Chúa.

Trong cuốn sách đã quay thành phim có tựa đề “Nơi Giấu Ẩn”, người ta đọc được một trong những mẩu chuyện tha thứ đẹp nhất trong thời Đức Quốc Xã, cuối thế chiến thứ hai như sau:

“Mặc dù đã cùng gia đình mình trải qua không biết bao nhiêu đau khổ dưới thời Đức Quốc Xã, nhưng bà Koritainbun vẫn đã nhận ra được tiếng Chúa đã mời gọi bà hãy rao giảng sự tha thứ. Và bà đã vâng nghe theo Chúa đi khắp nơi trong nước Đức để kêu gọi sự tha thứ và hoà giải. Một tối kia, vừa giảng thuyết xong, bà Koritainbun nhìn thấy có một người đàn ông đang tiến về phía mình. Bà chợt nhận ra đó là người lính đã từng đánh đập, hành hạ người con gái của bà đến độ cô ta phải chết rũ trong trại tập trung. Tất cả những gì bà vừa rao giảng về sự tha thứ bỗng nhiên tan biến hết; và rồi những kỷ niệm của những năm tháng đau khổ bỗng trở lại trong ký ức của bà. Gương mặt của người lính canh đang đứng trước mặt bà đã gợi lên cho bà nỗi đau đớn nhục nhã. Oán hận sôi sục lên trong lòng bà.

Nhưng rồi bà đã kịp hồi tâm lại. Bà thầm thì cầu nguyện: “Lạy Chúa, con phải yêu thương và tha thứ cho người này. Đó chính là điều con vừa rao giảng cho dân chúng”. Một cuộc chiến đang bùng nổ dữ dội trong lòng bà: một bên là tiếng gọi tha thứ, một bên là máu nóng hận thù… Người lính canh tiến đến bên bà và hỏi:

Bà không nhận ra tôi sao?

– Có chứ – bà đáp – tôi vẫn nhớ rất rõ về anh!

Lúc đó, người đàn ông dường như chờ đợi bà Koritainbun cất lời sỉ vả và trút bỏ tất cả hận thù cay đắng lên người anh. Nhưng không! Bà vẫn tiếp tục cầu nguyện. Xin Chúa tăng thêm sức mạnh cho bà. Và trong giây lát, hận thù đã biến tan. Bà Koritainbun ôm choàng lấy người lính Đức và thốt lên:

– Tôi tha thứ cho anh!

2. Chúa còn bảo: “Chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn” (Ep 4,26): Giận là một cảm xúc không ai có thể tránh được trong cuộc sống chung nhiều va chạm. Chúa không chấp nhất ta vì ta có cảm xúc đó. Nhưng Chúa sẽ kết tội ta nếu ta cứ nuôi mãi lòng giận ghét không chịu bỏ qua.

Hận thù là một hình thức của hỏa ngục và là một hình thức của tội sát nhân. Thánh Gioan viết: “Ai oán ghét anh em mình, kẻ đó là người sát nhân” (1Ga 3,15). Một nhà tâm lý người Mỹ nói: “Khi ta trút giận lên người khác, dù bằng một lời nói, ta cũng muốn nói lên một ý nghĩ tiềm ẩn là muốn giết hại người đó”. Ta cũng nên nhớ rằng, tha thứ không phải chỉ là một hành động ý chí mà còn là một ân ban. Do đó không thể có sự tha thứ nếu không đi kèm theo sự cầu nguyện. (“Mỗi ngày một tin vui”).

Một nhà tâm lý người Mỹ nhận định như sau: Trên bình diện nhân phẩm, tha thứ là biện pháp tốt nhất cho cả người tha thứ lẫn kẻ được tha thứ, vì sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần cho con người và có tác dụng làm cho con người sống khoẻ mạnh và tươi vui hơn. (“Mỗi ngày một tin vui”).

Có hai người cùng đi trên một con đường vắng vẻ. Đến một đoạn, họ có một cuộc tranh luận khá gay gắt vàmột người đã không kìm chế được cơn nóng giận nên đã giơtay tát vào mặt bạn mình. Người kia bị đau nhưng không hề nói một lờiAnh bình tĩnh ngồi xuống viết trên cát:

– Hôm nay, người bạn thân nhất của tôi đã tát vào mặt tôi

Rồi họ lại tiếp tục đi. Đến một con sông, họ dừng lại và tắm ở đấy. Người bạn vừa bị tát vào mặt không may bị vọp bẻ và suýt chết đuối. May mà được người bạn kia cứu. Khi hết hoảng sợ, anh viết lên đá:

– Hôm nay, người bạn thân nhất đã cứu sống tôi.

Người bạn vừa cứu anh ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao khi tôi đánh anh, anh viết lên cát, còn bây giờ anh lại viết trên đá?

Anh mỉm cười, trả lời:

– Khi một người bạn làm chúng ta đau, chúng ta hãy viết điều gì đó trên cát. Gió sẽ thổi bay chúng đi cùng sự tha thứ... Và khi có điều gì tốt xảy ra, chúng ta nên khắc nó lên đá như khắc sâu vào ký ức của trái tim, nơi không ngọn gió nào có thể xóa nhòa được.

Lạy Chúa,
Xin dạy chúng con biết tha thứ
Như Chúa đã tha thứ cho cả những người hành hạ và sỉ nhục Chúa xưa. Amen.


THỨ SÁU TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
Mt 19,3-12

“Như vậy, họ không còn là hai,
nhưng chỉ là một xương một thịt.
Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp,
loài người không được phân ly.”
(Mt 19,6)

1. Những người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Ngài: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19,3).

Chúa Giêsu trả lời bằng một trích đoạn sách Sáng Thế (St 1,27-2,24). Đó chính là những lời thiết lập định chế đơn hôn và vĩnh hôn. Như thế, dứt khoát là không được ly dị, bởi vì “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly”.(Mt 19,6)

Những người Pharisêu chưa chịu thua. Họ trích một câu trong Đệ nhị luật 24,1: Nội dung cho phép là ly dị với điều kiện phải viết chứng thư đưa cho người vợ bị ly dị.

Chúa Giêsu đã đưa ra một nhận định về câu Đệ Nhị Luật đó: Bản chất của nó không phải là lời thiết lập luật, nhưng chỉ là lời cho phép miễn chuẩn trong hoàn cảnh người dân còn lòng chai dạ đá, nghĩa là chưa nhận rõ ý Thiên Chúa. Như thế, trong quá khứ, nếu cho phép ly dị thì chỉ là miễn chuẩn thôi. Sự miễn chuẩn đó không hủy bỏ được định chế hôn nhân.

Rồi Ngài lại lập nguyên tắc hôn nhân bất khả phân ly: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác, là phạm tội ngoại tình”.(Mt 19,9)

2. Để sống yêu thương nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ, Chúa còn nâng bậc hôn nhân lên hàng bí tích. Qua bí tích hôn nhân, Chúa ban cho đôi hôn nhân muôn vàn ơn sủng để hai người có thể chu toàn được bổn phận của mình.

Thế nhưng, nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta không khỏi không lo lắng. Có nhiều cuộc hôn nhân không còn giữ được những giá trị tốt đẹp như ngày trước. Đó là những cuộc hôn nhân thiếu suy nghĩ, yêu cuồng sống vội. Có khi hôn nhân chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt. Hôn nhân chẳng khác gì một cuộc chơi, thích thì lấy nhau, không thích thì ly dị.

Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho tất cả các gia đình, nhất là cho các bạn trẻ sắp sửa buớc vào đời sống hôn nhân, để họ ý thức được hôn nhân là một việc quan trọng, nên phải chuẩn bị và nhất là biết suy nghĩ cho thật chín chắn trước khi chọn lựa, để rồi khi đã bước vào cuộc sống hôn nhân họ luôn giữ được lòng trung thành.

Và giả như sau khi kết hôn, có những sự bất đồng, những va chạm, thì hãy tìm cách hoà giải cho êm thoả.

Ở bên Rôma có một ngôi đền thờ cổ. Đây là ngôi đền dâng kính nữ thần hòa giải. Ngay cái tên gọi ngôi đền này, đã nói lên tinh thần rất quí trọng của người Rôma thời xưa. Khi hai vợ chồng nào bất hòa với nhau thì người ta khuyên họ đến trình diện nữ thần hòa giải. Nghi thức rất đơn sơ: Mỗi người có thể trình bày lý lẽ, phơi bày những bất công mà mình phải gánh chịu trong gia đình. Nghi thức đòi hỏi hai người không được nói cùng một lúc. Hễ ai ngắt lời người kia thì điều đó sẽ bị coi là phạm thánh. Nghi thức này có sức mang lại những kết quả phi thường: Sau khi trình bày xong lý lẽ, rủa xả thậm tệ người phối ngẫu, hai vợ chồng thường làm hòa với nhau trước mặt vị thần (Mỗi ngày một tin vui).

Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần lan.

Vì bị buộc tội phản loạn, vua Phần lan đã xử Vasa với bản án tù chung thân.

Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà được chia sẻ số phận tù đày với chồng bà.

Vua Phần lan lúc đó là Hériste đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:

– Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa không?

– Thưa hoàng thượng có.

– Và ngươi có biết rằng, nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa mà bị đối xử như một tên phản loạn không?

– Thưa hoàng thượng biết, cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quân này vẫn là chồng của tiện nữ.

Đức vua ngắt lời bà:

– Nhưng mà giờ đây, còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa đâu? Ngươi được tự do mà.

Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:

– Xin hoàng thượng đọc cho.

Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ “mors sola”: Nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi. Giao ước ấy bà đã ký kết với chồng ngày hai người thành hôn.

Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng, sống trong ngục tối tăm, chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường, cho đến khi vua Hériste qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.

Lạy Chúa, xin cho tất cả những người Chúa đã đưa vào cuộc sống đời hôn nhân, được luôn trung thành bên nhau. Amen


THỨ BẢY TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN
Mt 19,13-15

Đức Giêsu nói:
“Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng,

vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.”
(Mt 19,14)

Người đời quen phân biệt ai là người mình nên trọng, ai là kẻ mình phải khinh. Ngày xưa người Do Thái khinh thường và khai trừ một số người khỏi sinh hoạt chung của xã hội và Tôn giáo. Đó là phụ nữ, người cùi, người tội lỗi công khai và trẻ nhỏ. Đặc điểm của Kitô giáo và đặc biệt của Công giáo là mở rộng vòng tay tiếp đón mọi người không khai trừ ai.

Đó là thái độ của Chúa Giêsu. Nhưng đây có phải là thái độ của mọi Kitô hữu chưa?

“Hãy để trẻ nhỏ đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng” (Mt 19,14): Chúa Giêsu thương những trẻ nhỏ bởi vì tự chúng, trẻ nhỏ có rất nhiều đức tính rất tốt.

Nhà văn Pécaut, người Pháp, có kể lại một câu chuyện có thật và đầy xúc động, mà ông đã gặp một lần trong đời để rồi vẫn còn nhớ mãi, không thể nào quên được. Câu chuyện như sau:

Một hôm, tôi vừa ra khỏi nhà thì một em bé trạc 12 tuổi chạy đến van nài tôi mua giúp em một hộp diêm quẹt. Động lòng thương, tôi rút ví ra định mua, nhưng tôi lại chỉ có toàn tiền chẵn. Tôi đang ngần ngại thì thằng bé nói ngay: “Không sao ông ạ, xin ông cứ vui lòng đưa tiền cho cháu, cháu sẽ chạy đi tìm chỗ đổi tiền rồi trở lại trả cho ông ngay”.

Tôi nhìn thằng bé với một thoáng nghi ngờ. Nó vội nói: “Thưa ông, cháu không phải là một thằng ăn cắp đâu ạ!”

Quả vậy, gương mặt xanh xao của nó có vẻ thành thật đến mức tự hào. Tôi liền trao cho nó một đồng tiền vàng, và nó chạy biến ngay về hướng cuối phố. 5 phút trôi qua, rồi 10 phút, tôi bắt đầu hồ nghi sự ngay thẳng của thằng bé. Và nửa giờ sau thì tôi hết kiên nhẫn, bỏ đi tiếp tục cuộc dạo phố, lòng thầm nhủ sẽ chẳng bao giờ còn tin vào những bọn lêu lổng đầu đường xó chợ như thế nữa…

Buổi trưa, khi về tới nhà, đúng chỗ ban sáng thì tôi lại thấy một đứa bé bé hơn đứa bé ban sáng, chỉ độ 8, 9 tuổi, khuôn mặt giống “thằng ăn cắp” như tạc. Nét mặt nó bộc lộ một sự lo âu tuyệt vọng. Nó thổn thức nói với tôi: “Thưa ông, có phải ông đã đưa cho anh cháu một đồng tiền vàng không ạ? Đây là chỗ tiền lẻ. Chính anh cháu nhờ gửi lại cho ông. Chúng cháu đều là trẻ mồ côi nhưng không phải là bọn ăn cắp. Anh cháu không thể trao tận tay ông ngay lúc sáng là vì anh cháu đã bị xe đụng khi vội chạy đi tìm chỗ đổi tiền. Cháu… cháu sợ rằng, anh cháu chết mất thôi…” Tôi bàng hoàng vội hỏi thằng bé trong tiếng nghẹn ngào: “Thế bây giờ anh cháu nằm ở đâu? Dắt bác đến gặp anh cháu ngay đi..”.

Tôi rảo bước gần như chạy sau em bé. Chúng tôi rời khỏi những khu phố giàu sang để lách vào những con hẻm lầy lội tối tăm của một khu lao động nghèo khổ. Em bé dừng lại trước một căn lều xiêu vẹo. Trong một xó tối, tôi nhận ra thằng bé bán diêm quẹt ban sáng. Nó nằm dài bất động trên một đống áo quần cũ rách, mặt trắng bệch vì mất khá nhiều máu. Nó thều thào nhìn tôi: “Thưa ông, xin ông lại gần cháu hơn một chút nữa…”

Tôi tiến lại gần, quỳ một chân, cúi xuống đỡ lấy bàn tay nhỏ bé và lạnh ngắt. Em nói với tôi. Ánh mắt của nó toát lên một niềm vui ngây thơ: “Em cháu đã đưa chỗ tiền lẻ cho ông rồi phải không ạ? Ông thấy không, chúng cháu đâu có phải là những đứa lừa gạt và ăn cắp. Cháu chỉ có mình nó là em ruột, cháu bị tai nạn thế này, rồi đây… Ôi trời ơi, rồi đây em cháu sẽ ra sao đây?”

Tôi lặng lẽ cúi xuống hôn lên vầng trán bị giập nát vì vết thương của em, và tôi đã hứa với em rằng, tôi sẽ hết lòng chăm sóc thằng bé thay cho em. Tôi nói chuyện với em được một lúc, bàn tay gầy guộc của em cứ để mãi trong tay tôi…

Tội nghiệp thằng bé, tôi biết vết thương của nó rất trầm trọng, không còn có thể làm gì để kịp cứu chữa cho em. Thằng bé có lẽ đã cố gắng thoi thóp sống chỉ cốt để gặp được tôi, trăn trối một lời cuối cùng. Bây giờ thì em không còn rên rỉ đau đớn nữa, đôi mắt em liếc nhìn đứa em thân yêu rồi chớp chớp nhìn tôi với một vẻ bình thản gần như hạnh phúc…

Đấy, người bạn bé nhỏ của tôi đã chết như thế đấy. Thằng bé đã cho tôi biết thán phục và thương cảm trước một tâm hồn trẻ thơ vô cùng trong trắng, ngay giữa cảnh đời nghèo khó và đau khổ đến cùng cực…

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,
có những ngày đón nhận những người khác
là điều vượt quá sức con,
Có những ngày yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,
Lạy Chúa trong những ngày khó khăn đó,
xin hãy nhắc cho con nhớ rằng
tất cả chúng con đều là con cái Chúa
và đừng để con quên Lời Chúa nói:
“Ðiều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất
là làm cho chính Ta.” Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý