Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần 5 Mùa Thường Niên

 TUẦN V MÙA THƯỜNG NIÊN

CHÚA NHẬT 05 THƯỜNG NIÊN – NĂM C
Lc 5,1-11

“Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.”
(Lc 5,11)

Kính thưa anh chị em

Chúng ta vừa đọc lại một trong những câu chuyện đẹp nhất trong Tin Mừng của thánh Luca. Nếu phải đặt cho câu chuyện này một tên gọi thì tôi sẽ đặt là “Con đường chinh phục của Chúa”. Đây là cách Chúa thường làm trong việc chinh phục một con người. Chúng ta thử phác họa ra một vài mốc tiêu biểu.

1. Chúa làm quen

Tin Mừng hôm nay cho biết khi Chúa và dân chúng kéo đến thì Ông Simon và bạn bè đã ra khỏi thuyền và họ đang cùng nhau giặt lưới. Việc Chúa mượn con thuyền của Simon hôm nay quả là một biến cố lớn lao đối với ông.

Tin Mừng không cho chúng ta biết nội dung những lời rao giảng của Chúa hôm đó như thế nào. nhưng chắc chắn những lời rao giảng của Chúa cũng có một tác động rất mạnh đối với ông Simon.

2. Bước thứ hai Chúa làm cho ông phải cảm phục.

Cũng từ trên con thuyền sau khi giảng cho dân chúng, bằng những lời lẽ rất thân tình, Chúa nói với Simon: “Hãy chèo thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”. Simon không ngần ngại trình bày với Chúa những thất bại sau cả một đêm dài:”Thưa Thầy chúng tôi đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết”.

Nhưng ngay sau đó ông chân thành thưa với Chúa: “Nhưng vì lời Thầy con sẽ thả lưới”. Và kết quà như thế nào thì chúng ta đã rõ. Tin Mừng ghi lại cho chúng ta thái độ rất đặc biệt của ông Simon lúc đó: “Ông kinh ngạc”. Cả bạn bè của ông là ông Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê cũng thế. Riêng đối với ông Simon, ngoài thái độ kinh ngạc ra, chúng ta còn thấy một sự thay đổi lạ lùng.

Ông tự cảm thấy mình bất xứng, tự cảm thấy mình tội lỗi không xứng đáng gần gũi với Người: “Lạy Chúa, xin hãy tránh xa con vì con là người tội lỗi”

Thế là từ chỗ làm cho ông kinh ngạc Chúa đã làm cho ông cảm phục để rồi ông sẽ thuộc hẳn về Ngài.

3. Và cuối cùng là những chọn lựa. Chúa chọn ông và ông cũng chọn Chúa.

Tin Mừng không nói cho chúng ta biết cử chỉ và thái độ của Chúa lúc ấy như thế nào. Theo lẽ thường tình tôi tưởng thì thái độ của Chúa trong trường hợp này sẽ phải là rất đặc biệt. Bằng một cử chỉ thật đẹp Chúa cúi xuống, đỡ ông dậy và sau đó bằng những lời tuy nhẹ nhàng êm ái nhưng cũng không kém tính cách quả quyết, Chúa nói với Simon: “Đừng sợ hãi. Từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”

Nhưng để được như thế Chúa đòi hỏi ông phải đi một bước xa hơn nữa: Ông phải từ bỏ tất cả mọi sự  để đi theo Chúa.

Tin Mừng đã cho chúng ta thấy thái độ rất đáng nể phục của Simon cũng như bạn bè của ông: “Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”. Chúng ta hãy đọc lại một lần nữa những lời thật cảm động trên: “Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người”.

Kính thưa anh chị em.

Không biết anh chị em nghĩ như thế nào chứ riêng tôi tôi rất cảm phục thái độ chân thành và tốt bụng của ông Simon. Thái độ của ông thật là trong sángchân thành.

Theo Tin mừng chúng ta thấy cuộc đời của ông có nhiều sai lỗi thế nhưng sau những sai lỗi đó ông lại cuơng quyết đứng dậy.

Cuộc đời của ông có những mềm lòng yếu đuối và có cả những vấp phạm đắng cay. Nhưng ngay sau đó ông lại tìm lại được niềm tin, tìm lại được lòng yêu mến và ông lại tiếp tục cuộc hành trình, can đản đi tới, không một chút mặc cảm.

Vâng kính thưa anh chị em.

Không ai trong chúng ta là thánh. Nhưng tất cả chúng ta đều được Chúa mới gọi nên thánh. Chẳng ai trong chúng ta dám tự hào mình là người không bao giờ sai lỗi và cũng chẳng bao giờ vấp phạm. Tự hào như thế là kiêu ngạo. Vấn đề đối với Chúa qua cuộc đời của Simon – Phêrô rõ ràng không phải ở chỗ ông có yếu đuối, có sa ngã hay không, nhưng vấn đề là sau những vấp ngã sa lầy đó ông đã biết làm gì để sửa lại. Ơn của Chúa lúc nào cũng như mưa sa, nước mát trên cả cuộc đời của ông. Ông đã biết cộng tác với ơn của Chúa. Chính vì thế ông đã có thể biến thất bại thành chiến thắng, biến đen tối thành ánh sáng huy hoàng. Ông đã viết trong thư thứ nhất gửi cho các giáo đoàn như thế này: “Đức Kitô là Đấng thánh. Hãy tôn vinh người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1Pr 3,15). Vâng cuộc đời của Phê-rô quả thực đã là một tấm gương thật sáng để soi cho chúng ta.

Một mẩu truyện nhỏ được ghi lại ở trong cuốn Góp nhặt rất cảm động như sau: Hôm đó một nhà phẫu thuật nổi tiếng người Hòa Lan thực hiện một ca mổ tử thi trong hội đường của một trường đại học. Chung quanh ông có cả một đoàn sinh viên đông đảo cùng tham dự. Tử thi này là xác của một tội nhân phạm trọng tội và bị án treo cổ. Khi phóng tầm nhìn trên khuôn mặt của tử thi, ông cảm thấy như có một cái gì quen quen. Ông nhìn đi nhìn lại nhiều lần và không bao lâu thì các sinh viên thấy mặt của thầy mình tự nhiên biến sắc rồi cả con người của ông run lên. Các sinh viên cảm thấy vô cùng ngạc nhiên vì bình thường thì ông là một con người rất bình tĩnh.

Cuối cùng thì ông phải lên tiếng để giải thích: “Các bạn ạ! Người này là một trong số những người bạn trong thời thơ ấu của tôi. Bây giờ tôi là người như thế nào thì các bạn đã thấy. Hãy để tôi nói cho các bạn điều này: Nếu không có ơn của Thiên Chúa thì tôi thấy chẳng có cái gì khác có thể giúp tôi tránh khỏi cái tình trạng của người bạn tôi đang nằm ở trước mặt các bạn đây

Hãy cộng tác với ơn của Chúa. Hãy mau mắn đáp lại lời mời gọi của Người. Có Người chỉ đường dẫn lối chúng ta sẽ không sợ lạc hướng. Có Người bảo trợ chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Một câu chuyện khác cũng có thể minh hoạ cho chúng ta về vấn đề này:

Đây là câu chuyện do Anatole France đã viết và đã được dựng thành phim được chiếu nhiều trước đây tại Việt Nam. Câu chuyện có liên quan đến một người đà bà tên là Thái.

Và Thái sống ở Aicập vào thế kỷ thứ tư và có một cuộc sống nổi tiếng là phóng đãng. Nhà ẩn tu Paphnatius biết được tin ấy  thì cầu xin với Chúa soi sáng giúp đỡ cho ngài để ngài có thể tìm phương tìm cách giúp đỡ cho người đàn bà này được trở về với Chúa. Sau khi được Chúa soi sáng, Paphnatius cải trang tìm đến gặp nàng và xin được gặp nàng ở một nơi thật kín đáo. Nàng dẫn Ngài qua rất nhiều phòng nhưng chỗ nào Ngài cũng chê là chưa đủ an toàn. Thai dẫn Ngài đến một nơi cuối cùng và ngoài ra thì không còn một chỗ nào khác.Thế nhưng nhà ẩn tu cũng cho là chưa đủ an toàn. Tức quá không còn kiên nhẫn thêm được nữa, nàng nó thật to:

“Chắc chắn là không ai có thể nhìn thấy chúng ta ở trong nơi này. Tuy nhiên nếu ngài muốn tránh được sự hiện diện của Thiên Chúa thì Ngài sẽ chẳng bao giờ mà làm được điều đó dù ngài có ẩn trốn ở một nơi kín đáo nào đi nữa”

Vừa nghe thấy thế Paphnatius vội hỏi ngay: “Thế nào? Nàng mà cũng biết là có một Thiên Chúa sao?

– Có lẽ thế! Tôi còn biết có một thiên đàng dành cho những người thánh thiện và một hỏa ngục dành cho những người gian ác.

+ Nàng đã biết các điều trên….vậy thì làm sao mà nàng còn dám sống một cuộc đời như thế trước một vị Chúa luôn luôn thấy nàng?

Những lời như thế đã xoáy vào tâm tư người đàn bà tội lỗi. Với một thái độ hoán cải nàng sấp mình xuống thú nhận tội lỗi của mình quyết làm lại cuộc đời và sau nàng đã chết như một vị thánh.


GIAO THỪA

Anh chị em thân mến,

Năm cũ đang dần dần khép lại và năm mới đang dần dần mở ra cho chúng ta. Năm cũ đang lui dần vào quá khứ và năm mới đang từ từ dẫn chúng ta vào tương lai. Nói một cách khác chúng ta đang sống trong giờ phút Giao Thừa. Theo chữ Nho, “giao”là trao, còn “thừa” là nhận lãnh để tiếp tục. Trao nhận cái gì và ai trao, ai nhận? Thưa năm cũ trao thời gian lại cho năm mới. Năm mới đón nhận và tiếp nối. Bởi vậy, khoảnh khắc gian giao thừa này là lúc rất thích hợp để chúng ta suy nghĩ về thời gian.

Để anh chị em có thể hiểu được thời gian là gì, tôi xin mượn một câu chuyện để làm điểm tựa cho những suy nghĩ của chúng ta: Chuyện kể rằng có một chàng thanh niên kia đang đứng ở dưới một gốc cây để chờ người yêu. Anh đứng đó, vừa đi đi lại lại vừa ngó chiếc đồng hồ và sốt ruột vì giờ hẹn chưa tới. Anh đứng ngồi không yên, cứ mong sao cho thời gian đến thật nhanh để gặp được người  yêu.

Đang bổi hổi bồi hồi như vậy thì bỗng anh thấy một vị tiên hiện ra với anh, ban cho anh một chiếc đồng hồ đặc biệt, đặc biệt ở chỗ có thể làm cho thời gian nhanh chậm như mình mong muốn. Sau khi trao cho anh chiếc đồng hồ vị tiên còn căn dặn anh hãy cẩn trọng, chớ có lạm dụng chiếc đồng hồ ấy. Nhưng khi vị tiên vừa biến đi anh đã quên ngay lời căn dặn. Anh vội vàng vặn đồng hồ, và thời gian đi thật nhanh. Người yêu liền xuất hiện trước mắt anh. Hai người ôm hôn nhau tha thiết. Nhưng chỉ ôm hôn nhau thì chưa thỏa lòng, anh lại muốn mau tới ngày cưới để hai người được sống mãi bên nhau. Anh lại vặn đồng hồ, và lại thấy mình đang đám cưới. Vẫn chưa thỏa mãn, anh lại muốn mau có con, nên anh lại vặn, và thấy mình có con. Có con cũng chưa thỏa lòng, anh lại muốn con mình mau lớn. Lại vặn đồng hồ và thấy con mình đã lớn. Khi con khôn lớn thì lúc đó người thanh niên hồi nọ cũng đã buớc vào tuổi trưởng thành. Dầu vậy khi thấy con cái chưa có sự nghiệp, chưa có gia đình thì ông lại vặn đồng hồ – Vâng bây giờ thì phải gọi người thanh niên kia bằng ông vì lúc đó người này đã khá nhiều tuổi – ông vặn đồng hồ thì thấy con mình có nghề nghiệp, có gia đình. Ông lại muốn có cháu để bồng, rồi lại muốn có chắt, chút, chít... cứ thế ông vặn, vặn, vặn và thời gian cứ tiến tới vùn vụt.

Rồi một hôm ông không vặn nổi chiếc đồng hồ ấy nữa và chợt khám phá ra mình đã quá già, đang nằm trên giường hấp hối chờ chết. Khi đó ông mới sực nhớ lại lời khuyến cáo của vị tiên là chớ nên lạm dụng chiếc đồng hồ kỳ diệu ấy. Nhưng khi đó hối tiếc thì đã muộn. Bây giờ ông gần chết rồi mà hầu như chưa hưởng được những niềm vui của tuổi thanh xuân. Ông tiếc nuối vô cùng. Ông lấy hết sức tàn còn sót lại để vặn ngược chiếc đồng hồ. Nhưng sức không còn, những chiếc kim đồng hồ cứ nắm im không chuyển động. Buốn quá tưởng như tuyệt vọng, ông lại lấy hết sức lực còn lại của mình để thử lại một lần nữa. Rất may thay lần này ông thành công. Và ông thấy mình trở lại thành một người thanh niên đang đứng dưới gốc cây và đang chờ người yêu. Mặc dù chưa tới giờ người yêu đến, nhưng anh –  bây giờ ta lại gọi người ấy bằng anh vì người ấy đã trẻ lại…anh không sốt ruột nữa. Anh đưa mắt nhìn những khóm hoa chung quanh, lắng tai nghe những tiếng chim hót trên cành, hít thở những luồng gió mát ngoài đồng nội. Và anh thấy những giây phút hiện tại lúc ấy sao đẹp quá, hạnh phúc quá…

Vâng câu chuyện là như thế. Ngụ ý của nó rất rõ: Nếu biết sống với những giây phút hiện tại, tận hưởng những niềm vui của nó, và làm thật tốt những việc phải làm của từng giây phút hiện tại ấy con người sẽ có hạnh phúc.

Edwards Evan bảo: “Đời sống nằm ở trong hiện tại, trong mỗi ngày chúng ta sống, trong mỗi giờ chúng ta sống, trong mỗi phút chúng ta sống”

Bài học tuy đơn sơ nhưng thật hữu ích.

–  Có những người, nhất là những người trẻ, chỉ lo ngóng tới tương lai; ngược lại, có những người, đặc biệt là những người già, lại chỉ nhớ về quá khứ.

–  Trong việc làm ăn, nhiều người cứ mãi chần chờ do dự: “Đợi sau này có chút vốn, tôi sẽ làm thế này, làm thế nọ”

–  Trong việc chăm sóc gia đình, nhiều người vạch ra cho mình những dự định thật tốt đẹp: con cái đang hư đần trước mắt mà không lo sửa dạy ngay, cứ ngồi đó mà vẽ ra những dự định: “sau này, tôi sẽ dạy dỗ con cái cách này cách nọ”

– Trong việc sống đạo cũng thế, nhiều người nguội lạnh rối rắm, khi được người khác nhắc nhở đã trả lời: “Bấy giờ đang túng thiếu quá, rất bận làm ăn, đợi tới khi khá hơn sẽ trở lại nhà thờ”; “Bây giờ trong nhà còn nhiều chuyện rắc rối phải giải quyết, đợi khi giải quyết xong sẽ tính tới chuyện linh hồn”.

Một hôm các quỷ Satan họp ban tham mưu để vạch ra kế họach cám dỗ cho loài người mất linh hồn. Một tên quỷ đưa ý kiến “Ta hãy nói với họ là Chúa rất nhân từ, cứ phạm tội rồi xưng tội, Chúa sẽ tha hết” .

Ý kiến ấy không được chấp thuận. Tên khác đề nghị “Ta hãy nói với họ là không có Thiên Chúa, không có thiên đàng hỏa ngục gì ráo”. Ý kiến này cũng không được coi là hay nhất. Cuối cùng chính Luxiphe đưa đề nghị và mọi quỷ đều coi là tuyệt vời nhất hữu hiệu nhất. Cám dỗ hay nhất ấy là “Hãy nói với người ta rằng có Thiên Chúa, có thiên đàng, có hỏa ngục, nhưng còn lâu lắm họ mới chết, nên đừng vội ăn năn sám hối”.

Để kết thúc tôi xin gửi đến anh chị em một bài thơ, bài thơ của Kalidasa một kịch sĩ nổi tiếng của Ấn độ. Đây là những lời thơ của ông

“Hãy chăm chú vào ngày hôm nay, vì nó là đời sống, chính là sự sống của đời sống.

Nó tuy ngắn ngủi, nhưng chứa tất cả chân lý về cuộc đời của ta:

Sự sung sướng khi tiến phát

Sự vẻ vang của hành động

Sự rực rỡ của thành công

Vì hôm qua chỉ là một giấc mộng

Và ngày mai chỉ là một ảo tưởng

Nhung hôm nay tức là hiện tại nếu biết sống dầy đủ, ta sẽ thấy hôm qua là một giấc mộng êm đềm và ngày mai là hình ảnh của hy vọng.

Vậy ta hãy chăm chú vào ngay hôm nay”

Hãy nhớ: thời gian là một cái gì đó rất chậm đối với kẻ đang chờ, rất nhanh đối với người đang sợ, rất dài đối với kẻ đang buồn, rất ngắn đối với người đang vui. Nhưng đối với kẻ đang yêu thì thời gian hình như không hiện hữu?” Chúng ta hãy bình tĩnh chu toàn bổn phận với tâm tình yêu thương trong từng giây phút của thời gian hiện tại”và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta. Amen.


THỨ HAI TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 6,53-56

“Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu,
thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó.” (Mc 6,55)

Tin Mừng hôm nay chỉ có bốn câu rất ngắn gọn, vậy mà thánh Marcô đã mô tả cho chúng ta thấy được sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:

– Họ rảo qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó (Mc 6,55).

– Ngài đi tới đâu người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Ngài cho họ ít là được chạm đến tua áo của Ngài. Và bất cứ ai chạm đến là được khỏi (Mc 6,56).

1. Có thể tìm được hai lý do để giải thích sự thu hút này:

* Dân chúng có những nhu cầu và Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng lại những nhu cầu đó.

Trong Tin Mừng, chúng ta thấy có rất nhiều trường hợp như thế:

Viên trưởng Hội đường với đứa con gái sắp chết đang nằm trên giường. Họ cần đến Chúa.

Người đàn bà bị mắc bệnh bại huyết 12 năm, chạy thầy chạy thuốc đến tán gia bại sản mà vẫn không khỏi.

Viên bách quan đội trưởng với tên đầy tớ bị đau không thể nào chữa khỏi.

Tất cả đều cảm thấy cần đến Chúa cho nên họ đã đích thân đến với Chúa và Chúa đã không phụ lòng mong ước của họ.

Một ngày kia, có một nhà lãnh đạo Trung Hoa theo Kitô-giáo đến thăm Hoa Kỳ. Sau khi nghe ông nói chuyện tại một buổi hội họp, một sinh viên hỏi: “Tại sao nước ông đã có Khổng Tử mà còn muốn có Kitô-giáo nữa?”

Ông đáp: “Có ba lý do: Thứ nhất: Khổng Tử là một vị tôn sư, còn Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Chúng tôi cần Đấng Cứu Thế hơn là cần vị tôn sư. Thứ hai: Khổng Tử đã chết, Đức Kitô vẫn đang sống, chúng tôi cần một Đấng Cứu Thế đang sống chứ không cần một người đã chết. Thứ ba: Khổng Tử cũng có ngày chịu phán xét, chúng tôi cần biết Đức Kitô là Đấng Cứu Thế trước khi là vị thẩm phán”.

2. “Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó và bất cứ ai chạm đến Người thì đều được khỏi.” (Mc 6,55-56)

Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động vì lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo Người, và mong được chữa khỏi.

Nếu đọc kỹ Tin Mừng chúng ta thấy chẳng một người nào tin tưởng tìm đến với Chúa mà lại phải về tay không. Rất nhiều người đã được những ơn ngoài sự mong ước của họ. Xin kể ra một vài thí dụ điển hình.

Giakêu người thu thuế, một con người chỉ mong được nhìn thấy Chúa thôi, thế mà Chúa đã đích thân đến tận nhà và Chúa bảo: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ.”(Lc 19,9). Thật là ngoài sự mong ước và tưởng tượng của ông.

–  Bathôlômêo một người Pharisêu chính hiệu, đã lén lút tìm đến với Chúa ban đêm và chỉ sau một lần gặp gỡ, ông đã thay đổi hẳn. Trong cuộc xử án Chúa, đang lúc mọi người hăng say yêu cầu kết án thì một mình ông đứng ra bênh vực cho Chúa.

– Đẹp nhất là người trộm lành. Chỉ một lời van xin vậy mà anh đã chiếm được cả Nước Thiên Đàng.

Họa sĩ Holman Hunt đã vẽ một bức tranh rất lạ đời. Ông vẽ Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà. Điểm khác thường ở đây là cánh cửa đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong. Ngụ ý ông muốn nói rằng, cho dù người bên ngoài có muốn vào thì cũng chẳng làm sao mà vào được nếu người ở bên trong không mở cửa cho.

Đám đông dân chúng trong bài Tin Mừng hôm nay thì không như thế.  Họ đã mở toang cánh cửa lòng họ cho Đấng chữa lành, và vì thế họ đã được khỏi bệnh.

June là một em bé 5 tuổi xinh đẹp và lanh lợi. Cha của em là một mục sư. Mẹ em mỗi khi đi đâu, thường cho em theo. Ngày nọ, khi hai mẹ con vào bưu điện, một ông lão thấy em liền hỏi:

– Này bé, ai cho bé mái tóc đẹp thế?

– Chúa cho cháu đó!

Nói xong bé nhìn thẳng vào ông hỏi:

– Thế ông có được Chúa cho gì không? Có được Chúa cứu không?

Ông già kinh ngạc và xúc động trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp:

– Không, bé ạ!

– Thế thì ông phải đến với Chúa ngay đi. Rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp đẽ!

Nói xong, bé vội chạy theo mẹ. Ít tuần sau, người ta thấy ông tìm đến nhà thờ và xin theo đạo. Ông cho biết lời của em bé luôn ám ảnh trong đầu và ông quyết định theo Chúa.

Lạy Chúa,

Xin ở lại với con,
vì con cần có Chúa hiện diện
để con khỏi quên Chúa.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.

Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời qua đi, vĩnh cửu đang gần đến.

Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
để được yêu Chúa nhiều hơn. Amen.


LỄ TÂN NIÊN
(Mồng Một Tết)

Anh chị em thân mến,

Chúng ta vừa nghe một trong những đoạn hay nhất của sách Tin Mừng. Chọn bài Tin Mừng này để đọc vào thời điểm chúng ta bắt đầu một năm mới tôi cho là mộtchọn lựa tuyệt vời. Đây không phải là một đoạn Tin Mừng chỉ đòi đòi hỏi chúng ta phải rà lại cách sống của chúng ta trước mặt Chúa mà nó còn là một đoạn Tin Mừng giúp chúng ta định hướng cho những ngày chúng ta sắp sống trong một tương lai đang đi tới của chúng ta.

Đây là một việc làm rất cần thiết. Nó quyết định cho sự thành – bại, vui tươi hạnh phúc – hay bất hạnh của cuộc đời mỗi người chúng ta.

Đọc cả đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu Chúa của chúng ta là một con người rất thực tế. Ngài biết thật rõ cuộc đời của mỗi con người. Ngài biết thật rõ cuộc đời không chỉ toàn là mầu hồng mà bên cạnh đó còn có cả những khốn khó gian nan và những khốn khó gian nan này thì hầu như ngày nào cũng có. Bởi vậy khi phác họa ra một thái độ sống cho mỗi ngày như trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ muốn nhắm tới một mục đích là giúp cho mỗi người chúng ta có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống của mình

1. Đừng lo:

Dale Carnegie cắt nói thêm: “Đừng lo không có nghĩa là đừng nghĩ. Bạn cứ việc nghĩ tới ngày mai đi, cứ cẩn thận suy nghĩ, cứ dự tính, cứ sửa soạn, nhưng đừng lo lắng gì hết”

Đừng lo lắng gì hết bởi vì con người dù có lo lắng đến đâu đi nữa, như Chúa Giêsu nói, cũng chẳng có thể kéo dài cuộc đời của mình dù là chỉ thêm vài gang tấc.

Đàng khác lo lắng còn là thái độ của một người không có lòng tin. Nếu thực sự con người biết tin nơi Thiên Chúa thì chắc chắn họ sẽ không có gì phải lo lắng.

Chúa Giêsu nói thật rõ: “Cha chúng con biết chúng con cần gì”(Mt 6,8) Nói thế không có nghĩa là Chúa bảo chúng ta chẳng cần phải làm gì cả. “Tình phụ tử của Thiên Chúa không phải là chính sách phụ mẫu, nghĩa là một sự che chở đầy ủy mị, bao bọc khỏi mọi may rủi bất trắc của cuộc đời. Một người cha biết yêu con không phải bao giờ cũng có ý tránh cho con mình khỏi mọi thử thách, đau khổ hay chiến đấu. Nhưng theo sức của ông, ông sẽ biến đau khổ thử thách thành kinh nghiệm có ích lợi cho đứa con” Tình yêu như thế mới là tình yêu thật sự.

Hơn nữa khi tin vào Thiên Chúa con người cũng còn phải biết phó thác tất cả cho Người. Phải tin vào giá trị của mình cũng như phải tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chim chóc hoa cỏ mà còn được Chúa để ý chăm nom thì huống chi là con người. Bởi thế nói theo kiểu của Thánh Phaolô thì “ngay cả khi ta phục vụ Thiên Chúa mà ta vẫn bị đói rách hay bị chết chóc thì ta vẫn không phải là kẻ bị quyền năng Thiên Chúa tử bỏ (Rm 8,28) mà đó còn là một cái phúc.(Mt 5,3-12) Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu hết được những sự tốt lành mà Ngài làm cho các con cái của Người.

Hoài Nam Tử có thuật lại một câu truyện như sau: có một ông lão ở gần cửa ải có một con ngựa tự nhiên bỏ sang nước Hồ. Láng giềng biết tin đó đến hỏi thăm.

Ông lão nói:

– Mất ngựa thế mà biết đâu lại là cái phúc.

Cách mấy tháng con ngựa của ông tự nhiên quay trở về, lại về với một con ngựa khác. Láng giềng nghe tin đến mừng. Ông lão nói:

– Được ngựa thế biết đâu lại là một mối họa.

Từ khi có con ngựa hay, đứa con ông lão ngày ngày mải mê tập dượt. Một hôm chẳng may bị té ngã và què mất một chân.

Láng giềng nghe tin lại đến chia buồn.

Ông lão nói:

– Con tôi què thế nhưng biết đâu lại là một cái phúc.

Một năm sau bỗng có giặc Hồ xâm lăng, nhà vua hạ lệnh tổng động binh. Con ông lão vì què chân cho nên được miễn nhập ngũ. Trận chiến ác liệt chưa từng thấy. Tướng sĩ lâm trận mười phần tử trận mất chín. Nhờ được ở nhà mà con ông lão thoát được hiểm nguy chết chóc và nhờ đó mà hai cha con vẫn còn được sống bên nhau.

2. Vậy trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người…Còn tất cả những thứ khác Người sẽ thêm cho”

Theo bản văn Kinh Thánh hôm nay thì việc “trước hết phải tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” là điều kiện để Chúa thực hiện lời hứa”, còn các điều khác sẽ được ban thêm cho”

Việc tìm kiếm  nước Thiên Chúa  mà Chúa Giêsu nói ở đây không giống như tìm kiếm một đồ vật nhưng là thái độ gồm cả ý chí, nỗ lực và hành động hướng về Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa chi phối và điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của mình sao cho những hành động đó thể hiện được thánh ý của Người. Làm được như vậy là con người đã làm được điều mà bài Tin Mừng hôm nay gọi là tìm kiếm nước Thiên Chúa .

Và sau đó chắc chắn Thiên Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã hứa cho chúng ta.

Câu truyện số 33 trong Góp nhặt B kể lại một biến cố rất đặc biệt xẩy ra trong Cộng Đoàn các chị nữ tu Bác ái của Mẹ Têrêsa thành Calcutta. Kể câu truyện này để anh chị em thấy việc Thiên Chúa làm lạ lùng như thế nào. Mỗi ngày tại Calcutta hội dòng phải chăm sóc cho khoảng chừng 7000 người, rồi còn phải lo cung cấp thực phẩm cho họ nữa. Vào một ngày thứ sáu nọ, chị nữ tu coi sóc nhà bếp đến thưa với mẹ:

– Thưa mẹ, trong nhà không còn gì ăn cho hôm nay và ngày mai nữa.Tốt hơn hết là chúng ta nên bo cho họ biết điều đó.

Nghe điều đó, mẹ không biết phải trả lời cho chị phụ trách nhà bếp như thế nào. Cả 7000 ngàn người ăn chứ đâu phải ít.

Thế nhưng vào khoảng 9 giờ sáng hôm đó không hiểu vì lý do gì mà chính quyền Ấn độ tuyên bố đóng cửa tất cả các trường công lập. Thế là số bánh mì làm sẵn cung cấp cho các học sinh không có chỗ sử dụng và chúng được chở thẳng tới cho mẹ Têrêsa.Và tất cả 7000 người từ nhỏ tới lớn có đủ bánh mì ăn trong hai ngày và hơn nữa còn được ăn no nê hơn cả những lần khác.

Chẳng ai hiểu được lý do. Nhưng mẹ Têrêxa thì thấy thật rõ. Mẹ nói:“Đó chính là dấu chỉ của Tình thương Thiên Chúa. Người là người Cha giầu lòng yêu thương đối với con cái mình”

Một hôm đang trên con đường vào Giêricô Chúa Giêsu nghe thấy có một tiếng than từ xa xa vọng lại:

– Lạy Ngài Giêsu, con Vua Đavid, xin thương xót con.

Chúa Giêsu dừng chân lại:

– Con muốn xin gì đây?

– Lạy Thầy, xin cho con được sáng mắt.

Thấy anh ta mạnh tin, Chúa hiền từ đáp:

– Được lắm. Lòng tin của anh đã cứu anh”(Lc 18,35)

Lòng tin vào Chúa quan phòng là con đường giải thoát rực rỡ huy hoàng cho mọi người nhất là trong thời đại này.


THỨ BA TUẦN 5 THƯỜNG NIÊN
Mc 7,1-13

“Thế là các ông lấy truyền thống các ông
đã truyền lại cho nhau mà
huỷ bỏ lời Thiên Chúa.” (Mc 7,13)

Có hai điều Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay

1. Về thói giả hình.

Ngày xưa, Chúa đã phê phán: “Dân này kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì xa Ta” (Mc 7,6).

Chẳng cần phải nói nhiều, chúng ta cũng thấy, ngày nay người ta sống giả dối với nhau rất nhiều. Cái gì ngày nay người ta cũng có thể làm giả được. Nếu như trước đây chỉ mới có chân giả, da giả thì ngày nay có hàng loạt những thứ giả khác như tóc giả, lông mi giả, hoa giả, trái cây giả. Gần đây chúng ta còn được nghe rất nhiều những thứ giả khác: Bằng giả, chứng chỉ giả, tiến sĩ giả… Những thứ ấy còn đi vào cả những sinh hoạt thiêng liêng như mâm quả, hoa, nến, nhang, đèn giả. Mức độ “giả” rất tinh vi nên nhiều khi cái giả xem ra còn đẹp hơn cả những cái thật, khó mà phân biệt được. Ở đây, Chúa Giêsu mới chỉ nói đến “Giả hình”. Ngày nay, còn một thứ giả tệ hơn. Đó là “Giả nhân giả nghĩa”.”Giả hình” mà còn đáng trách thì “giả nhân giả nghĩa” còn đáng trách hơn chừng nào.

Sách cổ học tinh hoa có chép một câu chuyện xảy ra tại Hàn Châu. Có một người bán trái cây đã tìm ra được một bí quyết giữ cho cam lâu ngày mà vỏ cam vẫn luôn đỏ hồng. Ông bán với giá rất đắt, thế mà thiên hạ vẫn tranh nhau mua. Có người mua được một trái đem về bóc ra mới vỡ lẽ ra bên trong chỉ là một trái cam thối. Người đó bèn đem trả lại cho người bán và mắng nhiếc thậm tệ.

Người bán cam cũng chẳng có vừa. Ông ta cười nói:

– Tôi làm nghề này đã lâu, tôi bán và người ta mua, không ai than phiền, chỉ có ông mới kêu ca. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng riêng gì tôi, ông thật chẳng chịu nghĩ cho đến nơi đến chốn. Này thử xem có người đeo hộ phú, hùng dũng như một quan võ, kỳ thực không biết người đó có giỏi được như Tôn Tần, Ngô Khởi không? Có người đội mũ cao, đóng đai dài, trông giống như một quan văn, nhưng liệu họ có giỏi được như Y Doãn, Cao Dao không? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu, quan lại tham nhũng không biết trừng trị, pháp độ hỏng nát không biết sửa đổi, ngồi không ăn lương mà không biết xấu hổ. Thế mà lúc ngồi công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn cao lương mỹ vị, oai vệ hách dịch vô cùng. Đó bề ngoài chẳng như vàng như ngọc, còn bề trong chẳng như hỏng nát là gì? Tại sao ông không chịu đi xét những hạng người ấy, mà lại đi xét quả cam của tôi.

Chúa Giêsu cũng đã nghiêm trách những thành phần lãnh đạo thời đại của Ngài. Ngài so sánh họ với mồ mả tô vôi, bên ngoài thì sơn phết bóng bẩy, nhưng bên trong chỉ là những xác chết hôi thối.

Lạy Chúa, xin giúp con biết thờ phượng Chúa trong Thần Khí và sự thật.

2. Còn về vấn đề truyền thống của tiền nhân thì Chúa muốn ta phải hiểu thế nào?

Xin đan cử một thí dụ:

Một nhà quí phái kia mở một bữa tiệc để thết đãi khách. Trong số những thực khách được mời tham dự bữa tiệc này có một bác nông dân. Sở dĩ bác nông dân này được mời vì bác là người giàu có trong vùng, lại có lòng tốt. Chính bác đã tặng cho nông dân ở trong vùng một số tiền lớn để xây cất một nhà thương.

Hôm ấy, trên bàn ăn người ta dọn ra món đầu tiên là cua nướng. Ngoài dĩa cua nướng dọn cho mỗi người, người ta còn để ở bên cạnh một ly nước nóng và một lát chanh tươi.

Vì là một nông dân, tính tình chất phác, không lễ nghi khách sáo, đàng khác có lẽ bác nông dân kia cũng đã đói, vì thế sau khi khai mạc bữa tiệc, bác đã cắm đầu cắm cổ ăn một hơi hết món cua nướng.

Ăn cua xong, thấy bên cạnh đó có một ly nước nóng và một lát chanh tươi, tưởng là để cho khách uống, nên bác nông dân vắt chanh vào nước rồi uống một hơi hết sức tự nhiên. Thực ra đây là những thứ để rửa tay, sau khi ăn món cua nướng.

Thấy bác nông dân ăn uống như thế, mọi người chung quanh đều trố mắt nhìn nhau rồi tủm tỉm cười với một sự khinh bỉ. Nhưng riêng với ông chủ nhà, khi thấy bác nông dân kia đã uống như thế, thì ông đã xử sự một cách hết sức khôn khéo. Ông cũng vắt chanh vào ly nước của ông và đưa lên uống, để bác nông dân không bị mất mặt trước những thực khách được mời hôm đó.

Thế là mọi người trong bàn tiệc hôm đó, không ai bảo ai, tất cả đều vắt chanh vào ly nước của mình, rồi bưng lên uống.

Một tập tục đã được bỏ qua. Như vậy, tập tục chỉ có giá trị tương đối. Tất cả những nghi thức bên ngoài chỉ có giá trị đích thực khi chúng hướng về Thiên Chúa, thể hiện được xã hội tính và tinh thần tôn trọng con người. Không vì những mục đích đó thì mọi nghi thức, tập tục, cung cách, chỉ là những sinh hoạt giả dối trống rỗng.


MỒNG HAI TẾT 2014

Anh chị em thân mến

Hôm nay là ngày mồng hai tết. Giáo Hội Mẹ của chúng ta muốn chúng ta dùng ngày đầu năm đặc biệt này để nhớ đến công ơn của tổ tiên, ông bà cha mẹ của chúng ta. Tôi cũng như anh chị em không ai trong chúng ta mà không có cha có mẹ. Tục ngữ từ ngàn xưa đã nói: cây có cội, nước có nguồn. Người ta sinh ra đều có tổ tiên Ông Bà cha mẹ.

I. Công ơn của Tổ tiên Ông Bà cha mẹ thật không sao mà kể cho hết, như trời như biển. Công cha chẳng khác gì núi Thái – Nghĩa mẹ chẳng khác gì như nước trong nguồn.

Ngày xưa Đức Phật đã dạy các đệ tử: “Trên đời này có hai người mà ta không thể trả hết ơn được là cha và mẹ ta. Dù có cõng cha mẹ trên vai suốt cả trăm năm cuộc đời, hay có tán xương lóc thịt để làm thức ăn cho cha mẹ cả trăm ngàn kiếp, cũng chưa đáp đền được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, vì công ơn cha mẹ to lớn lắm” (Kinh Vu Lan).

Vâng! Chẳng làm sao mà kể cho hết công ơn của các ngài.

+ Có rất nhiều câu truyện cảm động về những lo lắng của cha mẹ dành cho con cái. Nhưng câu truyện về Mạnh Tử là một trong những câu truyện hay nhất. Thầy Mạnh Tử lúc còn nhỏ đã may mắn có được một người mẹ hết lòng lo lắng dạy dỗ cho mình. Truyện kể rằng hồi đó nhà Thầy Mạnh Tử ở gần nghĩa địa. Mẹ thầy Mạnh Tử thấy con bắt chước người ta đào bới rồi lăn ra khóc. Bà liền dời nhà đến gần chợ. Tại đây bà lại thấy con bắt chước người ta sống nghịch ngợm và gian dối. Bà cho đây không phải là chỗ thích hợp cho con của bà. Bà lại dời nhà đi nơi khác.Lần này thì chuyển nhà của bà đến ở gần trường học. Ở đây Mạnh Tử thấy các bạn trẻ cùng lứa tuổi đua nhau tập lễ phép và học chữ nghĩa thì cậu cũng bắt chước. Bà mẹ thấy như vậy mừng quá và bà quyết dịnh ở lại đây luôn.

+ Tin Mừng không nói cho chúng ta nhiều về việc Thánh Giuse và Đức Mẹ đã lo lắng cho Chúa Giêsu như thế nào, nhưng chắc chắn Chúa Giêsu đã được Thánh Giuse và Đức Mẹ giáo dục thật kỹ. Điều này quả không ai còn có thể hoài nghi.

II. Nếu công ơn của tổ tiên Ông Bà Cha mẹ lớn lao như thế thì con cái phải làm gì để đền đáp?

Trong bức tâm thư gửi các gia đình nhân dịp năm quốc tế gia đình năm 1994 số 18 Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô đã viết như sau: “Hãy thảo kính cha mẹ bởi vì theo một nghĩa nào đó, các vị ấy đối ngươi là những người đại diện của Chúa, những người dẵ ban tặng sự sống cho ngươi, đã đưa ngươi vào cõi sống nhân linh, vào trong một dòng dõi, một quốc gia, một nền văn hóa. Sau Thiên Chúa các vị ấy là những ân nhân đầu tiên của ngươi. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa là đấng tốt lành, nếu chỉ mình Ngài là Đấng thiện hảo, thì cha mẹ ngươi cũng được thông phần một cách độc nhất vô nhị vào chính sự tốt lành tối thượng ấy. Bởi đó ngươi hãy thảo kính Cha mẹ ngươi”.

Đó là những lời của vị cha chung của chúng ta. Có lẽ khó có mà có thể tìm được những lời mạnh mẽ hơn để nói về bổn phận của những kẻ làm con trong việc phải thảo kính cha mẹ mình như thế.

Bằng cách nào kính thưa anh chị em?

a- Trước hết là phải biết ơn ông bà cha mẹ tổ tiên mình

Biết ơn là một trong những giá trị nền tảng cao quí nhất của cuộc sống làm người và đồng thời nó cũng là biểu hiện rõ rệt nhất của một con người biết sống với tư cách làm người của mình.

Ngược lại vô ơn là thái độ đáng lên án. Đức Cha Bùi Tuần trong cuốn “Nói với chính mình” có viết những lời rất nặng như sau:”Người ta cho con chó một cái gì nó còn ngoáy ngoáy cái đuôi để tỏ lòng biết ơn. Con người mà không có lòng biết ơn thì không bằng con chó” Hơi nặng một chút nhưng thật là thấm thía.

Trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa buồn như thế nào khi mười người phong cùi được Chúa chữa nhưng chỉ có một người biết trở lại để cám ơn Chúa. Mà người đó lại là người không có đạo.

Kính thưa anh chị em. Không biết anh chị em có còn nhớ không chứ riêng tôi, tôi rất nhớ câu ngạn ngữ đá có từ bao thế hệ như thế này: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó – Vâng sóng trước đổ đâu thì sóng sau sẽ đổ ở đó anh chị em.

Đó là điều thứ nhất.

b- Điều thứ hai là phải hiếu thảo với ông bà cha mẹ.

+ Cách hiếu thảo tốt nhất là vâng lời cha mẹ trong những điều hợp lẽ nhất là khi còn trẻ.

Tin Mừng tóm gọn cả cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu ở Nagiareth bằng những lời như thế này: “Ngài vâng lời và chịu lụy hai ông bà”(Lc 2,51)

Tại tiệc cưới Cana vì Đức Mẹ mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ.

+ Tiếp đến là hãy biết làm vui lòng cha m. Đời nhà Hán bên Trung hoa có một người nổi tiếng là có lòng hiếu thảo với cha với mẹ. Đó là Bá Du. Hồi còn nhỏ mỗi khi làm điều gì sai quấy mà bị mẹ đánh thì Bá Du luôn tươi cười vui vẻ nhận lỗi, không bao giờ dám cãi. Nhưng một ngày nọ sau khi bị mẹ sửa phạt bằng roi thì Bá Du oà lên khóc. Thấy thế bà mẹ thắc mắc hỏi:

– Bao nhiêu lần mẹ đánh con để dạy con mà con không khóc thế thì tại sao lần này con lại khóc?

Bá Du lễ phép trả lời:

– Thưa mẹ, những lần trước mẹ đánh con đau lắm thế nhưng con không khóc vì con thấy sức của mẹ còn mạnh. Lần này mẹ đánh con, tuy không đau bằng những lần trước nhưng con lại khóc vì con thấy sức mẹ không còn khoẻ như xưa…mẹ đã già yếu. Con khóc vì thương mẹ chứ không phải vì giận hờn.

+ Cuối cùng nếu có thể được thì phải lo phụng dưỡng cho cha mẹ để cha mẹ được sống an vui khi tuổi đã xế chiều.

Dương Phủ sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhưng ông để hết tâm phụng dưỡng song thân.

Một hôm, ông nghe nói bên đất Thục có ông Vô Tế đại sĩ. Dương Phủ bèn xin từ biệt song thân để đến thụ giáo bậc hiền triết.

Đi được nửa đường, ông gặëp một Vị lão tăng. Vị lão tăng khuyên Dương Phủ:

– Gặp được bậc Vô Tế chẳng bằng gặp được Phật.

Dương Phủ hỏi vặn lại:

– Phật ở đâu?

Vị lão tăng giải thích: “Nhà ngươi cứ quay trở về, gặp người nào mặc cái áo sắc như thế này, đi đôi dép kiểu như thế này thì chính là Phật đấy”.

Dương Phủ nghe lời quay về nhà. Đi dọc đường, ông chẳng gặp ai như thế cả. Về đến nhà thì đã khuya, Dương Phủ gõ cửa gọi mẹ. Người mẹ mừng rỡ, khoác chăn, đi dép ra mở cửa. Bấy giờ, Dương phủ mới chợt nhận ra nơi mẹ mình hình dáng của Đức Phật mà vị lão tăng đã mô tả. Từ đấy, Dương Phủ mới nhận ra rằng cha mẹ trong nhà chính là Phật.

Một trong những hình ảnh đẹp nhất về cuộc đời của Chúa Giêsu là cảnh Chúa Giêsu trao phó Đức Mẹ cho thánh Gioan ở dưới chân cây Thập giá. Trước khi nắm mắt Chúa còn cẩn thẩn gửi gấm người mẹ của mình cho người môn đệ yêu quí nhất để Gioan thay cho Chúa mà lo cho Đức Mẹ. Thật hiếm có một việc làm nào đẹp như thế.

Xin Chúa thánh hoá tất cả mọi gia đình Việt Nam. Xin Chúa ban cho bậc cha mẹ ý thức được trách nhiệm giáo dục con cái của họ. Xin Chúa ban cho con cái lòng hiếu thảo để biết vâng phục, kính yêu và phụng dưỡng cha mẹ, nhất là trong lúc tuổi già của các ngài… Và xin cho mọi gia đình Việt Nam luôn biết tranh đấu để bảo vệ sự hiệp nhất trong gia đình và biến gia đình thành Giáo Hội nhỏ của Chúa. Amen.


MỒNG BA TẾT
Thánh hóa lao động

Ngày mồng ba Tết, chúng ta cầu nguyện cho việc làm ăn trong năm mới được thịnh đạt, đồng thời cũng xin Chúa thánh hóa chúng ta qua cuộc sống lao động hằng ngày.

I. Nhưng tại sao chúng ta lại phải cầu nguyện cho việc làm ăn?

Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỷ thuật, nhiều người tưởng rằng mình đã chiếm được chỗ đứng của Thiên Chúa. Có một thời chúng ta thường nghe thấy người  ta nói: Thằng trời xếp lại một bên, để cho nông hội tiến lên làm Trời! Hoặc những câu như biến sỏi đá thành cơm gạo, thay trời làm mưa.

Thế nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy nếu Chúa không cho thì chúng ta chẳng làm được gì. Cơn động đất và sóng thần cũng như dịch cúm gà vừa qua là bài học rất quí giá cho chúng ta. Chính vì thế mà người xưa dã có câu: mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Người nông dân ý thức được thân phận của mình nên đã cầu xin: Lạy Trời mưa xuống, lấy  nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp.

Về vấn đề bày thánh Phaolô viết rất hay: Phaolô trồng, Apolô tưới, nhưng chínhThiên Chúa mới làm cho mọc lên.  Vì thế ngày mồng ba tết chúng ta cầu nguyện cho việc cày cấy làm ăn là phải lẽ, vì không có Thiên Chúa thì: người lính canh đêmcũng hoài công.

Một vị linh mục nọ qua đời, và được đưa đến trước mặt thánh Phêrô để làm một thẩm tra. Thánh Phêrô hỏi:

– Ở dưới thế cha làm được điều gì?

Vị linh mục nhanh nhẹn và tự hào trả lời:

– Thưa thánh Phêrô, con xây được một ngôi thánh đường lớn.

Thanh nhân lấy bút ghi trên giấy: Một điểm.

– Cha còn làm được gì nữa?

– Dạ, con còn xây một trường học cho một ngàn học sinh.

Thánh Phêrô ghi tiếp: một điểm.

– Và gì nữa?

Vị linh mục bắt đầu suy nghĩ, rồi trả lời:

-Dạ, con công tác nhiều vào các công việc xã hội, từ thiện.

Thánh Phêrô ghi thêm: một điểm.

– Còn gì nữa? Thánh Phêrô hỏi tiếp.

Lần này vị linh mục lo lắng hỏi thánh Phêrô:

– Dạ thưa thánh cả Phêrô, được bao nhiêu điểm thì vào thiên đàng?

Thánh Phêrô vui vẻ trả lời: một ngàn điểm.

Nghe nói thế, vị linh mục bỗng chột dạ, nghĩ thầm: “Chết mình rồi, làm sao có được chừng ấy điểm đây?” Nếu có moi óc kể tất cả các sự việc mình làm ở dưới thế e cũng không đủ…”

Và vị linh mục bắt đầu lo sợ, rồi thất vọng, không còn tự tin.

Trong lúc đó, thánh Phêrô nhắc lại:

– Cha còn làm được điều gì nữa, cứ kể hết đi!

Với giọng nói nhuốm màu sắc khiêm tốn và lo sợ, vị linh mục nói:

-Thưa thánh cả, NHỜ ƠN CHÚA con cũng làm được đôi ba việc nhỏ.

Nghe vậy, thánh Phêrô lấy bút ghi ngay: một ngàn điểm.

Ngài nói:

-Thế là cha được một ngàn lẻ ba điểm rồi đấy. Cha đã dư được ba điểm. Mời cha vào!

Phải! Tất cả là nhờ ơn Chúa.

II. Những giá trị của lao động.

Chúa Giêsu đã nói: Cha Ta hằng làm việc, và Ta cũng vậy. Khi quả quyết như thếChúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng: lao động làm việc là qui luật của tình yêu và cũng là qui luật của sinh tồn.

*Làm việc là qui luật của Tình yêu

Thiên Chúa đã không dựng nên một vũ trụ hoàn hảo mà Người đã chỉ dựng nên một vũ trụ còn dang dở.  Người muốn con người cộng tác với Người để làm cho công trình của Người càng ngày càng hoàn hảo hơn. Trong bài đọc (sách sáng thế), tác giả nói: “Sau khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã đặt nó trong vườn địa đàng, không phải chỉ để hưởng thụ, mà còn để canh tác giữ vườn”. Như thế làm việc là sứ mạng cao cả Thiên Chúa đã giao cho con người ngay từ khi mới tạo dựng nên nó và khi làm việc là con người thể hiện tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.

Nếu con người không làm việc thì quả họ đã không chu toàn được sứ mạng của mình. Điều này chính mỗi người phải quyết định cho mình. Nếu không muốn làm việc thì con người có muôn vàn cái cớ để thoái thác. Nhưng nếu đã muốn làm việc thì họ chẳng sợ bất cứ một trở ngại nào.

Một ông chủ kia giao cho bảy người thợ cưa, mỗi người phải cưa một khúc cây.

Người thứ nhất nói: khúc cây của tôi còn tươi quá, nguyện lưỡi cưa sẽ mắc trong đó. Tôi chờ cho đến khi khúc cây đó khô rồi tôi mới cưa, thế là anh ta nghỉ.

Người thứ hai: lưỡi cưa của tôi cùn quá, tôi chờ ông chủ đổi cho tôi lưỡi cưa khác bén hơn rồi tôi mới cưa. Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ ba: khúc cây này cong bên này cong bên kia. Tôi chờ ông chủ đổi cho tôi khúc cây khác thẳng hơn. anh cũng đi nghĩ.

Người thứ bốn: khúc cây của tôi quá cứng, cứng gấp hai lần khúc cây thường. Tôi chờ có khúc khác mềm hơn. Anh ta cũng nghỉ.

Người thứ năm: hôn nay trời nóng quá, đợi ngày nào mát trời hãy cưa. Anh ta cũng nghỉ.

Người thứ sáu: hôm nay tôi nhức đầu đợi tới khi nào khỏi tôi mới cưa. Và anh ta cũng nghỉ.

Người thứ bảy cũng nhận một khúc cây còn tươi, nó cũng cong bên này cong bên kia, thịt nó cũng rất cứng, lưỡi cưa của anh cũng cùn, trời hôm đó cũng nóng và anh đó cũng nhức đầu. Nhưng anh đi mài lưỡi cưa và bắy tay vào việc. Nhờ lưỡi cưa đã đượa mài, khúc cây đã được cưa xong, do trời nóng và do làm việc, anh ta đổ mồ hôi ra và hết nhức đầu. Anh sung sướng vì hoàn thành công các được giao.

Hôm sau anh xin ông chủ cho anh một khúc cây khác để cưa. (A.R Wells)

Vâng! Dù ở vườn địa đàng, Ađam cũng vẫn phải “canh tác”. Cuộc sống ở địa đàng rất hạnh phúc, nhưng cái hạnh phúc ấy con người phải “canh tác”, nghĩa là phải ra tay kiến tạo. Chính trong lúc làm việc con người mới cảm thấy hạnh phúc. Ngôi vườn hạnh phúc con người phải “giữ gìn” bằng việc làm của mình.

* Đàng khác làm việc còn là qui luật của sinh tồn.

Lao động ngoài mục đích giúp ta thánh hóa cuộc sống, nó còn có mục đích giúp bảo tồn cuộc sống của chúng ta.

Trong Kho tàng những câu chuyện ngụ ngôn người ta đọc được câu chuyện này: Một người nông dân nọ có một con lừa già. Một hôm con lừa bị rơi xuống giếng và đau đớn kêu la thống thiết. Sau khi cẩn thận đánh giá tình hình, dù rất thương cảm cho con lừa, nhưng người nông dân cũng phải quyết định nên nhanh chóng giúp nó kết thúc sự đau đớn. Anh gọi thêm mấy người hàng xóm để cùng lấp đất chôn con lừa với ông.

Lúc đầu con lừa bị kích động vì những gì người ta đang làm đối với nó. Nhưng khi từng xuổng từng xuổng đất tiếp theo nhau rơi trên vai nó, một ý nghĩ chợt lóe lên:

– Cứ mỗi lần xuổng đất rơi xuống đè lên vai, mình sẽ lắc cho đất rơi xuống và bước lên trên.

Và nó đã làm như vậy, từng chút từng chút một.

– Hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên, hất nó xuống và bước lên trên – con lừa lặp đi lặp lại để tự cổ vũ mình.

Mặc cho sự đau đớn phải chịu sau mỗi xuổng đất. Mặc cho sự bi đát cùng cực của tình huống đang gánh chịu, con lừa liên tục chiến đấu chống lại sự hoang mang, hoảng sợ, và tiếp tục theo đúng phương châm “hất nó xuống và bước lên trên”.

Không mất nhiều thời gian, cuối cùng con lừa già, dù bị bầm dập và kiệt sức, đã hoan hỉ và đắc thắng bước ra khỏi cái giếng. Những gì tưởng như sẽ đè bẹp và chôn sống nó, trên thực tế đã cứu sống nó… đều là nhờ cái cách mà con lừa đối diện với nghịch cảnh của mình.

Cuộc sống là như vậy đó. Nếu chúng ta đối mặt với những vấn đề của mình một cách tích cực, khước từ sự hoảng loạn, sự cay đắng và sự thương hại…, những nghịch cảnh tưởng như chôn vùi chúng ta sẽ tiềm ẩn trong chính nó những phần thưởng không ngờ tới. Hãy “Hất nó xuống và bước lên trên”, để bước ra khỏi cái giếng mà bạn đang gặp phải.(Nước Biếc.)

Cuộc đời đâu phải là thiên đàng. Đâu có phải lúc nào cuộc đời cũng trải thảm đỏ để chào đón chúng ta. Cuộc đời là một bãi chiến trường. Nó đang chờ đợi chúng ta bước vài với tinh thần chiến đấu. Hãy can đản đối đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống đừng lẩn tránh. Thái độ lẩn tránh chẳng khác gì thái độ đầu hành. Khi nói về việc Giêsu vác Thánh Giá lên đỉnh đồi Golgotha, một nhà văn hào của Pháp đã nói:  Đồi Calvê ở đầu đường và vinh quang cũng xuất hiện ở đó” Hãy hất xuống và bước lên trên cuộc sống cuả chúng ta sẽ tốt đẹp hơn. Amen.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý