Chúng ta vừa cùng với Giáo Hội khai mạc năm Thánh Lòng Thương Xót với chủ đề “Thương Xót Như Chúa Cha”. Hôm nay, cùng với Giáo Hội chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh. Đây là một biến cố thể hiện rõ nét Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.
Để hiểu hơn điều này, xin được gợi ý suy niệm những điểm sau đây: tình trạng nguyên thuỷ của con người; tình trạng sau khi Nguyên tổ phạm tội; ơn Cứu chuộc mà Thiên Chúa mang lại cho con người; sự cộng tác của con người với ơn cứu chuộc và cuối cùng chúng ta có trách nhiệm nối dài lòng thương xót của Thiên Chúa tới mọi người.
- Tình trạng nguyên thuỷ của con người
Vì yêu thương, Thiên Chúa đã dựng nên con người và cho ở trong vườn địa đàng, được sống hạnh phúc, được sống trong tương quan gần gũi và thân mật với Thiên Chúa. Công đồng Trentô (năm 1546) gọi đó là tình trạng“công chính nguyên thuỷ”. Nghĩa là Thiên Chúa ban cho con người có đầy đủ các ơn siêu nhiên và ơn ngoại nhiên.
Các ơn siêu nhiên: ơn Thánh sủng để biến đổi con người nên con Thiên Chúa; các nhân đức đối thần: tin, cậy, mến; các nhân đức luân lý: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ; các hiện sủng là ơn trợ giúp trong mọi công việc theo bổn phận.
Các ơn ngoại nhiên: Đó là tình trạng con người được trong trắng vô tội (x. St 3,7); không phải đau khổ, vất vả, cực nhọc (x. St 3,16-19); ơn bất tử (x. St 2,17).
- Hậu quả của tội nguyên tổ
Nhưng con người đã phạm tội, đánh mất “tình trạng nguyên thuỷ” đó, nên gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
Hậu quả thứ nhất là con người tự đặt mình vào thế địch thù với Thiên Chúa, cắt đứt giây liên lạc thân tình với Thiên Chúa, đánh mất ơn nghĩa với Ngài. Họ không còn hoà thuận với nhau, đổ tội cho nhau: Adam đổ tội cho Evà. Evà đổ tội cho con rắn.
Hậu quả thứ hai là mất sự hoà hợp với người khác và với thiên nhiên, quyền làm chủ thế giới vật chất bị suy giảm. Chúa nói với ông Adam: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: ‘Ngươi đừng ăn nó’, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng”(St 3,17-18).
Hậu quả thứ ba là hậu quả nặng nề nhất: con người phải đau khổ và phải chết. Chúa phán: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3, 19).
- Đức Giêsu Kitô đến để cứu độ con người
Nếu Thiên Chúa không can thiệp thì con người sẽ phải sống trong đêm tối tội lỗi. Nhưng Thiên Chúa không bỏ rơi con người, trái lại vì tình thương, Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Thế đến để cứu con người. Ngài nói với con rắn rằng:“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Đây là lời hứa của Tình Yêu. Lời hứa đó đã hoàn toàn ứng nghiệm qua biến cố Giáng Sinh. Thiên Chúa ban chính Con Một của Ngài cho thế gian vì yêu thương thế gian. Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời”. Như vậy, Đức Giêsu Kitô là quà tặng vô giá Thiên Chúa ban cho con người. Tột đỉnh của quà tặng đó chính là chết vì yêu: “Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người thì mạng sống mình vì bạn hữu”.
Như vậy, nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được trở thành Con Thiên Chúa, được tham dự vào hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa. Đó là hạnh phúc Nước trời.
- Sự cộng tác của con người với ơn Chúa
Nhưng để được hạnh phúc Nước trời, con người cần phải cộng tác với ơn Chúa, thánh Augustinô đã nói rằng: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu ta không cộng tác với Ngài”. Thật vậy, để được cứu chuộc con người cần phải lãnh nhận Bí tích rửa tội (Ngoại trừ những người không phải vì lỗi của họ mà không biết Thiên Chúa và Giáo hội của Người nhưng vẫn theo tiếng lương tâm mà ăn ở ngay chính thì cũng có thể được rỗi (x. Gl HTCG số 1281)). Bởi vì, Bí tích rửa tội không những tha tội tổ tông mà còn tha các tội riêng trước đó. Hơn nữa, Bí tích rửa tội là cửa ngõ để dẫn vào các bí tích khác. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ và ông Nicôđêmô rằng: “không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi nước và Thần khí”(Ga 3,5).
Nhưng chỉ lãnh nhận Bí tích rửa tội mà thôi thì chưa đủ, bởi vì bí tích rửa tội không tiêu diệt hết mọi mầm mống của tội và trả lại tình trạng “nguyên thuỷ ban đầu”. Nói cách khác, nơi người đã được rửa tội “một số những hậu quả của tội lỗi vẫn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những sự yếu đuối gắn liền với sự sống như những yếu đuối về tính tình vv…và nhất là sự hướng chiều về tội lỗi mà Truyền Thống gọi là nhục dục, hay còn gọi là ‘lò sinh ra tội lỗi’. ‘Được để đó cho ta phải chiến đấu với nó, tình dục không có khả năng gây hại cho những người không chiều theo nó mà còn chống lại cách can đảm nhờ ân sủng của Chúa Kitô’. Hơn nữa, ‘Ai chiến đấu đúng luật sẽ được tặng vòng hoa’(2Tm 2,5)” (x. GL HTCG số 1264). Như vậy, Phép rửa và ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô chỉ có ích cho những ai có thiện chí cộng tác với ơn Chúa sau khi được rửa tội bằng quyết tâm sống ơn tái sinh như lời thánh Phaolô mời gọi “anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
- Phải nối dài lòng xót thương của Thiên Chúa tới mọi người
Tất cả những điểm chúng ta vừa đề cập trên đây đều thể hiện Lòng Xót thương của Thiên Chúa: Vì lòng xót thương nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người. Vì lòng xót thương nên Thiên Chúa đã cứu chuộc con người sau khi con người sa ngã. Thiên Chúa muốn con người phải thể hiện Lòng Thương Xót đối với nhau, đặc biệt là trong dịp Giáng Sinh này.
Vào buổi sáng nọ, bác thợ giầy thức dậy thật sớm. Bác quyết định sửa soạn chiếc xưởng nhỏ của bác cho tươm tất rồi vào phòng chờ cho được vị khách quí. Và người khách đó không ai khác là Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ, Ngài đã hiện ra và báo cho bác biết Ngài sẽ đến thăm bác trong ngày hôm sau.
Người thợ giầy ngồi đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng vừa rọi qua khung cửa, bác đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng bác hồi hộp, sung sướng, hẳn là Chúa đã đến. Bác ra mở cửa. Thế nhưng người đang đứng trước mặt bác không phải là Chúa mà là người phát thư.
Sáng hôm đó là ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi, tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để ông run lẩy bẩy ngoài cửa. Bác mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
Người thợ giầy trở vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn ra cửa sổ bác thấy có một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Bác gọi em bé đó lại để hỏi cho biết lý do. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người thợ giầy lấy tờ giấy viết vài chữ để trên bàn, báo cho người khách quí biết là mình phải đi ra ngoài và tìm đường dẫn đứa bé về nhà. Mãi đến chiều tối bác ta mới tìm thấy nhà đứa bé, và khi bác về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
Vừa bước vào nhà bác thấy có người đang đợi, nhưng không phải là Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Suốt mấy ngày nay, bà đã không có gì bỏ bụng. Vì bị đói như thế cho nên bà cũng không còn sữa cho con bú. Bác thợ giầy tận tụy lo lắng cho cả hai mẹ con.
Công việc xong xuôi thì đã quá nửa đêm. Mệt quá bác để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
Thế là một ngày đã qua mà chưa thấy Chúa đến, nhưng đột nhiên trong giấc ngủ người thợ giày nghe thấy tiếng Chúa nói với bác: “Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc ủi an Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta trong ngày hôm nay”.
Như người thợ dày trong câu chuyện trên đây, Chúa muốn mọi người chúng ta luôn biết trao ban tình thương cho người khác. Sự trao ban đó có thể là một nụ cười, một cái bắt tay, một sự cảm thông, một lời động viên, một tin nhắn, một lá thư, một tấm thiệp…tuy đơn sơ nhưng gửi gắm vào đó tất cả lòng yêu mến của chúng ta tới những người thân. Vì khi chúng ta làm như vậy là chúng ta đang làm cho chính Chúa (x.Mt 25 31,46).
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, vì yêu thương nên Cha đã tạo dựng nên chúng con. Vì yêu thương nên Cha đã sai Con Một xuống thế làm người để cứu chuộc chúng con. Xin cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa để xa tránh tội lỗi, hầu bảo toàn sự trong sạch khi lãnh nhận bí tích Rửa tội. Xin cho chúng con biết xót thương người như Chúa đã thương xót chúng con. Amen
Lm. Anthony Trung Thành