G ỢI Ý SUY NIỆM LỜI CHÚA
Chúa nhật 6 Thường Niên năm B
Lời Chúa: Mc 1,40-45
Chúng ta nghe kể lại phép lạ Chúa Giêsu chữa một người cùi, xem như một phép lạ riêng cho một bệnh nhân mắc một thứ bệnh mà thời đó người ta xem như bệnh ô uế. Ô uế ở đây phải hiểu là cả thân xác và cả tâm hồn. Theo luật Môsê, ai mắc bệnh ngoài da lan tỏa khắp người, thì không được ở trong cộng đoàn, phải tìm một chỗ riêng biệt để khỏi lây cho người khác, và người khác cũng không bị nhiễm lây sự ô uế đó. Ai chạm vào người bệnh sẽ bị ô uế.
Trình thuật của Maccô không nói rõ phép lạ này xảy ra ở đâu, chỉ nói là ở cửa một thành phố. Người bệnh không được phép vào thành phố hay nơi có đông người. Thái độ của anh cùi là một sự liều lĩnh. Anh đến với Chúa Giêsu. Anh có thể bị đuổi và có thể bị ném đá vì người ta rất sợ bệnh này. Bệnh nhân phải đứng xa và la lên: “Ô uế, ô uế!” Anh này ngược lại đã đến với Chúa, quỳ gối xuống, van xin: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Thái độ và lời khẩn xin của anh cùi cho chúng ta thấy lòng tin vững mạnh của anh. Anh không sợ bị xua đuổi. “Nếu Ngài muốn”. Anh tin tuyệt đối vào quyền năng của Ngài. Anh quỳ gối xuống, một cử chỉ vừa khiêm tốn vừa tha thiết. Thánh Maccô cho thấy thái độ nhân từ của Chúa Giêsu. Ngài đáp lại bằng một cử chỉ hết sức yêu thương. Ngài chạnh lòng thương, giơ tay động đến anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Chúa Giêsu cũng liều khi giơ tay chạm đến anh cùi. Ngài không sợ bị ô uế. Thay vì chỉ cần nói một lời, Ngài chạm đến anh. Một cử chỉ đầy tình thương. Ngài muốn cho anh thấy rằng Ngài thông cảm sâu xa hoàn cảnh khốn khổ của anh. Ngài chấp nhận bị liên lụy với anh trong sự khốn khổ của anh. Nhập thể là như thế. Ngài chấp nhận thân phận con người như chúng ta. Ngài không đứng ở xa, Ngài đến gần, thật gần để chia sẻ nỗi thống khổ của con người, của chúng ta. Chúng ta có nhìn thấy được tình thương của Ngài không? Chúng ta có tin không? Chúng ta có đến với Ngài để được chữa lành không?
Theo lời cầu xin của anh cùi, Chúa nói rõ: “Tôi muốn, anh hãy lành sạch”. Bệnh cùi biến ngay. Một lời nói vừa uy nghi và vừa hữu hiệu! Ngài chứng tỏ Ngài là một Đấng có uy quyền, là Đấng Thiên Sai. Chữa lành bệnh nhân có thể xem như một sự giải thoát. Mục tiêu của Ngài, quyền năng của Ngài chính là cứu vớt con người khỏi bệnh tật phần xác và cả những đau khổ phần hồn.
Chữa lành bệnh tật cũng là dấu hiệu của tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta đang bị đè nặng dưới đau khổ và tội lỗi. Chúng ta có cảm thấy mình là thân phận nhơ hèn tội lỗi không? Chúng ta thân phận cùi đày khốn khổ, chúng ta có cảm thấy cần một lời tha thứ hay chữa lành không? Thường chúng ta không tin vì chúng ta không biết mình bị phong cùi. Tâm hồn chúng ta có gì là tốt đẹp? Chúng ta có cảm thấy cần được lành sạch không? Hay chúng ta vẫn tự mãn như tên Pharisêu kia, cảm thấy mình thánh thiện và khinh chê những người khác? Hay chúng ta thích ở lì trong sự nhơ hèn của chúng ta? Hay chúng ta cảm thấy mình đủ thánh thiện rồi, không cần phải thanh tẩy?
Cha De Mello nói: “Những người tội nhân khét tiếng nhất là những người không biết mình phạm tội”.
Hãy thành thật và khiêm tốn nhìn lại tâm hồn mình, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta thật khốn cùng, đầy những vết nhơ tật xấu. Chúng ta chưa thánh thiện đâu. Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn không ngại nói rằng mình là người tội lỗi.
Thế giới hôm nay đang cần những người thánh, nhưng được mấy người? Nhiều người Công giáo đã mất đi tâm thức về tội lỗi, phạm tội mà vẫn thấy mình công chính. Đây chính là tai nạn kinh khủng nhất mà không ai hay. Trong một giáo xứ, một vài người thù oán cha sở, tìm hết mọi cách để hạ nhục và hãm hại cha sở của mình suốt hơn hai mươi năm, vẫn rước lễ mỗi ngày. Một giáo dân khác, mười năm không đi xưng tội vẫn rước Chúa mỗi tuần. Như thế là thế nào? Họ đã mất đi ý thức về tội. Họ giữ đạo như một thủ tục, như một thói quen. Ngược lại, thánh Gioan-Maria Vianney, Cha sở họ Ars, vẫn luôn cảm thấy mình quá tội lỗi không xứng đáng làm cha sở. Ngài đã tìm cách bỏ trốn họ đạo hai lần, nhưng không thành công. Ai là người thánh thiện? Trong quyển sách “Người hành hương nước Nga”, anh ấy chỉ có một lời nguyện trên môi suốt năm này đến năm khác: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là người tội lỗi”. Chúng ta có cảm thấy như thế không? Tinh thần thống hối là con đường đưa vào sự sống. Muốn được sống, chúng ta hãy làm như anh cùi kia: nhìn nhận sự khốn cùng của mình, tìm đến Chúa, quỳ gối xuống nài xin, tin tưởng: “Nếu Thầy muốn, Thầy có thể cho con được sạch”.
Chúa Giêsu không xa lắm đâu. Ngài ở nơi tòa giải tội. Ngài trông chờ chúng ta đến để chữa chúng ta lành sạch. Ngài không mõi mệt tha thứ. Chúng ta có muốn đến với Ngài thường xuyên để tâm hồn chúng ta được lành sạch và tươi sáng không?
Và phương thuốc hiệu nghiệm nhất để chữa lành tâm hồn chúng ta chính là Mình Thánh Chúa. Đó là phương thuốc của tình yêu. Hãy ăn lấy tấm Bánh Tình Yêu để tình yêu của Ngài thấm nhập vào da thịt và tâm hồn phong cùi chúng ta, mang lại sức sống dồi dào và giúp chúng ta hòa nhập vào đoàn dân thánh, cao rao những kỳ công và tình yêu của Chúa. Giờ đây, Chúa không cấm chúng ta rao truyền quyền năng Chúa như đã cấm anh cùi. Giờ đây chúng ta có thể lớn tiếng ca ngợi lòng thương xót của Chúa cho mọi người. Hãy đi ra, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói. Hãy rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người, như anh cùi kia, vì Chúa đang đến, vì “tình yêu của Chúa bền vững muôn đời”.
Lm Trầm Phúc