Sẽ ra sao nếu Giáo hoàng Phanxicô là sếp của bạn

Sẽ ra sao nếu Giáo hoàng Phanxicô là sếp của bạn? Điều đó tùy thuộc xem bạn làm việc ở đâu

pope.jpg

VATICAN CITY — Không biết mỗi ngày làm việc của bạn sẽ như thế nào nếu sếp của bạn chính là đức giáo hoàng?

Nhân kỷ niệm một năm ngày bầu ra giáo hoàng Phanxicô, câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ phụ thuộc vào việc bạn là một người thâm niên hay nhân viên mới, việc bạn đồng ý với những cải cách bộ máy làm việc của Vatican hay bạn gắn chặt với những lối làm việc cũ trong triều giáo hoàng.

Và phần nhiều cũng phụ thuộc vào việc bạn là một trong số khoảng 3500 (phần nhiều là người Ý) giáo dân thuộc biên chế nhân viên Vatican hay là một trong số 1100 hồng y, giám mục, linh mục, hay nam nữ tu sỹ, những người có khuynh hướng nắm giữ các vị trí chủ chốt và đang can dự sâu trong những chính sách mà Phanxicô đưa ra.

Nhóm thứ hai, thường có đặc thù là hệ tư tưởng của họ cộng với tính cạnh tranh, có xu hướng thu hút nhiều sự chú ý, có nhiều đóng góp và tha thiết mãnh liệt hơn.

Mới đây, Oscar Rodriguez Maradiaga, hồng y Honduras, trưởng nhóm hồng y cố vấn tám người được chính giáo hoàng tuyển chọn đã trả lời cho hãng tin Công giáo Đức quốc rằng: “Tôi đã từng nghe người ta nói rằng ““Chúng tôi đang cầu nguyện cho ngài (Phanxicô) chết càng sớm càng tốt.

Như vậy là độc ác, nhưng những người đó vẫn nghĩ mình là Kitô hữu.”

Không ngạc nhiên khi trong suốt năm đầu triều vừa qua, giáo hoàng đã dành rất nhiều thời gian để cảnh báo các hồng y và quan chức đừng có theo đuổi những mưu đồ triều chính, ngồi lê đôi mách, và thói thiên vị, những thứ đã góp phần khiến cho vị tiền nhiệm của ngài, Benedicto XVI, đã phải từ chức.

Thật vậy, trong bài giảng Lễ tro, có đoạn, khi nói đến việc đền tội, Phanxicô đã rảo mắt nhìn các giáo chức Vatican đang ngồi kín quanh ngài. “Khi hằng ngày tôi xem thấy đủ loại đấu đá quyết liệt vì địa vị trong môi trường nhỏ bé này, tôi tự nghĩ rằng: Những người này đang cố gắng đùa giỡn với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa.. Họ vẫn không nhận ra rằng họ không phải là Thiên Chúa,” chính lời giáo hoàng đã nói như vậy.

Trong bất kỳ thể chế nào, khi phải đối mặt với một cuộc đại tu về cơ cấu và văn hóa như những gì mà Phanxicô đã hứa hẹn, đều sẽ có một sự chấn động nhất định. Và những mâu thuẫn như thế có thể trở nên gay gắt hơn trong những thể chế tận hiến vì một sứ mạng nào đó, dù là về mặt chính trị hay tôn giáo. Và trong Tòa Thánh, vẫn còn có đó những lực lượng cố hữu.

Những cơ chế quan liêu cổ hủ khó lay chuyển

Dù giáo hoàng là tổng điều hành, nhà lập pháp và thẩm phán trong Giáo hội Công giáo, thì trong việc thành lập ban quản trị của mình, ngài vẫn bị hạn chế hơn một tổng thống sắp nhậm chức, người sẽ nhanh chóng thay đổi các vị trí chính trị ở mọi cấp độ.

Các giáo hoàng phải hành động thận trọng và chậm rãi hơn, bởi họ không muốn điều hành như một sếp lớn chính trị và gây phân rẽ giáo hội. Hơn nữa, các giáo hoàng cần phải giữ bộ máy quan chức giáo hoàng về phía mình. Nếu không làm thế, một tân giáo hoàng, đặc biệt là một người ngoài cuộc như Phanxicô, có thể rất dễ bị cô lập và bị áp đảo.

Thậm chí người tiền nhiệm của ngài, giáo hoàng Benedicto XVI, một người kỳ cựu trong bộ máy Vatican, vẫn phải vật lộn với lực lượng này. Vào thời gian cuối triều giáo hoàng của mình, ngài đã từng nói với một vị khách rằng, “Quyền hạn của tôi chỉ dừng ngang cánh cửa đó mà thôi.”

Và kết quả của tính chất này là, bộ máy quản trị của giáo hoàng sẽ vừa có những người mới được bổ nhiệm và cả những người cận vệ cũ. Không ngạc nhiên khi những người mới được nhận vào có khuynh hướng ủng hộ các thay đổi, trong khi những người kỳ cựu có khuynh hướng “lo lắng, phẫn uất, và thậm chí là đến mức hoang tưởng”, theo lời một linh mục Hoa Kỳ trong Giáo triều (xin giấu tên vì sợ gây thù chuốc oán).

Và cha bật cười khi nói rằng bất kỳ ai đến Roma này sau khi Phanxicô được bầu làm giáo hoàng, thì dù cho họ có là người Ý gộc, như hồng y Pietro Parolin, tân Quốc vụ khanh chẳng hạn, vẫn sẽ bị những cận vệ già gọi là “ngoại kiều”.

“Tất cả những người từng nằm trong nhóm quyền lực, giờ không còn nữa”

 

“La Gioconda”

Dưới thời Phanxicô, nhiều người chẳng biết nhóm quyền lực ở đâu nữa. Khi Phanxicô còn là bề trên Dòng Tên và là hồng y Jorge Bergoglio của Buenos Aires, những người làm việc với ngài đã đặt cho ngài biệt danh là “Mona Lisa” bởi nụ cười bí ẩn của ngài có vẻ rất nồng hậu nhưng lại chẳng biểu lộ được gì hết.  Ngày hôm nay, có thể ngài vẫn không khác gì, và một vài người ở Roma xem Đức Thánh Cha của mình giống như “La Gioconda”.

Một linh mục Hoa Kỳ khác gần gũi với các công việc Vatican dưới thời Phanxicô giải thích rằng, “Ngài biết mình là giáo hoàng. Ngài sẽ ngồi xuống và lắng nghe các cố vấn của mình, một số trong đó rất được lòng ngài, và ngài sẽ tỏ vẻ đồng tình với họ. Rồi ngài đi và làm điều ngược lại hoàn toàn.”

Không ngạc nhiên khi những cận vệ già là những người bị lung lay nhất, và một số trong họ đã có những lời buộc miệng cho thấy sự bất mãn. Tổng Giám mục Georg Gaenswein, một phụ tá thân cận cho Giáo hoàng Danh dự Benedicto, nhưng cũng có làm việc với Phanxicô, đã than phiền về một vài “sáng kiến đổi mới” của tân giáo hoàng. Hồng y Raymond Burke người Hoa Kỳ, và đã nắm giữ nhiều vị trí cao ở Roma trong nhiều năm qua, đã nghi ngờ những kế hoạch và ưu tiên của giáo hoàng.

Những người trong nhóm quyền lưc, như hồng y người Đức Walter Kasper, một người được Phanxicô ưu ái, thì lại theo sát những thay đổi và thúc đẩy mạnh hơn nữa, chẳng hạn như cho rằng việc các phụ nữ nắm giữ những vai trò lãnh đạo trong Giáo triều sẽ giúp chữa lành bớt “thói xấu khủng khiếp” là chủ nghĩa danh vọng trong giới giáo sỹ. Cha cũng có nói về ý tưởng đặt ra những hạn nhiệm kỳ cho các vị trí trong Vatican, và gần đây cha còn cho rằng Giáo triều có quá nhiều giám mục.

Nhưng ngay cả trong những nhân viên giáo dân cũng dấy lên những lo ngại, đa số họ xem Vatican vừa là một ơn gọi vừa là một công ăn việc làm. Những cải cách giáo triều, cộng thêm những vấn đề tài chính của Vatican, đã dẫn đến việc đóng băng lương thưởng, và trong tương lai có lẽ sẽ còn cắt giảm nhiều về lương thưởng và lượng nhân viên nữa.  Đó là một chương trình gây khó chịu cho nhiều người, đặc biệt là đối với nền kinh tế Ý quốc bao quanh Vatican.

“Có một sự xáo trộn bất an, đúng là thế. Chẳng ai biết một năm sau mình sẽ thế nào”, một viên chức Vatican thâm niên và là một giáo sỹ Âu châu, xin giấu tên, đã cho biết như thế.

Nhưng ngài cũng là một trong số những người “không sống cả đời” trong Giáo triều, với suy nghĩ rằng bao lâu các nhân viên giáo dân vẫn được lo đủ, thì sự thay đổi là cần thiết và đúng đắn.

“Sự bất định có thể là điều tốt đẹp. Nó buộc người ta phải nghĩ cho mình, và chúng ta có thể dùng được điều này.”

 

(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 03.03.2016/
Bài của David Gibson – Religion News Service, Đăng ngày 13-3-2014)