10 Dân chúng lũ lượt kéo đến xin ông Gioan làm phép rửa; họ hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây?” 11 Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. 12 Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì?” 13 Ông bảo họ: “Ðừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho mình”. 14 Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình”.
15 Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi về ông Gioan: biết đâu ông chẳng là Ðấng Mêsia. 16 Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. 17Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. 18 Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
Suy Niệm
Màu tím bao trùm mùa Vọng.
Các Kitô hữu lo sám hối để lãnh nhận bí tích Hòa giải.
Nhiều người ngại xưng tội, ngại đào bới lại quá khứ.
Xưng tội mang dáng dấp của một cái gì buồn thảm!
Thật ra bí tích Hòa giải là một điều tươi tắn hơn nhiều.
Sám hối không phải chỉ là quay về quá khứ,
mà còn là hướng đến tương lai với rất nhiều hy vọng.
Sám hối còn có màu hồng như màu áo lễ hôm nay.
Khi dân chúng đến với Gioan, nhận phép rửa sám hối,
họ đã hỏi ông: Chúng tôi phải làm gì đây?
Cả những người thu thuế và binh lính cũng hỏi những câu tương tự.
Chúng tôi: sám hối mang tính tập thể, tính liên đới.
Hội Thánh chúng tôi cùng chịu trách nhiệm về sự dữ.
Phải: một thúc bách của trái tim hoán cải thực sự.
Làm gì đây: sám hối không phải chỉ là một cảm xúc,
tuy thánh thiện, nhưng lại mông lung, xa rời thực tế.
Sám hối đích thực đưa đến một hành động cụ thể.
Gioan đã cho ta những câu trả lời còn nguyên giá trị.
Sám hối là sống bác ái, có hai chia một.
Nhường cơm sẻ áo là ra khỏi nỗi bận tâm về mình.
Sám hối là sống công bằng, không tham lam vơ vét,
không dùng quyền lực để cưỡng đoạt, áp bức ai.
Sám hối là hết nô lệ cho của cải, tiền bạc, quyền lực.
Như thế dọn đường cho Chúa đến bằng sám hối
đòi ta chỉnh đốn lại con đường đến với tha nhân.
Trở về với Chúa diễn tả qua việc trở về với anh em.
Gioan không bắt những người thu thuế bỏ cái nghề ô nhục,
cũng không đòi những người lính Do thái bỏ phục vụ Hêrôđê.
Ông cũng không bảo họ lên Ðền Thờ dâng lễ đền tội,
hay vào hoang địa sống nhiệm nhặt như mình.
Họ cứ làm nghề của họ, nhưng với một tinh thần mới.
Sám hối thực sự thì đụng đến bàn tay,
một bàn tay chứa đựng cả con tim và khối óc.
Trong mùa Vọng này, chúng ta phải hỏi nhau: mình phải làm gì?
Giới trẻ hôm nay muốn cảm thấy mình có ích,
và muốn dùng thời giờ của mình sao cho có ý nghĩa.
Hãy gặp nhau, chấp nhận nhau và làm việc với nhau,
Hãy cùng nhau làm một điều tốt nào đó cho đồng bào.
Hãy cho thấy mình là người có đức tin.
Ðức tin được diễn tả qua hành động yêu thương cụ thể,
và yêu thương lại làm cho đức tin lớn lên.
Xưng tội cần dốc lòng chừa.
Dốc lòng chừa đòi đổi lối nghĩ và lối sống.
Ðứa con thứ cần sống khác, sau khi trở về nhà Cha.
Chúng ta đã được chịu phép rửa trong Thánh Thần,
nhưng chúng ta vẫn cần được Thánh Thần thanh tẩy mỗi ngày.
Chúng ta không thể tự sức mình canh tân cuộc sống.
Trở lại với tình yêu là hồng ân của Thánh Thần.
Ước gì chúng ta mềm mại để cho Ngài uốn nắn
và dạy ta biết làm gì để bày tỏ lòng hoán cải.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J