Trong các sách kinh lưu hành tại Việt Nam, ngoài những kinh dọn mình trước khi rước lễ và những kinh tạ ơn sau khi rước lễ, còn có kinh đọc khi rước lễ thiêng liêng. Rước lễ thiêng liêng là gì?
Những kinh dọn mình trước khi rước lễ và cám ơn sau khi rước lễ được đọc trong khung cảnh của việc lãnh nhận bí tích Thánh Thể: chúng ta được mời gọi hãy giục lòng tin cậy mến đối với bí tích này, đó là chính Chúa Giêsu đến với linh hồn chúng ta. Còn kinh rước lễ thiêng liêng thì được lồng trong bối cảnh khác; đó là khi người tín hữu, vì lý do này hay lý do khác, không có điều kiện để lãnh nhận bí tích. Tôi còn nhớ một kinh đã học từ hồi còn nhỏ, và đọc mỗi ngày lúc viếng Mình Thánh Chúa như sau: “Lạy Chúa Giêsu, tôi tin thật Chúa tôi ngự trong phép Mình Thánh. Tôi kính mến Chúa tôi trên hết mọi sự cùng ước ao chịu lấy Chúa tôi trong linh hồn tôi. Song le bởi vì tôi chẳng có thể nào chịu Chúa tôi cho thật được, thì xin Chúa tôi ngự vào linh hồn tôi cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa tôi đã ngự vào thật, thì tôi xin ẵm lấy và hợp làm một cùng Chúa tôi cho trọn. Xin Chúa tôi chớ để cho tôi lìa bỏ Chúa tôi bao giờ”. Đây là một bản dịch kinh nguyện do thánh Anphongsô đã soạn, và giọng văn đã hơi xưa rồi.
Bản dịch đã xưa rồi, mà chắc là tập tục cũng lỗi thời rồi, phải không?
Câu trả lời không đơn giản cho lắm. Có lẽ ngày nay không mấy khi nghe nói đến việc “rước lễ thiêng liêng” bởi vì ít người thực hành. Nhưng cũng có thể nói ngược lại: ngày nay có ít người thực hành bởi vì chẳng mấy ai nói đến. Thiết tưởng trước khi phê phán lỗi thời hay hợp thời, chúng ta hãy đi ngược lại dòng lịch sử, tìm xem nguồn gốc phát sinh cũng như những ý nghĩa của nó. Nhưng trước khi đi vào vấn đề chúng ta nên lưu ý ít điều về từ ngữ chuyên môn. Trong thần học về các bí tích, người ta phân biệt hai cách thức chính để lãnh nhận: một đàng là lãnh nhận bí tích thực sự (in re); đàng khác là lãnh nhận bí tích bằng lòng ước ao (in voto). Ai đã chuẩn bị tâm tình xứng đáng, thì tuy không lãnh bí tích thực sự họ vẫn lãnh được những công hiêụ của bí tích đó. Trường hợp cổ điển hơn cả là những người ngoại đạo, cố gắng ăn ngay ở lành, tuân hành ý Chúa. Họ không biết Chúa đã mặc khải nơi Đức Kitô, cũng không biết rằng cần lãnh bí tích rửa tội để được cứu rỗi. Tuy nhiên, thái độ cởi mở của họ, sẵn lòng tuân theo ý Chúa, có thể giải thích như họ ước ao lãnh bí tích rửa tội nếu như họ biết được như vậy. Vì thế có thể coi như họ đã được rửa tội bằng lòng ao ước, và được công hiệu tương đương với người đã lãnh bí tích rửa tội vậy.
Như vậy, rước lễ thiêng liêng có nghĩa là ước ao được rước lễ có phải không?
Nói chung thì đúng như vậy. Tuy nhiên, trong lịch sử, những động lực đưa đến việc rước lễ thiêng liêng khá đa dạng. Thuật ngữ “rước lễ thiêng liêng” được lưu hành từ thế kỷ XII trong các nữ đan viện. Vào thời đó, luật của nhiều dòng chỉ cho các tu sĩ được phép rước lễ một hoặc hai lần mỗi tuần. Nhiều linh hồn khát khao được rước Chúa nhiều hơn, bèn tìm cách thức để kết hiệp với Chúa. Từ đó nảy ra tư tưởng rước lễ thiêng liêng (bằng lòng ước ao), mà vài thánh nữ ghi lại rằng chính Chúa đã chỉ bảo. Thánh nữ Gêtruđê (1255-1303) thuật lại rằng: vào một ngày Chúa nhật, thánh nữ hết sức mong mỏi được rước Mình thánh. Khi Chúa Giêsu hiện ra, thánh nữ hỏi: “Những người được diễm phúc rước Chúa thì có được nhiều ơn ích hơn là những ai chỉ mong mỏi được lãnh bí tích không?”. Chúa đáp: “Những người lãnh bí tích thì được nhiều ân sủng. Tuy nhiên, những ai vì đức vâng lời hoặc vì một lý do chính đáng nào không được lãnh bí tích, nhưng rước lễ thiêng liêng với một lòng ước ao đầy lửa sốt mến thì sẽ nhận được nhiều hoa trái dồi dào hơn” (Sách Mặc khải, chương 29).
Thực ra, một thế kỷ trước đó, Guillaume d’Auxerre (1149-1231, tác giả cuốn Summa aurea đã viết một điều tương tự: ông khẳng định rằng cả một người tội lỗi không thể tiến lên rước Mình Thánh, nhưng nếu họ ước ao mãnh liệt với đức mến hăng say khi nhìn ngắm Mình Thánh Chúa thì những lời nguyện của họ cũng được Chúa nhậm lời”. Thực khó mà kiểm chứng được đâu là “mặc khải tư của Chúa” và đâu chỉ là “ý kiến riêng tư của các nhà thần học” trong vấn đề này. Dù sao chính nhờ cơ hội đó mà các nhà thần học kinh viện có cơ hội để suy tư về ý nghĩa và giá trị của việc rước lễ thiêng liêng.
Có gì khác biệt về công hiệu giữa rước lễ thật với rước lễ thiêng liêng không?
Trước khi bàn về sự khác biệt, cần phải vạch ra sự liên hệ giữa đôi bên. Thực vậy, tập tục rước lễ thiêng liêng đã thúc đẩy các nhà thần học thời Trung cổ đặt lại vấn đề về những tâm tình cần có khi rước Mình Thánh Chúa. Việc rước lễ thiêng liêng nêu bật lòng khát khao muốn được kết hiệp với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Thế nhưng tâm tình này cũng cần được nuôi dưỡng cả khi lãnh bí tích Mình Thánh nữa. Thực vậy, nếu ta chỉ rước Mình Thánh như ăn một tấm bánh, mà thiếu lòng tin cậy mến, thì việc rước Mình Thánh chẳng có ích lợi gì hết. Một cách tương tự như vậy, cho dù nhiều người cùng lên bàn thờ rước Mình Thánh Chúa, nhưng chắc hẳn là không phải hết mọi người đều được hưởng những ơn ích như nhau: sự khác biệt tùy theo tâm tình chuẩn bị của mỗi người.
Nếu nói như vậy thì chỉ cần rước lễ thiêng liêng đã đủ rồi, đâu cần phải lên rước lễ nữa?
Vấn nạn này thực sự đã được đặt ra vào thời Trung cổ. Lúc nãy tôi vừa mới nói đến tình trạng của các tu sĩ muốn rước lễ hết sức nhưng luật Dòng không cho phép. Đối lại, có những trường hợp người ta chỉ nuôi dưỡng lòng khao khát rước Chúa, chứ không rước Mình Thánh. Đó là tình trạng của nhiều giáo dân thời đó; họ chỉ đến thánh đường để ngắm nhìn Mình Thánh lúc linh mục dương cao lên sau khi truyền phép, nhưng không rước lễ. Làm thế nào dung hoà được cả hai tình trạng xem ra tương phản nhau như vậy được? Thánh Tôma Aquinô tìm cách giải thích như sau. Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Mình Thánh, và truyền cho chúng ta phải ăn để được sống trường sinh (nghĩa là được cứu rỗi). Tuy nhiên, cũng như người ta đã được cứu rỗi khi ước ao lãnh bí tích thánh tẩy mặc dầu chưa được lãnh phép rửa, thì một cách tương tự như vậy, phàm ai ước ao rước Chúa thì cũng đã nhận được công hiệu của bí tích trước khi lãnh nhận bí tích. Tuy nhiên lòng ước ao này phải bao gồm cả chính việc nhận bí tích khi có cơ hội. (Xc. Summa Theologica III, q.80, a.11,c.). Nói cách khác, lòng ước ao lãnh nhận bí tích sẽ không còn mang danh nghĩa “ước ao” đúng nghĩa khi mà người ta có cơ hội mà lại không chịu lên rước lễ.
Giáo hội có lên tiếng gì về việc rước lễ thiêng liêng không?
Có chứ. Vào thời Trung cổ, việc rước lễ thiêng liêng được đặt ra do những tu sĩ đạo đức muốn được rước lễ thường xuyên nhưng luật dòng không cho phép. Vào thời cận đại thì vấn đề được đặt ra cho những người sống xa nhà thờ, không thể rước Mình Thánh Chúa được. Một tình huống khó khăn nữa là những người mắc tội trọng, hoặc mắc vạ tuyệt thông, hoặc một hình phạt giáo luật nào khác, khiến họ không thể rước lễ được. Phải chăng vì thế mà họ phải sống xa Chúa? Vấn đề được mang ra bàn luận tại công đồng Trentô. Công đồng khuyến khích việc rước Mình Thánh Chúa thực sự, chứ không phải chỉ nuôi dưỡng lòng ao ước (sess. XXII, c.6); nhưng đồng thời công đồng cũng khuyến cáo rằng việc lãnh nhận bí tích cũng đòi hỏi lòng khát khao cùng với đức tin tác động bởi đức mến (sess. XII, c.VIII).
Cả hai khoản vừa rồi đều nhằm đến các tín hữu đã sống trong ơn nghĩa với Chúa. Thế còn những người mắc tội trọng thì sao? Công đồng không nói trực tiếp đến điều này. Dĩ nhiên, ai mắc tội trọng thì phải đi xưng tội thì mới được rước lễ. Còn ai chưa xưng tội mà khát khao rước lễ thì sao? Công đồng Trentô không đi sâu vào vấn đề này. Các nhà thần học cho rằng nếu người ấy thống hối ăn năn, và ước mong kết hiệp với Chúa thì chắc chắn là được lãnh nhận hoa trái của bí tích.
Việc rước lễ thiêng liêng là một chuyện thuộc về quá khứ hay vẫn còn ích lợi cho thời nay nữa?
Tôi nghĩ rằng việc rước lễ thiêng liêng vẫn còn thích thời. Thực vậy tuy rằng ngày nay các tín hữu được phép rước lễ hàng ngày, chứ không còn tình trạng chờ đợi mỗi tháng một lần như thời Trung cổ, nhưng việc rước lễ chỉ diễn ra trong vòng không tới 1 phút. Phần còn lại trong ngày, gồm 23 giờ 59 phút, họ có thể sống kết hiệp với Mình Thánh Chúa nhờ việc rước lễ thiêng liêng. Đó là chưa kể những người không thể tham dự Thánh lễ vì sống xa nhà thờ, hoặc vì bệnh tật ốm đau.
Mặt khác, tục lệ rước lễ thiêng liêng nhắc nhở chúng ta rằng việc rước Mình Thánh Chúa chỉ mang lại ơn ích nếu được di kèm với lòng khao khát ước mong. Ngoài mẫu kinh của thánh Alphonsô Liguori, được trưng dẫn ở đầu, chúng ta cũng có thể đọc những kinh khác tương tự, chẳng hạn như: “Lạy linh hồn Chúa Kitô, xin thánh hóa con” quen được đọc hoặc hát sau khi rước lễ; hoặc thánh thi Adoro te devote, được dịch trong sách Mục lục của điạ phận Sài-gòn là “Tôi kính lạy Đức Chúa Giêsu, thật ẩn trong hình bánh rượu”. Dù sao các kinh đọc chỉ là phương tiện mà thôi; điều quan trọng là chính lòng kính mến của chúng ta đối với Chúa Giêsu, dưới sự thúc đẩy của Thánh Linh.
(daminh.net)