Nhân hội nghị của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu (SECAM) họp tại Rôma vừa qua, Đức Hồng Y Wilfrid Napier cho hay: các giám mục Phi Châu muốn Thượng Hội Đồng sắp tới tập chú vào việc củng cố Giáo Hội bằng các gia đình tốt lành, trước khi bàn qua những vấn đề khác như cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ.
|
Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin Catholic News Agency ngày 13 tháng Hai, Đức Hồng Y Napier cho biết tại hội nghị trên, các giám mục Phi Châu nhất trí tập chú vào các vấn đề sau đây tại Thượng Hội Đồng sắp tới:
Trước nhất, các giám mục Phi Châu muốn nhấn mạnh tới sự kiện chúng ta hiện có nhiều cuộc hôn nhân tốt đẹp, nhiều gia đình tốt đẹp; do đó, chúng ta nên có tinh thần tích cực trước nhất và trên hết.
Thứ hai, phải làm sao để bảo đảm rằng thế hệ kế tiếp cũng sẽ có các gia đình và các cuộc hôn nhân tốt đẹp. Muốn thế phải chú trọng tới việc chuẩn bị và đồng hành.
Hai ưu tiên trên là câu Đức Hồng Y Napier muốn dùng để trả lời cho câu hỏi về lời tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Gabriel Palmer-Buckle, giáo phận Accra, Giáo Hoàngana. Theo ký giả John Allen, vị giáo phẩm sau gần đây có cho rằng ngài sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép người ly dị và tái hôn được rước lễ, dù cuộc hôn nhân trước của họ không được tuyên bố vô hiệu, theo đề nghị của Đức Hồng Y Kasper, tại Thượng Hội Đồng hồi tháng Mười vừa qua.
Về biến cố ấy, Đức Hồng Y Napier cho biết: “…một trong các vị Hồng Y (của chúng tôi) đã gọi cho vị giáo phẩm liên hệ (Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckle), và Đức Tổng Giám Mục cho hay, ‘trời đất, con chỉ nói một cách hết sức chung chung, và đúng, người ta có đặt câu hỏi, và câu trả lời là trong những trường hợp như thế, bạn phải xem xét vấn đề trên căn bản từng trường hợp một, bạn không thể đưa ra câu tuyên bố tổng quát rằng bạn có thể ban Mình Thánh cho những người ly dị và tái hôn…’”.
Đức Hồng Y Napier nhận định: “thành thử đây là một trong những điều chúng tôi coi là vấn đề cần phải đương đầu. Tôi tin chắc vấn đề này sẽ xuất hiện một lần nữa, nhưng chúng tôi, trong tư cách các nhà lãnh đạo Giáo Hội Phi Châu, không muốn lạc vào các vấn đề, các câu hỏi, mà trước nhất không xem xét những điều tốt đẹp đang có đó, và làm cách nào củng cố Giáo Hội bằng những cuộc hôn nhân tốt đẹp và những gia đình tốt đẹp ”.
Cũng nên biết Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckle được Hội Đồng Giám Mục Ghana bầu làm đại biểu tham dự Thượng Hội Đồng sắp tới về gia đình. Hội đồng này đã chấp thuận bản tuyên bố ngày 15 tháng Mười Một năm rồi, khi kết thúc đại hội thường niên, mời gọi mọi người lưu ý tới “giáo huấn trường cửu và bất biến của Giáo Hội về gia đình” và việc “Thiên Chúa muốn hôn nhân bất khả tiêu như lời Chúa Giêsu quả quyết ‘sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, con người không được phân ly’”.
Cũng trong tuyên bố trên, các giám mục Ghana, trong đó, có Đức Tổng Giám Mục Palmer-Buckle, xác quyết rằng “Giáo Hội cũng sẽ tiếp tục dạy rằng ly dị người phối ngẫu hiện còn sống và hợp pháp là điều Giáo Hội không cho phép vì nó phân ly điều Thiên Chúa đã kết hợp. Giáo Hội đau khổ với những người không được rước lễ vì tình thế hôn nhân của họ và sẽ tiếp tục đồng hành với họ trong đức tin để khuyến khích họ đừng ngã lòng”.
Đức Hồng Y Napier cho hay từ sau tuyên bố trên của Hội Đồng Giám Mục Ghana, các giám mục toàn lục địa Phi Châu chờ mong Thượng Hội Đồng tháng Mười sắp tới tại Rôma. Được hỏi về việc chuẩn bị của các vị, Đức Hồng Y Napier cho hay: các hội đồng giám mục đã khảo sát bản câu hỏi do Thượng Hội Đồng soạn thảo.
Ngài nói: “theo ý kiến của tôi, các giám mục đã quyết định đơn giản hóa bản câu hỏi và tập chú vào 5 phạm vi phát xuất từ văn kiện cuối cùng”.
Phạm vi đầu tiên là “vấn đề chủ yếu phải chuẩn bị và đồng hành với hôn nhân”.
Nhắc tới “Familiaris consortio”, tức tông huấn hậu thượng hội đồng năm 1980 của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Hồng Y Napier cho hay: “chúng tôi không chỉ nói tới việc chuẩn bị cho ngày cưới, mà là trọn chương trình giáo lý từ lúc chịu Thêm Sức cho tới lúc kết hôn. Còn đồng hành thì trong 4 hay 5 năm đầu: làm cho cặp vợ chồng hiện diện trong giáo xứ, đồng hành với cặp vừa kết hôn”.
Phạm vi thứ hai liên quan tới thừa tác vụ “khi hôn nhân tan vỡ” và phạm vi thứ ba là việc sống chung. Đức Hồng Y cho rằng “Nhiều cặp sống với nhau trước khi tiến tới. Điều gì khiến họ làm như thế? Kết hôn có gì khác đối với họ? Đại loại những câu hỏi như thế, chúng ta phải tìm ra đâu là nguyên nhân”.
Phạm vi thứ tư là “vấn đề khi cuộc hôn nhân tan vỡ, thì làm cách nào họ tới được các tòa án để cuộc hôn nhân của họ được điều tra, và tuyên bố là vô hiệu nếu đó là trường hợp?”
Phạm vi thứ năm “là các hoàn cảnh ngoại thường mà một số gia đình đang phải sống trong đó” như cha mẹ đơn lẻ và các gia hộ do con trẻ đứng đầu”.
Đức Hồng Y Napier cũng cho rằng điều tuyệt đối quan trọng là tín hữu phải cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng và các giám mục tham dự.
Ngài đặc biệt nhắc đến tuần cửu nhật thờ lạy Thánh Thể do Christine McCarthy và Diane Montagna thuộc Hội Thờ Lạy Thánh Thể tổ chức. Khi các nhà tổ chức nói cho ngài biết sáng kiến của họ, ngài bèn trình bày sáng kiến này với Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Phi Châu “và lập tức sáng kiến này được đem ra bàn tại uỷ ban thường trực, và tôi biết Đức Tổng Giám Mục Accra, của Ghana, cho hay nó sẽ được áp dụng tại giáo phận của ngài”.
Đức Hồng Y Napier nói rằng cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng là việc quan trọng: “Tôi chưa bao giờ cảm nghiệm được việc lời cầu nguyện là một sự hỗ trợ mà bạn có thể cảm nhận, cho bằng lúc, trước khi có mật nghị hội bầu giáo hoàng trước đây, chúng ta có chương trình gọi là Nhận Một Đức Hồng Y (Adopt a Cardinal); ôi, quả thật tuyệt diệu, khi nhận được một tin nhắn hay một “tweet” của ai đó nói rằng ‘Con nhận được tên của Đức Hồng Y, và con đang cầu nguyện cho Đức Hồng Y, con muốn Đức Hồng Y biết điều đó’. Tôi chắc chắn cảm nhận được việc chúng tôi được những lời cầu nguyện ấy nâng đỡ”.
“Và tôi nghĩ: đối với Thượng Hội Đồng lần này, đặc biệt vì nó bàn tới vấn đề sinh tử là gia đình và hôn nhân, chúng tôi cần càng nhiều lời cầu nguyện càng hay: thành thử ý niệm Thờ Lạy Thánh Thể là một trong những ý niệm hay nhất, tôi nghĩ vậy”.
Vũ Văn An