Phaolô xây dựng hiệp nhất cho Côrintô

Giáo Hội bước vào tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất. Tuyên xưng Giáo Hội duy nhất nhưng vẫn còn chia rẽ, tuyên xưng Giáo Hội thánh thiện nhưng vẫn mang trong mình tội nhân. Tội chia rẽ có từ thời các Tông đồ. Các ngài đã vất vả với vấn nạn này. Phao-lô đã phải cố gắng hàn gắn sự chia rẽ này trong cộng đoàn Cô-rint-tô. Chúng ta cùng chia sẻ đôi dòng dưới đây.
 
Cô-rin-tô là thành phố có những người từ mọi chân trời kéo đến. Đó là nơi buôn bán của người Âu châu, của các thương gia và của các ngư dân, thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, giàu hay nghèo và đủ mọi truyền thống. Đây cũng là một thế giới phức tạp, thuận có, nghịch có, người thì chuộng tinh thần tự do Hy lạp cộng với thói hẹp hòi khép kín kiểu Do thái, người thì yêu mến tinh thần ki-tô giáo, người thì sống theo kiểu đảng phái chính trị. Đúng là một cộng đồng rất xáo trộn đang cần tạo nên sự hiệp nhất trong đó. Bên trong một cộng đoàn giống như “chiếc dao cạo xủi bọt”[1], Phao-lô giống như là nhà tư tưởng độc đáo có cái nhìn vượt trội. Ngài xua tan một cộng đoàn đầy mâu thuẫn để xây dựng cộng đoàn với một trái tim nhiệt huyết của một nhà truyền giáo.
 
Trong lá thư của mình, Phao-lô nói về nhiều chủ đề. Tất cả đều tập trung vào một chủ đề: hiệp nhất Giáo Hội. Ngài yêu cầu dân Cô-rin-tô chấm dứt ngay những bê bối và chia rẽ giữa các nhóm trong cộng đoàn. Ngài mời gọi họ hiệp nhất như một chọn lựa khôn ngoan của Thiên Chúa, sự khôn ngoan vượt hẳn sự khôn ngoan Hy lạp. Sự khôn ngoan của Thiên Chúa mạc khải sứ điệp của Thập giá, dù là điên rồ của nhân loại, nhưng lại vượt lên trên sự khôn ngoan của nhân loại. Dân Cô-rin-tô không thể xây dựng sự hiệp nhất nếu gắn bó một cách thái quá vào những người rao giảng: tôi thuộc phe Phê-rô; tôi thuộc phe Phao-lô v.v., tất cả chỉ thuộc vào Đức Ki-tô mà thôi, Ngài là viên đá góc nơi qui tụ tất cả mọi viên đá khác.
 
Để xây dựng sự hiệp nhất, Phao-lô cũng yêu cầu dân Cô-rin-tô phải biết dùng đoàn sủng để phục vụ công đoàn. Ngài dạy họ rằng các đoàn sủng là những ân huệ của Chúa Thánh Thần, Đấng duy nhất qui tụ họ nên một thân xác. Phần họ, mỗi người phải cảm nhận mình như thành phần của thân xác này và giữ vai trò qui hướng về Thiên Chúa trong sự hiệp nhất với những người khác. Trong thân thể đó, sự đa dạng không phải là nguồn gốc chia rẽ, nhưng là sự giàu có. Mỗi người được kêu gọi cảm nhận sự hiệp nhất với người khác và làm chứng về bác ái. Bác ái phải đẩy mạnh hơn đối với người nghèo và người yếu tin. Như vậy, ngài kêu gọi họ đừng ăn đồ cúng tế để không gây gương mù cho những người yếu tin. Trái lại, khi ăn uống, họ phải nghĩ đến người khác bị đói  khát, trong khi những người khác lại no nê, dư thừa, say xỉn.
 
Phao-lô cũng mời họ sống hiệp nhất bằng việc tôn trọng các truyền thống mà họ đã nhận từ các tông đồ và trung thành với chân lý đức tin. Trong các cộng đoàn cầu nguyện, dân Cô-rin-tô phải có thái độ nhìn nhận những cái tốt của người khác: đội khăn của nữ, tóc ngắn của nam. Về chủ đề phục sinh chia rẽ cộng đoàn, Phao-lô nhấn mạnh rằng niềm hy vọng phục sinh từ cõi chết có nền tảng là sự phục sinh của Chúa Giê-su. Phủ nhận điều đó là phá hủy tính xác thực của đức tin ki-tô giáo. Đức Ki-tô phục sinh là lời hứa ban sự sống và hiệp nhất. Sự hiệp nhất này sẽ là dấu báo trước sự sống ở Giê-ru-sa-lem Trên Trời.
 
Ở Cô-rin-tô, Phao-lô không hề thất vọng, ngài đã giảng và viết tất cả kinh nghiệm thiêng liêng và thực hành để xây dựng Giáo Hội đầu tiên hiệp nhất giữa môi trường dân ngoại, cho nên Giuse Holzner nói: “Thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô đã trở thành lá thư giàu có và thú vị nhất trong tất cả các thư của ngài”[2]; “Khi nhìn nhận sự giàu có đó, chúng ta phải tạ ơn Chúa đã kéo sự lành từ sự dữ”. Thật vậy, “Phao-lô sẽ không bao giờ viết các chương này cho thần học của mọi thời đại… nếu không xảy ra những lầm lạc và xáo trộn ở Cô-rint-tô?”
 
Áp dụng cho thực tại hôm nay
 
Người mục tử hôm nay trong mỗi cộng đoàn cần sự khôn ngoan Chúa ban để tránh những nguyên nhân gây rạn nứt giữa các hội đoàn và các thành viên trong cộng đoàn. Bác ái chân thành và Lời Chúa được rao giảng sẽ tạo sự hiệp nhất trong cộng đoàn. Cũng như lời thánh Âu tinh: “Cứ yêu đi rồi làm gì thì làm”. Dấu hiệp nhất là dấu thiên hạ nhận biết ki-tô hữu là bạn hữu Chúa Ki-tô.
 
Mỗi thành viên cần ý thức và có thói quen làm việc nhóm, làm việc tập thể. Không ghen tuông vì người khác hơn mình, nhưng hãy động viên mình bằng việc nên biết rằng mỗi người có một vài ưu điểm riêng. Mình biết cái này người biết cái kia. Một cách tích cực, mọi người là sự giàu có của mình và đang bổ túc cho mình.
 
Đức Hồng Y Fernando Filoni, Bộ Trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng cho các dân tộc, chọn đúng tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Ki-tô hữu để đến thăm Giáo Hội Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 25 tháng 01 năm 2015. Ý nghĩa sâu xa của chuyến viếng nhằm khích lệ Giáo Hội Việt Nam, có số tín hữu đông thứ hai tại Châu Á, dấn thân làm chứng cho Tin mừng vốn được lãnh nhận năm 1533. Để cho hạt giống này đơm bông kết trái, thiết nghĩ mỗi kitô hữu trước hết cần cùng nhau chuẩn mảnh đất màu mỡ tại gia đình, cộng đoàn giáo xứ mình để các giá trị do Lời Chúa không ngừng mang lại cho mỗi thành viên và từ đó thúc đẩy chúng ta chia sẻ với những người chưa biết đến. Đó cũng chính là lời mời gọi của các Giám mục Việt Nam trong công cuộc Tân Phúc Âm Hóa đời sống giáo xứ cho năm 2015 này.
 
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa
 


[1] Giuse Holzner, Phao-lô thành Tác-sô, tr. 356.
[2] Nt., tr. 265-386.