Trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng, Đức thánh cha Phanxicô có đề cập đến những cách thức ngăn cản sự rao giảng Tin mừng, đó chính là “hình thức thù nghịch, chia rẽ, vu khống, nói xấu, oán thù, đố kỵ và ước muốn áp đặt một số ý tưởng bằng bất cứ giá nào…”.
Nếu nhìn một cách tổng thể, chúng ta dễ dàng thấy đó đều là những biểu hiện của sự tranh chấp, mà nguyên nhân đầu tiên của sự tranh chấp là vì lợi ích riêng của cá nhân.
Trong cuộc sống ngày nay, con người trở nên thực dụng với những vật chất trước mắt, mà họ lại quên đi những lợi ích thiêng liêng, mà dù có tiền trăm bạc vạn cũng không thể mua được. Do nhu cầu sử dụng của cá nhân, con mắt của sự ham muốn và con tim liên đới với một khối óc tính toán. Tính toán ở đây là sự so tính với Chúa; đấng mà hằng chờ đợi, đấng hy sinh cả tính mạng làm giá chuộc muôn dân, ấy vậy mà con người lại đối xử với Ngài như vậy. Một vài suy nghĩ nhỏ bé trong suốt những năm tháng sống giữa lòng xã hội hôm nay, có thể một số người cũng đã gặp phải hoàn cảnh như vậy, hy vọng suy nghĩ của bản thân sẽ góp một phần nhỏ bé cho suy nghĩ lớn lao của mọi người.
- Thù nghịch là gì? Chúng ta có thể nhớ lại lời Chúa nói rằng “Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi”, trong sách Roma cũng có chép: “Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống”. Nếu lắng nghe được lời Chúa như vậy, chúng ta không được ghét kẻ thù của mình, nhưng nếu ý thức được điều đó, ta lại càng không nên tạo ra kẻ thù cho mình, bởi điều đó chẳng đẹp lòng Chúa bao giờ. Chỉ suy nghĩ đến đây, chúng ta thấy lời Chúa dạy quả thật khó làm, mà nhất là trong xã hội hôm nay, có quá nhiều sự khủng hoảng, con người rất dễ rơi vào tình trạng stress; nó sẽ làm cho con người trở nên nóng tính, trở nên mất cảm xúc và không làm chủ được bản thân. Nhưng hãy nhớ rằng, không có gì là không thể nếu chúng ta không biết cố gắng, còn lại chúng ta hãy phó thác cho tình yêu của Chúa.
- Chia rẽ, Chúa cũng chẳng dạy chúng ta chia rẽ, bởi “ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh thầy, thì có thầy ở giữa họ” (Mt 18,20). Chúng ta có thể xác huyết vào lời mời gọi của Chúa để làm kim chỉ nan cho cuộc đời mình. Chia rẽ cũng là một biểu hiện của lợi ích cá nhân, con người muốn lợi ích cho bản thân mình, buộc họ phải tách người anh em mình ra mà hưởng lợi ích một mình. Lòng tham khiến con người trở nên lạnh nhạt với những giá trị đạo đức, đặc biệt họ quên đi những giá trị siêu nhiên của con người. Lòng tham điều khiển cả lý trí để họ phải đi theo và trở nên tay sai cho tiền bạc, làm nô lệ cho sự phát triển quá đỗi nhanh chóng của xã hội và thời đại; mà họ quên mất con người chính là hình ảnh của thiên Chúa, là đền thờ của Chúa thánh thần.
- Vu khống; một cách mà người ta tránh né và chối bỏ trách nhiệm của bản thân trước mặt Chúa. Khi rơi vào lầm lạc tội lỗi, thay vì chúng ta chạy đến cậy dựa vào long xót thương của Chúa, nhưng ngược lại, chúng ta đổ lỗi cho người này, đổ lỗi cho việc này hay việc khác. Nhưng sự quan phòng của Chúa thì chẳng có gì là Ngài không thấu suốt. Chúng ta vẫn biết Chúa giàu lòng trắc ẩn, nhưng chúng ta vẫn cố tình chối bỏ quyền mà Thiên Chúa chỉ ban tặng cho con người mà thôi. Vu khống cũng giống như một hình thức của tội lỗi, bởi Chúa dạy chúng ta chớ làm chứng dối, và Đức thánh cha Phanxico cũng khẳng định “Đừng nghi ngờ gì nữa. Ở đâu có vu khống, ở đó có Satan hiện diện”.
- Nói xấu, một cách hạ uy tín cũng như làm mất danh dự người khác. Đó cũng là hành động của ma quỷ, khi mà chúng ta chỉ thấy cái xấu của anh em mình, thì chính lúc đó chúng ta lại quên mất người anh em với mình cũng là con Chúa, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào những điểm xấu của người khác mà đánh giá thì không hợp lý và mất công bằng, bởi “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” .(Lc 6, 37-38).
- Oán thù, điều mà ngày nay trong chính xã hội này, chúng ta dễ cảm nhận được. Con người sống cho đi đúng với cách người khác đối xử với mình. Họ sống trong sự chờ đợi xem người khác đối xử với mình như thế nào để xử ngược lại như vậy. Nhưng con đường và ý hướng của Chúa lại khác, Chúa muốn “anh em phải có lòng nhân từ như cha anh em trên trời là đấng nhân từ”; Không những tha bảy lần, nhưng Chúa nói phải tha đến bảy mươi lần bảy. Chính vì thế, ngay từ lúc này, chúng ta phải bỏ đi những oán thù tầm thường, oán thù là cách mà chúng ta giúp cho ma quỷ xâm nhập gần hơn với chúng ta.
- Đố kỵ. Lợi ích cá nhân sẽ sinh ra sự hơn thua và đố kỵ. Trẻ nhỏ biết đố kỵ nhau khi ai mặc đồ đẹp hơn, giới trẻ đố kỵ nhau bởi sự sành điệu, cách chơi sành điệu hay một thứ hơn người nào khác, người làm ăn, kinh doanh đố kỵ nhau trong chức tước, danh vọng, địa vị…, tất cả những đố kỵ ấy sinh ra lòng ích kỷ, nhỏ nhen khiến con người phải lo sợ, phải đề phòng và tìm cách triệt tiêu lẫn nhau để mình chiếm thế thượng tôn. Nhưng đối với Chúa, người làm đầu phải là người làm bé, phục vụ anh em mình. Chúa cũng quả quyết, “Ai trở nên bé nhỏ như em nhỏ này, kẻ đó sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4); hơn thế nữa, chúng ta cũng phải biết “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”(Mt 18,3). Chúng ta chỉ cần cậy dựa vào lòng từ bi và thương xót của Chúa, một phương thuốc hữu hiệu giúp ích cho đời sống của chúng ta.
- Muốn áp đặt người khác, đó là hành động đầy ích kỷ. Áp đặt cũng là một cách mà người đời muốn đẩy vị trí của mình lên cao, muốn độc quyền trong mọi suy nghĩ và hành động. Ích kỷ trong suy nghĩ đã tai hại thì ích kỷ trong hành động cũng tai hại gấp nhiều lần. Không phải ai cũng hiểu được điều đó, trong xã hội hôm nay, sự thực dụng, cái mà lợi ích trước mắt mới là hướng mà người ta nhắm đến. Vì lợi ích mà họ chẳng màng đến người khác. Trong xã hội ngày nay không thiếu những tấm gương như thế, chúng ta hãy biết nhìn nhận vấn đề và trách xa những điều xấu và trở về với Thiên Chúa là cha của tình yêu và lòng nhân từ. Chúa gọi mời chúng ta nhưng Ngài luôn cho chúng ta sự tự do chọn lựa, và người hằng chúc phúc cho chúng ta. Hãy học cùng Chúa, người thầy vượt trội trên mọi mây ngàn.
Chúa nhật 29 thường niên, khánh nhật truyền giáo – ngày thế giới cầu nguyện cho việc truyền giáo; một nhiệm vụ quan trọng đã được Chúa trao phó cho các tông đồ và tất cả mọi người phải ra khơi thả lưới. Với nhiệm vụ này, đòi buộc người Kito hữu phải biết bỏ đi những gì xa lìa Chúa, phải biết vượt qua những thử thách, sống làm gương cho người khác noi theo. Để vượt qua những thử thách ấy, chúng ta chẳng còn cách nào khác là phải biết làm chủ bản thân và cầu nguyện với Chúa. Nếu không có ơn Chúa chúng ta chẳng thể làm được gì. Đặc biệt trong công cuộc rao truyền tin mừng, sức mạnh của Chúa càng quan trong hơn gấp bội phần. Cũng trong tông huấn Niềm vui của Tin mừng, đức thánh cha có nhắc đến việc cầu nguyện, Ngài nói, “cầu nguyện cho một người mà ta tức giận là một bước rất đẹp tiến tới tình yêu, và là một hành vi loan báo Tin mừng”. Chúc cho mọi người biết ý thức bản thân mình và biết hăng say làm nhân chứng cho Chúa trong cuộc sống thường nhật, dù mình ở cương vị nào.
Khánh nhật truyền giáo 18.10.2015
Vũ Lưu Hành. Gp. Long Xuyên