Ông cố nghèo miền sông nước

“Hai lúa siêu mỏng” là cụm từ linh mục Phanxicô Xavie Đinh Trọng Tự hóm hỉnh tự giới thiệu về mình. Tròn 20 năm gắn bó với giáo xứ Rạch Súc (Bình Nhật B, Long Hòa, TP Cần Thơ), vị mục tử này vẫn ở trong căn nhà xứ cũ kỹ được dựng bằng tôn, thiếu thốn nhiều tiện nghi. Chính ngài lại không ngừng vun đắp, giúp đỡ người nghèo để bộ mặt nông thôn ngày thêm tươi mới.

Yêu thương bằng hành động

Cha Tự là một người lạc quan, vui vẻ. Trong cuộc chuyện trò với ngài, hầu như không lúc nào vắng đi tiếng cười, ngay cả khi nhắc về những gian lao, khổ cực. Mồ côi cha mẹ từ lúc mới lên một, cậu bé Tự được anh chị cưu mang và chắp cánh cho ước mơ trở thành linh mục. Vì là con nhà nghèo, nên ấu thơ của cậu là cả chuỗi ngày cơ cực với đủ thứ công việc từ chăn trâu, cắt cỏ cho đến mò cua, bắt ốc… Có lẽ những thiệt thòi từ bé vô hình đã trở thành niềm day dứt khôn nguôi, để khi trở thành một linh mục, cha lại dang rộng đôi tay “ôm” người nghèo khó vào lòng.

Thụ phong từ năm 1968, cha được bài sai về dạy ở Tiểu chủng viện Cái Răng. Năm 1969, cha nhận trọng trách mới là làm tuyên úy cho trường trung học Đồng Tiến (chính là trường cấp 3 Bùi Hữu nghĩa ngày nay, nằm trên đường CMT8, thành phố Cần Thơ) và sau đó là giám đốc Trung tâm Mục vụ Cần Thơ. Sau năm 1975, cuộc đời ngài trải qua thời kỳ tăm tối khi phải chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Mãi đến năm 1994, khi cha về Rạch Súc thì cuộc đồng hành dai dẳng với những người nghèo mới có thể chính thức bắt đầu.

Dân vùng Rạch Súc ngày xưa làm nghề nông. Tuy không đến nỗi lông bông, rày đây mai đó nhưng đời sống khó khăn tư bề. Ngay đến cái cần thiết, cơ bản nhất là nước cũng rất thiếu thốn. Thấy dân phải sử dụng nước lung tung không đảm bảo vệ sinh, cha liền hỗ trợ cho các gia đình vào nước sạch nông thôn. Một số hộ do ở vùng sâu, đường nước chưa có thì cha tặng họ thùng lọc để tránh đi tình trạng sử dụng nước lóng bằng phèn chua. Ở miền Tây dân toàn dùng “cầu tõm” (cầu tiêu cá), cha xây mới cho họ cầu tiêu máy vừa an toàn lại vệ sinh. Làm được chừng 15 cái thì mỗi gia đình tự làm theo, “xóa” dần “cầu tõm”.

Con đường sình lầy dẫn vào xóm và những cây cầu khỉ tạm bợ bắt qua sông cũng là một mối băn khoăn không nhỏ đối với cha Tự. Kết hợp với địa phương, cha đắp đường, xây nên nhiều chiếc cầu kiên cố để việc đi lại của bà con trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.

Không chỉ lo về điều kiện sống, cha còn quan tâm nhiều đến chuyện học của “xấp nhỏ” trong vùng. Do vất vả với công việc mưu sinh, các gia đình ít quan tâm con cái mình học hành ra sao. Phần nữa là bởi họ cũng không đủ khả năng nên không thể lo cho con học đến nơi đến chốn. Thấy được điều đó, cha liên hệ với quỹ tài trợ cho học sinh vùng quê nghèo Đồng bằng sông Cửu Long để xin học bổng. Mỗi năm khoảng 100 em được tài trợ, mỗi suất học bổng  từ 3 – 4 triệu đồng. Cứ thế hằng năm, cha cặm cụi viết đơn, đi thăm hộ nghèo để lập danh sách các em có hoàn cảnh. Rồi khi em nào nhận được tài trợ, cha lại khuyến khích, động viên để các em có thêm tinh thần mà cố gắng học tập.

Bao nhiêu năm làm sở họ đạo Rạch Súc là bấy nhiêu năm tình thương của cha sưởi ấm lòng người dân trong xứ. Đối với họ, cha không chỉ là một vị chủ chăn mà từ lâu đã trở thành người một người thân trong gia đình, cùng họ trải qua biết bao thác ghềnh trong cuộc sống.

Hoa trái từ tấm lòng

Nhiều năm gần đây, đời sống của bà con dọc những con rạch nhỏ xung quanh giáo xứ đã dần thay đổi, điều kiện sinh hoạt tốt hơn mà dân trí cũng có nhiều khởi sắc. Học sinh không còn bỏ học giữa chừng và số người tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định. Cha hồ hởi khoe: “Nhờ học hành tới nơi tới chốn, tụi nhỏ làm được đủ nghề, có đứa giáo viên, có đứa làm công ty, xí nghiệp này kia. Trong số mấy học sinh được lãnh học bổng giờ cũng có ba người đang làm dì phước giúp xứ ”. 

Mong ước sự sung túc, no đủ cho người khác còn bản thân mình lại sống trong cảnh khó nghèo. Hơn 45 năm làm linh mục, đến bây giờ tài sản của cha Tự chẳng có gì ngoài bộ Pyjama nhàu và chiếc đồng hồ điện tử trầy xước. Trong căn phòng nhỏ của cha, vật dùng được tối giản đến mức bất tiện, ngay đến nhà vệ sinh riêng cho mình cha cũng không có. Những lần “bị gậy” đi xin tài trợ cho người nghèo từ các nơi trên thành phố cha đều dí dỏm gọi là đi karaoke. Mỗi chuyến như vậy cha phải khởi hành từ lúc 3 giờ sáng, một mình ra bến bắt xe rồi ròng rã cả ngày trên những chuyến buýt ở thành phố. Đói thì ăn bánh mì, buồn ngủ thì chợp mắt trên xe buýt, ấy vậy mà tinh thần lạc quan vẫn tràn trề. “Ngài chẳng có gì, chỉ có tình thương!”, cha phó Micae Nguyễn Khắc Minh xúc động khi nói về vị chánh xứ của mình.

chaTu-1.jpg

Tình thương thôi thúc cha dành một rẻo đất bên hông nhà thờ xây mấy căn phòng nhỏ khang trang cho sinh viên nghèo các nơi bất kể tôn giáo đến trọ học miễn phí. Ngày ba bữa cơm, cha con có gì ăn nấy. Cũng tình thương ấy khiến cha dù có đang bận việc hoặc đang nghỉ trưa, khi có người tìm đến xin giải tội hay giãi bày những khổ đau, cha đều lật đật giúp họ. Để rồi căn phòng của cha được bà con đặt là “căn phòng nước mắt”, bởi vì mọi hoàn cảnh khổ đau đều đến đây gặp cha để trút cho vơi bớt.

Cha có một tình thương đặc biệt dành cho trẻ con. Hầu như lúc nào túi áo ngài cũng cất đầy bong bong đủ màu, hễ gặp con nít là phát cho mỗi đứa một ít. Những chiếc bong bóng làm vui lòng trẻ nhỏ bao nhiêu thì vị mục tử già này cũng cảm thấy mãn nguyện bấy nhiêu vì chính mình đã góp phần vào niềm vui bé dại ấy. Trong tháng hè, trẻ con đến với giáo xứ rất đông để tham gia các sân chơi. Những lúc ấy cha đều có mặt, “rồng rắn” cùng lũ trẻ như một người ông xúm xít với các cháu của mình. Thiếu nhi xứ này vì thế đều thương cha, chúng gọi cha là “ông cố nhân hậu” của chúng. Em Nguyễn Thị Hồng Ngọc, thiếu nhi của xứ nhận xét: “Ông cố thường hay tham gia chơi cùng tụi con. Ông cố thương tụi con lắm, cái gì tốt đẹp cũng đều dành hết cho thiếu nhi!

chaTu-2.jpg

Tình thương bao la của cha còn mở ra cho cả những người lỡ chân sa vào tệ nạn. Cạnh nhà thờ có sân rộng dùng để chơi thể thao, thanh niên trong xứ hoặc bên ngoài đến xin cha đều cho vào chơi thỏa thích. Một số thanh niên là thành phần bất hảo trong vùng, xì ke, ma túy, cha cũng rộng cửa cho đến chơi thể thao. Ngài thổ lộ: “Họ đã bị xã hội xa lánh nhiều rồi nên mình càng không thể làm vậy. Cho họ một sân chơi cũng là cách để họ bớt đi thời gian phá phách ở bên ngoài”.

Tình thương làm cha trở nên gần gũi và thân thuộc với con chiên. Sau thánh lễ, họ thường nán lại nhà thờ hỏi han ông cố đủ chuyện. Để mọi người có một chỗ ngồi lại với nhau, cha dành căn phòng trống phía trước sân nhà thờ làm căn-tin và mỗi sáng chủ nhật nơi đây trở thành “quán cà phê” để giáo dân ngồi lại chuyện trò. Lúc đó, cha sẽ đi một vòng, tận tay mời họ cà phê, thăm hỏi từng người để mối liên lạc giữa cha con càng thêm bền chặt.

Những đức tính đáng quý của ông cố vùng sông nước này bao nhiêu năm qua vẫn không hề thay đổi như chính cái nghèo vật chất cứ bám riết lấy ngài. Dù vậy, cha vẫn luôn nở nụ cười tươi, truyền đi cho người đối diện niềm hy vọng về một ngày mai tràn đầy hạnh phúc.

***

Giống như con rạch nhỏ phía trước nhà thờ âm thầm chảy qua mấy mùa thời gian, cha Tự đã miệt mài với công việc phục vụ người nghèo gần suốt cả đời linh mục. Đến nay dù sắp nghỉ hưu nhưng cha vẫn ở lại giáo xứ, trở thành một người đồng hành về tinh thần. Có cha, giáo xứ như có một rường cột vững chắc để dựa vào mà tiếp bước đến tương lai.

(Thiên Lý, WGP.Cần Thơ 09.11.2015)