Thưa cha, vừa qua có một cha nói với chúng con là: “Ai cư ngụ (trong trường hợp tạm trú) ở giáo xứ mình một tháng là thuộc quyền của giáo xứ” nên cha xứ có quyền lo hồ sơ hôn phối,… Nhưng theo Giáo luật thì con thấy phải cư trú từ 3 tháng trở lên (bán cư sở). Vậy theo cha vấn đề này như thế nào? Xin cha cũng cho chúng con biết về các trường hợp cư sở, bán cư sở và trách nhiệm của cha xứ đối với các trường hợp này như thế nào?
I. Giáo Luật chung
Điều 1115 của Bộ Giáo Luật 1983 quy định: “hôn nhân phải được cử hành trong giáo xứ nơi một trong hai bên kết ước có gia cư hay chuẩn cư hay đã cư ngụ một tháng…”.
1- Gia Cư (domicilium): Giáo Luật quy định “ai cư ngụ trong địa hạt của giáo xứ nào, với ý định sẽ ở vĩnh viễn nếu không có gì thay đổi, hoặc đã ở trọn 05 năm, thì thủ đắc gia cư” (GL 102,1).
Nơi cư ngụ, hiểu theo nghĩa thông thường, là nơi nghỉ đêm, không phải nơi lao động hay học tập…
“Ai đi khỏi nơi cư ngụ với ý định không trở lại, thì mất gia cư hay chuẩn cư” (GL 106). Nếu một người bán nhà dời đi nơi khác hay đã chuyển hộ khẩu thường trú, đương nhiên mất quyền về gia cư hay chuẩn cư.
Nếu một người đi lao động nơi khác hơn 05 năm, vẫn còn nhà cửa và hộ khẩu thường trú ở quê quán, thì không mất quyền hạn về gia cư hay chuẩn cư. Điều luật 102 và 106 không ngăn cản người này nhận là mình có 02 gia cư, nơi quê quán và nơi đã thực sự cư ngụ trên 05 năm. Như thế một người từ Hà Nội vào Sài Gòn lao động đã trên 05 năm, vẫn còn nhà cửa và hộ khẩu thường trú ở quê quán, người này có gia cư theo Giáo Luật cả hai nơi, tại Hà Nội và Sài Gòn.
2- Chuẩn cư (quasi domicilium): “ai cư ngụ trong địa hạt của giáo xứ nào, với ý định sẽ ở lại ít là 03 tháng nếu không có gì thay đổi, hoặc thực sự đã ở trọn 03 tháng, thì thủ đắc chuẩn cư” (GL 102,2). Căn cứ theo điều 106 nói trên, một người có thể có nhiều chuẩn cư.
Gia cư hay chuẩn cư là một khái niệm thuần túy Giáo Luật, không có trong cổ luật Roma và Tây Phương trước đây. Khái niệm “tạm trú” của luật dân sự, dù ở Việt Nam hay ngoại quốc, không đồng nghĩa với “chuẩn cư”.
“Cứ theo gia cư và chuẩn cư, mỗi người biết được ai là linh mục chính xứ hay vị Thường Quyền của mình” (GL 107). Bản dịch tiếng Việt hơi tối nghĩa; nguyên bản là “tum per domicilium tum per quasi – domicilium quisque parochum et Ordinarium sortitur”. Như vậy, dù chỉ có chuẩn cư ở TPHCM, người tín hữu vẫn là người thuộc trách nhiệm mục vụ của linh mục chính xứ và vị Thường Quyền sở tại.
Linh mục chính xứ và vị Thường Quyền sở tại có trách nhiệm chăm sóc mục vụ cho họ theo các quyền: Giáo huấn, Thánh hóa và quản trị. Linh mục chính xứ có trách nhiệm trong việc cử hành hôn phối và nghi thức an táng cho họ (GL 1115; 1177).
Thông thường, hiệu quả pháp lý của gia cư và chuẩn cư tương tự như nhau đối với người giáo dân; chỉ có khác biệt khi xét thẩm quyền của Vị Thường Quyền và tòa án giáo phận (GL 1673). Những trường hợp Giáo Luật phân biệt gia cư và chuẩn cư rõ rệt, phần nhiều liên quan đến giáo sĩ và tu sĩ: phong chức phó tế (GL 1016); trao năng quyền Giải Tội (GL 967)…
3- Gia cư pháp định (domicilium legalis): có một số người không có gia cư hay chuẩn cư theo nơi mình hiện cư ngụ, nhưng phải theo quy định của Giáo Luật; đặc biệt đối với các vị Giám mục, linh mục và tu sĩ (GL 103). Chẳng hạn, dù cư ngụ thực tế tại ĐCV Thánh Giuse, Đức GM phụ tá giáo phận Sài Gòn vẫn có gia cư theo Giáo Luật là Tòa GM và một nơi nào đó ở Phi Châu (nơi mà ngài làm GM hiệu tòa).
Người vị thành niên (dưới 18 tuổi) phải theo gia cư và chuẩn cư của cha mẹ hay người giám hộ (GL 105).
4- “Đã cư ngụ một tháng” (menstrua commoratio):
Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XIV đã cho phép nơi các xứ truyền giáo: linh mục chính xứ được quyền cử hành hôn phối nếu một trong hai người kết hôn đã cư ngụ trong giáo xứ hơn 01 tháng (Litteris die 19 Martii 1758 ad Archiep. Goanum datis; COLLECTANEA S. CONGREGATIONIS DE PROPAGANDA FIDE Vol. II, n. 1305, Romae 1907, p. 2).
Năm 1916, Thánh Bộ Bí Tích ra Chỉ Thị (instructio), như luật chung cho toàn Giáo Hội, cho phép linh mục chính xứ cử hành hôn phối cho người đã cư ngụ trong giáo xứ được 01 tháng. Quy định này được giữ lại trong bộ Giáo Luật 1983 điều 1115.
Chỉ Thị nói trên quy định: phải là sự cư ngụ thể lý, liên tục trong vòng một tháng (physica, moralmenter continuata); nếu bị gián đoạn nhiều ngày, dù có ý định trở lại, vẫn phải tính thời gian lại từ đầu (ex novo).
Việc cư ngụ này phải diễn ra ngay trước khi tiến hành hôn phối.
Không bắt buộc phải là cư ngụ với ý định thủ đắc gia cư hay chuẩn cư; có thể đây chỉ là tạm trú để học tập, du lịch …. (Instr. S. C. Sacramenti, 28 genn. 1916, AAS 1916, p. 64).
II. Luật riêng của Giáo phận
Trong Tổng Giáo phận Sài Gòn, quy định này có hiệu lực từ lâu đời: “Linh mục chính xứ chỉ tiến hành hôn phối cho những người có gia cư hay chuẩn cư hay đã cư ngụ một tháng trong giáo xứ. Nếu không có gia cư hay chuẩn cư hay đã cư ngụ một tháng trong giáo xứ, linh mục chính xứ vẫn còn một phương cách để chứng hôn hợp pháp là xin phép của linh mục chính xứ hay vị Thường Quyền của một trong hai người định kết hôn (thường là bên nhà gái)” (dịch từ bản tiếng Pháp trong Directoire pour les Missions de la Cochinchine Occidentale et du Cambodge, Saigon 1922, p. 161).
Đối với các giáo phận Miền Bắc cũng thế: “Cho khỏi lỗi khi làm phép Hôn phối, thì Đấng có quyền ấy (đừng kể sự đã tra cho đắc thật kẻ toan kết bạn không mắc ngăn trở gì) chỉ nên làm cho kẻ (ít là một bên) có gia cư hay là nửa gia cư, hay là đến ở nơi kết bạn đã được một tháng tròn; chẳng vậy thì phải có phép Bề Trên địa phận hay là thày cả chính xứ một bên có gia cư hay là nửa gia cư, hay là đang ở đấy đã được một tháng” (Luật Riêng địa phận Hà Nội, Hanoi 1941, p. 281).
III. Một vài nhận định
1- Một linh mục chính xứ chứng hôn thành sự cho đôi hôn phối trong địa giới của mình. Và ngài chứng hôn hợp pháp nếu một trong hai người đã cư ngụ trong giáo xứ liên tục được một tháng, không cần phải xin phép hay được uỷ quyền của linh mục chính xứ bên nhà trai hay nhà gái.
2- Với quy định “đã cư ngụ một tháng”, Thánh Bộ Bí Tích dành cho đôi bạn quyền tự do chọn lựa nơi cử hành hôn phối thoải mái hơn, nhưng quy định này không hề buộc linh mục chính xứ, nơi họ đã cư ngụ một tháng, phải nhận lời cử hành hôn phối cho họ.
3- Với quy định “đã cư ngụ một tháng”, Thánh Bộ Bí Tích vẫn tôn trọng thông lệ “ba tuần” để điều tra và Rao Hôn Phối. Nếu linh mục chính xứ giữ đúng quy định, sau khi điều tra tối thiểu ba tuần, mới nhận lời cử hành hôn phối, đôi bạn khó có thể thu xếp xong việc cử hành chỉ trong “một tháng”.
4- Chiếu theo giáo luật hiện hành, linh mục chính xứ có thể chứng hôn cho người “đã cư ngụ một tháng” trong giáo xứ của mình. Nhưng khi soạn văn bản của điều 1115, Ủy Ban soạn thảo bộ Giáo Luật 1983 nói rõ ý định là để “khuyến khích tối đa việc hôn nhân được cử hành trong cộng đoàn giáo xứ của chính họ” (Communicationes 1978, p. 91, can. 317). Theo tinh thần của truyền thống Giáo Luật và mục vụ từ trước tới nay trong Giáo Hội, cũng như của chính điều 1115, thông thường linh mục chính xứ phải khuyến khích đôi bạn, “đã cư ngụ một tháng” trong giáo xứ của mình, tốt nhất nên cử hành hôn phối tại giáo xứ gốc của họ.
5- Trên bình diện mục vụ, quy định “đã cư ngụ một tháng” có vẻ “lỗi thời”.
Công đồng Vaticanô II nhấn mạnh đến mục vụ hôn phối hơn là các chú giải chi ly về giới hạn chiếu luật. Các văn kiện mục vụ gần đây của Hội Thánh đều có khuynh hướng đòi hỏi một sự chuẩn bị lâu dài và chu đáo trước khi cử hành hôn phối: Gaudium et Spes 52; Familiaris consortio 63-69; Thượng Hội đồng Giám mục 1980, đề nghị 16a; Giáo Luật 1063 – 1067. Thời gian chuẩn bị gồm có: chuẩn bị chung, chuẩn bị cá nhân và trực tiếp (gần và xa), chuẩn bị cho việc cử hành (GL 1063).
Do đó, hiện nay, luật riêng của các HĐGM hay giáo phận đều quy định một thời gian chuẩn bị kéo dài. Khuynh hướng mục vụ hiện nay khuyến khích các linh mục chính xứ: không cử hành hôn phối gấp rút.
Giáo phận Galveston – Houston – USA nhắc nhở đôi bạn phải tiếp xúc với linh mục chính xứ trước khi có một quyết định nào về tổ chức đám cưới (chụp hình, nơi đặt tiệc…); “trong điều kiện bình thường, cuộc tiếp xúc sơ khởi này phải bắt đầu ít nhất 6-9 tháng trước ngày cưới” (ARCHDIOCESE OF GALVESTON – HOUSTON, Diocesan Marriages Preparation, Guidelines and Resources, 25 March 2001, p. 5; DIOCESE OF BEAUMONT, Marriage Guidelines, sectio I, p 9).
HĐGM Italia: “thời gian chuẩn bị trực tiếp thông thường không duới ba tháng” (Decreto generale della C.E.I., 5 nov. 1990, n. 3).
Theo thông báo của Toà Tổng Giám mục TPHCM ngày 30/03/1994, đôi hôn phối phải liên hệ với cha xứ từ 03 tháng trước ngày dự định cử hành hôn phối.
Kết luận: Chiếu theo Giáo Luật hiện hành, linh mục chính xứ có thể chứng hôn cho người “đã cư ngụ một tháng” trong giáo xứ của mình. Trong thực tế, đây là trường hợp rất hoạ hiếm, nếu linh mục chứng hôn giữ đúng các hướng dẫn mục vụ của Giáo Hội.
Cha Gioan Bùi Thái Sơn