Những vấn đề trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ĐTC Phanxico

 

 

nhung-van-de-trong-chuyen-cong-duduc.thanhcha.phanxico-253x300WHĐ (22.11.2014) – Hầu như mỗi chuyến tông du của Đức giáo hoàng ra nước ngoài đều mang tính phức tạp về mặt tôn giáo và chính trị, và điều đó đặc biệt đúng đối với chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Đức giáo hoàng Phanxicô trong ba ngày cuối tháng 11 sắp tới.

Do vị trí địa lý quan trọng của một quốc gia nằm trên cả hai châu lục châu Âu và châu Á, và tầm quan trọng lịch sử đối với cả Thiên Chúa giáo lẫn Hồi giáo và các cuộc chiến tranh hiện nay đang hoành hành tại hai nước láng giềng Syria và Iraq, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ phải đề cập đến một số chủ đề cấp bách trong chuyến viếng thăm này.

Sau đây là năm vấn đề lớn nhất đang chờ đợi Đức giáo hoàng:

– Đại kết. Cũng như các vị tiền nhiệm là Chân phước Phaolô VI, Thánh Gioan Phaolô II và Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 30 tháng 11, lễ kính Thánh Anrê, thánh bổn mạng của Toà Thượng phụ Constantinopolis, ngày nay là Istanbul. Lý do chính của chuyến viếng thăm là củng cố mối dây quan hệ với Đức Thượng phụ Bartholomaios, được coi là người đứng đầu trong các giám mục Chính thống.

Đức giáo hoàng Phanxicô vốn có mối quan hệ gắn bó với Đức Thượng phụ Bartholomaios. Ngài đã gặp Đức Thượng phụ nhiều lần tại Vatican và Jerusalem. Nhưng lần gặp gỡ này hẳn sẽ có giá trị đặc biệt, không chỉ do địa điểm gặp gỡ, nhưng còn vì cuộc gặp gỡ này diễn ra sau hơn một tháng kể từ sau sự cố gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Vatican với Giáo hội Chính thống Nga – một Giáo hội chiếm khoảng 40 phần trăm trong hơn 225 triệu Kitô hữu Chính thống trên toàn thế giới.

Tổng giám mục Hilarion ở Volokolamsk, người giữ chức vụ như là một loại bộ trưởng ngoại giao của Đức Thượng phụ Chính thống Nga ở Moskva, đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình hồi tháng Mười tại Vatican; tại Thượng Hội đồng, Tổng giám mục Hilarion đã dùng quyền phát biểu để phàn nàn về quan điểm của các nhà lãnh đạo Công giáo Đông phương về cuộc chiến ở Đông Ukraina, và nhấn mạnh đến những căng thẳng kéo dài và vẫn còn tồn tại giữa Công giáo và Chính thống giáo tại một trong những vùng đất lớn của họ.

– Đối thoại Công giáo–Hồi giáo. Đức giáo hoàng Phanxicô đã sử dụng những ngôn từ và cử chỉ mạnh mẽ để thể hiện mong muốn quan hệ gần gũi hơn với thế giới Hồi giáo. Ngài đã viết rằng “Hồi giáo đích thực và Kinh Quran đối nghịch với mọi hình thức bạo lực”, và đã mời cả các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Do Thái giáo cùng cầu nguyện cho hoà bình ở Vườn Vatican. Vào tháng Tư năm 2013, vài tuần sau khi trở thành giáo hoàng, Đức giáo hoàng Phanxicô đã rửa chân cho hai người Hồi giáo trong phụng vụ ngày Thứ Năm Tuần Thánh tại một trung tâm giam giữ vị thành niên ở Roma.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia Hồi giáo lớn thứ tư, và cho đến nay là lớn nhất, mà Đức giáo hoàng Phanxicô đã đến thăm từ khi trở thành giáo hoàng. Trong gần năm thế kỷ, tính đến năm 1922 khi chế độ quân chủ Hồi giáo Sultan bị bãi bỏ, người đứng đầu đất nước cũng giữ vai trò của một Caliph (giáo chủ), lãnh đạo Hồi giáo hệ phái Sunni khắp thế giới. Mặc dù hiện nay dường như không một ai ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể đại diện cho tiếng nói của Hồi giáo trên khắp thế giới, nhưng từ nền tảng di sản Hồi giáo sâu đậm, quốc gia này có tiếng nói uy tín về toàn bộ giáo lý Hồi giáo.

Trong chuyến viếng thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần cuối vào năm 2006, thời khắc cầu nguyện trong đền thờ Hồi giáo Xanh tại Istanbul của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã làm dịu bớt một cuộc tranh cãi quốc tế về bài phát biểu của ngài tại Regensburg, Đức, trong đó ngài đã trích dẫn một mô tả thời Trung cổ về giáo huấn của vị tiên tri Hồi giáo Muhammad là“độc ác và vô nhân”. Đức giáo hoàng Phanxicô cũng sẽ đi đến đền thờ Hồi giáo Xanh, và Toà Thánh Vatican nói rằng đây là cuộc viếng thăm riêng tư và không có dự định cầu nguyện.

– Người Hồi giáo ở châu Âu. Ngày 28, Đức giáo hoàng sẽ gặp tiến sĩ Mehmet Gormez, Chủ tịch Hội đồng tôn giáo vụ [Diyanet, thẩm quyền cao nhất của Hồi giáo tại Thổ Nhĩ Kỳ] coi sóc việc phụng tự và giáo dục của Hồi giáo trong nước. Hồi tháng Chín, ông Gormez đã than phiền rằng Đức giáo hoàng chưa làm đủ để chống lại nạn “bạo lực và phân biệt đối xử” đối với người Hồi giáo ở phương Tây, với số các cuộc tấn công vào các đền thờ Hồi giáo ở Đức ngày càng gia tăng.

Gormez nói “Điều này không giống như rửa chân cho một thiếu nữ hoặc tổ chức mấy trận bóng đá liên tôn”, có ý nhắc đến hai trong số những cử chỉ nổi bật nhất của Đức giáo hoàng Phanxicô về hoà hợp liên tôn.

Trong cuộc gặp gỡ ông Gormez, có thể Đức giáo hoàng sẽ lặp lại lời ngài vẫn thường kêu gọi các quốc gia châu Âu đón nhận số người nhập cư ngày càng gia tăng, nhiều người trong số đó là người Hồi giáo. Ngài cũng có thể đưa ra lời kêu gọi trên đây một cách đặc biệt trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, trong chuyến viếng thăm một ngày đến Strasbourg, Pháp, hôm 25 tháng 11; tại đây Đức giáo hoàng sẽ có bài diễn văn tại Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, một tổ chức gồm 47 quốc gia thành viên trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ.

– Kitô hữu tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến viếng thăm của Đức giáo hoàng sẽ là một dịp tốt để các nhà lãnh đạo của thiểu số người Kitô hữu Thổ Nhĩ Kỳ – dưới 1 phần trăm tổng số 76 triệu dân – nhắc lại nỗi bất bình từ lâu về việc họ bị phân biệt đối xử về mặt xã hội và pháp luật. Từ lâu Đức Thượng phụ Bartholomaios đã đề nghị mở lại một chủng viện Chính thống Hy Lạp đã  bị chính phủ đóng cửa vào năm 1971.

Các nhà quan sát nói rằng cách đối xử của chính quyền với các Kitô hữu đã được cải thiện kể từ khi Đảng Công lý và Phát triển, vốn xuất phát từ tinh thần Hồi giáo, lên nắm quyền vào năm 2002. Chính phủ nêu ra một nghị định năm 2011 trả lại tài sản cho nhiều cộng đồng tôn giáo ngoài Hồi giáo bị nhà nước tịch thu như một ví dụ về việc gia tăng lòng bao dung. Để khích lệ tinh thần của các động thái như thế, Đức giáo hoàng Phanxicô có thể nhắc lại truyền thống đa văn hóa thuộc Đế chế Ottoman kéo dài năm thế kỷ, một di sản mà các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay luôn nhắc lại với niềm tự hào.

Đức giáo hoàng Phanxicô, người không ngại kêu gọi phải có tự do tôn giáo hơn nữa trong thế giới Hồi giáo, có thể sẽ lên tiếng yêu cầu chấm dứt phân biệt đối xử xã hội đối với các Kitô hữu Thổ Nhĩ Kỳ, là những người vẫn bị quốc gia có đa số người Hồi giáo coi là người nước ngoài.

– Syria và Iraq. Gần như chắc chắn Đức giáo hoàng sẽ lặp lại những lời kêu gọi trước đây về việc bảo vệ các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác ở các quốc gia bị chiến tranh xâu xé là Syria và Iraq – cả hai đều có chung biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Hồi tháng Tám, Đức giáo hoàng đã nói rằng việc một liên minh quốc gia sử dụng vũ lực để ngăn chặn các chiến binh của “Nhà nước Hồi giáo” là có thể biện minh được. Các chiến binh này truy bức các nhóm thiểu số và chặt đầu các con tin đồng thời ghi hình và phổ biến. Hành động này gây ra làn sóng giận dữ ở khắp nơi trên thế giới.

Mặc dù lên án các hành vi khủng bố ấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy mình là một thành viên –có thể nói là nước đôi– của liên minh chống Nhà nước Hồi giáo; một trong nhiều lý do là vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chống lại những người theo chủ nghĩa dân tộc Kurd và chế độ Bashar Assad của Syria, cả hai đều chiến đấu chống Nhà nước Hồi giáo. Nếu cần Đức giáo hoàng có thể sẽ lướt qua những tính toán địa chính trị như thế, nhưng chắc chắn ngài sẽ ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ đã đón tiếp một số lớn người tị nạn trong các cuộc chiến – riêng từ Syria đã là 1,6 triệu người.

Chương trình chính thức của Đức giáo hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ không có cuộc gặp gỡ nào với người tị nạn, nhưng người phát ngôn của Toà Thánh, cha Federico Lombardi, cho biết một số người tị nạn có thể có mặt trong cuộc gặp gỡ ngắn của Đức giáo hoàng với các sinh viên của các trường Công giáo ở nhiều nước Trung Đông vào ngày 30 tháng 11.

(CNS)

Minh Đức

Nguồn: WHĐ