Những điều cần biết về Năm Lòng Thương Xót

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Năm Thánh Ngoại Lòng Thương Xót với việc mở Cửa Thánh tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Trong Tổng Giáo Phận Hà Nội, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn sẽ khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót và mở Cửa Thánh tại Nhà thờ Chính Tòa vào Chúa Nhật 13/12/ 2015, đồng thời cũng có Nghi thức mở Cửa Thánh tại Vương cung thánh đường Sở Kiện. Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa Nhật Chúa Kitô Vua 20/11/2016. Sau đây là những điều cần biết về Năm Thánh.
 

I. Năm Thánh (Jubilee) là gì?

Trong những năm gần đây, Giáo Hội tại Việt Nam chúng ta có nhiều năm kỷ niệm thành lập giáo phận hay kỷ niệm xây dựng, khánh thành nhà thờ cũng gọi là “Năm Thánh” nên có thể nhiều người không ý thức được tầm quan trọng Năm Thánh mà chúng ta vừa bắt đầu. Những “Năm Thánh” ở Việt Nam vừa qua chỉ dành cho một giáo phận hay Giáo Hội tại Việt Nam (2009-2010), còn Năm Thánh (Jubilee) là Năm Toàn Xá cho cả Hội Thánh thì quan trọng và có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều.

Trong Sách Lêvi nói đến năm toàn xá được xảy ra cứ 50 năm một lần. Trong năm này, tù nhân và nô lệ được thả tự do, nợ nần xóa bỏ và lòng thương xót của Chúa được tuôn đổ một cách đặc biệt. Từ năm 1300 Hội Thánh Công Giáo đã thiết lập Năm Thánh (năm toàn xá) vào dịp mỗi 25 năm hay 50 năm, đôi khi cũng chỉ định năm thánh ngoài những mốc thời điểm đó thì gọi là “Năm Thánh ngoại thường.” Năm Thánh lần cuối là năm 2000 thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Năm Thánh ngoại thường lần cuối là năm 1983 để kỷ niệm 1950 năm biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

Vì vậy Năm Thánh 2016 này là Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót được thiết lập bởi Đức Phanxicô để toàn thể Hội Thánh có thể ý thức hơn, đón nhận lòng thương xót Chúa và tỏ lòng thương xót cho người khác.
 

II. Tại sao bây giờ lại có Năm Thánh?

Thương xót là đặc tính căn bản của toàn thể sứ vụ và con người của Chúa Giêsu Kitô. Đức Phanxicô muốn đặt thương xót như là sứ điệp trung tâm triều đại Giáo Hoàng của ngài. Ngài đã nói khi công bố Năm Thánh ngoại thường vào buổi cử hành sám hối tại đền thờ Thánh Phêrô: “Tôi thường ưu tư làm sao Hội Thánh có thể làm nổi rõ sứ vụ làm chứng tá của lòng thương xót. Tôi xác tín rằng cả Hội Thánh, luôn cần lãnh nhận lòng thương xót bởi vì chúng ta là những tội nhân, sẽ khám phá trong Năm Thánh (Jubilee) niềm vui và mang lòng thương xót Chúa cho mọi người trong thời đại này mà chúng ta được mời gọi mang đến họ niềm an ủi.” Đức Thánh Cha còn nhắc nhở: “Chúng ta đừng bao giờ quên rằng Chúa tha thứ và luôn tha thứ. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi xin Chúa ơn tha thứ.”

Trong thư gửi cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Cổ Võ Tân Loan Báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha viết: “Tôi mong rằng Ơn Toàn Xá Năm Thánh có thể đến với mỗi người như là một kinh nghiệm thực thụ về lòng thương xót của Thiên Chúa, sẽ đến để gặp gỡ từng người trong Diện Mạo của Chúa Cha là Đấng sẽ đón nhận và tha thứ và hoàn toàn quên hết mọi tội lỗi đã phạm.”
 

III. Lòng thương xót là gì?

Để hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu. Trong Tông sắc Năm Thánh, Đức Phanxicô viết:

“Trong Chúa Giê-su thành Nazareth, lòng thương xót của Thiên Chúa Cha trở nên sống động và rõ ràng, và đã tìm thấy tột đỉnh điểm của nó. Chúa Cha, Đấng “đầy Lòng Nhân Hậu” (Eph 2, 4)….Chúa Giê-su thành Nazareth chính là Đấng mạc khải về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhờ vào những lời và những công việc của Ngài, và toàn bộ cuộc hiện sinh của Ngài” (số 1).

“Sứ vụ của Chúa Giêsu được Chúa Cha trao phó là mạc khải mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của tình yêu ấy….Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và cụ thể trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Ngôi vị của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các mối quan hệ Chúa với những người đến với Ngài thể hiện một điều gì đó hoàn toàn độc đáo và không thể lặp lại được. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh tật, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng thương xót” (số 8).

“Trong dụ ngôn về lòng thương xót, Chúa Giêsu tiết lộ bản tính của Thiên Chúa như một người Cha không bao giờ bỏ cuộc cho đến khi Ngài đã tha thứ kẻ sai phạm và vượt qua sự từ khước với lòng trắc ẩn và thương xót” (số 8).

“Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước. Tha thứ cho các sai phạm trở thành diễn đạt rõ ràng nhất của tình yêu thương xót, và đối với Kitô hữu chúng ta đó là một mệnh lệnh mà chúng ta không thể thoái thác cho chính mình” (số 9).

“Thương xót là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an.

Thương xót tỏ lộ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Thương xót là hành vi chóp đỉnh và chung cuộc mà Chúa đến gặp gỡ chúng ta. Thương xót là quy luật nền tảng trong trái tim mỗi người để nhìn một cách chân thành vào con mắt của anh chị em khác trong hành trình cuộc sống.

Thương xót là nhịp cầu nối Thiên Chúa và con người, mở trái tim chúng ta cho niềm hy rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương đến muôn đời, bất chấp sự tội lỗi của chúng ta” (số 3).

“Thương xót không mâu thuẫn với công lý nhưng diễn tả con đường tiếp cận của Thiên Chúa với tội nhân, cho họ một cơ hội mới để nhìn lại mình, trở lại và để tin” (số 21).
 

IV. Chúng ta sẽ làm gì trong Năm Thánh?

Chúng ta được mời gọi ngước mắt chiêm ngưỡng Chúa Kitô và đến gần Người hơn vì Ngài là dung mạo của lòng thương xót Chúa Cha. Chúng ta hoán cải lãnh nhận lòng thương xót Chúa từ Chúa Kitô và thực thi lòng thương xót như Người.
 

a. Lãnh nhận lòng thương xót Chúa: Hành Hương bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận Ơn Toàn Xá

b. Thực thi lòng thương xót, “Thương người có 14 mối”:

Thương xác 7 mối: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết.

Thương linh hồn 7 mối: lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mê muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
 

1. Lãnh nhận lòng thương xót Chúa
 

a. Bước qua Cửa Thánh có ý nghĩa gì?

Cửa Thánh tượng trưng cho Chúa Kitô đầy lòng thương xót, như ngài phán: “Ta là Cửa” (Ga 10:9). Khi bước qua Cửa Thánh, với lòng ăn năn sám hối chúng ta trở về với Chúa và đi vào trong Chúa Kitô để đến cùng Thiên Chúa Cha.

Đức Phanxicô đã dạy như sau trong Tông chiếu về Năm Thánh Lòng Thương Xót:

“Cửa Thánh này sẽ trở thành Cửa Thương Xót mà bất cứ ai bước vào sẽ cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, Đấng an ủi, tha thứ, và khơi lên niềm hy vọng (số 3).

“Bởi bước qua ngưỡng Cửa Thánh, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để đón nhận lòng thương xót của Chúa và dấn thân trở nên xót thương với người khác như Chúa Cha đã thương xót chúng ta” (số 14).
 

b. Ơn tha thứ của Chúa

b.1. Tha vạ tuyệt thông cho những người phạm tội phá thai (Vạ không dành cho Tòa Thánh)

Phá thai trực tiếp và có hiệu quả là tội rất nặng và là tội ác đáng xấu hổ xúc phạm đến danh dự Đấng Tạo Hóa (GS. 27) vì kết liễu mạng sống của một người vô tội nhất và vô phương tự vệ, dù chỉ là tiếng khóc (EV. 58). Nếu những ai trực tiếp tham gia (cha mẹ, bác sỹ, y tá..) hay trực tiếp cộng tác (ví dụ cho vay tiền để phá thai, khuyên đi phá thai..) vào việc phá thai và có hiệu quả thì ngoài phạm tội trọng còn mắc vạ tuyệt thông tiền kết (tức khắc bị rút phép thông công) nếu như người đó trên 18 tuổi và biết sẽ bị mắc vạ đó mà vẫn làm. Vạ tuyệt thông cấm người đó tham dự các bí tích như xưng tội, dự lễ và rước lễ, á bí tích, trừ trong trường hợp nguy tử (Giáo luật điều 1398, 1331, 1323, 1324).

Trong Năm Toàn Xá, Đức Thánh Cha ban phép cho tất cả các linh mục được quyền tha vạ tuyệt thông cho những người phạm tội phá thai, nếu những hối nhân tỏ ra thành tâm sám hối và dốc lòng chừa. Linh mục phải tha vạ trước (cất đi sự ngăn cản lãnh nhận bí tích) rồi mới đọc công thức xá giải (Do quyền năng đã được ủy thác, Cha tha vạ tuyệt thông cho con. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần). Hoặc đọc công thức xá giải với ý tha vạ cùng một lúc (…Vậy cha tha vạ và tha tội cho con. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần).
 

b.2. Tha vạ tuyệt thông và tội dành riêng cho Tòa Thánh

Có những vạ tuyệt thông tiền kết sau đây mà chỉ có Tòa Thánh mới quyền tha:

+ Xúc phạm đến Mình Thánh hay Máu Thánh Chúa (Gl điều 1367)

+ Hành hung Đức Giáo Hoàng (Gl điều 1370, •1)

+ Xá giải cho người đồng lõa phạm điều răn thứ Sáu (Gl điều 1378)

+ Không có bổ nhiệm của Đức Giáo Hoàng mà phong chức hay chịu chức giám mục (Gl điều 1382)

+ Linh mục giải tội vi phạm trực tiếp ấn tín tòa giải tội (Gl điều 1388).

Có những tội mà chỉ có Tòa Thánh mới có quyền tha, ví dụ:

+ Linh mục dùng bí tích giải tội để quyến rũ hối nhân phạm tội với mình về điều răn thứ 6 (Gl điều 1387)

+ Người không có chức linh mục giả vờ để nghe xưng tội và cử hành Thánh lễ (Gl điều 1378, •2, 1o, 2o)

+ Linh mục vi phạm gián tiếp ấn tín tòa giải tội (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Những Qui Định Thiết Yếu, điều 4, • 1,1o)

+ Đặt ghi âm hay dụng cụ để nghe lén xưng tội, hay truyền thông những điều được nói trong khi xưng tội (Bộ Giáo Lý Đức Tin, Những Qui Định Thiết Yếu, điều 4, • 2)

Những vạ và tội này sẽ được tha bởi các sứ giả lòng thương xót, sai đi bởi Đức Giáo Hoàng, trong mùa Chay 2016.
 

b.3 Tổ chức “24 giờ cho Chúa”

Các Giáo phận sẽ tổ chức 24 giờ liên tục giải tội cho các tín hữu từ thứ Sáu đến thứ Bảy trước Chúa Nhật IV mùa Chay để họ có thể giao hòa và lãnh nhận lòng thương xót Chúa.
 

c. Ơn toàn xá là gì?

Tội có 2 hình phạt: hình phạt đời đời (xa rời Thiên Chúa) và hình phạt tạm ở đời này như những hậu quả và vết thương của tội lỗi. Khi xưng tội, thì chúng ta được tha tội và hình phạt đời đời bởi tội, nhưng hình phạt tạm là những hậu quả xáo trộn bởi tội ở đời này thì vẫn phải chịu và phải đền tội.

Sách Giáo Lý Công Giáo dạy rằng: “Ân xá là sự tha thứ các hình phạt tạm do tội gây ra, mà các tội đó đã được tha. Các Kitô hữu đã chuẩn bị thích đáng được hưởng dưới những điều kiện được quy định qua hành động của Hội Thánh, như là thừa tác viên của ơn cứu độ, dùng quyền ban phát và áp dụng kho tàng ơn thánh của Ðức Kitô và các thánh. Ân xá có thể là tiểu xá hay toàn xá tùy thuộc việc xóa bỏ một phần hay tất cả những hình phạt tạm gây ra bởi tội lỗi” (GLCG 1471).

Như thế ân xá chỉ tha hình phạt tạm do tội đã xưng nhưng chưa đền đủ mà không tha tội. Ân xá có thể áp dụng cho những người đã qua đời.
 

d. Điều kiện để lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh Lòng Thương Xót
 

d.1. Hành Hương và bước qua Cửa Thánh: Có 3 điều kiện sau đây:

1o. Làm một cuộc hành hương và bước qua Cửa Thánh (Cửa Thương Xót), như một dấu chỉ của sự thống hối chân thành.

2o. Xưng tội và hiệp dâng Thánh Lễ với một suy niệm về lòng thương xót.

3o. Tuyên xưng đức tin (có thể đọc kinh Tin Kính) và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha và theo ý của ngài cho cả Hội Thánh và toàn thế giới.
 

d.2. Những cách thức khác để lãnh ơn toàn xá:

Trong thư gửi cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Hoàng Cổ Võ Tân Loan Báo Tin Mừng, Đức Phanxicô đã định như sau:

1o. Những ai làm một trong những việc của lòng thương xót – “14 mối thương người” – thì chắc chắn được ơn toàn xá.

2o. Những người đau yếu hay già cả, kết hợp đau khổ của mình với cuộc thương khó của Chúa, được gần gũi với Chúa, khi rước lễ, hoặc tham dự Thánh lễ hay một cuộc cầu nguyện chung, có thể qua các phương tiện truyền thông thì được ơn toàn xá.

3o. Những tù nhân có thể lãnh ơn toàn xá trong nhà nguyện của nhà tù khi hướng tâm trí và lời nguyện lên Chúa Cha mỗi lần bước qua cửa phòng giam.

4o. Ơn toàn xá có thể ban cho những người qua đời khi chúng ta nhớ đến và cầu nguyện cho họ trong Thánh lễ để họ có thể chiêm ngưỡng dung nhan thương xót của Chúa.
 

2. Thực thi lòng thương xót cho người khác

Chúng ta lãnh nhận lòng thương xót Chúa thì có đủ sức mạnh để thực thi lòng thương xót Chúa cho người khác. Việc thực thi lòng thương xót là hoa trái của niềm vui khi lãnh nhận lòng xót Chúa như khẩu hiệu của Năm Thánh: “Thương Xót Như Chúa Cha.”

Mối phúc của Chúa Giêsu: “Phúc cho những ai thương xót người, vì họ sẽ được xót thương” (Mt 5: 7) là kim chỉ nam của suốt Năm Thánh.

Thực thi lòng thương xót là bản chất của Hội Thánh:

“Điều căn bản quyết định nhất cho Hội Thánh và sự đáng tin trong việc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh là Hội Thánh phải sống và làm chứng cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và cử chỉ của Hội Thánh phải chuyển tải lòng thương xót để động chạm đến trái tim của tất cả mọi người và khích lệ họ lần nữa tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha.

Chân lý đầu tiên của Hội Thánh chính là tình yêu Chúa Ki-tô. Hội Thánh biến mình thành tôi tớ và làm trung gian cho tình yêu ấy, tức tình yêu dẫn tới sự tha thứ và sự tự hiến. Như vậy, nơi đâu có sự hiện diện của Hội Thánh, thì lòng thương xót của Thiên Chúa Cha cũng phải trở nên rõ rệt tại đó. Trong các giáo xứ, các cộng đoàn, và các hiệp hội của chúng ta trên khắp thế giới, tức những nơi mà các Ki-tô hữu đang hiện diện, mỗi người thuộc bất cứ ốc đảo nào cũng đều phải có thể nhận ra được lòng thương xót” (Tông sắc Năm Thánh, số 12).

Cụ thể Đức Thánh Cha khuyến khích chúng ta như sau:

1o. Nghĩ đến và mở tâm hồn với những ai đang sống ngoài lề xã hội, những người không có tiếng nói, chịu bất công xã hội, những người “nhỏ bé”, đau khổ, bệnh tật, cô đơn, những người bị tước đoạt nhân phẩm …

2o. Thực thi 14 mối thương người: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

3o. Đừng phán xét người khác, tha thứ và chia sẻ trong vui mừng.
 

V. Các Kinh Nguyện

Kinh đọc Trước Cửa Thánh Khi Hành Hương

(Đức Phanxicô đã đọc kinh này trước khi mở Cửa Thánh ngày 8/12/2015)

Lạy Thiên Chúa,

Đấng đã tỏ quyền năng vô biên của Chúa

trên hết qua lòng thương xót và tha thứ,

xin ban cho chúng con sống một năm hồng ân,

một thời gian thuận tiện để yêu mến Chúa và anh chị em

trong niềm vui của Tin Mừng.

Xin tiếp tục tuôn đổ Thánh Thần trên chúng con,

để chúng con không bao giờ mỏi mệt với tin tưởng,

hướng về Con Chúa làm người,

Đấng mà chúng con đã đâm thâu qua,

Đấng là Dung Nhan lòng thương xót không mỏi mệt của Cha,

Đấng là nơi nương náu an toàn cho tất cả chúng con,

là những kẻ tội lỗi khao khát lòng thương xót, bình an và sự thật sẽ giải thoát và cứu vớt chúng con.

Người là Cửa,

Qua đó chúng con đến được với Chúa,

Đấng là nguồn an ủi không bao giờ cạn cho mọi người,

Đấng là vẻ thiện mỹ không bao giờ phai,

Đấng là niềm vui tuyệt hảo của sự sống không bao giờ cùng.

Xin Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm khẩn cầu cho chúng con,

Mẹ là hoa trái đầu mùa và rạng ngời của chiến thắng Vượt Qua,

Mẹ là rạng đông sáng rực của trời mới và đất mới,

Mẹ là bến bờ hạnh phúc của cuộc lữ hành trần thế của chúng con.

Xin cho mọi danh dự và vinh quang

đều thuộc về Chúa là Cha chí thánh,

và Chúa Con, Đấng Cứu Độ chúng con,

và Chúa Thánh Thần, Đấng an ủi

bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.

Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót

(Đức giáo hoàng Phanxicô)

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời,

và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa

và chúng con sẽ được cứu độ.

Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu

và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền;

làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna

không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;

cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,

và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.

Xin cho chúng con được nghe

những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,

như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con:

“Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,

Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài

trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót:

Xin làm cho Hội Thánh

phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này.

Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa

cũng mặc lấy sự yếu đuối

để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc,

xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài

đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa

quan tâm, yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến

xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,

để Năm Thánh Lòng Thương Xót này

trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;

và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,

có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,

công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,

trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu,

nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,

xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.

Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha

và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

Salve, Regina

Salve, Regina, mater misericordiae;

vita, dulcedo et spes nostra, salve.

Ad te clamamus exsules filii Hevae.

Ad te suspiramus gementes et flentes

in hac lacrimarum valle.

Eia ergo, advocata nostra,

illos tuos misericordes oculos ad nos converte.

Et Iesum, benedictum fructum ventris tui,

nobis post hoc exsilium ostende.

O clemens, o pia, o dulcis Virgo Maria.

Kinh Lạy Nữ Vương (Mẹ của lòng thương xót)

Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy. Thân lạy Mẹ, chúng con, con cháu E-và ở chốn khách đầy, kêu đến cùng Bà; Chúng con ở nơi khóc lóc than thở kêu khấn Bà thương. Hỡi ôi! Bà là Chúa bầu chúng con, xin ghé mặt thương xem chúng con. Đến sau khỏi đày, xin cho chúng con được thấy Đức Chúa Giêsu, Con lòng Bà gồm phúc lạ.

Ôi khoan thay! nhân thay! dịu thay! Thánh Maria trọn đời đồng trinh. Amen.
 

Vp Tòa TGM Hà Nội