Tấm Bia Mộ, nghe mà u uất, nghe mà tang thương. Một buổi tối trong tháng Các Linh Hồn, tôi đi thăm viếng nghĩa địa. Những ngày này, nghĩa địa lung linh nhiều ánh nến trong mỗi phần mộ. Ngọn nến sáng làm phảng phất rõ những tấm bia mộ khác nhau. Mỗi nấm mồ được định danh bằng các tấm bia nhỏ như thế, có khắc tên, tuổi, quê quán, năm sinh, năm mất… và đặc biệt thường có một bức ảnh. Nhiều cái tên giống nhau y hệt, nhưng ảnh người đã mất thì luôn khác nhau. Tôi nhìn những tấm bia mộ với một vẻ hoài niệm, trầm tư sâu xa…
Mỗi bia mộ là một linh hồn người đã khuất, thế nhưng mỗi bia mộ còn là một quá khứ, một lịch sử, một số phận hay là cả một cuộc đời. Theo giá trị vật chất thì những người đã qua đời chỉ còn lại nấm mồ nhỏ, phía trên là một tấm bia nhỏ bé. Nhưng trong giá trị tinh thần họ để lại một cuốn phim cuộc đời. Có khi đó là một bộ phim buồn chẳng mấy ai muốn mở lên coi. Thế nhưng nhiều người để lại cả một cuốn phim vui mà người ta cứ thích tua đi tua lại.
Đời người xây dựng được biết bao “cái có”. Tôi có biệt thự, xe hơi, địa vị, gia đình, con cái… Tôi có biết bao những thứ mà khiến người ta phải ghen tị. Nhưng khi chết rồi, tôi chỉ còn có tấm bia nhỏ bé thôi sao. Vậy nên, “cái có” như thân xác sẽ qua đi, nhưng “cái là” như tinh thần mới ở lại. Tôi là ai? Tôi là thằng Sáu hay qua giúp đỡ bà hàng xóm bị tật nguyền. Tôi là chàng sinh viên tốt bụng đã hi sinh khi nhảy xuống sông để cứu hai em nhỏ suýt chết đuối. Cũng có những “cái là” éo le nhắc đến là người ta phải lắc đầu, phải lặng thinh. Tôi là thằng chuyên ăn trộm, phá phách trong làng. Tôi là kẻ hung hăng luôn thích gây sự với bà con… Nếu “cái là” làm nên bộ phim cuộc đời, thì người ta thích xem phim hay, phim ý nghĩa hơn là bộ phim nhạt nhẽo, tang thương.
Nếu cuộc đời là một cuốn phim, thì tấm bia mộ kia là một cái màn chiếu vô hình. Mỗi khi nhìn vào đó, người ta thấy hiện lên cả một cuộc đời, chợt nhớ… chợt thương… Tôi muốn cuốn phim của đời tôi là cuốn phim vui hay buồn? Lời khuyên duy nhất phải là: đừng mải mê xây dựng “cái có” cho bằng uốn nắn “cái là”.
Bộ phim cuộc đời ấy không chỉ chiếu trên rạp đời, nhưng nó sẽ còn được công chiếu trên rạp Phán Xét. Chính tôi sẽ được xem lại bộ phim ấy trong ngày sau hết. Có thể, trong khi quay, tôi đã lơ đểnh tạo ra những lỗi lầm, đáng xấu hổ. Nhưng tôi đã chọn cái kết phim thế nào. Phim đời tôi có hay không một cái kết có hậu. Khi ấy, tôi thuộc về Chúa hoàn toàn. Hơn nữa, tôi đã dành cả cuộc đời mình cho kế hoạch của Chúa. Tôi đã để Chúa góp ý cho kịch bản đời tôi. Tôi đã để Chúa Giêsu trở thành diễn viên chính trên sân khấu đời tôi. Ngài chiếu sáng những cảnh quay đen tôi. Ngài tỏa nụ cười an ủi, hạnh phúc nơi những cảnh quay bi thảm. Để sau cùng khi tua lại, tôi vẫn thấy bộ phim trở nên thật hấp dẫn.
Chuyện bia mộ giúp tôi phản tỉnh về cuộc đời mình. Dù đời có đặt tôi vai một vai diễn chẳng mấy nổi nang, hay thậm chí một diễn viên phụ, tôi vẫn gắng sống thật lòng và hết mình. Dù bộ phim cuộc đời ngắn ngủi, như những tấm bia còn quá trẻ kia, tôi vẫn mang đến cho bộ phim ấy một ý nghĩa, một thông điệp: YÊU THƯƠNG. Phim hay không phải vì tôi có tài diễn xuất. Nhưng vì phim có Ngôi Sao Điện Ảnh Giêsu, cho nên bộ phim mới trở nên hấp dẫn người xem đến thế. Ước mong sao bộ phim đời bạn cũng có chỉ số đánh giá phim (IMDb) cao!
(Bài viết có sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ)
Bạch Quang