Từ thế kỷ thứ IV, người ta đã mừng lễ kính Ngài với một đêm canh thức trọng thể và từ Roma, việc tôn kính Ngài đã lan khắp Giáo hội rất sớm. Các thánh Ambroise ở Milan, Augustin ở Châu Phi và Maxime ở Turin đều có lưu lại những bài giảng về lễ kính thánh nhân. Và sau thánh Ambroise, thánh Prudence cũng kể lại cuộc tử đạo của thánh nhân (công vụ của Polychrone và các bạn, khoảng năm 550).
Mặc dầu nhiều chi tiết trong cuộc khổ nạn đó mang tính huyền thoại, nhưng lại là nguồn gốc cho các điệp ca trong thần vụ. Thánh Ambroise khi kể lại cuộc tử nạn đó một thế kỷ sau nói rằng thánh Laurent bị thiêu trên một giàn sắt. Xác Ngài được an táng trên đường Tiburtina, nửa thế kỷ sau, hoàng đế Constantin cho xây một thánh đưòng trên mộ Ngài : Đây chính là đại giáo đường thánh Laurent ngoại thành, một trong bảy nhà thờ lớn ở Roma, và là nhà thờ chính trong tám nhà thờ của thành phố Rôma dâng kính thánh nhân.
Chuyện về các hành vi trong cuộc khổ nạn của thánh Laurent kể rằng thánh nhân bị bắt vì không tuân luật thuế quan buộc nộp các tài sản Giáo hội cho chính quyền hoàng đế. Sau khi xin khất lại, Ngài tập hợp những người nghèo khó, ốm đau lại và hai ngày sau, Ngài đưa họ đến trước mặt quan quyền và thưa : “Đây là tài sản của Giáo hội !”.
Thánh nhân liền bị bắt và tra khảo nhiều lần. Ngài đã trả lời các lý hình : “Tôi tôn thờ Thiên Chúa của tôi, tôi chỉ phụng sự một mình Chúa, nên tôi đâu sợ cái tra khảo của các ông”. Bị đặt trên một vỉ sắt dưới để than cháy, Ngài còn quay lại phía lý hình, đùa : “Anh trở tôi được rồi đấy, bên này chín rồi”. Đức giáo hoàng Damase cho khắc trên mộ ngài : “đòn roi, lý hình, lửa thiêu, hình khổ, xích xiềng, tất cả điều thua đức tin của Lôrensô”.
Niềm tin và lòng bác ái của thánh Laurent cũng như đức can đảm anh hùng của Ngài qua nhiều thế kỷ là nguồn cảm hứng cho lời cầu nguyện của Giáo hội, lòng đạo đức của giáo dân, rất nhiều tranh ảnh, thậm chí cả kiến trúc … quả thế, Philippe II, để thực hiện lời hứa với thánh Lôrensô, đã xây Escorial trong tỉnh Madrid, theo dạng thiết kế một giàn sắt nhắc nhớ dụng cụ tra tấn thánh phó tế Lôrensô xưa. Còn thánh Bênado thế kỷ XII thì dâng tu viện Thoronet vùng Var để kính thánh nhân. Thánh Lôrensô được nhắc tới trong lời nguyện Thánh Thể và có tên trong kinh cầu các thánh.
Ðịnh luật chết đi để trổ sinh hoa trái đã được Chúa Giêsu Kitô, Thầy chúng ta, thi hành nêu gương trước. “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”, nếu không có mẫu gương đi kèm theo lời dạy đầy cương quyết của Chúa thì có lẽ chúng ta không màng chi đến việc phải chết đi, phải hy sinh chính mạng sống mình để phục vụ điều thiện hảo của anh chị em. Không hy sinh thì sẽ không có phục vụ đích thực và không phục vụ đích thực thì ta chưa phải là đồ đệ đích thực của Chúa.
Tin Mừng hôm nay dùng hình ảnh hạt giống phải chết đi mới trổ sinh nhiều hoa trái để nhắc cho môn đệ Chúa Giêsu phải biết sống hình ảnh cao cả nhất của việc cho đi là biết chấp nhận chết đi nơi bản thân, biết hy sinh chính mạng sống mình như thánh Lôrensô vì tình yêu Chúa.
“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12, 24). Theo định luật tự nhiên, để có bông hoa đẹp tươi nở khoe sắc lung linh trên cành, thì nguồn gốc trước kia nó từng là một hạt nhỏ xấu xí, khô lóc. Nhưng khi gặp đất và nước, nó trương lên, nứt nẻ rồi bung ra, ngoi lên mầm sống mới, cây từ từ phát triển đến lúc nở hoa sinh trái. Hạt lúa được gieo vào ruộng bùn cũng phải trương lên, hư thối để mọc lên cây mạ, rồi thành cây lúa tươi tốt và cuối cùng sinh bông hạt trĩu nặng.
Đó là một cuộc đánh đổi tự nhiên mà vô cùng lời lãi. Bởi vì “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15, 42-44). Chính Chúa Giêsu đã từ bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, hạ mình đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự, để rồi sinh ơn cứu rỗi, cho muôn người được ơn cứu độ và bước vào sự sống mới.
Chúa Giêsu dùng hình ảnh hạt lúa thật dễ hiểu để áp dụng cho cuộc đời của Người, đồng thời là qui luật chung cho những ai muốn bước theo Ngài. Người chính là hạt lúa được gieo vào lòng đất. Cuộc thương khó và cái chết của Người dẫn tới sự sống bất diệt, để quy tụ dân Do Thái và dân ngoại thành một cộng đoàn đông đảo được hưởng ơn cứu độ.
Trong cuộc đời người Kitô hữu, nếu tôi sẵn sàng chịu bung vẩy trày xước vì lội ngược dòng đời, để sống theo Lời Chúa dạy, chết đi cho những tội lỗi, nết xấu, thì chính Chúa sẽ biến đổi, làm cho tôi được lại sự sống mới, như thánh Phaolô nói : “Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào (2Cr 9,10).
“Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy ; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12, 25-26). Chúa Giêsu quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Cái được-mất trong sự bỏ mình hay giữ lấy, Người đã chứng minh bằng luật tự nhiên: “Nếu hạt giống rơi xuống đất không thối đi, nó sẽ chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ nảy sinh hàng trăm những hạt khác”.
Với ý nghĩa này, ta có thể nhận ra lý do phải hy sinh, “chết” đi để được “sống”. Ai chăm lo tìm kiếm lạc thú ở đời này thì sẽ mất đời sống vĩnh cửu. Còn ai dám từ bỏ bản thân vì Chúa và vì Tin Mừng thì sẽ được hưởng sự sống đời đời mai sau. Người môn đệ – “kẻ phục vụ Thầy” cũng phải đi cùng một con đường như Chúa Giêsu để đạt tới vinh quang. Như hạt lúa, chúng ta cũng phải chết đi cho tội lỗi để sinh nhiều bông hạt.
Huệ Minh