Nhân Cách Đời Tu

DẪN NHẬP: Có thể nói, từ khi con người hiện hữu cũng là lúc nhân cách mỗi người được biết đến. Thật vậy, mỗi người với những tài năng, tư chất… đều góp phần trong việc hình thành nhân cách cá nhân.

Nhưng mỗi thời, người ta dùng một lối nói khác nhau. Khổng Tử đã đề cao con người khi nói nhân linh ư vạn vật. Đồng thời, ông đề ra các đức tính giúp sống đời nhân bản: nhân, lễ, nghĩa, trí và tín. Hay Đông Phương có một câu nói khá phổ biến sống theo luân thường đạo lý, còn Tây Phương lại nói nhiều đến đạo đức con người theo nhãn quan triết học… và có cả một chủ trương nhân bản. Mãi đến thế kỷ XX, người ta mới sử dụng phổ biến thuật ngữ nhân cách. Chính nhân cách mới là một giá trị mà con người mọi thời phải cố công đào luyện để hoàn thành chính mình.

ductin.jpg

Hơn nữa, ngày nay con người càng muốn đề cao nhân cách vì xã hội đã có quá nhiều lạm dụng và lệch lạc, gây hư hại phẩm giá con người. Từ thời Phân Tâm Học ra đời (1) cho đến thế kỷ XXI này, đã có nhiều thuyết bàn về nhân cách dưới nhiều góc độ khác nhau: nhân cách cái tôi, nhân cách hiện sinh… Trong tập sách nhỏ này, người viết muốn nhấn mạnh đến nhân cách đời tu. Hay nói cách khác, người viết cố gắng phác hoạ chân dung người sống đời thánh hiến. Trong một xã hội phát triển đến mức chóng mặt như hiện nay, những người sống đời tận hiến chắc chắn không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Vì thế, cần nêu lên những thách đố mà tu sĩ thời nào cũng đối diện, cách riêng những vấn nạn mới trong thời đại chúng ta.

Vào thời Trung Cổ, có thể nói xã hội và Giáo hội đang sống trong cảnh thịnh vượng, xa hoa (2), thì Thánh Thần đã gởi đến chân dung của thánh Phanxicô khó nghèo, một nhân cách điển hình sống trong thời đó. Ngài vốn xuất thân từ bậc trung lưu đã từng sống phóng túng như những người “sành điệu”, sau đó được ơn hoán cải, ngài chọn Bà Chúa nghèo làm lẽ sống. Một người vốn giàu có lại chấp nhận và vui nhận sống nghèo để cách nào đó trả lời cho con người thời bấy giờ biết rằng: hạnh phúc và niềm vui đích thực không hệ tại sự giàu sang sung túc nhưng là sự khó nghèo trong tâm hồn.

Gần đây hơn, chúng ta biết đến chân phước Têrêsa thành Calcutta. Mẹ đã nhận được giải Nobel hoà bình của quốc tế năm 1979. Mẹ không những được Giáo hội biết đến mà còn được cả thế giới ngưỡng mộ bởi sự dấn thân triệt để cho người cùng khổ. Trong khi xã hội đạt đến đỉnh cao của sự phát triển kinh tế, người ta tôn vinh những người giàu có và quyền lực, Thánh Thần đã gởi đến cho Giáo hội một người đồng hành với người cùng khổ bị xã hội loại bỏ. Mẹ đã đến với những người hấp hối đang bị dòi bọ rút rỉa tại khu ổ chuột Calcutta với một ước muốn họ chết như một con người. Có thể nói, mẹ là một trong những người tiên phong trong việc hành động cụ thể nhằm bảo vệ phẩm giá con người. Thiết tưởng, đó là một nhân cách điển hình cho thời đại chúng ta.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều linh mục, tu sĩ bị xã hội lên án về việc lạm dụng tình dục, sử dụng tiền bạc quá mức qui định… đã làm cho Giáo hội phải đau lòng vì những phần tử sa phạm. Đó là những gì lộ ra bề mặt, bề trong vẫn không thiếu những lối sống phản chứng trong đời tu. Những biểu hiện tiêu cực ấy là dịp các nhà đào tạo phải đặt ra vấn nạn: Đâu là những nét tiêu biểu làm nên nhân cách đời tu ?

Như chúng ta đã biết: nhân cách là một thực tại sống động. Bởi đó, nó không ngừng được hội nhập và lột xác mỗi ngày. Nếu hiểu đời tu là một cuộc lội ngược dòng thì nhân cách mà một tu sĩ muốn xây dựng cho bản thân phải đáp ứng những thách đố của thời đại (Phần 1) nhưng nhờ ơn Chúa và gương lành của các thánh, họ tiến bước mà nắm chắc phần thắng trong hy vọng lớn lao.

Có nhiều cách tiếp cận vấn đề này, người ta có thể tìm hiểu bản chất đời tu để từ đó đề ra một dạng thức hiện hữu của một tu sĩ, xét như một nhân cách đời tu, hoặc có thể khởi đi từ lời mời gọi của Thiên Chúa đến việc đáp trả của cá nhân trong cung cách cá vị của mình. Chúng ta hãy khởi đi từ những thách đố của thời đại, từ đó, rút ra những kinh nghiệm giúp mỗi tu sĩ sống trọn ơn gọi của mình. Thách đố thì rất nhiều, chúng ta chỉ nêu lên 3 điều: danh, lợi và thú. Như thế, thách đố này không phải chỉ thời này các tu sĩ mới đối diện nhưng đã có từ khi con người hiện hữu; bởi đó, các tu sĩ cần nhận ra những hình thức mới từ những đặc tính cũ. Song song với 3 thách đố ấy, chúng ta muốn hướng đến 3 lời khấn, như cách đáp ứng đúng đắn cho một tu sĩ bước theo. Thật vậy, danh tiếng người đời thường đi tìm nơi tạo vật, các tu sĩ đi tìm trong Thiên Chúa (khấn vâng phục); lợi lộc người đời vẫn tìm nơi của cải chóng qua, các tu sĩ tìm cách chiếm được Chúa là phần gia nghiệp (khấn khó nghèo); lạc thú người đời tìm trong hưởng thụ xác thịt, các tu sĩ sống tình yêu phổ quát cho Chúa và cho mọi người (khấn khiết tịnh).

Những thách đó vừa kể trên quá tinh vi và phức tạp, nó đã ăn sâu trong mọi tư tưởng, lời nói cũng như việc làm của con người. Thế nên, bước vào đời tu, các ứng sinh cần tái khám phá những mặt nạ và các cơ chế tự vệ vẫn đeo bám mình. Xét về mặt tự nhiên, một khi đối diện với điểm yếu, mặt trái hay bóng tối này trong cuộc sống, xem ra là một bất lực; tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, người được thánh hiến dễ dàng đối diện và vượt qua. Đó là giải pháp đức tin mà mỗi tu sĩ cần đến khi gặp những khó khăn trong đời tu. Theo một nghĩa nào đó, đây là hành trình xây dựng nhân cách tôn giáo với ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời sống thường ngày. Cụ thể hơn, nhờ những gợi ý của tông huấn Vita Consecrata, các tu sĩ sống và thể hiện đời sống đức tin, cậy và mến qua 3 lời khấn dòng. Điều này đòi buộc người sống đời thánh hiến phải thấm nhuần linh đạo của Đức Kitô. Và qua những mẫu gương điển hình như một gợi ý cho hành trình ơn gọi của mỗi tu sĩ.

Những gì được trình bày trong tập sách này chỉ mang tính gợi ý và không tránh được những thái độ chủ quan, rất mong sự góp ý xây dựng của các bạn đọc.

1.NHỮNG THÁCH ĐỐ CHO ĐỜI TU NGÀY NAY

Đọc lịch sử linh đạo các dòng tu, chúng ta nhận ra rằng mỗi thời đều mang đặc nét riêng mà đòi hỏi người đương thời phải đọc ra được dấu chỉ thời đại nhằm thích ứng, hội nhập và đảm nhận chính đời sống mình, để trong mọi thời luôn có những tâm hồn tận hiến phục vụ cho Nước Trời. Nhưng không tránh được những thách đố do yếu tố ngoại tại và nội tại tác động đến đời tu, chung qui, nó bao gồm 3 điểm: Danh, lợi và thú. Ba mối thị dục này luôn đeo bám con người nhưng nó lại mặc những hình thức mới. Đây là điều cần chúng ta làm sáng tỏ.

 Danh

Danh được hiểu là danh tiếng, như việc được mọi người biết đến. Có bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu cách thể hiện mình để mọi người biết đến. Ở đây, chúng ta chỉ đưa ra những mẫu số chung khi dựa vào những lập trường của một số nhóm đang thịnh hành mà chúng tạo nên làn sóng này, làm nên những thách đố cho con người ngày nay. Trước tiên, chúng ta bàn đến nhóm chủ trương vô thần.

 Chủ nghĩa vô thần

Chủ nghĩa vô thần được hiểu là những người không tin có Thượng Đế hay thần thánh nào. Khi họ không tin rằng có một ai trên họ thì cách mặc nhiên họ là thượng đế cho chính mình. Từ đó, họ tạo uy thế và dùng mọi cách kể cả thủ đoạn để gây ảnh hưởng trong cộng đồng họ đang sống. Thái độ trịch thượng này cũng đi vào dòng tu với một hình thức đầy thánh thiện. Thật vậy, nhân danh sự thánh thiện, họ thể hiện hết tài năng mình có để phục vụ cộng đoàn nhưng trên thực tế, họ muốn mọi người nhìn nhận khả năng xuất chúng của họ và họ nghĩ rằng không có mình thì chẳng có việc gì thành.

Người theo chủ nghĩa vô thần chỉ đánh giá con người dựa trên những gì người khác làm được và chiếm hữu, thế nên, phẩm giá con người chỉ dựa vào tầm ảnh hưởng mà họ tạo nên. Với cách đánh giá ấy, họ đã tạo nên sự ngăn cách giữa người với người vì tôi là một người nổi tiếng, còn anh chỉ là dân nghèo. Lối sống ấy cũng xâm nhập vào cộng đoàn dòng tu như một cách thức đánh giá con người: tôi xuất thân từ gia đình đạo đức truyền thống, còn anh chỉ là tên đạo theo. Như thế, họ tìm mọi cách để nâng mình lên khi dựa vào những yếu tố ngoại tại mà quên rằng mọi người đều đáng tôn trọng vì mang hình ảnh Thiên Chúa. Ngoài ra, vì những tu sĩ này trông chờ sự đánh giá cao của mọi người nên không ngừng làm việc như thể đó là cách giúp họ khẳng định bản thân.

Một trong những hệ quả rút ra từ chủ trương này: sự tự do. Vì không tin có Thiên Chúa nên họ đưa con người đến tột đỉnh, tự do con người là tuyệt đối. Trong khi không tin có Thiên Chúa, họ lại tìm giết Ngài để con người hoàn toàn tự do. Đó là mâu thuẫn của những người chủ trương vô thần. Vả lại, thực tế cuộc sống cho thấy, con người hữu hạn không thể có tự do vô hạn. Bằng chứng là con người chết trong khi những dự phóng chưa được hoàn thành.Thế mà những nghịch lý ấy lại đi vào trong dòng tu với một logic nhân danh nhân vị con người. Tôi phải thực sự sống tự do theo tư duy của bản thân tôi. Đó là cách duy nhất tôn trọng nhân vị con người. Chẳng ai ép tôi đi tu, nghĩa là tôi hoàn toàn tự do chọn đời sống này. Cứu cánh của tự do là nhằm đạt đến hạnh phúc mà họ không hạnh phúc là do đâu ? Tại bản thân hay tại cộng đoàn dòng tu ? Đây là một trong những thách đố lớn nhất của các tu sĩ thời nay.

Ngoài ra, ngày nay một số tu sĩ nhân danh cộng đoàn, để “đánh bóng” cái tôi của mình; họ nhân danh sự thánh thiện để loại trừ người anh em. Còn nói mạnh như cha Anthony de Mello: họ nhân danh Thiên Chúa để giết chết Thiên Chúa.

Tóm lại, danh, danh dự, danh tiếng… là những thách đố luôn đặt ra cho mỗi tu sĩ mọi thời cách riêng thời đại chối từ Thiên Chúa. Chúng ta cần ghi nhận lời quả quyết của Đức Bênêdictô XVI: “ Chủ thuyết nhân bản loại Thiên Chúa là một chủ thuyết phi nhân bản”.(3)

Quyền lực

Nếu danh tiếng giúp tạo tầm ảnh hưởng cho bản thân thì quyền lực là phương tiện họ dùng để thống trị. Quyền lực là lời phán quyết từ trên cao, thế nên, nó kèm theo một thái độ tự cao tự đại. Người cầm quyền trở thành trung tâm vũ trụ, trung tâm quyền lực mà không một đối thủ nào không chịu khuất phục. Điều này làm cho người dưới quyền tỏ thái độ “bằng mặt hơn bằng lòng”. Thái độ giả dối này có thể dần dà làm băng hoại một tập thể tự bên trong. Nếu thói cậy quyền lại áp dụng trong một dòng tu thì cộng đoàn ấy không tránh những bất hoà chia rẽ. Thật vậy, khi quyền lực được ban bố cho một số kẻ kém tài yếu đức thì họ sẽ lạm quyền và hành quyền trên người khác vì chủ đích riêng của họ. Thay vì, dùng quyền để làm đấng trung gian giúp mọi thành viên trong cộng đoàn nhận ra ý muốn của Chúa, họ lại tìm mọi cách để khẳng định bản thân. Như thế, quyền lực trở thành một phương tiện giúp người ta “sống trên” kẻ khác.

Có thể nói, quyền lực là nỗi ám ảnh của mọi cộng đoàn. Do truyền thống gia trưởng, các cộng đoàn nam dễ bị cám dỗ về quyền lực hơn. Thay vì dùng quyền lực để phục vụ mọi người, họ lại nghĩ đến quyền lợi mà chức vụ mang lại nhiều hơn. Điều này khiến cộng đoàn thiếu sự hiệp nhất của một “đầu”. Thay vì dùng quyền lực để giúp người khác lớn lên, bề trên lại dùng những “chiếc roi hà khắc” giáng mạnh trên đàn chiên. Như thế, sự sợ hãi đã làm thui chột phần nào tài năng của mọi người, và dần dà cộng đoàn mất đi tính sáng tạo và dấn thân triệt để.

Ngoài ra, một hình thức biểu dương quyền lực khác nằm nơi cửa miệng của những kẻ ngụy biện. Họ lấy ba tấc lưỡi mà lèo lái người khác theo ý riêng của họ. Họ vui thích vì sự thán phục của người khác mà không chút quan tâm sự tiến triển của cộng đoàn. Xét cho cùng, quyền lực chỉ là phương tiện giúp họ khẳng định “cái tôi.

 ( còn tiếp…)

EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.