Nhà chức trách Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch phá dỡ thánh giá ở tỉnh Zhejiang, và lần đầu tiên, họ nhắm đến một nhà thờ Công giáo.
trong chuyến hành hương ở Bảo Định |
Ngày 25-02, các viên chức chính quyền đã dỡ thánh giá nhà thờ Zhuangyuan, tại giáo xứ Yongqiang, chỉ hai tuần sau khi trưởng ban các sự vụ tôn giáo của tỉnh Zhejiang kêu gọi ‘ổn định tôn giáo’ trước thềm hội nghị G20 sẽ diễn ra vào tháng chín năm nay.
Ucanews.com cho biết vào đêm 24-02, cộng đoàn Công giáo ở giáo xứ Yongqiang đã có cuộc hội khẩn khi nhà cầm quyền cảnh báo là họ sẽ tháo dỡ thánh giá của nhà thờ. Năm ngoái, nhà cầm quyền cũng đã cố gắng làm việc này, nhưng đã bị ngăn chặn. Tuy nhiên lần này, các giáo dân không thể ngăn được.
‘Lần này, người phụ trách nhà thờ đã không thông báo với linh mục giáo xứ, có lẽ bởi các viên chức chính quyền đe dọa buộc ông phải im lặng. Khi linh mục quản xứ biết chuyện, cha đã triệu tập một buổi hội ngay lập tức.’
Tại Zhejiang, trong năm qua, ít nhất 18 thánh giá tại các nhà thờ Tin Lành đã bị phá dỡ.
Còn đây là lần đầu tiên nhà cầm quyền nhắm đến cộng đoàn Công giáo vốn nhỏ hơn, khoảng 210.000 người. Chiến dịch triệt hạ thánh giá bắt đầu từ năm 2013, và cho đến nay đã tháo dỡ hơn 1700 thánh giá ở Trung Quốc.
Có vẻ như nhà cầm quyền đang nhắm đến một nhà thờ Công giáo khác ở giáo xứ Yongqiang, khi họ đã cắt nước và điện dùng cho nhà thờ từ ngày 24-02.
Một giáo dân cho biết tình hình, ‘Kỳ nghỉ Năm mới Âm lịch kết thúc vào ngày 22-02, và mọi người trở lại công việc, kể cả các viên chức nhà nước phụ trách tôn giáo và các thợ phá dỡ.’
Trong một nỗ lực mới nhất để xoa dịu hàng triệu Kitô hữu ở tỉnh Zhejiang, nhà cầm quyền đã ra lệnh là cho đến hội nghị G20, sẽ không phá dỡ thêm thánh giá nào ở Hằng Châu.
Nhưng một linh mục giấu tên cho biết, ‘Họ (nhà cầm quyền) nói là nếu có phá dỡ thêm thánh giá, thì sẽ hỏi ý giáo phận trước. Nhưng tôi không chắc họ sẽ thực sự dừng chuyện này, bởi chính sách của nhà nước thường hay thay đổi.’
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 27.02.2016/
Catholic News Service | 26-02- 2016)