Làm sao Đức Giáo hoàng có thể đến thăm đất nước đầy phức tạp này một cách an toàn được?
Tình trạng của Cộng hòa Trung Phi đã dấy động trở lại. Các nhân viên cứu trợ nói rằng mọi chuyện thật ‘bi thương.’ Nếu những người biết rõ đất nước này nói như thế, thì bạn có thể chắc chắn rằng tình trạng đang rất kinh khủng.
Cộng hòa Trung Phi chưa bao giờ được quốc tế quan tâm nhiều. Bất kỳ lúc nào Trung Phi gây chú ý, thì đều là vì những nguyên do đau lòng, như sự nghiệp lố bịch của quốc vương ăn thịt người Bokassa, hay tình hình biến loạn hiện thời. Tôi xin đưa ra tóm gọn về những biến loạn khó theo dõi của đất nước này, và những khó khăn hiện tại.
Các đại sứ quán ở Trung Phi khuyên các du khách không nên đến đất nước này, và những công dân nước mình đang ở đây hãy rời đi càng sớm càng tốt vì lý do an toàn. Vậy mà, chính đất nước này là nơi Đức Giáo hoàng đã lên lịch ghé thăm vào tháng tới. Do các thách thức thường có khi nhiều người quy tụ, có vẻ thật khó để tổ chức được chuyến viếng thăm bình thường cho Đức Giáo hoàng. Có lẽ Đức Giáo hoàng sẽ ở lại sân bay, dù việc này không hợp với ngài lắm, nhưng một chuyến viếng thăm biểu tượng cũng sẽ thêm phấn khởi cho người dân Trung Phi đang khẩn thiết cần lời cầu nguyện và tình tương thân tương ái của chúng ta.
Trung Phi có những vấn đề nghiêm trọng như, nghèo đói, mạng lưới liên lạc yếu kém, thiếu cơ sở hạ tầng, một tầng lớp chính trị vô trách nhiệm, dân chúng nhanh chóng bị chia rẽ thành các phái dựa trên tôn giáo hay bộ tộc, thiếu hành luật, thiếu tôn trọng tư hữu, cũng như có quá nhiều thành phần có và sử dụng vũ khí hạng nặng. Nội chiến sắc tộc luôn luôn có khả năng xảy ra. Nhưng Trung Phi không phải là đất nước duy nhất hứng chịu những chuyện này. Hầu hết các nước ở Phi châu cũng có các vấn đề tương tự. Đôi khi những yếu tố này bùng nổ thành thảm họa, như nạn diệt chủng Rwanda, những cuộc ‘xung đột sắc tộc’ khiến ngày càng nhiều người bị mất nhà cửa đang xảy ra ở Kenya liên tục trong suốt thời gian qua.
Điều này khiến nhiều người tuyệt vọng, nghĩ rằng châu Phi không bao giờ thoát được bãi lầy khốn cảnh này. Và tất nhiên, trong hoàn cảnh này, sứ mạng của Giáo hội cần phải đóng vai trò quan trọng. Giáo hội giảng dạy, để chúng ta đừng quên là phải tôn trọng tất cả mọi người, cho dù có khác biệt tôn giáo hay sắc tộc gì đi nữa, và giáo hội cũng ủng hộ và giúp đỡ cho sự phát triển một xã hội dân sự. Những thời khắc tồi tệ nhất của Giáo hội ở châu Phi mới đây, là khi có các linh mục và nữ tu, tham gia hay thậm chí là lãnh đạo, một cuộc xung đột sắc tộc. Còn những thời khắc tốt đẹp nhất, là khi các linh mục, nữ tu mạo hiểm tính mạng để cứu sống người khác, kể cả người Hồi giáo. Cần phải nhớ một điều rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả chúng ta, và luật đức mến thì không có giới hạn, đặc biệt là về mặt sắc tộc và tôn giáo.
Đức Giáo hoàng sẽ đến Kenya và Uganda, và những gì ngài sẽ lên tiếng về vấn nạn này, có một tầm quan trọng với người dân Cộng hòa Trung Phi đang gian nan khốn đốn.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch.
(J.B. Thái Hòa chuyển dịch, phanxico.vn 30.10.2015/
Catholic Herald – cha Alexander Lucie-Smith – 22/10/2015)