“Người ban bánh cho tất cả chúng sinh” (14.2.2015 – Thứ bảy, sau Chúa Nhật V Thường Niên)

“Người ban bánh cho tất cả chúng sinh”
(Mc 8, 1-10)

 

1 Trong những ngày ấy, lại có một đám rất đông, và họ không có gì ăn, nên Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói:2 “Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi mà không có gì ăn!3 Nếu Thầy giải tán, để họ nhịn đói mà về nhà, thì họ sẽ bị xỉu dọc đường. Trong số đó, lại có những người ở xa đến.”

4 Các môn đệ thưa Người: “Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no? “5 Người hỏi các ông: “Anh em có mấy chiếc bánh? ” Các ông đáp: “Thưa có bảy chiếc.”6 Người truyền cho họ ngồi xuống đất. Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, dâng lời tạ ơn, và bẻ ra, trao cho các môn đệ để các ông dọn ra. Và các ông đã dọn ra cho đám đông.7 Các ông cũng có mấy con cá nhỏ. Người đọc lời chúc tụng, rồi bảo các ông dọn cả cá ra.8 Đám đông đã ăn và được no nê.

Người ta nhặt lấy những mẩu bánh còn thừa: bảy giỏ!9 Mà đám đông có khoảng bốn ngàn người. Người giải tán họ.10 Lập tức, Đức Giê-su xuống thuyền với các môn đệ và đến miền Đan-ma-nu-tha.

  1. Bánh Lời Chúa

Trước hết, chúng ta được mời gọi hình dung “một đám rất đông”, khoảng bốn ngàn người! Hình ảnh nói lên cả loài người chúng ta. Và họ đã ở với Đức Giê-su đến ba ngày mà không có gì ăn! Như thế, Lời Chúa đã làm cho con người no thỏa đến quên ăn, và chắc chắn quên cả mệt mỏi nữa. Chúng ta hãy ước ao có được kinh nghiệm này của đám đông, khi lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện. Đó cũng chính là kinh nghiệm của cô Maria, lúc cô ngồi bên chân Đức Giê-su say mê nghe lời Người, đến độ quên hết mọi sự! (x. Lc 10, 38-42).

Vậy tại sao Lời Chúa làm cho chúng ta say mê đến như vậy? Đó là bởi vì con người được tạo dựng bởi Lời Chúa (x. St 1) và vì thế, được Lời Chúa cuốn hút và ước ao Lời Thiên Chúa biết bao, dù ý thức hay không ý thức. Thật vậy, con người, tự bản chất, sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bởi Lời Thiên Chúa. Con người không thể sống mà không có « lời » của nhau và Lời Thiên Chúa làm cho lời con người trở thành lời “ban” sự sống, giống như Lời Chúa là Lời ban sự sống. Xin cho chúng ta kinh nghiệm, nơi bản thân mình, Lời Chúa là “lương thực” không thể thiếu của sự sống hằng ngày và nhất là của hành trình đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi, ơn gọi độc thân, ơn gọi gia đình và nhất là ơn gọi sống đời thánh hiến.

« Ở đây, trong nơi hoang vắng này ». Chúng ta có thể dừng lại một chút để đón nhận những gì hình ảnh « nơi hoang vắng » cùng với cơn đói gợi ra tâm tâm trí chúng ta. Mỗi ngày, chúng ta được cần ăn và được ăn, nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta không còn ăn được nữa. Lúc ấy, chúng ta còn mong chờ ai ngoài Đức Kitô là Bánh ban sự sống đời đời ? Điều này giúp chúng ta hiểu câu nói này của Đức Giê-su ở mức độ tuyệt đối : « Họ không cần phải đi đâu cả » (Mt 14, 15). Đức Ki-tô là Đấng hằng sống, Người là ánh sáng và là sự sống, Người đang hiện diện, vì thế, trong cơn đói và cả trong bóng tối chết người nữa, loài người chúng ta và từng người chúng ta « không cần phải đi đâu cả » !

Vì thế, khi nghe Đức Giê-su nói: “Thầy chạnh lòng thương đám đông” (c. 2) và khi chiêm ngắm cách Người nuôi dưỡng đám đông một cách trọn vẹn và dư tràn, chúng ta được mời gọi hướng tới niềm hi vọng Bánh Hằng Sống, là chính Người.

 

  1. “Ngu muội”

Khi Đức Giê-su muốn nuôi dưỡng đám đông lần thứ hai, các môn đệ nêu ra trở ngại:

Ở đây, trong nơi hoang vắng này, lấy đâu ra bánh cho họ ăn no?

(c. 4)

Như thế, các môn đệ vẫn gặp khó khăn như lần thứ nhất: “Chúng con phải đi mua tới hai trăm quan tiền bánh mà cho họ ăn sao?” (Mc 6, 37), và khó khăn ngay sau lần thứ nhất: “Các ông cảm thấy bàng hoàng sửng sốt, vì các ông đã không hiểu ý nghĩa phép lạ bánh hoá nhiều: lòng trí các ông còn ngu muội”(6, 52).

Và sau phép lạ bánh hóa nhiều lần thứ hai, khó khăn về vấn đề lương thực nơi các môn đệ sẽ vẫn còn nguyên. Thật vậy, khi Đức Giê-su căn dặn phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê, các ông lại nghĩ ngay đến chuyện mình quên đem theo bánh! Vì thế, Người chất vấn: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!” (8, 17)

Có lẽ chúng ta cũng vậy, kinh nghiệm đích thân “biết bao điều cao cả” Chúa làm để “nuôi sống” chúng ta, nhưng chúng ta vẫn cứ “ngu muội”. Vi thế, Người đã, đang và sẽ phải kiên nhẫn với loài người và với từng người chúng ta biết bao.

 

  1. Bảy chiếc bánh

Chính Đức Giê-su sẽ nuôi dưỡng đám đông, nhưng Người muốn hành động khởi đi từ những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. Vì thế, Đức Giêsu hỏi về những gì các môn đệ đang có:

Anh em có mấy chiếc bánh?

(c. 5)

Chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa tất cả, tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là. “Bảy chiếc bánh” diễn tả con người thật của chúng ta, rất giới hạn, rất nghèo nàn và rất nhỏ nhoi. Nhưng nếu chúng ta quảng đại trao vào tay Chúa, thì trở thành điều kì diệu một cách nhiệm mầu. Thật vậy, “bảy chiếc bánh”, khi được trao vào tay Chúa, trở thành “bảy giỏ bánh”, sau khi đã làm cho bốn ngàn người thỏa thuê!

Chúng ta được mời gọi dâng cho Chúa « tất cả », tất cả những gì chúng ta có và những gì chúng ta là ; và cái « tất cả » của chúng ta thì nhỏ bé và giới hạn như « bảy cái bánh », nhưng chúng ta được mời gọi trao vào tay Chúa. Đây là cử chỉ mang chiều kích bí tích Thánh Thể : « bảy chiếc bánh », là chính con người chúng ta, đã trở thành của Chúa và chính Chúa ; tương tự như bánh là « hoa mầu của ruộng đất và công lao của con người » nhưng được dâng cho Chúa, để trở thành « Bánh Trường Sinh » nuôi dưỡng chúng ta. Và chúng ta được mời gọi cộng tác để chia sẻ, trao ban chính Chúa cho nhiều người. Và « Bánh Giê-su » sẽ vừa làm mọi người no thỏa và vừa vẫn còn dư tràn, dư tràn vô hạn.

* * *

Bánh tiếp tục được ban cho dân của Chúa, cho từng người chúng ta mỗi ngày, mỗi ngày cách dư tràn. Bánh diễn tả hồng ân, hồng ân Thiên Chúa được ban ngang qua đất trời và bàn tay của con người của anh chị em, đó là những bữa ăn hàng ngày ; bánh diễn tả sự sống đời đời, đó là bánh Thánh Thể ; và cả hai đều diễn tả chính Chúa, chính Ngôi vị của Chúa. Đấng chúng ta khát khao và chỉ Ngài mới làm chúng ta no thỏa, dư tràn.

Xin cho chúng ta nhận ra tình thương của Chúa, mỗi khi chúng ta dùng “Bánh” Chúa ban, bánh hằng ngày và Bánh Thánh Thể, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:

Người ban bánh cho mọi chúng sinh.
Muôn ngày đời tình thương của Chúa.

(Tv 136, 25)

Giuse Nguyễn Văn Lộc