Trong chuyến tông du tại Ba Lan nhân Ngày Giới Trẻ thế giới lần thứ 31, 30-7-2016, vào đầu giờ kinh chiều lễ Thánh I-nhã, lúc 5 giờ chiều, Đức Giáo Hoàng Phan-xi-co đã có cuộc gặp gỡ với nhóm 28 tu sĩ Dòng Tên thuộc 2 tỉnh dòng tại Ba Lan, hai cộng tác viên giáo dân cùng với 2 cha giám tỉnh: cha Tomasz Ortman và cha Jakub Kolacz. Hiện diện trong cuộc gặp gỡ này còn có ba linh mục Dòng Tên khác: Cha Andrzej Majewski, giám đốc chương trình của Đài Phát Thanh Vatican, cha Federico Lombardi khi đó đang là giám đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh và cha Antonio Spadaro, tổng biên tập báo La Civiltà Cattolica.
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại toà tổng giáo mục Krakow trong bầu không khí đầy phấn khởi, đơn sơ, tự nhiên và thân mật. Nội dung cuộc gặp không những mang nhiều ý nghĩa đối với dòng mà còn đối với cả Giáo hội nói chung. Đức Phan-xi-co chào mọi người hiện diện từng người một và ngài chú ý đặc biệt đến những người ngài đã quen biết trước kia. Sau đó, ngài ngồi xuống và bắt đầu đối thoại, lắng nghe các câu hỏi được đặt ra và trả lời bằng tiếng Ý. Cha Kolacz đã phiên dịch ra tiếng Ba Lan mặc dù đa phần mọi người hiểu tiếng Ý rất tốt. Sau đó, Đức Thánh Cha nhận một số phần quà. Trước khi kết thúc buổi trò chuyện kéo dài 40 phút, ngài muốn chia sẻ thêm một chút liên kết với Giáo Huấn gần đây của ngài. Được sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, chúng tôi tường thuật lại cuộc đối thoại này một cách trực tiếp, như vừa mới diễn ra. Như bạn sẽ đọc thấy, cuộc phỏng vấn này giới thiệu về những ấn tượng trong kinh nghiệm của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ và cũng như cung cấp những đường hướng mục vụ hết sức ý nghĩa.
Antonio Spadaro S.J.
Thông điệp của Đức Thánh Cha đã chạm đến trái tim của những bạn trẻ. Làm sao mà cha có thể nói chuyện với họ một cách hiệu quả như thế? Cha có thể cho chúng con lời khuyên khi làm việc với người trẻ không?
Khi tôi nói chuyện, tôi phải nhìn vào mắt của họ. Dĩ nhiên tôi không thể nhìn vào mắt của hết thảy mọi người, nhưng tôi nhìn vào mắt của người này, người nọ và người kia…Và mọi người cảm giác như tôi đang nhìn về phía họ. Đó là cái gì tự nhiên đối với tôi. Đây là cách mà tôi làm với những người trẻ. Nhưng, khi anh em nói chuyện với người trẻ thì họ sẽ đặt ra những câu hỏi. Hôm nay, giờ ăn trưa, họ đã đặt một số câu hỏi cho tôi. Thậm chí họ còn hỏi tôi đã xưng tội như thế nào. Họ không e lệ gì đâu. Họ hỏi trực tiếp. Và anh em phải luôn luôn dùng sự thật mà trả lời họ. Một chàng trai trẻ đã hỏi tôi rằng: “Cha xưng tội như thế nào?”. Và tôi bắt đầu chia sẻ về bản thân. Bạn ấy bộc bạch: “Trong đất nước của con, có những tai tiếng gắn liền với các linh mục, và chúng con không có can đảm đi xưng tội với những linh mục đã sống trong tai tiếng đó. Con không làm được”. Anh em thấy đó, họ nói cho anh em sự thật, có những lúc họ trách cứ anh em. Những người trẻ thích nói thẳng. Họ muốn nghe sự thật hoặc ít là một sự rõ ràng: “Tôi không biết phải trả lời bạn như thế nào”. Anh em không được tìm cách lẩn tránh giới trẻ. Còn với việc cầu nguyện, họ hỏi tôi rằng: “Cha cầu nguyện như thế nào?”. Nếu anh em trả lời bằng một mớ lý thuyết, họ sẽ cảm thấy thất vọng. Các bạn trẻ rất quảng đại. Nhưng khi làm việc với họ đòi hỏi sự kiên nhẫn, hết sức kiên nhẫn. Hôm nay, một trong số họ hôm nay đã hỏi tôi rằng: “Con nên nói gì với một người bạn không tin vào Chúa để bạn ấy có thể trở thành người có đức tin?”. Ở đây, anh em thấy những bạn trẻ cần “những công thức”. Và anh em phải sẵn sàng giúp họ điều chỉnh thái độ này, một thái độ vốn đòi hỏi những công thức và những câu trả lời có sẵn. Tôi đã trả lời thế này: “Hãy nhận ra rằng điều cuối cùng mà con phải làm là nói điều gì đó. Hãy bắt đầu với việc làm một điều gì đó. Sau đó anh ta hoặc cô ta sẽ đề nghị con giải thích về cách con sống và tại sao.” Đó, anh em phải trực tiếp đi thẳng vào sự thật.
Vai trò của những trường đại học Dòng Tên là gì?
Một trường đại học do Dòng Tên điều hành phải hướng đến một nền huấn luyện toàn diện, không chỉ là về mặt tri thức, nhưng còn là một nền huấn luyện con người toàn diện. Quả thực, nếu trường đại học chỉ đơn giản là một viện hàn lâm của những khái niệm hoặc là một “nhà máy” của những chuyên viên hay một thứ não trạng chỉ quy về việc làm ăn ngay trong chính cấu trúc của nó thì lúc đó đại học đã đi sai đường. Chúng ta có Linh Thao trong tay. Đây là điều thách đố: hãy đưa đại học đi theo đường hướng của linh thao. Điều này có nghĩa là mạo hiểm trên sự thật chứ không trên những “sự thật đóng kín” mà chẳng có ai tranh luận. Sự thật của việc gặp gỡ con người được mở ra và đòi hỏi phải để chúng ta bị chất vấn bởi thực tế. Một trường đại học của Dòng Tên phải liên hệ với đời sống thực tế của Giáo Hội và của quốc gia: thực chất quốc gia cũng là một thực tế. Một sự để tâm đặc biệt phải luôn dành cho những người bên lề xã hội, cho việc bảo vệ những ai đang cần bảo vệ hơn hết. Điều này, rõ ràng không có nghĩa là cộng sản: Đơn giản là thật sự chú ý đến thực tế. Trong trường hợp này, cụ thể là một trường đại học Dòng Tên phải thật chú ý đến thực tế để diễn tả tư tưởng xã hội của Giáo Hội. Tư tưởng tự do phóng túng gạt bỏ con người ra khỏi trung tâm và đặt tiền bạc làm trung tâm không phải là tư tưởng của chúng ta. Giáo huấn của Giáo Hội rất rõ ràng và phải hướng đến ý nghĩa này.
Tại sao Cha lại trở thành một tu sĩ Dòng Tên?
Khi tôi gia nhập chủng viện, tôi đã có ơn gọi tu dòng. Nhưng lúc đó cha giải tội của tôi lại chống Dòng Tên. Tôi cũng thích những tu sĩ Đa-minh và đời sống tri thức của họ. Sau đó, tôi bị bệnh và phải phẫu thuật phổi. Một linh mục khác đã giúp tôi về phương diện thiêng liêng. Tôi nhớ là khi tôi kể cho vị linh mục đầu tiên về việc tôi sẽ gia nhập Dòng Tên, ngài đã tỏ vẻ không vui. Nhưng ở đây mới thấy sự trớ trêu của Chúa. Quả thế, tại thời điểm đó, người ta chịu các Chức nhỏ. Chức cắt tóc được thực hiện vào năm thứ nhất thần học. Cha viện trưởng bảo tôi đi đến Buenos Aires, gặp Đức Giám Mục phụ tá, Đức Cha Oscar Villena để xin ngài tới làm lễ cắt tóc. Tôi đã đến Nhà Chung nhưng người ta nói với tôi là Đức Cha Oscar Villena đang bị bệnh. Thay vào đó, có một Đức Cha khác, ngài chính là vị linh hướng đầu tiên của tôi mới được tấn phong giám mục. Và tôi lãnh nhận nghi thức cắt tóc từ ngài. Và chúng tôi đã làm hòa với nhau sau nhiều năm. Nhưng, đúng thế, tôi có thể nói rằng việc chọn vào Dòng Tên của tôi tự nó là chín chắn.
Trong nhóm này, có mấy linh mục mới được truyền chức. Cha có lời khuyên nào cho tương lai của họ không?
Anh em biết: tương lai thuộc về Thiên Chúa. Phần lớn những gì mà chúng ta có thể làm đều khả thi. Và sự khả thi đến từ thần dữ. Một lời khuyên: thiên chức linh mục là một hồng ân. Thiên chức linh mục của anh em trong tư cách là tu sĩ Dòng Tên được thấm nhuần linh đạo mà anh em đã sống cho đến hôm nay: linh đạo Kinh dâng hiến (1) của Thánh I-nhã.
(Đến lúc này thì cuộc gặp gỡ sắp kết thúc với việc tặng cho Đức Thánh Cha những món quà từ một số tu sĩ Dòng Tên đã đồng hành cùng một số bạn trẻ sống linh đạo I-nhã từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự Ngày Quốc tế Giới trẻ. Đức Phan-xi-cô tỏ ý muốn chia sẻ thêm nên mọi người lại ngồi xuống)
Bây giờ tôi muốn thêm một vài điều. Tôi xin anh em hãy làm việc với các chủng sinh. Trên hết tất cả, hãy trao cho họ những gì anh em đã nhận được từ Linh thao: sự khôn ngoan của việc phân định. Giáo Hội hôm nay đang lớn lên trong khả năng phân định thiêng liêng. Một số chương trình đào tạo linh mục có nguy cơ chỉ giáo dục dưới ánh sáng của những tư tưởng quá rõ ràng và như thế hành động với những hạn chế và những tiêu chuẩn được định ra một cách cứng nhắc theo kiểu suy luận tiên thiên và đặt sang một bên những hoàn cảnh cụ thể: “bạn phải làm cái này, bạn không được làm cái kia.” Và sau đó, các chủng sinh, khi trở thành linh mục, họ sẽ tự cảm thấy khó khăn trong việc đồng hành với đời sống của rất nhiều người trẻ và người lớn. Bởi vì rất nhiều người hỏi rằng: “có thể làm điều này hay không?”. Thế là xong. Và có nhiều người thất vọng rời khỏi tòa giải tội. Không phải do vị linh mục kém cỏi, mà là do ngài không có khả năng phân định các tình huống và đồng hành với họ trong sự phân định đích thực. Họ không được đào tạo đúng mức.
Ngày nay Giáo Hội cần phát triển trong sự phân định và trong khả năng phân định. Và các linh mục cần điều đó trên hết cho sứ vụ của các ngài. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải dạy cho các chủng sinh và linh mục đang thụ huấn: họ là những người thường được tin tưởng trao gửi những tâm sự từ lương tâm của các tín hữu. Linh hướng không chỉ là một đặc sủng dành riêng cho linh mục nhưng còn dành cho giáo dân. Nhưng tôi nhắc lại rằng anh em phải dạy điều này trên hết cho các linh mục, giúp họ dưới ánh sáng của Linh thao trong sự năng động của việc phân định mục vụ, vốn tôn trọng lề luật nhưng biết cách làm thế nào để đi xa hơn. Đây là một nhiệm vụ quan trọng đối với nhà dòng. Tôi rất cảm động bởi tư tưởng của Cha Hugo Rahner (2). Ngài suy tư và viết lách một cách rất rõ ràng. Cha Hugo Rahner cho rằng tu sĩ dòng Tên phải là người nhạy bén về siêu nhiên, nghĩa là anh phải là một người có được một cảm thức về thần lành và thần dữ có liên hệ với những sự kiện trong đời sống con người và lịch sử. Vì thế, tu sĩ Dòng Tên phải có khả năng phân định cả trong phần sân của Thiên Chúa và trong phần sân của ma quỷ. Đó là lý do tại sao trong Linh thao, thánh I-nhã đề nghị giới thiệu cả ý hướng của Chúa sự sống và ý hướng của kẻ thù của bản tính loài người và sự dối trá của nó. Điều ngài viết thật là táo bạo, đúng thật là táo bạo, nhưng đó mới thật là sự phân định. Chúng ta cần huấn luyện cho các linh mục tương lai không bằng những ý niệm chung chung trừu tượng vốn hiển nhiên và rõ ràng, mà phải bằng sự phân định các thần loại để họ có thể giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh cụ thể của họ. Chúng ta cần thực sự hiểu rõ điều này: trong cuộc sống tất cả không phải là đen và trắng hay trắng và đen. Không! Những sắc xám xuất hiện đầy trong cuộc sống. Chúng ta phải dạy họ phân định trong vùng màu xám này.
(Buổi nói chuyện kết thúc ở đây vì các cộng sự nhắc Đức Thánh Cha cần phải tiếp tục chương trình của ngày hôm đó. Tuy nhiên, trước khi rời khỏi, Đức Phan-xi-co muốn chào từng người và ban phép lành cho mọi người)
[1] Dâng hiến là kinh mà Thánh I-nhã đã thêm vào sách linh thao của ngài trong phần Chiêm niệm để được tình yêu (số 234): “Lạy Chúa, xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu, và trọn cả ý muốn của con, cùng hết thảy những gì con có, và những gì thuộc về con.nMọi sự ấy, Chúa đã ban cho con, lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.Tất cả là của Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng. Ðược như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen”. Tưởng cũng nên nhắc lại, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã dùng kinh dâng hiến để trả lời một chủng sinh trong chuyến viếng thăm Đại Chủng Viện Roma ngày 17-2-2007.
[2] Ở đây Đức Thánh Cha đề cập tới một bài kiểm tra của cha Hugo Rahner từ sau khoá học về linh đạo I-nhã. Bản tiếng Ý gần đây nhất:Các bài tập linh thao ra đời như thế nào. Các hành trình thiêng liêng của Thánh I-nhã, Rome, Adp, 2004. Đức Phan-xi-co đã đề cập đến những suy tư mà Cha Hugo Rahner đã viết trong chương 8 của quyển sách. Chúng ta cũng lưu ý rằng chương 3 của sách này cũng được trích dẫn bởi Chân Phước Giáo Hoàng Phaolo VI vào ngày 3-12-1974, trong một buổi chia sẻ ở Tổng Hội lần thứ 32 của Dòng Tên.
Đây là bản dịch của Reyanna Rice. Bài viết gốc được viết bằng tiếng Ý bởi Cha Antonio Spadaro và được đăng trên báo La Civiltà Cattolica.
Chuyển ngữ: Hải Âu
Hiệu đính: Chỉnh Trần, SJ