|
Vâng, mọi sự đều tốt, mọi thứ đều đẹp- Thiên Chúa thấy như thế. Vậy mà, có một điều cứ mè nheo tâm trí tôi là, phải chăng việc con người sa ngã là một biến cố bất ngờ đối với Thiên Chúa? Nhưng bất ngờ là điều không thể tồn tại trong yếu tính của Thiên Chúa. Bởi vì điều ấy mâu thuẫn với chính bản tính của Thiên Chúa. Vì nếu Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, thì làm sao Ngài lại có thể bất ngờ cho được. Do đó, rõ ràng là nếu Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, thì hẳn là Ngài phải thấy trước rằng con người sẽ sa ngã, và thấy rằng công trình tạo dựng của Ngài sẽ bị băng hoại và tiêu tán vì tội con người. Vậy thì tại sao Ngài vẫn thấy mọi sự đều tốt đẹp?
Trong tác phẩm Thức tỉnh, cha Anthony De Mello nói rằng: “Tất cả các nhà thần bí dù là công giáo hay tôn giáo nào khác, bất chấp thần học của họ là gì, bất chấp tín ngưỡng của họ ra sao- họ vẫn hoàn toàn nhất trí với nhau được ở một điểm: mọi sự đều tốt đẹp, mọi sự đều hay.” Tại sao vậy? Vì sao những con người có kinh nghiệm siêu nhiên, có khả năng chìm đắm trong Thiên Chúa lại cũng có thể nhìn thấy mọi sự đều tốt đẹp?
Tôi nghĩ rằng, nếu Thiên Chúa thấy mọi sự đều tốt đẹp kể cả khi ngài thấy trước hiện trạng sa ngã và băng hoại của con người, thì điều ấy chỉ có ý nghĩa là sự chết và sự băng hoại chưa phải là cùng đích của mọi sự. Đúng hơn, đối với Thiên Chúa, mọi sự rồi ra sẽ tốt đẹp. Nói một cách nào đó, chúng ta là những công trình còn dang dở của Thiên Chúa. Bạn có khuyết điểm này, tôi có khiếm khuyết nọ. Chúng ta đều là những tạo vật bất toàn, vì đơn giản, thật đơn giản, chúng ta là những công trình còn dang dở của Đấng Tạo hóa. Nhưng chúng ta rồi ra sẽ đều tốt đẹp cả. Bạn có cảm thấy nét cương nghị của niềm tin bừng cháy trong niềm hy vọng ấy không? Phần tôi, tôi hiểu rằng sở dĩ những vị thánh, những nhà thần bí, những con người thuần thiêng có thể thấy được mọi sự đều tốt đẹp, ấy là vì họ có được cái nhìn của Thiên Chúa, cái nhìn tích cực, đầy lạc quan và hy vọng.
Có một đặc điểm khá giống nhau của tất cả những con người phi thường, tất cả các vị thánh, tất cả những người thuộc về Thiên Chúa, đó là họ có một cái nhìn rất tích cực. Thậm chí, nếu không phải là nói quá, chúng ta có thể lấy tiêu chuẩn này để lượng giá xem đời sống thiêng liêng của mình với Chúa thế nào, ấy là nhìn xem nơi cảm nghĩ của mình tích cực hay tiêu cực. Ngay lúc này bạn cũng có thể làm một thực hành nho nhỏ, hãy lấy giấy viết ra, và ghi nhận những lần bạn đã có những cảm nghĩ tiêu cực trong ngày. Nếu cảm nghĩ của tôi chỉ chất chứa toàn những điều tiêu cực, tôi tin là tôi đang xa Chúa; nhưng nếu cảm nghĩ nơi tôi đầy những tích cực, tôi nghĩ mình đang nên giống với Thiên Chúa. Vì bạn thấy đấy Thiên Chúa là Đấng Tích Cực. Điều tôi vừa cho bạn thấy về Thiên Chúa sang tạo là một minh chứng. Chỉ người tích cực mới nhìn thấy sự tốt đẹp bên kia sự dữ. Chỉ người tích cực mới can đảm thắp lên một que diêm thay vì ngồi yên mà nguyền rủa bóng tối. Chỉ người tích cực mới có thể đặt hy vọng vào dù chỉ là một tia sáng hiếm hoi của sự thiện lóe lên trong lòng một con người. Chỉ người tích cực mới hân hoan vui mừng vì một người tội lỗi sám hối ăn năn mà không lo lắng chuyện ngựa quen đường cũ, rồi người ấy sẽ lại trở về đường nẻo gian tà. Chỉ một người có cảm nghĩ tích cực mới có thể xin tha cho người thủ ác với mình chỉ với một lý-do-không-đủ-sức-tạo-thành-lý-do là vì họ không biết việc họ làm.
Năm 1979, trên đường trở về từ Oslo, sau khi nhận giải Nobel Hòa Bình, mẹ Têrêsa Calcutta dừng lại tại Roma. Các ký giả chen chúc chờ đợi gặp mẹ trong khuôn viên nhỏ bé của ngôi nhà cộng đoàn các nữ tu Thừa Sai Bác Ái ở Monte Celio. Mẹ Têrêsa không để cho các ký giả tấn công. Trái lại, mẹ tiếp họ như những người con. Mẹ nhẹ nhàng đặt vào tay mỗi người một ảnh đeo Đức Mẹ Vô Nhiễm. Các ký giả ráo riết bao vây mẹ để chụp hình và để phỏng vấn. Một ký giả táo bạo hỏi:
– “Thưa mẹ, năm nay mẹ 70 tuổi. Khi mẹ qua đời thế giới cũng sẽ như trước! Vậy đâu có gì thay đổi sau bao nhiêu cực nhọc?” Mẹ Têrêsa đăm đăm nhìn chàng ký giả trẻ tuổi và nở một nụ cười thật tươi, nụ cười như một cái vuốt ve trìu mến, rồi mẹ từ tốn nói:
– “Anh thấy đó, tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể thay đổi thế giới. Tôi chỉ tìm cách trở thành một giọt nước trong, một giọt nước lóng lánh rạng ngời Tình Yêu Thiên Chúa, thế thôi. Anh cho là quá ít sao?” Chàng ký giả trẻ tuổi lúng túng. Các ký giả khác đứng im không nhúc nhích. Mẹ Têrêsa thản nhiên tiếp tục cuộc đối thoại:
– “Anh cũng nên cố gắng trở thành một giọt nước trong, như thế, sẽ có hai giọt nước trong. Anh lập gia đình chưa?”.
– “Dạ rồi,” chàng ký giả đáp.
– “Vậy anh cũng nên nói với vợ và như thế chúng ta sẽ là ba giọt nước trong. Anh có con chưa?”
– Thưa mẹ, ba đứa!
– “Tốt lắm. Vậy anh cũng nên nói với các con anh, và như thế, tất cả chúng ta sẽ là 6 giọt nước trong! (theo Internet)
Đấy, các vị thánh khác với chúng ta ở chỗ đấy đấy. Họ luôn cảm nghĩ tích cực, luôn nhìn cuộc sống cách tích cực. Nơi đời sống của những con người phi thường, những vị thánh luôn toát ra một sức sống, một tinh thần. Chúng ta thường tiêu tán sinh lực vào những cảm nghĩ tiêu cực. Thành thử cuộc sống của chúng ta trì kéo và thiếu sức bật. Thử nhìn lại xem bạn dành thời gian như thế nào để giải quyết một vấn đề. Khi còn là sinh viên đại học, tôi và phần lớn bạn bè của tôi hay có thói quen để đến ngày thi mới ôn bài, nên đa phần tới kỳ thi là ai nấy đều “chạy vắt giò lên cổ”. Nhưng có một điều rất thú vị là thường thì những lúc ấy chúng tôi chỉ tập trung được 60% sức lực, ấy là khá lắm rồi, phần còn lại tiêu tán vào những âu lo bộc phát ra thành những lời than vãn, ca cẩm. Nào là không biết đề ra thế nào? Phải học những câu nào và bỏ những câu nào đây? Trời ạ, biết vậy mình học sớm hơn để giờ đỡ vất vả?… Nhưng đa số những kẻ nghĩ như vậy đều không bao giờ làm được như vậy. Bởi vì họ là những kẻ suy nghĩ tiêu cực, nên mãi mãi vẫn chỉ là những kẻ bị động trong cuộc sống. Tất cả những cảm nghĩ tiêu cực tiêu tán trí lực của họ khiến họ không có tập trung, càng lo lắng họ lại càng tiêu tán.
Bạn thân mến, trầm tư lại và hãy bình an xếp đặt lại cuộc sống của mình. Cảm nghĩ tích cực, sống đầy nghị lực, và đừng để mình tiêu tán tinh thần trí tuệ cho những sự không thể thay đổi được. Xin Chúa chúc lành cho bạn, “giọt nước trong” lóng lánh rạng ngời Tình Yêu của Người.
Dominic Vũ Chí Kiên, SJ.
(dongten.net 18.11.2016)