Tôi giữ được thế chủ động trên “chiến trường” và còn thu về chiến lợi phẩm là một xấp giấy đầy những con chữ nhỏ xinh.
Những năm gần đây người ta vẫn nói rằng trẻ con bây giờ hư và ranh mãnh lắm, dọa dẫm tôi trước rằng kiểu gì tôi cũng bị vùi dập tả tơi ngày đầu đứng lớp. Nhưng may mắn cho tôi, hoặc là họ nói dối, lớp tôi được phân dạy lại hết sức dễ thương, các em mới 7 tuổi, tuổi của những thiên thần.
Tôi là một cô giáo tiểu học.
Rất nhiều người cười khẩy, cười nhạt, hay cười phì khi tôi nói tôi thích làm cô giáo, và thực sự thì tôi đang là một cô giáo dạy trẻ con. Tôi thấy thương hại họ, chẳng phải vì trả đũa họ dám thương hại tôi, mà bởi vì họ đã mất đi nhiều điều làm cuộc sống này có ý nghĩa. Trẻ em chẳng có tội tình gì cả, chúng là những chủ thể thật thà và sống động hơn bất cứ thứ gì trong thế giới của con người. Tờ giấy không thể tự vấy bẩn, điều đó phải do những người có năng lực làm, và đó dĩ nhiên là người lớn. Tôi không thích cái cách họ vò nhàu nhò hay tệ hơn là xé toạc một tờ giấy mà họ lỡ tay hay cố ý làm xấu, người lớn thật quá ư buồn cười. Bởi vậy tôi muốn giữ cho những tờ giấy luôn trong sáng và tường minh, hoặc lấy chút gì đó mình có để sửa sang những tờ giấy tội nghiệp bị làm tổn thương, chỉ một chút thôi cũng được.
Và tôi là một cô giáo tiểu học.
Ngay khi nhìn thấy bọn nhóc, tôi đã biết tôi bị yêu mất rồi. Mắt đứa nào cũng sáng rực lên, trong lay láy. Nghịch ngợm, nhưng còn hơn những con mắt u sầu mệt mỏi, buồn chán thất vọng, hay lươn lẹo mưu mô của những người “thống trị” các em: người lớn. Có vẻ như tôi quá ác cảm với người lớn, nhưng quả thật phải sống giữa bầy con trẻ như vậy mới biết cảm giác chòng chành giữa hai sự đối lập hoàn hảo.
Cả lớp cứ nhộn nhạo như một bầy chim cánh cụt. Buổi học đầu tiên tôi cho một đề bài mở: Tưởng tượng em chính là cha mẹ của mình, hãy viết những thứ em muốn vào một mảnh giấy, bắt đầu bằng câu “NẾU TÔI LÀ CHA MẸ…”.
Sau khi ra nghe đề bài trông chúng còn đáng yêu gấp bội. Đàn cánh cụt con đã trở thành bầy chích chòe thực sự. Tôi ngồi ngắm từng đứa một, cười ngơ ngẩn, và phải đợi mãi đến bây giờ mới được một mình ngồi xem những thiên thần của tôi viết gì trong bài kiểm tra công việc “làm cha mẹ”. Hồi hộp như thể đi tìm kho báu dưới đáy Đại Tây Dương. Và có lẽ tôi sẽ nhớ những giây phút này đến hết đời.
Tờ 1: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ mua cho con cái áo siêu nhân như của thằng Tèo nhà bên.
Tờ 2: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ cho phép con tôi đấm thằng nào dám bảo nó là “Đồ con lợn”.
Tờ 3: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ bảo bác bảo vệ đừng gọi con tôi là con Sún nữa, nó chỉ bị rụng 2 cái răng cửa thôi chứ không phải sún.
Tờ 4: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ chỉ cho nó tắm 3 ngày một lần
. . .
Tôi cười một mình như bệnh nhân tâm thần. Đã biết trẻ con là những chiếc gương chân thực không biết nói dối, nhưng tôi cũng không thể ngờ chúng lại quá sức ngộ nghĩnh và thực thà đến vậy. Tính hài hước kiểu trẻ con luôn là liều thuốc tinh thần quý giá hơn bất kì kiểu hài châm chọc sâu cay nào của người lớn.
Đầu tiên là những điều bọn trẻ muốn, tiếp theo lại là những điều chúng “kể tội” cha mẹ. Tôi thấy thú vị, giống như một quan tòa đang đọc cáo trạng mà lũ trẻ gửi đến để bày tỏ nỗi lòng chẳng bao giờ dám nói với cha mẹ cả.
Tờ 11: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không quát to khi con tôi làm vỡ cái bình, bởi vì khi tôi làm vỡ cái bình thì ông bà nội hay ông bà ngoại của con tôi đều không đến để hét vào mặt tôi “Đồ phá hoại!”
Tờ 12: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không để con tôi ở nhà một mình, nó rất sợ tiếng thạch sùng cười.
Tờ 13: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không bảo con tôi “Im để bố nghe điện thoại” khi nó nhờ làm bài tập.
. . .
Tờ 19: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không nói chuyện tiền trong lúc ăn cơm.
Tớ 20: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không tát vào má con tôi khi nó bị điểm 2 môn Toán.
Tờ 21: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không bắt con tôi phải giống thằng Hải, thằng Tuấn, cái My hay mấy đứa khác.
Tờ 22: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không phải hỏi con tôi xem nó học lớp mấy khi bác Hà hàng xóm hỏi tôi chứ không phải hỏi nó.
Tờ 23: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không uống rượu say và húc đổ bờ rào.
Tờ 24: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không cãi nhau rồi ném li xuống sàn nhà.
Tờ 25: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không “cô” “cô” “tôi” “tôi” mà phải gọi chồng là anh yêu ơi, gọi vợ là em yêu ơi.
Tờ 26: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không nhờ cô Kiến đi họp phụ huynh cho con tôi, nó không thích thế.
Tờ 27: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không tức giận khi hét vào cái tai bị điếc của ông nội nó.
. . .
Tôi tháo kính và thở dài, lòng trùng xuống. Có lẽ người lớn sẽ không bao giờ hiểu được nỗi buồn của một đứa trẻ. Họ mặc định rằng trẻ con thì có gì đâu mà phải buồn, trẻ con là những đối tượng sung sướng nhất quả đất. Điều đó đúng nếu như chúng được sống đúng là chúng, nếu như chúng không phải nhìn thái độ của cha mẹ rồi mới dám làm việc này việc kia. Người lớn rất ích kỷ khi chỉ cho phép mình được phạm lỗi còn trẻ con thì không. Nếu họ làm, đó chỉ là nhầm lẫn, nhưng nếu con cái họ mắc phải, đó là lại cái tội.
Tôi hiểu cảm giác chờ mãi mà chẳng thấy ai về, tôi hiểu cảm giác con thạch sùng kêu lên buồn rầu ở xó nhà, nhưng tôi tự tưởng tượng rằng nó đang cười. Những ngày tháng tuổi thơ cô đơn bên bức tường hắt ánh sáng đèn mờ nhạt, mỗi đêm trước khi ngủ, bà tôi thường chỉ vào bóng cây ổi ngoài vườn in lên tường, bảo rằng bố mẹ tôi đã về và ngủ đi. Khi ấy tôi đã đủ tuổi để biết đâu là thật đâu là những lời an ủi xoa dịu, nhưng tôi vẫn ngủ, trong những giấc mơ, tôi chỉ thấy tôi cười, có những giấc mơ, tôi lại chỉ thấy tôi khóc.
Trẻ em có những bài học để tập làm người lớn, nhưng như thể khuyết thiếu và bất công bằng là đặc tính của người lớn, họ không bao giờ nghĩ mình phải học để hiểu trẻ em.
Không có gì quá đặc biệt và lớn lao, tôi nghĩ trẻ em chỉ cần được yêu thương và nuôi dạy bằng trái tim là đủ, là quá đủ để tạo nên một con người.
Tôi đã từng đọc ở đâu đó một vài câu chuyện.
Một người mẹ đi làm về mệt mỏi và thấy đống bừa bộn trên sàn bếp cùng đứa con gái mặt mũi tèm lem, người mẹ chỉ giận dữ nói cô con gái dọn sạch trước khi cô ta ngủ dậy rồi đóng sầm cửa lại, mà không hề để ý thấy trên bàn là chiếc bánh kem kỉ niệm ngày cưới của vợ chồng cô. Những người cha người mẹ như thế này, họ đã đóng cánh cửa yêu thương của mình với con cái, họ không bao giờ thấy giọt nước mắt của chúng.
Lại có một bà mẹ khác, khi nghe cô giáo gọi điện báo con trai cô đi học muộn 1 giờ đồng hồ, cô rất hoang mang, nhưng vẫn bình tĩnh để hỏi lý do tại sao con trai mình làm vậy.
“Bọn sâu cứ bò hết lên mặt đường sau khi trời mưa, chúng sẽ bị đâm chết mất, nhưng chúng không muốn đi, nên con phải nhặt hết chúng trở lại rãnh”. Câu trả lời của con trai khiến cô chỉ còn biết khóc và ôm chầm lấy thiên thần bé bỏng của mình: “Mẹ yêu con!”
Đó là lý do trên thế giới này có người xấu và có người tốt, có người buồn và có người vui, có người bất hạnh và có người hạnh phúc.
Quay trở lại với tập “điều tra”, tôi không mong thấy những dòng chữ “kể tội” hay thực chất là những dòng tâm sự trách móc đầy bất lực nữa.
Tờ 33: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ không làm thêm giờ tới khuya nữa. Con tôi nó đi giày cũ cũng không sao, mặc quần áo cũ cũng không sao, nó không cần đồ mới đâu, mỗi lần tôi ho là nó lại khóc.
Tờ 34: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ cho con tôi đi theo bán hàng, tôi cũng mệt lắm chứ.
Tờ 35: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ ăn nhiều đến khi nào béo, con tôi không thích người gầy.
Tờ 37: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ nói “Mẹ bị đau” khi tôi thấy đau. Con tôi biết tôi bị đau dạ dày đấy.
Tờ 38: Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ đi cai nghiện!
Tôi thấy có gì nóng ấm bò trên má, tôi cũng từng ước giá như mình có cơ hội để làm đứa con lo lắng được cho cha mẹ. Tôi biết trẻ con chóng quên nhưng rất quan tâm tới những người mà chúng yêu thương. Tôi biết những tâm hồn trẻ thơ không vô tâm như người ta tưởng. Lòng trắc ẩn và tình yêu được vun vén từ những thứ nhỏ nhặt hằng ngày, trong nhà, ngoài ngõ, hay chỉ một cái cây. Nó không hề khó khăn hay phải trả bất cứ cái giá nào như khi người ta lớn. Tôi thấy nhớ cha mẹ.
Nước rơi ướt nhòe tờ giấy cuối cùng, tôi cố lau mắt và vuốt khô những dòng chữ loang màu mực. Tờ giấy nhỏ nhất với một dòng chữ ngắn ngủi cụt ngủn. Chỉ một dòng chữ thôi, khiến tôi òa khóc như một đứa trẻ.
“Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ sống lại”
Tuổi thơ dữ dội ùa về như một dòng sông. Cha mẹ tôi cũng mất khi tôi mới chỉ bảy tuổi. Và tôi biết rằng, tôi cần yêu thương các em, yêu thương thêm nhiều hơn nữa, để hoa lại có thể mọc trên những mảnh đất tâm hồn khô cằn nước mắt. Yêu thương vô điều kiện.
Tôi lấy bút đỏ nắn nót viết những điểm 10 thật tròn lên từng mảnh giấy.
Và lấy cho mình một tờ giấy trắng.
“Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ là cha mẹ của những đứa con”.
Minh – Mẫn
Trích trong “Người đi bán nắng”
(St.)