Nếu tin hãy buông tay ra

 

Một người vô thần rất mê leo núi. Ngày kia trượt chân té ngã lăn từ đỉnh núi xuống. Nhưng may thay ông bám được một cành cây nằm chơ vơ giữa đỉnh cao và vực thẳm. Giữa lúc chỉ còn biết chờ chết, một ý nghĩ chợt đến với ông: Tại sao không gọi Chúa đến cứu giúp? Thế là lấy hết sức lực, người vô thần la lớn: “Lạy Chúa”. Tuy nhiên bốn bề chỉ có thinh lặng và ông chỉ nghe được tiếng dội của lời kêu van. Một lần nữa, người vô thần lại kêu xin tha thiết hơn: “Lạy Chúa, nếu quả thật Chúa hiện hữu thì xin hãy cứu con. Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa.” Sau một hồi thinh lặng, bỗng người vô thần nghe một tiếng vang dậy cả vực thẳm và núi cao: “Gặp hoạn nạn thì ai cũng cầu xin như thế.” “Không, lạy Chúa, nghìn lần không. Con không giống như những người khác. Chúa không thấy sao, con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán. Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.” Tiếng ấy trả lời: “Được lắm, Ta sẽ cứu ngươi. Vậy nếu ngươi tin thì hãy buông tay ra.” Người vô thần thất vọng thốt lên: “Buông tay ra ư, bộ Chúa tưởng tôi điên sao!” (Trích: Món quà giáng sinh).
 
Bạn thân mến!
 
Câu chuyện của người vô thần trên đây có gợi cho bạn điều gì không ? Có khi nào đức tin của bạn gặp thử thách đòi hỏi bạn buông bỏ những bám víu, để được tự do rơi vào vòng tay quan phòng của Chúa không? Nếu có, tại sao bạn không chia sẻ những trải nghiệm đó cho mọi người ? Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ và chia sẻ về Thiên Chúa Quan Phòng với những khía cạnh sau.
 
1. Tôi có tin “Chúa quan phòng” trong cuộc sống của chính tôi không?
 
Với bậc tu trì để trả lời câu hỏi này tưởng như khá dễ, vì chúng ta được sống, được giáo dục trong môi trường đậm dấu đức tin. Ít là khi suy nghĩ về cuộc sống cá nhân, có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao tôi lại đi tu? Tại sao tôi lại tu dòng này mà không phải dòng kia ? Tại sao tôi thích làm việc này mà không phải việc khác ? v.v…??? Vô vàn vô số những vì sao đại loại như thế được đặt ra cho mỗi người mà chẳng sao tìm được câu trả lời thỏa đáng, trừ khi chúng ta biết trở về nguồn. Nguồn Kinh thánh cung cấp cho ta những mẫu gương tuyệt vời thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa cách tuyệt đối. Xin trưng dẫn một mẫu gương : đó là Giuse con của Giacop.
 
Nhìn vào cuộc đời Giuse ta thấy tư tưởng về sự quan phòng của Thiên Chúa xuất hiện nhiều lần. Từ những giấc chiêm bao, từ sự đố kỵ của các anh dẫn đến hành động loại trừ em… bán sang Ai Cập. Ở đây một hoạch định kỳ diệu của Thiên Chúa Quan Phòng cho cuộc đời Giuse, từ thân phận nô lệ trở thành người có địa vị cao trong triều đình.  Trải qua các biến cố ấy, Giuse đã tỏ ra là một yếu nhân trung thành, tuyệt đối phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa khi nói với các anh : “Nhưng bây giờ, các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em…Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót…nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại” (St 45, 5.7-8).
 
Trong thực tế có những lần chúng ta gặp thất bại, rủi ro…không như mong muốn, chúng ta muốn gào hét, đập phá, vứt bỏ. Không ít người đã hoàn toàn sụp đổ và mất tương lai chỉ vì một lần thất bại. Với họ lúc đó chỉ có cánh cửa đang khép trước mặt, mới đem đến cho họ niềm hy vọng, sự thành công mà không còn đủ tỉnh táo để nhận ra những cánh cửa khác đang mở sau lưng.
 
Nếu tin rằng có sự hiện diện của Thiên Chúa quan phòng trong cuộc sống thì chúng ta cũng nên nhận chân giá trị hết sức giản đơn rằng Thiên Chúa không phải tạo ra con người để đày đọa nó, nhưng ngay cả khi nó bị tội lỗi làm cho hoen ố thì Ngài cũng không ngoảnh mặt lại với con người. Vì nếu vứt bỏ chúng ta là Ngài vứt bỏ quyền năng, thừa nhận sự thất bại của Ngài. Chính Ngài tạo ra con người theo khuôn mẫu Thiên Chúa, vì chỉ có hình mẫu đó là đẹp hoàn hảo hơn cả. Ngay từ đầu Ngài đã đặt con người làm trung tâm điểm tạo dựng. Ngày nay Thiên Chúa vẫn không từ bỏ ý định ấy và còn tiếp tục mời gọi chúng ta tham gia cùng Ngài. Qua lệnh truyền: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất.  Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”  (St 1, 3) con người từ thân phận thụ tạo được nâng lên tầm cao hơn so với các loài thọ tạo khác.
 
Chúng ta đọc đoạn trích từ Hiến chế Gaudium et Spes sau đây: “ Thế giới, mà Kitô Giáo nhìn nhận được tạo dựng và bảo tồn bởi tình yêu của Đấng Tạo Thành, sa vào tình trạng bị tội lỗi trói buộc, nhưng đã được Chúa Kitô giải phóng; Ngài đã chịu đóng đanh thập giá và sống lại để bẻ gẫy uy quyền thần dữ, ngõ hầu thế giới có thể được đổi mới theo chương trình của Thiên Chúa và đạt tới viên mãn” (GS 2). Lời Công Đồng dạy trên đây nhắc lại những lời tuyên bố có tính cách tín lý của Công Đồng Vatican I: “Tất cả mọi sự Thiên Chúa đã tạo dựng, Ngài bảo tồn và điều khiển bằng Ơn Quan Phòng (của Ngài) ”.
 
2. Thực hành niềm tin trong đời sống
 
Cách thức thể hiện niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa chắc hẳn không ai giống ai. Nó còn hệ tại ở nền tảng gia đình, môi trường sống, cá tính, sở thích… Ở đây cũng gợi ra hai câu hỏi: Tin vào Chúa quan phòng khi nào ? Và tin ra sao?
 
Tin vào Chúa quan phòng khi nào?
 
Câu hỏi nghe có vẻ rất trẻ con, nhưng vẫn cần nêu ra. Bởi vì nhiều khi quen quá hóa nhàm, khiến chúng ta có thể rơi vào trường hợp của người vô thần “con đã bắt đầu tin từ khi nghe tiếng Chúa phán”, hoặc chỉ tin khi được như lòng sở nguyện. Nếu thế thì chúng ta cũng chẳng khác gì Tôma luôn hoài nghi, thắc mắc: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào cạnh sườn Người, […] …tôi chẳng có tin” (Ga 20, 25). Tô ma còn được may mắn nhờ chính Chúa Giêsu hiện ra củng cố niềm tin. Ngày nay nếu cũng đòi hỏi như thế, coi chừng chúng ta còn tệ hơn Tôma xưa, vì chẳng những chúng ta nghi ngờ mà còn kiêu ngạo, thách thức theo kiểu người vô thần: “Nào bây giờ xin Chúa hãy cứu con đi, và con sẽ cao rao danh Chúa cho đến tận cùng trái đất.”
 
Thiên Chúa vừa là người Cha nhân hậu luôn yêu thương và dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái nhưng vừa lại không nuông chiều con cái, theo kiểu cha mẹ trần gian “con đòi gì, xin gì cho nấy!”. Thiên Chúa không như vậy, có khi ta cầu xin mãi chẳng được, đến nỗi nản chí. Không muốn cầu xin nữa! lúc đó Ngài lại cho. Hoặc vĩnh viễn điều ta xin chẳng bao giờ đến. Bởi Ngài là Cha quan phòng. Ngài biết trước những gì là cần, là hữu ích nếu cho con người.
 
Thế nhưng con người ít ai chịu hiểu cho như vậy. Cứ nhìn một đứa trẻ nổi giận hất phá mọi thứ bánh kẹo ngon Cha đặt trước mặt thay vì con dao nó đòi, chúng ta sẽ thấy mình chẳng khác đứa trẻ ấy là bao. Tại sao vậy? Vì dường như từ lọt lòng, con người đã có sẵn mầm mống phản loạn, sự thống trị, muốn mình là trung tâm, là cái rốn trong nhà, còn những người bên cạnh phải quan tâm, lắng nghe. Về vị trí của con người trong trật tự thế giới, ta đọc thấy trong Hiến Chế Gaudium et Spes cũng tuyên bố như sau: “Con người không lầm lẫn khi nhận biết mình cao cả hơn mọi thứ vật chất, và không coi mình chỉ là một hạt bụi của thiên nhiên hoặc một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Vì nhờ nội giới, con người vượt trên mọi vật. Con người chìm sâu vào thực tại khi nào con người đi vào lòng mình; Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, chờ đợi họ, và cũng nơi đó con người nhận ra vận mệnh riêng của mình dưới mắt Thiên Chúa” (GS 14).
 
Tin ra sao?
 
Khi đặt ra câu hỏi này, phải thú thực bản thân người viết cũng có lúc thấy hoang mang, xót xa khi đọc được những tin nói về tục ăn thịt người, nạn nạo phá thai, hành hạ trẻ em thô bạo… Chúng ta luôn được giáo dục quyền hạn nơi mạng sống con người là do Thiên Chúa của sự sống. Đứng trước hoàn cảnh thế giới ngày nay, không thể biện minh được cho não trạng (mà theo đó) nhân loại đòi thể hiện “quyền thống trị” tuyệt đối, cực đoan và cho rằng có thể thực hiện tất cả mà không có một dẫn chiếu nào về ơn quan phòng của Thiên Chúa.
 
Ngày nay trong một số lãnh vực, quyền này dẫn tới những hình thức thao túng về sinh học, di truyền học và tâm lý. Nếu không được chi phối bởi các tiêu chuẩn luân lý, thì việc thống trị của con người trên con người có thể đem lại những hậu quả thảm khốc. Nhìn nhận tính cách cao cả của con người ngày nay, nhưng cũng nhìn nhận giới hạn của con người, trong sự tự do chính đáng của các thụ tạo (Gaudium et Spes 36), Công Đồng nhắc cho con người nhớ về chân lý ơn quan phòng trợ giúp của Thiên Chúa. Trong mối liên hệ này với Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành và quan phòng, con người có thể tái khám phá căn bản ơn cứu độ của mình.
 
Khi niềm xác tín đã có bến neo đậu vững chắc, họ có thể ra đi vào lòng thế giới, sống và quảng bá cho nhân loại biết về Đấng Quan Phòng.
 
3. Sống niềm tin dưới cái nhìn của Chúa quan phòng
 
Để có thể sống niềm tin trong thế giới đa diện này như thế nào cho đúng, chúng ta cần biết đặt niềm tin dưới cái nhìn của Chúa quan phòng. Bởi vì nơi đó ta gặp thấy một cái nhìn thấu suốt, cái nhìn khổ đau, và cái nhìn van nài.
 
Một cái nhìn thấu suốt
 
Trước mặt Ngài “Mọi sự trần trụi và phơi bày” (Dt 4,13). Chúa đã nhìn thấy những phấn khởi quá độ, những yếu đuối, những liều lĩnh, những sa ngã, những phản bội… Do đó, chúng ta hiện ra rõ rệt trước mặt Ngài. Là thụ tạo, chúng ta cần chấp nhận khả năng hữu hạn của mình, để ánh sáng quyền năng của Đấng Tạo Thành chiếm lĩnh và hướng dẫn.
 
“Chúa rực rỡ khác nào ánh sáng
Mở đôi tay tỏa chiếu hào quang,
Nơi đó ẩn tàng quyền năng Chúa”
(Khabacuc 3, 7).
 
Cái nhìn khổ đau 
 
Nơi Thiên Chúa ta còn gặp một “cái nhìn đau khổ”. Khi bị bắt, bủa vây tứ bề toàn những ánh mắt hờn căm, khác nào cừu non trước bầy sói, thì trong sân nhà thầy thượng tế, chính môn đệ Phêrô lại tặng thêm một nhát dao nữa khi chối Thầy ba lần. Đau khổ lại càng thêm khổ đau! Bản ngã của con người luôn là xin ơn, nhận ơn nhưng cũng mau quên ơn. Lúc Phêrô sắp chìm hoảng sợ kêu lên “Thầy ơi cứu con”, Ngài đã đưa tay ra cho hắn. Nay Người cần một ánh mắt đồng cảm, khích lệ thôi, ông đáp lại bằng một gáo nước lạnh. Ban cho ân huệ đi trên sóng biển (Mt 14, 29), được hưởng vinh quang trên núi thánh Tabor (Mt 17,1),… thế mà Phêrô đã phản bội. Tuy nhiên chỉ ít ngày sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Chúa lại quả quyết: “anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18 ).

 

 
Cái nhìn van nài
 
“Thầy không gọi chúng con là tôi tớ mà gọi chúng con là bạn hữu” (Ga 15,15). Còn gì chân thành, tha thiết hơn thế. Đấng thi ân giáng phúc, giờ lại khẩn nài con người, mong cầu con người gần gũi, trở nên nghĩa thiết “bạn hữu”. Đấng Toàn Năng mặc lấy tâm tình “như nhân”, không ra lệnh như chủ nhân. Ngay cả khi biết người môn đệ đã cùng ăn uống, cùng sống, dùng cái hôn để làm dấu cho kẻ dữ đến bắt, Ngài vẫn gọi hắn là bạn: “Này bạn, bạn đến đây làm gì thì cứ làm đi!” (Mt 26, 50).
 
 Trong thâm sâu của cõi lòng nhân loại, Thiên Chúa tỏ bày vinh quang nơi lòng trắc ẩn. Do đó, một người không có tín ngưỡng, vẫn có cái nhìn của Chúa khi họ biết cảm xúc, rung động trước những người bất hạnh, những nghịch cảnh trong xã hội. Bởi ánh mắt nài van ta gặp nơi tha nhân cũng là cái nhìn của Thiên Chúa đang khao khát, chờ đợi sự thức tỉnh hai tiếng lương tâm.
 
Từ ánh nhìn: thấu suốt – đau khổ – nài van, Thiên Chúa không hề giảm suy uy quyền bản tính Thiên Tạo của mình, trái lại vinh quang ấy lại rực sáng và có sức mạnh hơn bao giờ. Vì từ ánh mắt Quan Phòng của Ngài bao tội nhân đã hồi qui: sám hối ăn năn, hoàn toàn thuộc về Ngài.
 
Đây không phải là một chuyên đề giáo dục Đức tin, vì với cái nhìn còn rất hạn hẹp trong lối sống và thực hành niềm tin, người viết chỉ mong bày tỏ chút suy tư, thao thức. Chúng ta cũng biết, trong những điều kiện kinh tế xã hội, khi mà những mâu thuẫn và bất quân bình vẫn còn chi phối hành động con người, thì hơn bao giờ hết, càng cần những chứng nhân dám sống và phó thác cho sự quan phòng của Thiên Chúa. Mong rằng mỗi chúng ta biết rút ra bài học từ kinh nghiệm của người vô thần trong câu chuyện để biết sống chân thành, khiêm tốn và trở nên người đầy tớ trung thành với lời hứa: “Con hứa sẽ tin Chúa và dạy cho những người khác cũng tin Chúa”, ngay cả khi phải sống trong nghịch cảnh.
 
Nt. Scholastica, Dòng Đaminh Bùi Chu