Nên Tông đồ Bí tích Hòa Giải

Nhiều người lầm đường lạc lối thường xuyên phải nhờ đến Bí Tích Lòng Thương Xót của Chúa mà chúng ta gọi là Bí Tích Hòa Giải (hoặc Bí tích giải tội)!

 

  confession-Nên Tông đồ Bí tích Hòa Giải

 

Lý do thì có nhiều! Có người chẳng bao giờ chịu hồi tâm ăn năn; người khác thì không muốn đi xưng tội vì ngại; còn có người thì thốt ra là: “Mình chẳng có tội gì!” … Có thể bị như thế, nhưng các tình trạng khủng hoảng này cần được chế ngự.

 

 

Sau đây là năm điều thực hành cụ thể mà ta có thể thực hiện ngay bây giờ để thúc đẩy sự trở về lãnh nhận thường xuyên Bí tích giải tội với Lòng Thương Xót của Chúa.

 

1. BẢN THÂN: ĐI XƯNG TỘI! Cố gắng thuyết phục người khác đi xưng tội nếu chính ta viện cớ này cớ khác không đi xưng tội để tránh đón nhận Lòng Thương Xót Vô Biên của Thiên Chúa là không thành thật. Hôm nay, hãy dọn mình để ngày mai đi xưng tội! Không để sự trì hoãn của ma quỷ chinh phục ta!

 

2. LÒNG THƯƠNG XÓT. Sau khi ta đã trải nghiệm lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa qua việc đến tòa xưng tội riêng với linh mục, hãy mời gọi người khác đi xưng tội. Nhắc nhở linh hồn lầm lạc, con chiên lạc đường, người con hoang đàng là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thật vô biên. Thánh Phaolô nhắc chúng ta: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó lòng thương xót của Thiên Chúa càng chứa chan gấp bội.” Hơn nữa, trong Nhật Ký Lòng Thương Xót Nơi Linh Hồn Tôi của Thánh Faustina Kowalska khẳng định rằng những người tội lỗi nhất có thể nên thánh lớn nhất nếu họ biết đặt lòng tín thác vào Lòng Thương Xót Vô Biên của Chúa Giêsu. Thật vậy, theo Chúa Giêsu, những người tội lỗi nhất được nói rõ trong Nhật Ký này là thiếu sự tin tưởng vào Người! Sự thiếu tin tưởng ấy là điều gây thương tích nhất cho Chúa Giêsu.

 

3. NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG VÀ THÚ TỘI (Lc 15:. 11-32). Mời gọi tất cả mọi người đọc và suy gẫm về dụ ngôn Người Con Hoang Đàng trước khi đến với Bí Tích Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng như đọc và suy gẫm về kiệt tác thiêng liêng này sau khi lãnh nhận Bí tích giải tội. Ngay cả có thể tập trung vào những món quà tuyệt vời mà Người Cha ban cho đứa con biết ăn năn trở về này một cách quảng đại và ý nghĩa biểu tượng của các quà tặng ấy. Quà tặng và các ý nghĩa biểu tượng?

 

a) HÔN – Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta không bao giờ thay đổi ngay cả khi chúng ta phạm sai lầm và thậm chí là những sai lầm nghiêm trọng!

 

b) ÔM –Thiên Chúa là Người Cha yêu thương luôn sẵn lòng tha thứ cho chúng ta ngay khi chúng ta có thể nói lên từ thẳm sâu trong tâm hồn mình: Lạy Chúa, con thật có lỗi; xin tha cho con!

 

c) NHẪN – Thiên Chúa muốn thiết lập lại một lần nữa giao ước tình yêu với chúng ta, nhưng cũng thử thách lòng trung tin của chúng ta với Người trong tương lai và khả năng từ chối các cám dỗ phạm tội.

 

d) ÁO MỚI – Sự trần truồng tượng trưng cho tội lỗi và tình trạng mất ân sủng. Áo là biểu tượng trọng đại bên ngoài mặc vào cho linh hồn ơn thánh hóa, tình bạn hữu sâu đậm và trường cửu của Thiên Chúa.

 

e) DÉP – được ban cho để chúng ta có thể nói theo và bước theo đúng dấu chân của Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật và là Sự Sống.

 

f) TIỆC – sau khi đã thành tâm xưng tội, bấy giờ chúng ta có thể trở về với niềm vui dự Tiệc Thánh Thể Chúa, trong khung cảnh của Thánh Lễ.

 

g) BÊ BÉO – Bây giờ trong Thánh Lễ, sau khi xưng tội và trở về tình trạng ân sủng, chúng ta có thể nuôi dưỡng linh hồn mình bằng Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.

 

h) ĐÀN CA NHẢY MÚA! Việc xưng tội nên luôn luôn là lý do để vui mừng khôn tả. Việc trải nghiệm sự tha thứ yêu thương của Thiên Chúa, niềm an ủi xoa dịu lương tâm thanh sạch, lời mời gọi bắt đầu cuộc sống mới, và nhận thức sâu xa về sự hiện diện của Thiên Chúa, Người Cha Nhân Hậu hằng hữu –Tất cả những ân ban này là biển vui mừng hân hoan vô tận!

 

4. XÉT MÌNH. Để tạo thuận tiện cho việc dọn mình lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải, cần có bản kinh Mười Điều Răn được giải thích rõ ràng với các điểm chính để việc xét mình được đầy đủ và đưa bản này cho linh hồn lầm lạc. Mời gọi người ấy đọc kỹ, rồi xét mình và thậm chí có thể viết ra các tội mà người ấy ý thức được. Nếu là tội trọng, nhớ ghi số lần. Sách Giáo lý xác định rằng tội trọng phải được xưng ra cả loại tội và số lần đã phạm. Điều này cần cho việc xưng tội đầy đủ, không bị thiếu sót!

 

BẢN XÉT MÌNH CHO THIẾU NHI của Cha Edward Filardi

 

I)  Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự.

• Hằng ngày tôi có dành thời gian cầu nguyện với Chúa không?

•  Tôi có tin vào chuyện mê tín dị đoan, bùa ngải, thay vì chỉ tin vào một mình Thiên Chúa?

•  Tôi có bác bỏ giáo huấn của Giáo hội hoặc không nhận mình là người Công giáo?

 

II)    Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ

• Tôi có kêu “Chúa” hay “Giêsu” lúc tức giận hay một cách bất kính không?

• Tôi có chửi thề, nói tục không? Tôi có muốn người khác bị tai ương không?

 

III)  Giữ ngày Chúa Nhật

• Tôi có bỏ lễ Chúa nhật và các ngày lễ buộc không?

• Tôi có đến dự Thánh lễ trễ hay về sớm? Tôi có thiếu nghiêm trang hoặc bị chia trí trong khi dự Thánh lễ không?

• Tôi có làm các việc không thật cần thiết vào ngày Chúa nhật?

• Tôi có xem ngày Chúa nhật là ngày dành cho Chúa để cầu nguyện và nghỉ ngơi không?

 

IV)  Thảo kính cha mẹ

• Tôi có kính trọng và vâng lời cha mẹ không?

• Tôi có lời nói hay cử chỉ vô lễ hoặc ngược đãi với cha mẹ?

• Tôi có chịu giúp việc nhà hay phải thúc giục nhiều lần?

• Tôi có cố gắng hòa thuận với anh chị em không? Có ngồi lê đôi mách hoặc bắt nạt người khác?

•  Tôi có làm gương tốt, nhất là cho các em mình?

•  Tôi có kính trọng những người coi sóc mình: các cha, các sơ, người cao tuổi, người giữ trẻ …?

 

V)   Chớ giết người

• Tôi có đánh đập hoặc gây đau đớn cho người khác?

•  Tôi có rủa sả hoặc giễu cợt làm tổn thương kẻ khác?

•  Tôi có nói hành nói xấu khẻ khác không?

•  Tôi có bỏ nói chuyện với ai không? Có xúi giục người khác làm điều xấu không?

•  Tôi có thương yêu mọi người, kể cả các bé còn trong bụng mẹ?

 

VI)  Chớ làm sự dâm dục

•  Tôi có tôn trọng sự thanh sạch của thân xác mình và của người khác?

•  Tôi có xem phim ảnh xấu không?

• Tôi có ăn nói nhã nhặn và ăn mặc kín đáo?

 

VII)   Chớ lấy của người

•  Tôi có lấy những thứ không phải của mình không?

•  Tôi có phá hoại hoặc đùa nghịch đồ đạc của người khác không?

•  Tôi có trả lại đồ mình mượn? Không bị hư hỏng?

 

VIII)  Chớ làm chứng dối

• Tôi có gian lận khi làm bài ở lớp không?

• Tôi có nói dối để khỏi mất mặt không?

• Tôi có nói dối để khỏi bị phạt không?

• Tôi có nói dối để người khác bị mắc vạ hoặc phải xấu mặt không?

 

IX)  Chớ muốn vợ chồng người

• Tôi có để cho cha mẹ có thời gian ở với nhau hay ganh tị với họ và muốn phải quan tâm đến mình?

• Tôi có hờn dỗi khi phải chia phần với bạn?

•  Có thiếu nhi nào tôi không muốn chơi hoặc bủn xỉn với nó vì nó có vẻ khó ưa?

 

X)  Chớ tham của người

• Tôi có ganh tị hoặc đố kỵ về khả năng hoặc những thứ người khác có?

• Tôi có cảm tạ Chúa và cảm ơn cha mẹ về những gì đã cho mình?

• Tôi có chia sẻ những thứ mình có với gia đình, các bạn và người nghèo?

 

Kinh Ăn Năn Tội

Lạy Chúa con, Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng. Chúa đã dựng nên con, và cho Con Chúa ra đời chịu nạn chịu chết vì con, mà con đã cả lòng phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, thì con lo buồn đau đớn, cùng chê ghét mọi tội con trên hết mọi sự; con dốc lòng chừa cải, và nhờ ơn Chúa thì con sẽ lánh xa dịp tội cùng làm việc đền tội cho xứng. Amen.

 

5. Ở ĐÂU? KHI NÀO? THẾ NÀO? Người đã bỏ không đi thờ đi lễ trong nhiều năm cũng như đã không xưng tội quá lâu, thậm chí có thể không nhớ các điều quan trọng cơ bản về cách xưng tội. Điều này có thể làm người ấy không còn muốn đi xưng tội nữa. Cần nói qua các điều cơ bản này với người ấy. Cho người ấy biết nhà thờ nơi có các cha ngồi tòa giải tội. Nhắc người ấy về ngày giờ giải tội của các linh mục trong giáo xứ đó. Sau đó, nhắc người ấy cách vào tòa giải tội, làm dấu thánh giá và thưa với cha giải tội đã xưng tội lần trước cách nay bao lâu, sau đó xưng tội với linh mục, vị đại diện Chúa Giêsu Kitô, Thầy thuốc thiêng liêng. Trong nhật ký của thánh nữ Faustina có ba điều kiện quan trọng được nhấn mạnh để xưng tội nên: 1) Chân thành, có nghĩa là xưng các tội thật rõ ràng; 2) Khiêm tốn – không che giấu tội lỗi, không đổ lỗi tại người khác hoặc cố bào chữa hay cải biến; 3) Cuối cùng, vâng phục. Khi linh mục, người đại diện Chúa Giêsu, cũng là thầy và người hướng dẫn khuyên giải và bảo làm việc đền tội thì chúng ta nên khiêm tốn vâng theo những lời khuyên bảo này như chính lời nói ra từ Chúa Giêsu.

 

Thánh Giacôbê khuyến khích chúng ta bằng những lời mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc đưa một linh hồn lầm lạc trở lại với Chúa:

 

 “Thưa anh em, nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai đưa người ấy trở về, thì anh em hãy biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” (Giacôbe 5: 19-20)

 

Những lời đáng khích lệ nhất này có thể áp dụng vào các nỗ lực cố gắng của chúng ta để đưa linh hồn lầm lạc, tội nhân về với vòng tay yêu thương của Người Cha Nhân Hậu, trở về với Bí Tích Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Bí tích Hòa Giải. Lạy Đức Mẹ, Mẹ là “Nơi ẩn náu của kẻ có tội” cũng là “Mẹ của lòng thương xót” xin thúc giục chúng con đưa các tội nhân cứng lòng quay về cùng Trái Tim yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa Giêsu!

 

Cts.sss chuyển ngữ từ fredbroom.blogspot.com