Năm Thánh với Ơn Toàn Xá

Hỏi : Nhân dịp Năm Thánh 2016 kinh lòng thương xót Chúa được mở ra trong toàn Giáo Hội, Xin Cha giải thích rõ về ơn toàn xá được hưởng nhân dịp này.

Year-of-Mercy.jpg

Trả lời :

Đúng, Năm Thánh Lòng thương xót Chúa ( Divine Mercy) sẽ được mở ra trong toàn Giáo Hội vào ngày 8 tháng 12 năm nay (2015), nhằm ngày lễ kinh Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội  ( Immaculate Conception).Năm Thánh ( Jubilee Year) là dịp trọng  đại cho giáo dân được hưởng nhờ ơn toàn xá ( planery Indulgence) của Giáo Hội.

Nhưng trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi cần nói lại một lần nữa giáo lý của Giáo Hội về vấn đề tha tội và đền tội như sau:

  1. Theo giáo lý của Giáo Hội, thì sau khi các tội đã được tha qua bí tích hoà giải, hối nhân phải làm một việc gọi là “đền tội (penance)” để sữa chữa những  xáo trộn của  tội đã được tha nhưng hậu quả còn để lại trong  trong tâm hồn hối  nhân. Vì thế, những hậu  quả này  cần được thanh tẩy cho sạch  để được vào Thiên Đàng ( đối với các linh hồn còn trong Luyện tội)  (x. SGLCG, số 1459).

Các linh hồn này đang cần sự giúp đỡ của những người còn sống làm việc lành cầu nguyện cho để được mau chóng vào hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng. Một việc lành có giá trị tha hình phạt hữu hạn ( temporal punishment) là ơn toàn xá mà Giáo Hội ban trong những dịp đặc biệt như Năm Thánh để các tín hữu còn sống lãnh nhận và nhường lại cho các linh hồn đang còn được thanh luyện trong nơi gọi là Luyện tội, hay Luyện ngục ( Purgatory).

Các linh hồn thánh ở nơi đây là những người đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, nhưng chưa thánh thiện đủ để vào ngay Thiên Đàng sau khi chết nên  cần “ tạm trú” ở nơi đây một thời gian dài ngắn tùy theo mức hoàn hảo đòi hỏi.

Các linh hồn này đã hết thời giờ làm việc lành rồi, nên chỉ còn nhờ cậy các Thánh trên Thiên Đàng nguyện giúp cầu thay cho, cũng như trông chờ thân nhân còn sống cứu giúp bằng những việc lành như cầu nguyện, xin dâng Thánh Lễ hay lãnh ơn xá để giúp cho họ được mau gia nhập hàng ngũ các Thánh đang vui hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng. Tuy không còn thì giờ để làm việc lành cho mình nữa, nhưng các linh hồn ở luyện ngục có thể cầu xin đắc lực cho các tín hữu  còn sống trên trần gian. Đó là nội dung  tín điều các thánh thông công nói về  sự hiệp thông giữa các Thánh trên Thiên Đàng, các linh hồn thánh trong Luyện tội và các tín hữu còn sống trên trần gian.

Các Thánh trên trời không cần ai giúp mình nữa vì đã thánh thiện đủ để đang được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng. Nhưng các Thánh có thề cứu giúp hữu hiệu cho các linh hồn còn trong Luyện tội và cho các tín hữu còn sống trên dương thế. Cứu giúp bằng lời nguyện giúp cầu thay trước Tòa Chúa cho các linh hồn và các tín hữu còn sống. Các linh hồn còn trong Luyện nguc không thể tự giúp mình được nữa, nên chỉ còn trông cậy  vào các Thánh trên Trời và các tín hữu còn sống giúp họ bằng lời cầu nguyện và việc lành dành cho họ.

 Các tín hữu còn sống có lợi điểm là còn thì giờ để lập công đền tội cho mình , và  cứu giúp các linh hồn thánh trong Luyện tội.

Như thế, chung qui chỉ vì tội mà con người phải xa tránh để sống đẹp lòng Chúa ngay ở đời này và được cứu rỗi để vào Nước Trời mai sau.    

Nói đến tội, thì  tội nào cũng có thể được tha qua bí tích hòa giải , trừ tội phạm đến Đức Chúa Thánh Thần,  tức tội chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn thì không thể tha được như Chúa Giêsu đã nói rõ trong Phúc Âm Thánh Marc-cô (Mc.3: 28-29).

Được tha qua ơn phép giải  tội (absolution), nhưng mọi tội trọng hay nhẹ  đều  để lại những hậu quả lớn nhỏ trong tâm hồn  hối nhân cũng như trong tương quan với người khác, nên cần  được sửa chữa sau khi xưng tội. Thí  dụ, tội lỗi phép công bằng (ăn cắp tiền, tài sản của người khác, vu cáo làm thiệt hại  danh dự, đời tư của ai ) đòi buộc hối nhân phải đền bù thiệt hại tương xứng về vật chất hay tinh thần cho người mình đã làm thiệt hại nhiều hay ít. Cụ thể, ăn cấp tiền bạc hay tài sản của ai thì không thể đọc năm ba kinh hay lần chuỗi 50 để đền tội được,  mà phải hoàn trả cho người ta số tiền mình đã lấy vì phép công bằng giao hoán đòi buộc. Lại nữa,  công khai mạ lỵ ai, thì cũng phải công khai nhận lỗi và xin lỗi cá nhân hay tập thể  mình đã xúc phạm chứ không thể âm thầm đọc vài kinh  đền tội là xong.  Các tội khác như bỏ lễ ngày Chúa Nhật hoặc lễ trọng, giận hờn, nói tục , phạm tội lỗi điều răn thứ sáu, thứ chín, v.v thì có thể làm những việc đền tội cách kín đáo hơn do cha giải tội giao.  Đó là tất cả ý nghĩa của  việc “đền tội”  đòi hối nhân phải thi hành sau khi đã thành thật xưng các  tội nặng nhẹ  mình lỡ  phạm vì cố ý hay vì yếu đuối con người và được tha qua bí tích hòa giải.

Mục đích của việc đền tội này là để được tha hình phạt hữu hạn (temporal punishment) tức là để sửa chữa những hậu quả của tội đã  để lại trong tâm hồn hối nhân như  đã nói ở trên. Hình phạt này khác với hình phạt đời đời (eternal punishment) dành cho những ai chết khi đang mắc tội trọng (mortal sin) mà không kịp ăn năn hay không muốn ăn năn để xin Chúa thứ tha.( x. SGLCG,số 1033, 1472).Hoặc những ai đã chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn để làm những sự dữ như giết người, giết thai nhi, trộm cướp, dâm ô thác loạn mà không hề ăn năn cho đến khi chết.Những người  bị hình phạt đời đời thì không còn trông nhờ ai cứu giúp gì được nữa, vì đã vĩnh viễn xa lià Thiên Chúa là tình thương rồi.

Vả lại, cũng  không có sự hiệp thông nào giữa hỏa ngục và các Thánh trên trời, các linh hồn trong Luyện tội và các tín hữu trên trần gian như Giáo Hội day ( X SGLGHCG số 1033-1037).Vì thế, các Thánh, các linh hồn và các tín hữu không thể giúp gì được nữa cho những ai đang xa lìa Chúa trong nơi goi là hỏa ngục.

Cũng cần phải nói thêm là Thiên Chúa không tiền định cho ai và cũng không muốn phạt ai xuống hỏa ngục vì Người là Cha đầy yêu thương, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng   muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2:4). Nhưng phải có hỏa ngục vì người ta đã tự ý chọn nơi này qua cách sống chối bỏ Thiên Chúa hoàn toàn để làm những sự dữ, sự tội mà không hề biết ăn năn sám hối để xin tha thứ. Con người có tự do chọn lựa và Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng tự do đó để sống theo Chúa để được chúc phúc. hay theo thế gian và ma quỷ để bị luận phạt. Nghĩa là nếu chọn sống theo ma quỷ và thế gian thì phải chịu mọi hậu quả của chọn lựa này.

 Ngược lại, với hình phạt hữu hạn, chúng ta có thể làm những việc lành  để tự giúp mình sửa chữa những hậu quả của tội trong khi còn sống. Nếu không làm hoặc làm chưa đủ thì sau khi chết phải được thanh luyện  trong nơi gọi là “Luyện tội” (Purgatory), tức là nơi thanh luyện  cuối cùng để linh hồn được hoàn toàn thánh thiện hầu xứng đáng vào hưởng Thánh Nhan Chúa  trên Thiên Đàng..

Chính vì mục đích giúp các hối nhân còn sống hay các linh hồn đang chịu  thanh luyện trong Luyện tội được khỏi hình phạt hữu hạn mà Giáo Hội ban một đặc ơn gọi là Ân xá.

Vậy Ân xá là gì ?

2- Ân xá (Indulgence) là ơn sủng mà Giáo Hội  lấy ra từ kho tàng công ơn cứu  chuộc của Chúa Kitô, công nghiệp của Đức Mẹ và các Thánh  để xin Chúa tha các hình phạt hữu hạn (temporal punishment ) cho  hối nhân còn sống hay cho các linh hồn trong Luyện tội.Nói khác đi, Ân xá giúp thanh tẩy những hậu quả của tội đã được tha.

Các tín hữu còn sống hay đã qua đời đều có thể lãnh nhận ân xá để được tha  hình phạt hữu hạn  mình còn thiếu  sót chưa đền đủ sau biết bao tội nặng nhẹ đã được  tha qua bí tích hoà giải.Như thế, ân xá cũng là ơn tha thứ của Thiên Chúa mà Giáo Hội, -với tư cách là Người Quản Lý kho tàng Ơn Cứu Chuộc nhờ  công nghiệp của Chúa Kitô –  lấy ra để phân phát cho con cái mình.

“Ân xá có thể là từng phần (partial) hay toàn phần (plenary) tức ơn toàn xá  để tha từng phần hay toàn phần hình phạt hửu hạn mà ta đáng phải chịu vì hậu quả của  tội lỗi. Tín hữu  có thể lãnh ân xá cho mình hay nhường lại cho các người đã qua đời  (Sđd, số 1471),nhưng không thể nhường cho người đang còn  sống trên trần gian này

Giáo Hội ban ơn toàn xá đặc biệt trong Năm Thánh (Jubilee Year) và trong những dịp đặc biệt khác như kỷ niệm thành lập Giáo Phận, Nhà Dòng, Tu Hội, hành hương kính Đức Me, viếng nghĩa trang trong dịp lễ cầu cho các linh hồn  v,v.

Thí dụ, Năm Thánh 2010 được Tòa Thánh cho phép  mở ra tại quê nhà  để mừng kỷ niệm 50 năm Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập (1960-2010), đánh dấu  sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam trong Giáo Hội hoàn vũ.

Muốn hưởng ơn toàn xá trong Năm Thánh , các tín  hữu phải sốt sắng chuẩn bị tâm linh cách chu đáo, như cầu nguyện, hãm mình,  làm việc bác ái, đặc biệt suy niệm mầu nhiệm và sứ mang của Giáo Hội trong trần thế. Đồng thời cũng phải thành tâm thống hối mọi tội lỗi và quyết tâm cải thiện đời sống  trong ánh sáng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô.  Cần  đi xưng tội để được hòa giải với Chúa và với Giáo Hội . Dĩ nhiên sau đó  là phải tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Chúa Kitô và  làm những việc lành qui định như đọc kinh Tin Kinh, kinh Lậy Cha, kinh Kính Mừng, Kinh Sáng danh  để cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha. Sau hết phải đến viếng (hành hương) một Thánh Đường được chỉ định là nơi hành hương trong Giáo Phận, thay vì phải sang Rôma  để viếng Đền Thánh Phêrô, quá xa xôi , tốn phí.

Tóm lại, ơn toàn xá là đặc ân mà Giáo Hội lấy từ kho tàng thiêng liêng của Chúa để ban cho tín hữu còn sống hay đang chịu thanh luyện trong nơi Luyện tội để được sạch mọi vết nhơ của tội hầu đạt mức thánh thiện hoàn toàn để hưởng Thánh Nhan Chúa trong  Nước Hằng Sống.

Nhưng  xin  giải thích rõ thêm  là ân xá, dù là từng phần hay tòan phần (tức ơn toàn xá hay còn gọi là ơn đại xá)  đều không có mục đích tha bất cứ tội nặng hay nhẹ nào mà chỉ chỉ có công dụng tha hình phạt hữu hạn như đã giải thích ở trên. Nghĩa là, khi ta biết mình đã phạm tội năng hay nhẹ nào thì trước hết phải xin Chúa tha thứ qua bí tích hòa giải tức là phải đi xưng tội chứ không thể ở trong tình trạng “ có tội ” đó mà lãnh ơn toàn xá để xin tha tha tội được.Tóm lại,  ai muốn hưởng ơn toàn xá, thì buộc phải đi xưng tội, rước Mình Thánh Chúa và đọc các kinh qui định cùng viếng nhà thờ như đã nói ở trên.

Ước mong những giải thích trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn