“Danh Thiên Chúa là Lòng Thương Xót” là tựa đề của một cuốn sách mới được phát hành tại 86 quốc gia vào ngày thứ Ba 12 tháng Giêng, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy tầm nhìn của ngài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một loạt các cuộc phỏng vấn với phóng viên Vatican Andrea Tornielli. Đây là cuốn sách đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tư cách là một vị Giáo Hoàng. Dưới đây là một vài trích đoạn trong cuốn sách này.
Cũng như thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng cần đến lòng thương xót
Đức Thánh Cha viết: “Đức Giáo Hoàng là một người cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Tôi nói một cách chân thành với các tù nhân tại Palmasola, ở Bolivia, và với những người nam nữ đã chào đón tôi rất nồng nhiệt. Tôi nhắc nhở họ rằng ngay cả Thánh Phêrô và Thánh Phaolô cũng đã từng bị bắt vào tù. Tôi có một mối quan hệ đặc biệt với những tù nhân, những người bị tước đoạt tự do. Tôi đã luôn luôn rất gắn bó với họ, chính vì tôi nhận thức rằng tôi là một kẻ có tội. “
“Mỗi lần tôi đi qua những cánh cửa vào trong nhà tù để cử hành Thánh Lễ hoặc thăm viếng các tù nhân, tôi luôn luôn nghĩ rằng: tại sao lại là họ mà không phải là tôi? Tôi nên ở đây. Tôi đáng bị ở đây. Sự vấp ngã của họ có thể cũng là sự vấp ngã của tôi. Tôi không cảm thấy cao trọng hơn những người đang đứng trước mặt tôi. Và vì vậy tôi lặp lại và cầu nguyện: tại sao lại là anh ta mà không phải là tôi? Nó xem ra có vẻ đáng kinh ngạc, nhưng tôi lấy được niềm an ủi từ Phêrô: Ngài đã phản bội Chúa Giêsu, và dù như thế, ngài vẫn được lựa chọn. “
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I: ‘được khắc trên bụi đất’
Đức Thánh Cha cũng nhớ lại ngài đã rất xúc động bởi các tác phẩm của người tiền nhiệm của ngài là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I, Albino Luciani. “Có những bài giảng trong đó Đức Cha Albino Luciani, vị Giáo Hoàng tương lai, cho biết ngài đã được lựa chọn bởi vì Chúa ưa thích những điều nào đó không được khắc trên đồng hoặc trên đá cẩm thạch nhưng trên bụi đất, để nếu các hàng chữ được khắc ấy sống sót với thời gian, thì rõ ràng rằng công trạng ấy tất cả và duy nhất thuộc về Thiên Chúa. Vị giám mục và là Giáo Hoàng tương lai Gioan Phaolô I, tự gọi mình là ‘bụi đất’.”
“Tôi phải nói rằng khi tôi nói về điều này, tôi luôn luôn nghĩ đến những gì thánh Phêrô nói với Chúa Giêsu vào ngày Chúa Nhật phục sinh của Người, khi thánh nhân gặp riêng Chúa, trong một cuộc họp đã được ám chỉ trong Tin Mừng Thánh Luca. Đâu là những điều thánh Phêrô có thể đã nói với Đấng Messiah vừa phục sinh từ ngôi mộ của Người? Có thể ngài đã nói rằng ngài cảm thấy mình là một kẻ có tội? Ngài hẳn đã phải có những suy nghĩ về sự phản bội của mình, về những gì đã xảy ra vài ngày trước khi ba lần giả vờ không biết Chúa Giêsu trong sân nhà thầy cả thượng phẩm. Ngài chắc hẳn đã phải có những suy nghĩ về những giọt nước mắt cay đắng và công khai của mình.”
“Nếu Phêrô đã làm tất cả điều đó, nếu các sách Tin Mừng đã mô tả tội lỗi và việc ngài chối Chúa cho chúng ta, và nếu bất chấp tất cả những điều này, Chúa Giêsu vẫn nói với ngài, ‘Hãy chăn các chiên con của Thầy” (Ga 21), thì tôi nghĩ rằng chúng ta không nên ngạc nhiên nếu người kế vị ngài tự nhận mình là kẻ tội lỗi. Điều đó không có gì mới. “
Miserando atque eligendo (Thấp hèn nhưng lại được chọn)
Kể về câu chuyện liên quan đến khẩu hiệu giám mục của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô trở lại một kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, đã diễn ra trong những năm niên thiếu của ngài.
“Tôi không có kỷ niệm nào đặc biệt về lòng thương xót trong thời thơ ấu. Nhưng tôi có những kỷ niệm trong thời tuổi trẻ. Tôi nghĩ về Cha Carlos Duarte Ibarra, là cha giải tội, tôi đã gặp tại nhà thờ giáo xứ của tôi vào ngày 21 tháng 9 năm 1953, ngày Giáo Hội cử hành lễ thánh Mátthêu, tông đồ thánh sử. Lúc đó, tôi mười bảy tuổi. Khi xưng tội với ngài, tôi cảm thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa chào đón. “
“Cha Ibarra nguyên là linh mục ở Corrientes nhưng ngài đến Buenos Aires để điều trị bệnh bạch cầu. Ngài qua đời vào năm sau đó. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc tôi về nhà, sau khi dự tang lễ và nghi thức hạ huyệt của ngài, tôi cảm giác như mình đã bị bỏ rơi. Và tôi đã khóc rất nhiều đêm đó, thực sự rất nhiều, và vùi mình trong phòng. “
“Tại sao? Bởi vì tôi đã mất đi một người đã giúp tôi cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, và vì thế miserando atque eligendo, một khẩu hiệu tôi không biết vào thời điểm đó nhưng cuối cùng tôi đã chọn là khẩu hiệu giám mục của mình. Tôi đã học được sau này, trong các bài giảng của Vị Đáng Kính người Anh là Beda [672-735]. Khi mô tả việc Chúa gọi thánh Matthêu, ngài viết: “Chúa Giêsu thấy người thu thuế và có lòng thương xót nên đã chọn ông vào hàng các tông đồ và nói: ‘hãy theo Thầy’ “.
“Đây là bản dịch những lời của thánh Beda [ban đầu được viết bằng tiếng Latin]. Tôi muốn dịch từ “miserando” bằng một danh-động từ chưa tồn tại: misericordando hoặc mercying. Vì vậy, “thương xót anh và chọn anh” mô tả tầm nhìn của Chúa Giêsu là Đấng trao ban cho hồng ân thương xót và lựa chọn, và dẫn theo với Ngài.”
Giáo Hội lên án tội lỗi, nhưng thể hiện lòng thương xót với kẻ có tội
“Giáo Hội lên án tội lỗi bởi vì Giáo Hội phải truyền đạt sự thật: tội lỗi phải được nêu đích danh là tội lỗi. Nhưng đồng thời, Giáo Hội phải đón nhận tất cả các tội nhân nhìn nhận mình là kẻ có tội, chào đón những người ấy, và nói với họ về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã tha thứ ngay cả những kẻ đã đóng đinh và sỉ nhục Ngài. “
“Để theo đường lối Chúa, Giáo Hội được kêu gọi ban phát lòng thương xót đối với tất cả những người nhận ra mình là kẻ tội lỗi, những người chịu trách nhiệm cho những điều ác họ đã phạm, và những người cảm thấy cần sự tha thứ. Giáo Hội không hiện hữu để lên án con người, nhưng để mang đến một cuộc gặp gỡ với tình yêu thẳm sâu của lòng thương xót Thiên Chúa.”
“Tôi thường nói rằng để cho điều này xảy ra, điều cần thiết là chúng ta phải bước ra ngoài: bước ra ngoài từ các nhà thờ và các giáo xứ, bước ra ngoài và tìm kiếm những nơi người dân sinh sống, nơi mà họ phải chịu đựng, và nơi họ hy vọng. Tôi thích sử dụng hình ảnh của một bệnh viện dã chiến để mô tả “Giáo Hội tiến ra” này. Giáo Hội hiện diện nơi đang có những cuộc chiến đấu. Giáo Hội không phải là một cấu trúc vững chắc với tất cả các thiết bị, nơi mọi người đến nhận điều trị cho những yếu đuối lớn, nhỏ. Giáo Hội là một cấu trúc di động cung cấp những trợ giúp đầu tiên và những chăm sóc ngay lập tức, để những người lính của mình không chết.”
“Đó là một nơi để chăm sóc khẩn cấp, không phải là một nơi để gặp một chuyên gia. Tôi hy vọng rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ giúp thể hiện sâu sắc khía cạnh từ mẫu và nhân hậu của Giáo Hội, một Giáo Hội bước ra với những người “bị thương”, những người đang cần một đôi tai biết lắng nghe, sự hiểu biết, tha thứ, và tình yêu.”
Nói vâng với Lòng Thương Xót, và nói không với băng hoại
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp tục với việc chỉ ra sự khác biệt giữa tội lỗi và băng hoại. Ngài nói rằng người băng hoại thiếu sự khiêm tốn để nhận ra tội lỗi của mình.
“Băng hoại là tội lỗi trong đó, thay vì thừa nhận mình là kẻ có tội và trở nên khiêm tốn, nó được nâng lên thành một hệ thống; một thói quen tinh thần, một cách sống. Chúng ta không còn cảm thấy sự cần thiết của ơn tha thứ và lòng thương xót, nhưng chúng ta biện minh cho bản thân và hành vi của mình. “
“Chúa Giêsu nói với các môn đệ: ngay cả khi người anh em của các con xúc phạm các con bảy lần một ngày, và bảy lần một ngày người ấy trở lại với các con để xin tha thứ, các con hãy tha thứ cho người ấy. Các hối nhân, những người phạm tội hết lần này sang lần khác vì sự yếu đuối của mình, sẽ tìm thấy sự tha thứ nếu họ thừa nhận nhu cầu của mình cần đến lòng thương xót. Người băng hoại là một kẻ tội lỗi nhưng không ăn năn hối cải, phạm tội nhưng cứ giả vờ là Kitô hữu thuần thành, và cuộc sống hai mặt này gây ra tai tiếng. “
“Người băng hoại không biết khiêm nhường, người ấy không cho rằng mình cần đến sự giúp đỡ, và cứ tiếp tục sống một cuộc sống hai mặt. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng băng hoại như thể nó chỉ là một tội lỗi. Mặc dù băng hoại thường được đồng hóa với tội lỗi, trong thực tế, chúng là hai thực tại khác biệt, mặc dù liên kết với nhau. “
“Tội lỗi, đặc biệt là khi lặp đi lặp lại, có thể dẫn đến băng hoại, không phải theo nghĩa định lượng – nghĩa là không phải cứ một số lượng nhất định các tội lỗi nào đó làm cho một người trở thành băng hoại – nhưng theo nghĩa chất lượng: trong đó thói quen được hình thành và con người bị giới hạn năng lực yêu thương và có một cảm giác sai lầm cho mình như thế là tốt rồi không cần đến lòng thương xót Chúa. “
“Người băng hoại cảm thấy mệt mỏi không muốn cầu xin tha thứ và chung cuộc tin rằng người ấy không cần phải xin tha thứ nữa. Chúng ta không trở thành những người băng hoại một sớm một chiều đâu. Đó là một con dốc dài và trơn trượt không thể được xác định đơn giản là một loạt các tội lỗi. Một người có thể là một kẻ có tội và không bao giờ rơi vào băng hoại, nếu trái tim người ấy cảm nhận được sự yếu đuối của mình. Đó là một lỗ nhỏ cho phép sức mạnh của Thiên Chúa đi vào. “
“Khi một người có tội nhận mình là kẻ có tội, người ấy thừa nhận cách nào đó rằng những gì người ấy đã gắn bó với, bám víu vào, là sai. Còn người băng hoại thì giấu nhẹm đi những gì kẻ ấy cho là kho báu thực sự của mình, nhưng thực ra chỉ làm cho người ấy ra nô lệ; và đeo vào một mặt nạ khác với cách cư xử tốt, luôn luôn tính toán để giữ thể diện.”
J.B. Đặng Minh An dịch
Vietcatholic 11/1/2016