Kinh Thánh là câu chuyện về mối tương giao giữa Thiên Chúa với dân mà Ngài đã yêu thương tuyển chọn. Câu chuyện này không thể được đọc như một văn bản lịch sử thông thường, như một cuốn sách khoa học, hay một bản tường thuật…Do đó, chúng ta cần phải có những thái độ thích đáng để đọc Lời Chúa ngõ hầu Lời Chúa trở nên sức mạnh thiêng liêng cho tâm hồn chúng ta. Sau đây là một số gợi ý vắn tắt:
1. Kitô hữu đọc Kinh Thánh. Hội Thánh khuyến khích các con cái mình đọc Kinh Thánh mỗi ngày để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Đọc những Lời được Chúa linh hứng, chúng ta sẽ đi sâu vào tương quan mật thiết với Chúa, đồng thời hiểu rõ ơn gọi của mỗi người trong cuộc đời và trong cộng đồng Hội Thánh mà Chúa đã yêu thương thiết lập.
2. Cần phải cầu nguyện trước và sau mỗi khi đọc Kinh Thánh. Đọc Kinh Thánh không phải như đọc một cuốn tiểu thuyết hay một cuốn sách lịch sử. Cần phải bắt đầu bằng cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần soi trí mở lòng để đón nhận Lời của Thiên Chúa. Và kết thúc với lời cầu xin để Lời Chúa sinh hoa kết quả trong đời sống chúng ta, giúp chúng ta trở nên thánh thiện hơn, thêm tin yêu Chúa hơn.
3. Đọc Kinh Thánh của ấn bản Công giáo. Sách Thánh ấn bản của Công giáo bao gồm đầy đủ danh mục các sách đã được Hội Thánh quy định, cùng với lời dẫn nhập và các ghi chú để có thể hiểu bản văn. Các sách Kinh Thánh ấn bản Công giáo được “imprimatur” (chuẩn nhận), nghĩa là không sai lạc với giáo huấn của Hội Thánh.
4. Cuốn Kinh Thánh là một thư viện. Thật ra đó không phải là một cuốn sách như hình thức nó hiện có, mà là một “thư tuyển”, bao gồm 73 cuốn sách được viết ra qua chiều dài hằng nhiều thế kỉ. Các sách đó bao gồm các loại: lịch sử, tiên tri, thi ca, các thư. Hiểu rõ văn thể của từng cuốn sách chúng ta đọc, chúng ta có thể nắm rõ thể loại văn chương mà tác giả sử dụng để chuyển đạt ý nghĩa và nội dung của sách.
5. Hiểu rõ nội dung của Kinh Thánh. Nghĩa là những gì thuộc về Sách Thánh, những gì không phải nội dung của Sách Thánh. Kinh Thánh là câu chuyện về mối tương giao giữa Thiên Chúa với dân mà Ngài đã yêu thương tuyển chọn. Kinh Thánh không phải để chúng ta học lịch sử, khoa học, xã hội, văn chương…Kinh Thánh bao gồm những chân lí cứu độ mà Thiên Chúa truyền dạy chúng ta.
6. Nội dung tổng quát thì quan trọng hơn từng phần riêng lẻ. Đây là điều quan trọng chúng ta cần nắm vững. Chúng ta hãy đọc Kinh Thánh trong bối cảnh chung của lịch sử cứu độ. Những biến cố, những sự kiện diễn ra trước và sau- trong những sách khác sau- đều liên hệ với nhau, giúp soi tỏ ý nghĩa đích thực của đoạn văn chúng ta đọc.
7. Cựu Ước liên quan với Tân Ước. Cựu Ước và Tân Ước rọi sáng cho nhau. Thí dụ, chúng ta đọc Cựu Ước trong bối cảnh của cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ hiểu rõ kế hoạch cứu độ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Từ đó chúng ta nhận ra rằng từng giai đoạn diễn ra trong Cựu Ước đều chuẩn bị cho biến cố chóp đỉnh, thể hiện tình yêu thương vô biên, sâu thẳm Chúa dành cho chúng ta.
8. Không đọc một mình. Khi đọc và suy niệm những mầu nhiệm trong Kinh Thánh, chúng ta không đọc một mình, nhưng kết hợp với mọi anh chị em tín hữu trong Hội Thánh cùng đọc và suy niệm với chúng ta. Tất cả đều đón nhận Lời Chúa như nguồn sức sống cho cuộc đời. Tất cả đều thực hành Lời Chúa như lương thực thiêng liêng cho tâm hồn. Bởi đó, chúng ta cũng đọc Sách Thánh theo truyền thống của Hội Thánh, nghĩa là từ cội nguồn sự thánh thiện và khôn ngoan của mọi tín hữu, từ quá khứ và trong hiện tại.
9. Lời Chúa nói với tôi điều gì? Sách Thánh không phải là một bản tường thuật những biến cố, những nhân vật của quá khứ xa xăm thuở trước. Không phải như vậy! Lời Chúa luôn nhắn gửi một sứ điệp nào đó cho mỗi người chúng ta trong hoàn cảnh đặc thù, ở đây lúc này. Đó là lời yêu thương, mặc khải, khích lệ, thúc bách…Do đó, chúng ta cần hiểu rõ nội dung đã được trình bày cho các tín hữu. Từ đó chúng ta sẽ tự đặt ra câu hỏi cho riêng mình: Chúa muốn nói gì với tôi hôm nay?
10. Chỉ đọc thôi không đủ. Nếu chúng ta đọc Sách Thánh chỉ như những từ ngữ đơn thuần trên từng trang giấy, công việc ấy không đem lại kết qủa thiêng liêng. Chúng ta cần học biết thái độ của Mẹ Maria, Người đã đón nhận, để tâm suy niệm Lời Chúa rồi đem ra thực hành. Chỉ như thế Lời Chúa mới thực sự trở nên “sống động, hữu hiệu” (Dt 4, 12) cho chúng ta.
*
Trong mọi việc thực hành cần phải có sự hướng dẫn mới đem lại kết quả. Việc thiêng liêng càng cần hơn. Một vài gợi ý trên đây không phải là bao quát tất cả, nhưng chỉ như một vài chia sẻ vắn gọn giúp chúng ta đi vào việc đọc Lời Chúa một cách đúng hướng, nhờ thế sẽ đem lại những kết quả như Chúa muốn.
Lm. Giuse Ngô Quang Trung