Mẹ, nguồn yêu thương vô bờ!

Ai trong chúng ta có thể hát hết những khúc tình ca thắm thiết về mẹ; đọc hết những bài thơ trữ tình đầy ắp yêu thương của mẹ, những câu ca dao ngọt ngào, những câu chuyện thắm đẵm tình thương của mẹ với con cái trong thế gian này! Kho tàng văn học đồ sộ về mẹ của nhân loại hầu như vô giá và vô tận…

Bởi, tình yêu của mẹ dành cho con là một tình yêu thiêng liêng, huyền diệu đã được Thiên Chúa ban cho người mẹ. Con người đã nhận ra được một phần điều bí mật huyền nhiệm nơi tình yêu đó. Trong một cách diễn tả nhấn mạnh, thêm cường điệu về tình yêu của mẹ, một câu ngạn ngữ Ả rập đã nói: “Vì Thượng Đế không thể ở khắp nơi, nên Chúa đã sản sinh ra các bà mẹ.” Tôi thì lại thích diễn tả điều đó theo một cách khác: “Tình yêu nơi các bà mẹ với con cái làm tỏ rõ một phần tình yêu nơi Thiên Chúa với con người.”

 

Tình yêu của các bà mẹ:

 

Tình yêu nơi các bà mẹ với con cái thật sâu thẳm và mênh mang.  Mẹ sẵn lòng đói lạnh để con được ấm no; mẹ cam nằm chỗ chiếu, nệm ướt trong đêm giá lạnh, để con nằm phần chiếu, nệm khô ráo; con đi xa, mẹ trông đợi nhớ nhung; con lỗi phạm trở về, mẹ thứ tha hoan hỷ.. Bà mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả, để con cái được ấm êm hạnh phúc: “Mẹ nghèo nón lá tả tơi/ Mong sao con trẻ vào đời bình yên”. Ca khúc Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác năm 1956 do ca sĩ Thu Hiền thể hiện, tôi cứ nghe đi nghe lại nhiều lần đã khơi lại trong tôi, người con mồ côi  bao nhớ nhung về mẹ: “À á ru hời ơ hời ru. Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa ròng. Chín tháng so với chín năm gian khổ tính khôn lường…Miệng con chúm chím xinh xinh, như đài hoa đang hé trên cảnh. Khát nắng mới và sương lạnh. Lá thắm, rung cánh tay ôm ấp lấy hòa bình. À á ru hời ơ hời ru. Nhớ những lúc mừng con lẫy, rồi con ngồi… Giờ con biết đi rồi, đi trên con đường mới. Mẹ ngắm con cười. À á ru hời ơ hời ru…”.Và trên hết, mẹ sẵn sàng hy sinh mạng sống để con được sống. Câu chuyện “Anh Phải Sống” của nhà văn Khái Hưng. Người mẹ, chị Lạc, vợ anh Thức, sẵn lòng buông tay không bám lấy chồng, để chồng có thể bơi được trên dòng sông Nhị Hà trong lúc chìm thuyền trôi hết những cành củi khô, vợ chồng anh vừa vớt được, vào một chiều mưa bão. Chị đành chịu chết, để thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé! Con chị được sống, khi anh Thức sống trở về nhà. Đó  là tình yêu dâng hiến (agape), hoàn toàn vô vụ lợi.

 

Người mẹ được phú bẩm: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào – Tình mẹ tha thiết như dòng suối biển ngọt ngào..” (Lòng mẹ, Y Vân) là bởi vì hơi thở của con là hơi thở của mẹ; cuộc sống của con là cuộc sống của mẹ; con sống là mẹ sống; con chết cũng như mẹ chết. Ngoài ra:

 

Máu thịt, xương cốt của con là máu thịt, xương cốt của mẹ.

 

Từ trong trứng nước, ngay những giây phút được hình thành theo quyền năng kỳ diệu và lòng yêu thương vô bờ của Thiên Chúa, con được nuôi dưỡng bằng máu thịt của mẹ. Máu thịt của con, chính là máu thịt của mẹ. Xương cốt của con, chính là xương cốt của mẹ. Cung lòng mẹ là tổ ấm của con trong chín tháng mười ngày, con được cưu mang ấm êm hạnh phúc. Nơi cung lòng mẹ, con được đón nhận tất cả những gì mẹ tiếp nhận. Mẹ lo lắng, khó khăn u sầu, con co ro trong lòng mẹ; mẹ vui tươi hạnh phúc, con nhảy mừng trong lòng mẹ (Đức Mẹ đi viếng bà Elizabeth); mẹ thanh thoát nhẹ nhàng thưởng thức món ngon vật lạ, bổ dưỡng, con mỉm cười lớn mau. Chính vì thế, các bác sĩ thường khuyên các bà mẹ khi mang thai, muốn thai nhi mạnh khỏe, ngoài việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng như cá chép, thịt, trứng…cần có đời sống tinh thần thoải mái, vui tươi, tránh lo lắng u sầu để khỏi ảnh hưởng không tốt đến con trong lòng. Con sinh ra, còn sữa nào tốt hơn sữa mẹ! Dù hôm nay có hàng trăm thứ sữa, song Bác sỹ vẫn khuyên các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ. Vì khi bú, con còn đón nhận tình cảm ấm áp, dịu dàng, yêu thương ngọt ngào của mẹ, qua sự vuốt ve hay lời ru êm ái từ thẳm sâu lòng mẹ phát ra.

 

Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện một phần nơi các bà mẹ

 

Mầu nhiệm Chúa ba Ngôi – Mầu nhiệm Tình Yêu, mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin Kitô giáo, vốn là một mầu nhiệm vượt trên sự hiểu biết của con người; ngay cả óc tưởng tượng của con người cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Chúa Giêsu đã dạy cho chúng ta biết mầu nhiệm Chúa ba Ngôi: “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ. Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”(Mt 28,20). Nếu Chúa không dạy thì chúng ta không thể nào biết được. Mầu nhiệm Chúa ba ngôi giúp ta biết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Chỉ khi Chúa xuống làm người, ta mới được Chúa cho biết Mầu nhiệm cao trọng này; thời Cựu Ước ta mới biết Thiên Chúa duy nhất và quyền năng vô biên đã tạo ra vũ trụ cùng muôn loài.

 

Thánh Augustinô đã nói: “Nếu anh thấy tình yêu, anh thấy Ba Ngôi cực thánh” (Trích Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI số 19). Chính vì thế, khi chúng ta cảm nghiệm, nhìn thấy được tình yêu cuả mẹ với con cái, chính là lúc chúng ta nhận ra một phần vẻ nhiệm mầu của tình yêu bao la không bến bờ nơi Thiên Chúa dành cho con người.

 

Tình yêu của các bà mẹ nó cụ thể hơn, nó sống động hơn, ta dễ có thể nhận được bằng giác quan, ta bắt gặp hàng ngày ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Nhìn vào tấm gương tình yêu nơi người mẹ với con cái ta đã có thể bập bẹ được đôi điều về tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nhà truyền giáo cũng là họa sĩ thời danh người Hà Lan Van Gogh (1853-1890) đã nói: “Cách tốt nhất để biết Thiên Chúa là hãy yêu nhiều. Hãy yêu bạn mình, yêu vợ mình, yêu một cái gì đó. Rồi bạn sẽ thấy mình đang đi đúng đường dẫn tới chỗ biết Thiên Chúa”. Vậy nhìn bà mẹ yêu con ta thấy được phần nào tình yêu của Thiên Chúa với chúng ta. Cũng chính vì thế mà trong thư thứ nhất câu 20 chương 4, thánh Gioan đã viết: “Nếu ai nói: Tôi yêu mến Thiên Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”.

 

Nổi thao thức băn khoăn

 

Từ cội nguồn, và sâu thẳm, tình yêu thương của mẹ với con là như thế! Và có thể trăm lần, ngàn lần hơn thế! Nhưng nhìn lại trong xã hội hôm nay, ta không khỏi ngậm ngùi chua xót, đớn đau khi thấy khá nhiều người chỉ còn biết chạy theo vật chất, chạy theo tiền tài danh vọng. Hàng ngàn, hàng trăm ngàn bà mẹ sẵn sàng nạo phá thai, trút bỏ thai nhi, máu thịt của mình vô tội vào sọt rác. Đau đớn hơn nữa là các thai nhi nhiều nơi còn được dùng làm đò ăn cho gia súc. Xã hội chưa có một đạo luật nào bảo vệ sự sống của con người khi còn là thai nhi. Càng buồn hơn khi người ta còn tranh cãi nhau chưa nhận thai nhi là con người. Người ta chỉ nhìn nhận con người khi đã được sinh ra. Thật phi luân và phản đạo đức. (Điều 19 Hiến Pháp Việt Nam: Con người có quyền sống…)

 

Kết luận

 

Cộng đoàn Giáo xứ phải là cộng đoàn Đức Tin; cộng đoàn cầu nguyện; cộng đoàn yêu thương và bác ái; nhưng trên hết phải là cộng đoàn Loan Báo Tin Mừng. Vì Thánh Gia-cô-bê đã xác quyết: “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” (Gc. 2, 17). Vì lẽ đó, chúng ta có bổn phận gìn giữ tình yêu cao đẹp của người mẹ nơi con cái trong môi trường, trong quê hương thân yêu này, nơi Chúa đã cho ta sống tại đây, bằng cách thiết tha cầu nguyện xin Chúa thương để các bà mẹ nhận ra việc trút bỏ thai nhi là lỗi luật Chúa dạy. Và ta cùng cầu nguyện để các nhà lãnh đạo trên quê hương sớm có các sắc luật ngăn chặn sự phá thai để mọi người được bảo vệ quyền sống và được sống bình an ngay khi còn là thai nhi trong cung lòng mẹ. Được như vậy, hạnh phúc biết bao!

                                                                                                      

       Inhaxiô Đặng Phúc Minh