WHĐ (21.05.2015) / Agenzia Fides – “Đây là vấn đề của lòng thương xót. Đây là việc cứu mạng, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Các chính phủ Malaysia và Indonesia đã đồng ý tiếp nhận người tị nạn Rohingya, đó là một bước tiến lớn. Người Mã Lai, thuộc mọi tôn giáo, đã tỏ lòng thương xót”, linh mục Lawrence Andrew, S.J., chủ nhiệm tuần báo Herald của giáo phận Kuala Lumpur, tỏ ra vui mừng trước thông tin về việc đã có giải pháp cho cuộc khủng hoảng về những người Hồi giáo Rohingya tị nạn, lênh đênh nhiều ngày qua trong các vùng biển ở khu vực Đông Nam Á. Cha nói: “Những người di dân này là những con người và họ có quyền được sống, có một phẩm giá. Chúa nhật vùa qua trong các nhà thờ của Malaysia, chúng tôi đã cầu nguyện cho họ”.
Sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, từ Liên hiệp quốc cũng như từ Đại học Al-Azhar ở Cairo, các chính phủ Malaysia và Indonesia đã từ bỏ chính sách đẩy người tị nạn ra biển, đồng ý cung cấp chỗ tạm trú cho hàng ngàn người di dân bị mắc kẹt ngoài biển. Tuy nhiên, các chính phủ này cũng đòi được quốc tế giúp đỡ, họ nói rằng “đây là cuộc khủng hoảng toàn cầu, chứ không phải trong khu vực”.
“Indonesia và Malaysia đã quyết định cung cấp trợ giúp nhân đạo cho 7.000 người di dân trên biển”, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia, Anifah Aman, sau một cuộc họp ba bên với các Bộ trưởng của Indonesia và Thái Lan, đã cho biết như trên. Hai nước này đã đồng ý cung cấp “nơi ở tạm, với điều kiện là quá trình tái định cư và hồi hương sẽ phải hoàn tất trong vòng một năm”.
Riêng Thái Lan sẽ đóng góp viện trợ nhân đạo, mà không cho người tị nạn trú chân trên nước mình, vì đã có hàng chục ngàn người tị nạn từ Myanmar đang ở Thái Lan rồi.
Trong khi đó một đội tàu nhỏ của ngư dân Indonesia đã cứu được hơn 430 di dân Rohingya trong ngày thứ Tư 20-05, đưa họ vào bờ của đảo Sumatra an toàn.
Hơn 3.000 người tị nạn Rohingya từ Myanmar và Bangladesh đã đổ bộ vào ba quốc gia này trong những tuần lễ vừa qua. Người ta tin rằng hầu hết những di dân này là nạn nhân của bọn buôn người, bọn này tuyển dụng họ ở Myanmar và Bangladesh với lời hứa cung cấp việc làm cho họ tại Malaysia hay các nước khác trong khu vực. Theo cơ quan Cao uỷ tị nạn Liên hiệp quốc, hơn 120 nghìn người Hồi giáo Rohingya đã rời Myanmar bằng đường biển trong ba năm qua.
(Nguồn: WHĐ)