Hỏi: xin cha giải thích về lòng thương xót nhân loại của Mẹ Maria.
Trả lời :
Chúng ta đang sống trong Năm Thánh Lòng Thương Xót ( Jubilee of Mercy)
Giáo Hội mở Năm Thánh đặc biệt này để mời gọi mọi tín hữu suy niệm và chạy đến với lòng thương xót của Chúa để ôm lấy Chúa là chính nguồn tình yêu và lòng thương xót( love and mercy) dành cho toàn thể nhân loại đang sống trong bối cảnh của văn hóa sự chết, văn hóa của sự vô cảm ( insensitivity), làm thinh hay dửng dưng ( indifferente, numb) trước bao người đang là nạn nhân của nghèo đói, bệnh tật, bất công, bóc lột và vô nhân đạo ở khắp nơi trên thế giới tục hóa , vô luân và vô cảm hiện nay.
Thiên Chúa là tình yêu và đầy lòng thương xót con người, không phân biết màu da, tiếng nói và văn hóa. Chúa Kitô đến trần gian để chết thay cho mọi người trong nhân loại chứ không cho riêng người Do Thái, là đồng hương của Chúa, Đức Mẹ Thánh Giuse và các Tổ phụ ( Patriarch) của dân Do Thái..
Chính vì Chúa là tình yêu và đầy lòng thương xót, nên ai không biết thương xót và yêu thương thì không thuộc về Chúa và không thể được cứu rỗi để vào Nước Trời là nơi an vui và hạnh phúc vĩnh cửu.
Phúc Âm Thánh Matthêu, chương 25 đã chỉ cho ta thấy rõ là đến ngày tận thế, tức ngày phán xét chung, Chúa sẽ phán xét con người với tiêu chuẩn bác ái. Nghĩa là ai khi còn sống mà có lòng thương xót, thương cảm đối với người nghèo khó, bệnh tật, vô gia cư và tù đầy thì sẽ được thưởng phúc Thiên Đàng. Ngược lại, những ai dửng dưng trước sự đau khổ, nghèo đói, bệnh tật của người khác thí sẽ bị phạt đời đời trong hỏa ngục. là nơi phải vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa là nguồn tình yêu và lòng thương xót.
Chính Chúa Giê su đang hiện diện nơi những người nghèo khó, đau khổ mà những người giầu có và quyền thế trong xã hội đang ngoảnh mặt làm ngơ, hay vô cảm trước sự đau khổ của người khác. Chúa cũng đang thách đố mọi người tín hữu chúng ta thực thi bác ái với các anh chị em xấu số , kém may mắn hơn mình.
Thực thi bác ái đúng nghĩa là thương xót người khác đang cần sự giúp đỡ tinh thần và thể xác để sống xứng đáng với nhân phẩn của mình.Thương xót chứ không phải là thương hại ( pity) , vì thương hại chỉ là hành động bố thí cho ai chút của dư thừa của mình mà không cảm thương nỗi khổ của người cũng có phẩm giá như mình, và chỉ khác ở chỗ nghèo đói hơn mình mà thôi. Ngược lại, thương xót là thực sự cảm thông nỗi khổ của người khác và muốn giúp cho họ vượt qua khó khăn về tinh thần hay vật chất để họ cũng được ngang hàng như mình về mọi phương diện.
Chúa Giêsu-Kitô là hiện thân của lòng thương xót của Chúa Cha dành cho toàn thể nhân loại. Vì yêu thương và thương xót nhân loại đáng phải phạt vì tội lỗi, nên Chúa đã xuống trần gian làm Con Người, để “hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người.” ( Mt 20:28).
Vì thế, nếu không có cộng nghiệp cứu chuộc cực trọng của Chúa Kitô, thì tuyệt đối không ai có thể làm được gì để đáng được cứu rỗi mà vào Nước Trời mai sau.
Ngoài Chúa Giêsu ra, Mẹ Maria cũng là mẫu gương yêu thương và thương xót sâu đậm đối với loài người tội lỗi.
Thật vậy, khi Mẹ xin vâng với Sứ Thần Grabriel đến truyền tin cho Mẹ được vinh phúc cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loai, Mẹ đã thể hiện lòng thương xót lớn lao của Mẹ dành cho toàn thể nhân loại đang trong nguy cơ bị phạt đời đời vì tội.
Trong bối cảnh này, lời “xin vâng” của Mẹ không những nói lên lòng tin yêu vâng phục tuyệt đối của Mẹ với Thiên Chúa, mà còn nói lên lòng thương xót sâu đậm của Mẹ dành cho toàn thể nhân loại đang cần được cứu sống để vào Nước Trời hưởng vinh phúc đời đời với Chúa.
Nghĩa là,, sự “ xin vâng” của Mẹ quan trọng đến nỗi nếu không có sự vâng phục này, thì Chúa Giêsu không thể sinh ra làm Con Người để đến trần gian hy sinh cứu chuộc cho loài người khỏi án phạt đời đời vì tội. Như thế, Mẹ thực là đại ân nhân của nhân loại sau Chúa Kitô, Vị Cứu tinh duy nhất của loài người . Mẹ đã thương xót nhân loại , và cũng muốn cho mọi người được cứu độ, nên Mẹ đã “xin vâng với Chúa để chuyên chở lòng thương xót , tha thứ của Thiên Chúa Cha cho nhân loại qua Chúa Kitô , Con của Mẹ và cũng là Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Khi cưu mang Chúa Giê su trong cung lòng khiết trinh của mình, Mẹ cũng cưu mang lòng thương xót của Chúa Cha vì Chúa Giê-su là hiện thân của lòng thương xót đó. Như vậy, nhờ Mẹ công tác với Chúa mà nhân loại thoát khỏi bị phạt đời đời vì tội. Cho nên, khi cảm tạ và ca ngợi lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng phải cảm tạ và ca ngợi lòng thương xót của Mẹ dành cho nhân loại qua việc Mẹ xin vâng với Chúa Cha để trở thành Mẹ thật của Chúa Con và do đó, Mẹ cũng trở nên Đấng đồng công cứu chuộc nhân loại với Con của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô, Đấng “ trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.” ( 1Tm 2:5)
Sự cộng tác này thật vô cùng quan trọng, vì nếu không có sự ưng thuận của Mẹ Maria, thì làm sao Chúa Giêsu có thể sinh ra trong trần gian làm Con Người để thi hành Chương Trình cứu chuộc nhân loại của Chúa Cha, ´Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 : 4) .
Mặt khác, Mẹ cũng thể hiện lòng thương xót của Mẹ qua sự nhậy cảm ( sensiti vity) trước mọi nhu cầu chính đáng của người khác. Sự kiện này đã thể hiện cụ thể khi Mẹ đến dự tiệc cưới ở Cana cùng với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa. Mẹ là người duy nhất đã lưu ý đến việc gia chủ hết rượu đang khi tiệc cưới còn diễn ra. Vì thế, Mẹ đã can thiệp bằng cách nói với Chúa Giêsu là “ họ hết rượu rồi ” với dụng ý xin Chúa làm phép lạ cho có rượu để giúp cho gia đình chú rể khỏi xấu hổ với khách dự tiệc. Nhờ Mẹ can thiệp vì lòng thương xót và nhậy cảm mà Chúa Giêsu đã làm phép lạ biến nước thành rượu ngon, dù giờ của Chúa chưa đến.( Ga 2 : 1-12)
Như thế, khi lưu ý đên nhu cầu của chủ tiệc, và xin Chúa làm phép lạ, Mẹ cũng dạy mọi người chúng ta bài học bác ai đích thực, bài học biết quan tâm đến người khác, đặc biệt đến những người xấu số bị xã hội bỏ quên hay dửng dưng trước sự đau khổ nghèo hèn của họ. Con người ở khắp mọi nơi đa số chỉ biết lo cho mình được giầu sang, danh vọng , nên hoàn toàn lãnh cảm hay dửng dưng trước sự nghèo hèn, đau khổ của người khác. Nếu ai cũng nhậy cảm trước sự đau khổ, khó khăn của người khác theo gương của Mẹ Maria, thì nhân loại đã bớt đi biết bao khổ đau tinh thần và thể xác.
Sau hết và quan trọng hơn hết là khi đứng dưới chân thánh giá, Mẹ đã thông phần đau khổ cực nạn với Chúa Giêsu bị treo trên thập giá để đền tội thay cho nhân loại tội lỗi. Mẹ đã đau đớn khi ôm lấy xác con vào lòng và đi theo để mai táng Chúa trong Mồ đá. Ai có thể thấu được nỗi đau khổ lớn lao của Mẹ từ lúc gặp Chúa vác thập giá ở chặng thứ 4 cho đên khi táng xác Chúa trong mồ và lủi thủi trở về nhà tối hôm đó trong nỗi khổ đau ngoài sức tưởng tượng và chịu đựng của con người.
Nhưng Mẹ Maria đã can đảm chịu hết mọi khổ đau mà không một lời thở than oán trách ai.
Tại sao Mẹ lại phải chịu đớn đau làm vậy,?
Câu trả lời chắc chắn nhất là tại vì Mẹ thương xót nhân loại cùng với Con của Mẹ là Chúa cứu thế Giêsu, nên đã cùng chịu đau khổ với Chúa để đồng công cứu chuộc với Chúa cho loài người được tha tội và có hy vọng được vào Nước Trời mai sau
Như thể đủ cho ta thấy Mẹ Maria đã thương xót mọi người chúng ta như thế nào.
Mẹ thương xót và cảm thông thân phận tội lỗi của nhân loại, nên đã thông phần đau khổ với Chúa Kitô để loài người được tha tội và nối lại tình thân với Chúa Cha từng bị gián đoạn vì tội lỗi.
Tóm lại, vì thương xót nhân loại đáng phải phạt vì tội, mà Mẹ đã xin vâng với Chúa Cha để Chúa Con được sinh ra trong cung lòng khiết trinh của Mẹ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Từ ngày nhận làm Mẹ Ngôi Hai cho đến ngày Chúa Giê su bị treo và chết trên thập giá, Mẹ đã vui lòng chịu mọi đau khổ để thông phần thống khổ với Con của Mẹ hầu cho nhân loại khỏi phải phạt và có hy vọng được vào Nước Trời hưởng phúc Thiên Đàng với Chúa là Cha cực tốt cực lành, sau khi chấm dứt hành trình con người trên trần thế này.
Chúng ta phải cảm tạ Thiên Chúa hết lời vì đã ban cho chúng ta một người Mẹ tuyệt vời, và cám tạ Mẹ Maria về mẫu gương yêu thương và thương xót dành cho hết mọi người chúng ta.Amen.
Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn