Các thánh Tiến sĩ Hội Thánh và các thánh nói gì về lòng thương xót Chúa?
1. Thánh Ephrem (306-373)
“Tôi biết tôi phạm tội quá đỗi, tôi có thể nói rằng tất cả những gì trong tôi là ô uế và xấu xa. Nhưng, khi sánh với lòng thương xót chứa chan, với khi tàng tình thương, tội lỗi tôi, dù có thế nào đi nữa, cũng chỉ là giọt nước, tôi tin rằng nếu tôi được hạnh phúc gần Ngài, tôi sẽ được thanh tẩy mọi lỗi lầm và mọi điều sai trái của tôi vì Ngài sẽ tẩy trừ mọi hư đốn và bất công, vì thần tính, sự thánh thiện và sự thanh sạch của Ngài quá lớn lao” (Bài giảng về người đàn bà tội lỗi).
2. Thánh Âu-tinh (354-430)
“Thật vậy, tội lỗi làm con người xa lánh Thiên Chúa, nếu họ có thể được thanh tẩy ở đời này, thì không hề do nhân đức nhưng do lòng thương xót Chúa” (Thành đô Thiên Chúa, sách 10, ch. 22)
3. Thánh Césaire d’Arles (470-542)
Từ ngữ “lòng thương xót” rất dịu dàng. Ai cũng muốn lòng thương xót, điều bất hạnh là mọi người đã không làm cái phải làm để xứng đáng lãnh nhận nó. Ai cũng muốn nhận nó, nhưng lại không trao tặng nó. Cần phải bắt đầu thi hành ngay ở dưới đất, thì sẽ được lãnh nhận trên trời. Hãy lấy nó như cái bảo vệ trên thế gian này, để nó được ban chúng ta ở đời sau. Thật vậy, có lòng thương xót trên trời chúng ta sẽ đạt được qua những lòng thương xót dưới đất. Kinh Thánh nói : Lạy Chúa, lòng thương xót của Chúa trên trời.
Như vậy là có lòng thương xót thuộc về con người và lòng thương xót thuộc về Thiên Chúa. Định nghĩa thế nào về lòng thương xót thuộc về con người? Đó là những nỗi khổ của người nghèo. Còn lòng thương xót thuộc về Thiên Chúa? Chắc chắn đó là ơn tha thứ tội lỗi. lòng thương xót loài người đang tiêu hao trên hành trình dương thế, lòng thương xót thuộc về Thiên Chúa sẽ trả lại tiêu hao đó trên thiên quốc. Vì chính Chúa ở đời này đang lạnh lẽo, đói khát nơi người nghèo : “Mỗi khi làm cho họ là làm cho chính Ta”. Từ trời cao, Thiên Chúa muốn cho, dưới đất Ngài muốn nhận. Khi kẻ nghèo đói, chính Đức Kitô đang khốn cùng, như Ngài đã nói: Ta đói và các ngươi không cho ăn. Vậy đừng khinh chê người nghèo, nếu hy vọng vào ơn tha thứ. Ngài đang đói nơi người nghèo và sẽ trả lại sau ở trên trời.
Anh chị em muốn gì, tìm gì nơi Giáo Hội? Nếu không phải là lòng thương xót. Hãy cho lòng thương xót ở trần gian, thì sẽ nhận lòng thương xót trên trời. Người nghèo xin anh chị em, anh chị em xin Chúa. Họ xin mẩu bánh, anh chị em xin sự sống đời đời. Sẽ trơ tráo khi mình muốn nhận cái mình không muốn cho, tức là muốn nhận lòng thương xót mà không cho Lòng xót thương.
4. Thánh Bonaventure (1221-1274)
“Vâng, lòng thương xót của Chúa chúng ta thật vô biên. Ngay cả khi mọi tội lỗi còn ở trong anh chị em, mọi tội đã và sẽ mắc phải, lòng thương xót Chúa sẽ thắng tất cả” (Các tác phẩm thiêng liêng).
5. Thánh Têrêxa Avila (1515-1582)
“Chúng ta hãy phó thác cho Chúa, lòng nhân từ Chúa lớn lao hơn sự dữ của chúng ta; lòng ăn năn thống hối của chúng ta làm cho Chúa quên đi sự phụ bạc của chúng ta, thay vì trừng phạt chúng ta vì đã lạm dụng ân sủng của Ngài, ân sủng đó khiến Ngài tha thứ cho chúng ta. Ước mong những ai đang sống trong tình trạng này, hãy nhớ điều Ngài nói trong Tin mừng, nhớ cách thức Ngài dành cho tôi, chính tôi đã xúc phạm đến Ngài, Ngài không ngừng tha thứ cho tôi. Nếu Ngài không ngừng trao ban, nếu nguồn suối lòng thương xót của Ngài vô tận, chúng ta không hề bất hạnh khi mà đón nhận lòng thương xót đó ?” (Tác phẩm trọn vẹn. Đời sống tự thuật của thánh nhân, ch. 19).
6. Thánh Gioan Vianney (1786-1859)
“Không phải tội nhận trở về với Chúa để xin Ngài tha thứ, nhưng chính Chúa chạy theo tội nhận để đưa họ trở về với Ngài”.
“Có ai nói: tôi đã làm quá nhiều điều xấu, Chúa nhân lành không thể tha thứ cho tôi”. Đó là lời phạm thượng lớn. Vậy là đặt ranh giới với lòng thương xót, lòng thương xót không hề có vậy: lòng thương xót thật vô biên”.
(Trích trong cuốn sách nhỏ: sự kiên nhẫn của Ngài chờ đợi chúng ta… – 100 lời của thánh Gioan Vianney về lòng thương xót).
“Mãi mãi chúng ta chúc tụng lòng thương xót Chúa, Đấng mở cho chúng ta kho tàng của Ngài một nguồn suối chữa những bất hạnh của chúng ta! Đúng, dù tội chúng ta có lớn đến đâu, dù lối sống của chúng ta có lầm lạc thế nào, chúng ta tin chắc vào ơn tha thứ, giống như đứa con hoang đàng, chúng ta sấp mình dưới chân của Cha tốt lành nhất trong số những người cha cùng với trái tim tan nát vì đau khổ” (Bài giảng chúa nhật về sự ăn năn).
7. Chân phước Maria Gioan-Giuse Lataste (1832-1869)
“Anh chị em đã nghe, anh chị em đã hiểu: dù những vết nhơ của anh chị em thế nào, lỗi lầm quá khứ ra sao, chỉ cần anh chị em sám hối, chỉ cần thích đón nhận sự tha thứ mọi tội lỗi và trở về với sự thanh sạch đã bị mất… Khi tội lỗi có đỏ như vải điều, Thiên Chúa cũng làm cho tâm hồn anh chị em trắng hơn tuyết. Hơn nữa, nếu anh chị em muốn, anh chị em có thể giữ cho tâm hồn mình không bao giờ bị hư hỏng và cầm cành thiên tuế chiến thắng” (Maria Gioan-Giuse Lataste, Robert et Claude Evers, tr. 175).
8. Thánh Têrêxa hài đồng Giê su (1873-1897)
“Với những ai yêu mến Ngài và đến với Ngài, sau mỗi xúc phạm, xin Ngài tha thứ bằng việc nhờ Ngài che chở, CGS rất đỗi vui mừng. Ngài nói với các Thiên thần của Ngài điều mà cha của người con hoàng đàng nói với các đầy tớ: “Mặc cho nó cái áo đẹp nhất, xỏ nhẫn vào ngón tay cho nó, nào ta hãy vui mừng”. À! anh em ơi, lòng tốt, tình yêu khoan dung của CGS ít được biết đến!…
Vâng, tôi cảm nhận điều đó, khi tôi ý thức mọi tội có thể xúc phạm, tôi sẽ đến với CGS với trái tim tan vỡ của lòng thống hối vì tôi biết Ngài yêu quí đứa con hoang đàng trở về với Ngài” (Ms C, 36 v°)
9. Matta Robin (1902-1981)
“Hãy dìm mình trong Tình yêu của Thiên Chúa tốt lành, dù tội lỗi nào anh chị em có phạm; bởi vì một linh hồn không đẹp lòng Chúa vì linh hồn không có tội, nhưng bởi vì linh hồn đó tin vào lòng thương xót Chúa, và với tất cả niềm tin linh hồn đó phó thác cho tình yêu Ngài” (Thư của Matta Robin viết vào tháng 8 năm 1954).
Lm. Vinhsơn Đinh Minh Thỏa
(Còn nữa)