Ở bên Đức, tại mỗi khu phố hay làng mạc đều để các thùng của hội Caritas. Mọi người đều có thể đưa quần áo và giày dép cũ không còn sử dụng vào thùng từ thiện đó. Hội Caritas sẽ chuyển tiếp cho những người nghèo ở các nước khó khăn. Có lần, nghe bà mẹ trong một gia đình nói rằng, trước khi chúng ta đưa quần áo đi để bỏ vào trong thùng từ thiện ấy, thì cần phải giặt sạch sẽ, gấp vào đàng hoàng, bỏ vào bịch và đưa tới thùng từ thiện. Một nét của văn minh tình thương và bác ái mà có lẽ mọi người ai cũng cần phải cố gắng để thực thi. Thật vậy, khi cho kẻ rách rưới ăn mặc là chúng ta đang tôn trọng phẩm giá cao quý của họ. Phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao ban cho mọi người. Sách Sáng Thế nhắc tới hình ảnh của A-đam và E-và đã được Thiên Chúa trao ban áo mặc: “Đức Chúa là Thiên Chúa làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ” (St 3,21). Tội lỗi đã dẫn đến hình phạt, nhưng đồng hành với hình phạt là lòng thương xót của Thiên Chúa. Tội lỗi của A-đam và E-và không dẫn hai người tới cái chết, nhưng dẫn tới sự lưu đày. Khi hai ông bà bị lưu đày, thì cả hai được Thiên Chúa giàu lòng thương xót che chở qua chính chiếc áo Chúa đã làm ra và trao ban cho cả hai. Chiếc áo này che chở họ trước gió bão và bảo vệ họ trước những đe doạ hiểm nguy từ bên ngoài.[i] Ở đây, cũng nên nhắc lại tâm tình của Kasper, khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người giữa nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (x.St 3,21).[ii] Chiếc áo Thiên Chúa trao ban không chỉ che chở con người, mà chiếc áo đó còn mang ý nghĩa tôn trọng phẩm giá cao quý của con người. Con người có quyền được ăn no mặc ấm. Đó là điều mà mọi người ai cũng ao ước và vì thế chúng ta luôn cố gắng không chỉ lo cho mình được mặc ấm và mặc đẹp, mà còn hướng đến anh chị em nghèo khổ, để theo gương của Thiên Chúa từ nhân, trao tặng cho anh chị em rách rưới những chiếc áo che thân.
Câu chuyện của Thiên Chúa mặc áo cho A-đam và E-và cũng đang được sống động trong cuộc đời thực tế. Câu chuyện của một tu sĩ trẻ trên cánh đồng truyền giáo ở đất nước Lào nghèo nàn diễn tả một niềm vui sâu xa, niềm vui của người môn đệ đi tìm kiếm lại vẻ đẹp của Thiên Chúa trên những khuôn mặt nhỏ bé và nghèo hèn: “Câu chuyện về một chú bé mà em có dịp gặp khi đi thăm làng Navai ở Lào trong một ngày lạnh lẽo. Tụi em đã thấy một chú bé co ro vì không đủ ấm dưới một làn áo đơn sơ giữa thời tiết lạnh giá. Hai anh em tụi em thì được bọc dưới mấy lớp áo ấm mà vẫn thấy lạnh. Một trong hai tụi em đã cho chú bé ‘mượn’ một chiếc áo gió để em mặc cho bớt lạnh. Chú bé trả lại áo cho bọn em sau khi đã thấy ấm hơn. Không lâu sau đó khi có dịp thăm lại làng ấy tụi em đã tặng cho bé một chiếc áo ấm. Chú bé đã rất vui và hạnh phúc về điều ấy. Chú bé còn bày tỏ khao khát được học giáo lý và được rửa tội. Từ kinh nghiệm này mà tụi em đã khởi động chương trình áo ấm cho trẻ em trong hai làng Navai và Mương-phương, dù lúc ấy không có một đồng trong tay. Nhưng tạ ơn Chúa là lúc này tụi em không những có đủ số tiền cho chương trình này mà còn dư ra một ít nữa chứ!”. Chiếc áo ấm của lòng thương xót đã làm cho thân người nhỏ bé và nghèo khó ấm êm. Chiếc áo ấm đưa lại cho lòng người niềm vui đích thật. Niềm vui của em bé nghèo hèn lạnh lẽo được người môn đệ của Chúa thương xót và trân quý. Niềm vui này tương hớp với lời mời gọi của Chúa: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có” (Lc 3,11).
Câu chuyện của người tu sĩ này làm tôi nhớ lại câu chuyện nổi tiếng trong truyền thuyết về thánh Martin thành Tour. Chuyện kể rằng: Một đêm hoàn toàn đóng băng (có lẽ là trời mưa, hoặc tệ hơn là vẫn còn bông tuyết), Martin cưỡi trên lưng ngựa, khoác trên mình chiếc áo choàng màu đỏ rất ấm, khi ông đi đến các bức tường thành phố Amiens, Gaul (ở Pháp). Ở đó, ông phát hiện một người đàn ông nhỏ bé, ngồi trên mặt đất, co ro trong bộ quần áo mỏng manh rách rưới của mình. Người đàn ông muốn cầu xin ai đó giúp đỡ nhưng ông đã bị lạnh cóng, đôi môi dường như đông cứng lại với nhau. Đội quân của Hoàng đế đã đi qua và chỉ cười với ông ta, trước khi họ bước vào một trong các quán bar của thị trấn với những đồ ăn, thức uống và bếp lửa ấm áp. Bây giờ vận may của người ăn xin đã thay đổi, khi Martin rút kiếm cắt tấm áo choàng màu đỏ của mình thành hai mảnh, một nửa dành cho người đàn ông nghèo khổ. Đôi môi của người ăn xin dần dần bớt cóng lại, vì thế ông ta bắt đầu nói “cám ơn”, nhưng Martin đã đi trước đó bởi vì ông là người khiêm tốn và e thẹn. Đêm hôm sau, Martin kể lại, ông có một giấc mơ, dù không ai thực sự biết chắc chắn, bởi vì ông là người duy nhất ở đó, nhưng người ta nói ông mơ đã gặp lại người đàn ông nghèo đó một lần nữa và người ấy chính là Chúa Giê-su, Ngài muốn kiểm tra xem Martin có đúng thực là một người đàn ông tốt hay không. Như vậy, Ngài đã thực sự vui bởi vì Ngài đã nói với ông: “Những gì bạn đã làm cho người đàn ông nghèo này, chính là bạn đã làm cho tôi!”.
Lời cuối cùng của câu chuyện về thánh Martin đưa chúng ta về lại lời của Chúa Giê-su: “Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc” (Mt 25,36). Chúa Giê-su hiện diện trong những anh chị em đang rách rưới, đang trần truồng. Chúa và họ đang cần đến những chiếc áo của lòng nhân ái, để che chở bản thân trước những đe doạ của gió bão, để gìn giữ phẩm giá cao quý của con người. Phẩm giá này không bao giờ mất đi, dù con người có đón nhận những cơn bệnh đau đớn.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ